Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam hoãn tuyên án Dương Chí Dũng

DuongChiDung-HangHai


Cựu Chủ tịch công ty hàng hải quốc doanh Dương Chí Dũng

Tòa án Nhân dân Tối cao của Việt Nam ngày 25/4 đột ngột trở lại phần xét hỏi thay vì tuyên án như dự kiến đối với Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch công ty hàng hải quốc doanh lớn nhất Việt Nam, cùng các đồng phạm.

Chiều nay, Hội đồng Xét xử thông báo chưa tuyên án vì còn một số vấn đề chưa sáng tỏ sau phần tranh luận giữa các bên.

Luật sư Trần Đình Triển, đại diện pháp lý cho bị cáo Dương Chí Dũng, hoan nghênh quyết định của tòa:
“Tôi rất ca ngợi việc Hội đồng Xét xử quay lại phần thẩm vấn. Điều đó thể hiện sự rất thận trọng của Hội đồng Xét xử và Tòa án Nhân dân Tối cao để xem xét một số tài liệu mới mà tôi cung cấp.”

Trong ba ngày diễn ra phiên phúc thẩm Dương Chí Dũng cùng 8 đồng phạm về tội ‘tham ô tài sản’ và ‘cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, các bị cáo đã được luật sư đưa ra nhiều căn cứ bảo vệ.

Theo Viện Kiểm sát Tối cao, các quan chức Vinalines đang hầu tòa đã dùng nhiều triệu đô la ngân sách nhà nước để nhập về các thiết bị phế thải từ nước ngoài, gây thất thoát tiền của nhân dân trên 360 tỷ đồng.

Ông Dũng và đồng phạm Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình trong khi các bị cáo còn lại lãnh án từ 7 đến 22 năm tù.
Các bị cáo kêu oan và xin giảm hình phạt. Tại tòa hôm 24/4, ông Dũng xin được sống để ‘rửa oan’ và hứa sẽ tìm mọi cách để ‘khắc phục hậu quả.’

Báo Người Lao Động Online cho hay Viện Kiểm sát Tối cao bác bỏ kháng án của các bị cáo và đề nghị giữ nguyên mức án tử hình của tòa sơ thẩm dù không đưa ra được bằng chứng để làm rõ các vấn đề phía bị đơn yêu cầu.

Luật sư của bị cáo Dương Chí Dũng nói:
“Bây giờ phải đánh giá một cách thật rõ ràng. Thứ nhất, việc mua ụ nổi cũ kỹ và đưa mức chi phí thanh toán lớn lên là có tội. Tội đó là ‘cố ý làm trái’ hay ‘thiếu tinh thần trách nhiệm’ cũng phải xem xét để xử nghiêm khắc.
 Tuy nhiên, về tội ‘tham những’ ‘tham ô’ 1,66 triệu đô la qua việc mua bán ụ nổi này chưa đủ bằng chứng để kết tội ông Dũng và ông Phúc. Có dấu hiệu Trần Hải Sơn biển thủ và chiếm toàn bộ số tiền này.”

Mặc dù không nhận tội ‘tham ô’, nhưng trước phiên phúc thẩm, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Xuân Phúc đã nộp cho Cục thi hành án Dân sự  Hà Nội lần lượt mỗi người là 4,7 tỷ và 3,5 tỷ đồng để ‘khắc phục hậu quả’ trong vụ án Vinalines.

Tuy nhiên, bị cáo không nói số tiền này để ‘khắc phục hậu quả’ cho tội danh nào.

Luật sư Trần Đình Triển cho biết thêm chi tiết:
“Tổng số tiền gia đình ông Dũng nộp để góp phần khắc phục hậu quả là 5,2 tỷ đồng.
Bên ông Phúc là 3 tỷ rưỡi để góp phần khắc phục được hậu quả nào đó cho nhà nước trong vai trò của các ông là những người lãnh đạo.
Dù có tội hay không có tội, với người đứng đầu cơ quan, với hậu quả đó cũng phải có trách nhiệm để khắc phục hậu quả.”

Luật sư Triển nói phiên phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm sẽ tiếp tục vào thứ hai tuần tới.

Vụ Dương Chí Dũng là một trong những đại án tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước làm ảnh hưởng mức tín nhiệm của giới đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, một trong những quốc gia chưa khống chế hiệu quả nạn tham nhũng tràn lan.

Switch mode views: