Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thượng đỉnh ASEAN dè dặt trên vấn đề Biển Đông

MYANMMAR-ASEAN



Các nguyên thủ châu Á nhân lễ khai mạc Thượng đỉnh ASEAN © Reuters

Ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh Nay Pyi Daw khai mạc hôm nay, 12/11/2014, Ban thư ký của ASEAN đã ra thông báo cho biết rằng tại thượng đỉnh lần này, mọi vấn đề khu vực và quốc tế mà toàn khối Đông Nam Á đều quan tâm và quan ngại sẽ được đề cập đến, đặc biệt là "những vấn đề có ảnh hưởng đáng kể đến hòa bình và an ninh khu vực, như vấn đề Biển Đông".

Thế nhưng, ngoài hai nước Việt Nam và Philippines, đa số các thành viên ASEAN khác lại tỏ ra rất dè dặt, như nhận định của đặc phái viên RFI Việt ngữ Thanh Phương từ Nay Pyi Daw.

Lập trường của Việt Nam

Như dự đoán, trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể thượng đỉnh ASEAN do Tổng thống Miến Điện Thei Sein chủ trì, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt nêu lên vấn đề Biển Đông. Lãnh đạo chính phủ Việt Nam nhấn mạnh rằng :
"Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm".

Những việc làm này, theo ông Nguyễn Tấn Dũng là trái với quy định của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông DOC.

Cho nên, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của DOC, cụ thể là "kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)".

Ông Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi việc ASEAN - Trung Quốc thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, đẩy mạnh đàm phán nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển ĐÔng COC có tính ràng buộc.

Lập trường của Philippines

Đây là lần đầu tiên tổng thống Begnino Aquino gặp các đồng nhiệm Đông Nam Á, nhất là những nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, kể từ khi Philippines vào tháng 3 vừa qua kiện Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài Liên hiệp quốc về bản đồ đường "lưỡi bò" do Trung Quốc áp đặt lên Biển Đông.

Ai cũng tưởng là Tổng thống Aquino sẽ một lần nữa tỏ lập trường rắn với Trung Quốc, bởi vì trước khi diễn ra hội nghị chính ông đã nói là sẽ nêu lên các hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines, nhưng rốt cuộc theo lời phát ngôn viên Tổng thống Philippines Herminio Coloma, trả lời báo chí hôm nay, trong phiên họp toàn thể thượng đỉnh ASEAN hôm nay, ông Aquino lại không nhắc gì đến Trung Quốc.

Phải chăng đây là hệ quả của cuộc gặp ngày hôm qua giữa Tổng thống Philippines với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh?.

Theo lời ông Coloma, cuộc gặp này là một " bước phát triển tích cực " giữa hai lãnh đạo Philippines và Trung Quốc. Ông Aquino còn khuyến khích các nước khác trong ASEAN nên tiếp tục thương lượng với Trung Quốc.

Tuy vậy, phát ngôn viên Tổng thống Philippines khẳng định với báo chí rằng Manila sẽ vẫn giữ nguyên vụ kiện Trung Quốc.
Mà dù gì đi nữa thì Bắc Kinh cũng đã nói trước rằng họ không công nhận thẩm quyền của tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc trong vụ kiện này.

Lập trường các nước ASEAN khác

Trước hết là nước chủ nhà Miến Điện. Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh Nay Pyi Daw sáng nay, Tổng thống Thein Sein đã không trực tiếp đề cập vấn đề Biển Đông, mà chỉ kêu gọi các đồng nhiệm Đông Nam Á tiến tới "một khối ASEAN dựa trên luật pháp và dựa trên các chuẩn mực".

Tuyên bố này được coi là ngầm nhắc tới lời kêu gọi của Philippines giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng luật pháp quốc tế về biển.
Nhưng rõ ràng là ông Thein Sein đã muốn tránh bị lôi kéo vào vấn đề tranh chấp giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc, hiện vẫn là đồng minh quan trọng của chính quyền Nay Pyi Daw.

Bản thông cáo báo chí, công bố sau phiên họp toàn thể thượng đỉnh ASEAN chỉ cho biết là các lãnh đạo đã "trao đổi quan điểm" trên vấn Biển Đông, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Trong cuộc họp báo hôm nay tại Nay Pyi Daw, phát ngôn viên Tổng thống Philippines cho biết là nói chung, trong phiên họp toàn thể hôm nay, toàn bộ các lãnh đạo ASEAN cũng thấy cần phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông và phải đạt đến một bộ quy tắc ứng xử, bởi vì đây là "yếu tố quan trọng để duy trì hòa bình và an ninh khu vực".
Nhưng ông Coloma từ chối xác nhận rằng trong phiên họp toàn thể lần này, tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc đã là chủ đề chính.

Theo phát ngôn viên tổng thống Philipines, cuộc họp hôm nay chủ yếu bàn về sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, dự trù vào năm tới.
Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, trong vai trò trung gian, đã kêu gọi các bên tự kềm chế, không sử dụng vũ lực và nhanh chóng hoàn tất bộ quy tắc ứng xử COC.

Bây giờ phải xem là bản tuyên bố của chủ tịch ASEAN của cuộc họp thượng đỉnh ASEAN đề cập đến vấn đề Biển Đông với những từ ngữ như thế nào, nhưng rõ ràng là tại cuộc họp thượng đỉnh Nay Pyi Daw, khối ASEAN nói chung đã tỏ ra rất dè dặt trên vấn đề này.

Có lẽ là họ cũng đang chờ xem thái độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp thượng đỉnh Đông Á ngày mai, 13/11/2014, vì dẫu sao, vấn đề Biển Đông còn tùy thuộc vào việc Hoa Kỳ có chứng tỏ được vai trò lãnh đạo khu vực trước sự bành trướng thế lực Trung Quốc hay không.

Switch mode views: