Bóng đá, một đòn bẩy ngoại giao
- Thứ Năm, 12 tháng Sáu năm 2014 23:10
- Tác Giả: Terri Dinh
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và chiếc cúp chính thức của giải bóng đá thế giới 2014, tại Sao Paolo ngày 05/06/2014.
REUTERS/Paulo Whitaker
Cúp bóng đá thế giới mở ra trong bối cảnh Liên đoàn FIFA bị chỉ trích tham nhũng, cho phép Qatar tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2022.
Cúp bóng đá Brazil tốn tương đương với những chi phí trong mùa bóng đá ở Nam Phi 2010 và tại Đức năm 2006 cộng lại.
Brazil, nước chủ nhà tổ chức lễ hội bóng đá đang chịu nhiều áp lực : Mọi người nhìn nhận tổ chức Cúp bóng đá thế giới là cơ hội tốt để quảng cáo cho quốc gia Nam Mỹ này, nhưng một phần dân chúng bất mãn, vì cho rằng, ưu tiên phải được dành cho các khoản chi tiêu về xã hội hơn là đầu tư hàng chục tỷ để xây dựng các sân vận động.
Vé vào cửa để xem bóng đá lại quá đắt so với túi tiền của một phần lớn người dân xứ này.
Trả lời phỏng vấn đài RFI, giám đốc Viện nghiên cứu về quan hệ chiến lược quốc tế, IRIS ông Pascal Boniface nhìn nhận nhu cầu minh bạch hóa các hoạt động của FIFA và những tranh cãi về những tốn kém cho việc tổ chức một sự kiện thể thao trọng đại thì vẫn là đề tài xưa như trái đất :
« Đương nhiên là các đường lối hoạt động của FIFA cần phải được minh bạch hóa cho dù, tranh cãi chính liên quan đến thể thức bầu ra chủ tịch Liên đoàn bóng đá nhiều hơn là về tai tiếng do FIFA đã chọn Qatar để tổ chức Cúp bóng đá thế giới.
Bên cạnh đó là câu hỏi nên hay không chi ra rất nhiều tiền của để tổ chức một sự kiện thể thao trọng đại như Cúp bóng đá thế giới hay Thế vận hội Olympic.
Môn bóng đá được tất cả mọi người chú ý cho nên những lôi thôi liên quan đến bộ môn thể thao này được truyền thông nói đến nhiều hơn, những chỉ trích qua đó cũng nặng nề hơn.
Nhưng nhìn chung, trong lĩnh vực thể thao, phải nói là các vụ tai tiếng giờ đây ít xảy ra hơn so với trong quá khứ.
Trước kia từng xảy ra những vụ trọng tài thiên vị nước chủ nhà … Giờ đây các trận đấu được coi là công bằng hơn »
Một chuyên gia khác cũng thuộc Viện IRIS, Sébastien Abis chia sẻ quan điểm này và ông nêu bật những vấn đề cụ thể của nước chủ nhà Brazil trong mùa lễ hội bóng đá 2014 :
« Trong trường hợp của Brazil, nổi bật nhất là nỗi bất bình của người dân vài tuần lễ trước khi Cúp bóng đá thế giới khai mạc. Điều này lại càng đáng ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng, người dân Brazil tôn thờ bộ môn thể thao này đến mức độ nào.
Brazil là một quốc gia có cách biệt giàu nghèo còn rất lớn, một thành phần trong xã hội đang chật vật với đời sống hàng ngày.
Lạm phát gia tăng, giá lương thực thực phẩm hay giá vé xe điện tăng cao, gây khó khăn cho biết bao nhiêu hộ gia đình. Trong bối cảnh đó, nhiều người phẫn nộ và chỉ trích chính quyền Brazil chi ra quá nhiều tiền bạc đển tổ chức lễ hội bóng đá thay vì dùng số tiền đó để cải thiện đời sống cho người dân, để đầu tư vào giáo dục, y tế, phát triển cơ sở hạ tầng … Nhưng bên cạnh đó cũng phải nói Cúp bóng đá thế giới là cơ hội để tiếng nói của người dân Brazil được lắng nghe ».
Cúp bóng đá là cơ hội bằng vàng của các doanh nghiệp, nhưng cũng là một sự kiện mang nặng màu sắc chính trị.
Brazil bị chỉ trích là hoàn toàn đặt mình dưới sức ép của FIFA. Pascal Boniface, Viện nghiên cứu IRIS cho biết :
« Có hai vấn đề đặt ra ở đây. Một là FIFA đã áp đặt với phía Brazil một số điều kiện - chẳng hạn như những người bán hàng rong không được hoạt động nếu không có giấy phép của FIFA.
