Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

HRW : Nhân quyền ở Việt Nam 2014 vẫn ở mức báo động

vietnam cong an

Cảnh sát và dân phòng bao vây những người biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn, ngày 18/05/2014 Reuters



Trong báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới 2015, được công bố hôm nay, 29/01/2015, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch cho rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2014 « vẫn ở mức báo động ».

Dù con số các nhà hoạt động và các blogger bị bắt có ít hơn so với năm 2013, nhưng lực lượng an ninh gia tăng sách nhiễu và đe dọa những người chỉ trích chính phủ dưới nhiều hình thức.

Trong báo cáo năm nay, HRW nhắc lại rằng Việt Nam đã chấp thuận 182 trong số 227 khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong kiểm điểm đánh giá định kỳ về tình hình nhân quyền của Việt Nam vào tháng 06/2014, nhưng lại từ chối thi hành các khuyến nghị thiết yếu, như phóng thích tù chính trị và những người bị bắt mà không có cáo buộc hay phiên tòa xét xử, cải tổ pháp luật để chấm dứt các án tù có động cơ chính trị nhắm vào những người chỉ thực thi các quyền con người cơ bản một cách ôn hòa, thành lập một cơ quan nhân quyền độc lập cấp quốc gia, và các bước đi khác để thúc đẩy người dân tham gia vào chính trị.

Báo cáo của HRW cũng nhấn mạnh là chính quyền Việt Nam vẫn thường sử dụng các điều luật về “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Các cây bút độc lập, blogger độc lập và các nhà hoạt động nhân quyền thường xuyên bị công an dọa nạt và sách nhiễu, bị bắt giữ tùy tiện, giam giữ nhiều ngày mà không được trợ giúp pháp lý hay được gia đình vào thăm.

HRW nhắc lại một số vụ điển hình như vào tháng 02/2014, nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh bị bắt trên đường tới nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, với tội danh ngụy tạo là gây cản trở giao thông.

Ba người bị kết án vào tháng 08/2014 về tội « gây rối trật tự công cộng », với các mức án từ hai đến ba năm tù.

Theo HRW, xu hướng đàn áp các blogger vẫn tiếp diễn, nổi bật là các phiên tòa trong tháng 03/ 2014 xử Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự.

 Trương Duy Nhất bị kết án tới hai năm tù và Phạm Viết Đào tới 15 tháng. Đến tháng 05/2014, chính quyền bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (thường được biết với bút danh Anh Ba Sàm) và cộng sự viên Nguyễn Thị Minh Thúy, cũng với cáo buộc là vi phạm điều 258.
Tổng cộng có tới ít nhất là 10 người đã bị kết án theo điều 258 trong năm 2014.

HWR cũng lưu ý là tình trạng những nhà hoạt động nhân quyền bị hành hung rất phổ biến.
Chẳng hạn như vụ xảy ra vào tháng 02/2014, một nhóm côn đồ tấn công và đánh đập blogger Huỳnh Ngọc Tuấn và con trai ông, Huỳnh Trọng Hiếu, ở tỉnh Quảng Nam.

 Hai tháng trước đó, ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã bị đánh gẫy xương trong một vụ tấn công khác, khi ông đang đi vận động cho các cựu tù nhân chính trị.
Một vụ đáng chú ý khác là vụ côn đồ tấn công và đánh trọng thương cựu tù nhân chính trị và blogger Trương Minh Đức vào tháng 11/2014.

Báo cáo của HRW cũng đặc biệt nêu lên nạn bạo hành, thậm chí gây chết người trong khi bị công an giam giữ.
Trong năm 2014, ngay cả báo chí do chính phủ kiểm soát gắt gao cũng thường đưa tin về các vụ bạo hành này.

Switch mode views: