Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Serguei Lavrov, một huyền thoại của ngành ngoại giao Nga

Serguei Lavrov

Ngoại trưởng Serguei Lavrov trong một cuộc họp báo tại Matxcơva, ngày 08/04/2014
REUTERS/Sergei Karpukhin


Báo Le Figaro, số ra ngày 17/04/2014, có bài viết phác họa chân dung Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov và ca ngợi ông như một huyền thoại của ngành ngoại giao Nga.

Serguei Lavrov, người nhân danh nước Nga tiến hành các cuộc đàm phán về Ukraina tại Geneve là một trong những nhà ngoại giao khôn khéo nhất trong thế hệ của ông.
Là Ngoại trưởng của Tổng thống Vladimir Putin từ năm 2004, Serguei Lavrov là hiện thân của sự trở lại của nước Nga trên trường quốc tế.

Tại Syria, nơi mà Nga ủng hộ chế độ của Tổng thống Bachar al Assad, Matxcơva đã thành công ngoạn mục bằng cách tặng cho Hoa Kỳ một thỏa thuận tháo dỡ kho vũ khí hóa học, tránh được các vụ tấn công nhắm vào Damas và giúp củng cố chính quyền hiện nay.

Còn trong hồ sơ Iran, Nga đã tham gia nhóm sáu cường quốc và đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Téhéran.
Hay trong vùng Liên Xô cũ, Kremlin tìm cách tái lập ảnh hưởng của mình vốn bị mất sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Nhân vật luôn sẵn sàng đọ sức này, một hôm, đã đề nghị lãnh đạo ngoại giao Pháp Alain Juppé, cách chức Giám đốc chính trị Bộ Ngoại giao Pháp, vì nhân vật này muốn chấm dứt một cuộc họp kéo dài triền miên.

Ông là Bộ trưởng tại chức lâu nhất trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Giống như Talleyrand, nguyên là Bộ trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại của Pháp gần như trong tất cả các chế độ chính trị từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, từ thời Chế độ quân chủ cũ trải qua thời kỳ Cách mạng, đến tận thời Trùng hưng, ông Lavrov là một trong số người hiếm hoi đã sống sót được dưới thời Vladimir Putin, sau khi đã đảm nhiệm những vị trí danh giá – nhất là tại Liên Hiệp Quốc – dưới thời Liên Xô, rồi dưới thời Boris Elsin, cho đến khi Liên Xô tan rã.

Giống như Talleyrand, ông Lavrov đã biết làm cho mình trở nên cần thiết và có một bộ óc « cực kỳ thông minh », theo như lời một số người ủng hộ ông.

« Đấng mày râu uy quyền »

Sinh tại Matxcơva ngày 12/03/1950, dưới thời Stalin, trong một gia đình Arménia gốc gác ở thành phố Tbilissi, ông Lavrov là một nhà ngoại giao thuộc trường phái cổ.

Tốt nghiệp Học viện quan hệ quốc tế Matxcơva, ông là sản phẩm truyền thống của nền ngoại giao Xô Viết.
 Thiên nhiên Nga đã phú cho ông một thân hình tráng kiện và đặc tính của « đấng mày râu uy quyền ».

 Ông rất nghiện thuốc lá, rất ưa thích cigar và rượu whisky, tính khí yêu đời, ngược hẳn với sự khổ hạnh của Putin, là người không uống rượu, không hút thuốc và chăm sóc quá mức cho một cơ thể vận động viên.

Ông đã phẩy tay gạt bỏ lệnh cấm hút thuốc lá của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trong trụ sở tổ chức này.
Ông giận dữ nói : « Kofi Annan (trước đây là Tổng thư ký) không phải là chủ sở hữu tòa nhà này ».

Một hôm, các nhà ngoại giao phương Tây nhìn thấy ông tới dự một cuộc họp của khối NATO, mặt mày bị xây xát, tay gẫy.
 Một trong các nhà ngoại giao kể lại : « Ông nói với chúng tôi là ông bị ngã khi đá bóng.

Nhưng ông có bộ mặt của kẻ vừa đánh nhau ». Lãnh đạo ngoại giao Nga nổi tiếng với những phát biểu đốp chát và cực kỳ nóng nẩy.