Trong khi đó ai cũng biết tại Brazil, khu vực kinh tế chợ đen chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Điều đó có nghĩa là một phần dân chúng Brazil cảm thấy họ bị gạt ra ngoài và không có cơ hội để làm ăn trong mùa bóng đá năm nay.
Thêm vào đó, giá vé vào cửa các sân vận động vượt quá khả năng tài chính của người dân trung bình. Brazil tổ chức Cúp bóng đá, mà người dân tại một quốc gia hâm mộ bóng đá như Brazil lại không được đến sân vận động để xem tận mắt các cuộc tranh tài.
Yếu tố thứ nhì là bản thân chính quyền Brazil cũng phải có trách nhiệm trong vụ này. Thí dụ như FIFA đòi nước chủ nhà bảo đảm có được 10 sân vận động cho các trận đấu.
Thế nhưng Brazil lại xung phong xây thêm hoặc trùng tu đến 12 sân vận động cho sự kiện thể thao này. Nhưng 3 trong số 12 sân vận động đó, sẽ hoàn toàn vô dụng sau mùa tranh tài năm nay.
Đây là một sự lãng phí mà người dân Brazil khó có thể chấp nhận được. Ở đây tôi muốn lưu ý : Lập luận cho rằng môn bóng đá là một thứ thuốc phiện, ru ngủ quần chúng hoàn toàn sai trong trường hợp của Brazil.
Những đòi hỏi của xã hội Brazil bùng lên nhân dịp quốc gia này tổ chức Cúp bóng đá thế giới và đây là cơ hội để cả thế giới cùng nhìn vào một đất nước vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như Brazil ».
Vì sao một nước còn đang trên đà phát triển, như Brazil hay Nam Phi trước đây, lại bằng mọi giá muốn được tổ chức một sự kiện thể thao tốn kém như Cúp bóng đá thế giới ?
Giám đốc viện IRIS Pascal Boniface trả lời :
« Nam Phi là một quốc gia đang trỗi dậy. Quốc tế nhìn nhận điều đó qua việc chọn Nam Phi để tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2010 và qua Nam Phi, thế giới còn công nhận sự trỗi dậy của cả một châu lục.
Cả Châu Phi khi đó đã rất tự hào. Trong trường hợp của Brazil khi được chọn tổ chức cả Cúp bóng đá thế giới 2014 lẫn Thế vận hội 2016, đây cũng là một sự công nhận của cả thế giới trước đà vươn lên của Brazil trên sân khấu quốc tế.
Vấn đề đặt ra là FIFA đã chỉ định Brazil để tổ chức sự kiện thể thao này vào năm 2007, khi đó kinh tế của Brazil đang tăng trưởng rất mạnh. Giờ đây, tỷ lệ tăng trưởng của nước này đang bị chậm lại.
Câu hỏi đặt ra là liệu Cúp bóng đá năm nay có tạo cú hích kinh tế cho Brazil hay không.
Trong trường hợp của Hy Lạp, sau Thế vận hội 2000, câu trả lời là không. Nhưng trong trường hợp của Olympic Luân Đôn 2012 thì đây đã là một đòn bẩy kinh tế khá mạnh cho nước Anh.
Tất cả vấn đề nằm ở chiến lược đầu tư của nước chủ nhà. Đầu tư đúng chỗ, thì sẽ gặt hái được những thành quả mong muốn, kể cả sau Thế vận hội hay Cúp bóng đá ».
Chuyên gia Sébastien Abis cũng thuộc viện IRIS nhấn mạnh thêm về khía cạnh địa chính trị của việc được chọn tổ chức Cúp bóng đá hay Thế vận hội :
" Việc chọn một quốc gia đăng cai một sự kiện thể thao luôn được đặt trong bối cảnh địa chính trị đặc biệt. Brazil được chỉ định tổ chức hai sự kiện thể thao trọng đại, đặt quốc gia này vào trung tâm sân khấu chính trị quốc tế.
Thế rồi tới năm 2018 Cúp bóng đá thế giới sẽ được tổ chức tại Nga. Chắc chắn là sẽ không thiếu những tranh cãi về Cúp bóng đá ở Nga trong 4 năm nữa.
Nhưng bên cạnh đó tôi cũng muốn nhắc lại, bóng đá là một bộ môn thể thao với luật chơi tương đối đơn giản. Chỉ cần có một trái bóng tròn là mọi người có thể cùng chia sẻ với nhau niềm vui trên sân cỏ. Đó là một yếu tố hết sức quan trọng, vì bóng đá gần như là một loại ngôn ngữ phổ thông toàn cầu, nó tạo ra những cảm xúc ai cũng có thể cảm nhận được. Chúng ta cũng nên theo dõi khía cạnh này của Cúp bóng đá 2014 ".
Châu Âu và Châu Mỹ La Tinh đang áp đảo toàn cảnh bóng đá thế giới, vậy phải chăng vì thế Brazil được chọn để tổ chúc Cúp bóng đá lần này ? Giám đốc IRIS, Pascal Boniface trả lời :
« Nói chính xác hơn, là châu Âu và Nam Mỹ đang chiếm thế thượng phong ở môn thể thao này. Bởi vì chỉ có ba nước đã đoạt chức vô địch là Achentina, Uruguay và Brazil.
Chúng ta phải công nhận FIFA có tiến bộ khi để cho các quốc gia không có một truyền thống bóng đá cao như Qatar hay Nga tổ chức Cúp thế giới. Trước đó nữa là Mỹ, năm 1994. Mục tiêu là mở rộng thêm nữa biên giới của bộ môn thể thao này.
Nhìn về phương diện thành tích, tôi không nghĩ rằng vô địch năm nay là một quốc gia nào mới, hay là một quốc gia chưa từng đoạt đoạt bảng vàng.
Điều thú vị ở đây là những thành tích bóng đá không nhất thiết tùy thuộc vào tiềm lực kinh tế của một quốc gia. Nước Mỹ hùng mạnh và giàu có như vậy nhưng không phải là một nhà vô địch bóng đá.
Ngược lại thì Brazil đã nhiều lần đoạt bảng vàng trong khi đó đây mới chỉ là một nền kinh tế còn đang phát triển – nói đúng hơn là một nước nghèo.
Quả bóng tròn đã chinh phục cả thế giới một cách hòa bình.
Trong trường hợp của Qatar, phải nói là thông điệp mà Liên đoàn bóng đá FIFA gửi đi đó là lần đầu tiên để cho một quốc gia Hồi giáo Ả Rập tổ chức sự kiện thể thao này. Đó là một điểm cần đáng khích lệ ».
Thanh Hà
tags: Brazil - Chính trị - Cúp bóng đá thế giới Brazil 2014 - FIFA - Liên đoàn Bóng đá Quốc tế - Ngoại giao - Phỏng vấn - Thể thao
Tin mới
- Manila phản đối Bắc Kinh tự ý cải tạo các đảo tranh chấp ở Trường Sa - 14/06/2014 21:46
- Chính quyền quân sự Thái bãi bỏ thiết quân luật - 14/06/2014 21:40
- Tranh chấp Biển Đông : Việt Nam và Trung Quốc tìm hậu thuẫn quốc tế - 14/06/2014 21:33
- Việt Nam và Pháp tranh quyền mua xe kéo của mẹ Vua Thành Thái - 14/06/2014 21:26
- Tổng thống Ukraina trình bày kế hoạch hòa bình với Putin - 14/06/2014 05:04
- Giáo chủ Shiite Iraq kêu gọi tín đồ chống Sunni - 13/06/2014 22:36
- Irak : Bagdad trong gọng kìm của Thánh chiến Hồi giáo - 13/06/2014 22:22
- Thái Lan có chính phủ lâm thời trước cuối tháng 9 - 13/06/2014 21:56
- Đài Loan, Việt Nam bàn về đền bù cho các công ty thiệt hại vì bạo động - 13/06/2014 21:50
- Danh hài Xuân Phát qua đời, thọ 82 tuổi - 12/06/2014 23:19
Các tin khác
- Chính quyền Trung Quốc không cho gấu trúc «tiên tri » World Cup - 12/06/2014 22:51
- Tư pháp Pakistan cho phép cựu Tổng thống Musharraf xuất cảnh - 12/06/2014 22:46
- Hai vận động viên quần vợt Cuba trốn sang Mỹ - 12/06/2014 22:29
- Irak : Phiến quân Hồi giáo cực đoan tiến về Bagdad - 12/06/2014 21:42
- Mỹ cho phép ngân hàng BNP giao dịch với Iran - 12/06/2014 21:33
- Thái Lan : Một lãnh tụ chống giới quân sự có nguy cơ bị 14 năm tù - 12/06/2014 21:10
- Úc ủng hộ Nhật tăng cường khả năng phòng thủ - 12/06/2014 21:02
- Hoa Kỳ đề nghị chấm dứt khiêu khích trên Biển Đông - 12/06/2014 20:54
- Irak : Lực lượng thánh chiến tuyên bố làm chủ tỉnh Ninive - 11/06/2014 19:30
- Tổng thống Brazil rất dị đoan khi xem bóng đá - 11/06/2014 19:26