 Tại Geneve, trong vòng thương lượng về hồ sơ hạt nhân Iran, ông đã đập mạnh tay xuống bàn vào lúc ký kết thỏa thuận với Téhéran và nói : « Mẹ kiếp ! Tôi là người duy nhất bị mất tiền tối nay ! »
Thế nhưng, theo một nhà ngoại giao, « nếu như ông Lavrov có cử chỉ lời nói thô bạo, nhưng ông không phải là người thô bạo.
Ông sẵn sàng rút găng đọ sức, nhưng ông không hung hăng ».

Rất thích trượt tuyết và mặc đồ may của Ý, ông thích thơ, nói bốn ngoại ngữ và có tiếng là một người đàn ông lịch lãm.

Thế nhưng, ông lại hết sức tận tụy, tôn thờ Nhà nước Nga. Từ khi được bổ nhiệm, ông đã dành hết sức lực và kinh nghiệm của mình để phục vụ ý đồ chính trị của Vladimir Putin : Tái lập ảnh hưởng của Nga trong không gian Xô Viết cũ và trên trường quốc tế.

Một quan chức Pháp giải thích : « Đặc trưng ngoại giao của ông được tôi luyện trong những năm Elsin cầm quyền, thời kỳ mà chính sách đối ngoại của Nga bị gạt ra bên lề và các quan chức cảm thấy bị nhục nhã sau khi Liên Xô tan rã ».

Về mặt chính trị, ông Lavrov đã tự tôi luyện, ngay trong thời kỳ hỗn loạn này, khi ông làm đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc.
Cũng chính tại New York, ông đã trải qua hai cuộc khủng hoảng mà điện Kremlin không bao giờ nuốt trôi : Đó là cuộc khủng hoảng Irak và Kosovo.

Ông đã là Ngoại trưởng khi nổ ra cuộc khủng hoảng thứ ba, liên quan đến Lybia và sự kiện này đã để lại những dấu vết không thể xóa nhòa đối với các quan chức Nga.
Họ tố cáo phương Tây đã vượt ra khỏi khuôn khổ nghị quyết Liên Hiệp Quốc khi gạt bỏ Kadhafi ra khỏi bộ máy quyền lực.

 Bóng đen của cuộc chiến Lybia đè nặng lên hồ sơ Syria. « Các ông đã đánh lừa chúng tôi trong hồ sơ Lybia, các ông sẽ không lừa được tôi trong vấn đề Syria », ông Lavrov đã cảnh báo như vậy trong một cuộc họp mà một nhà ngoại giao có tham dự.

Nhờ thời kỳ làm việc tại Liên Hiệp Quốc, ông Lavrov đã có được sự hiểu biết rộng lớn về hoạt động của Hội Đồng Bảo An và có một sự khéo léo hiếm thấy của một nhà thương thuyết.

Một nhà ngoại giao Châu Âu bình luận : « Ông biết hết tất cả, nhưng giống như một vụ phó hơn là một Bộ trưởng. Ông thường xuyên không nhìn xa hơn các văn bản ».

Là một công chức phụng sự Nhà nước, ông Serguei Lavrov đã dành 10 năm vừa qua để mang lại danh dự - một số người khác thì nói là « mất danh dự » - và sức mạnh cho chính sách đối ngoại Nga.

Thái độ chống đối gần như liên tục các sáng kiến của phương Tây và « chủ nghĩa đơn phương » của Hoa Kỳ đã mang lại cho ông danh hiệu « Ngài nói không », khi so sánh với ông Andrei Gromyko, cựu Đại sứ Liên Xô ở Liên Hiệp Quốc, người nổi tiếng với biệt danh diễu cợt « Ngài Niet ».

Thế nhưng, kể từ khi xẩy ra cuộc khủng hoảng Ukraina, theo một số nhà ngoại giao, ông Serguei Lavrov đã mất đi một chút ngạo nghễ.
Một quan chức Pháp cho biết : « Người ta thấy ông không thoải mái. Nhiều lần, ông đã khẳng định rằng ông không thể quyết định và phải hỏi ý kiến Putin.

Bình thường ra, ông nắm vững chính sách đối ngoại, giờ đây ông có vẻ nhắc lại những điều đã được chuẩn bị sẵn ». Lý do, theo lời một quan chức Châu Âu, là vì « ông đã luôn luôn nói với chúng tôi rằng việc sử dụng bạo lực trong quan hệ quốc tế là không thể chấp nhận được.
Ông vẫn luôn luôn bảo vệ các nguyên tắc không can thiệp và không xâm phạm biên giới. Thế mà nước của ông lại làm ngược lại ».

Năm 2008, việc Nga chiếm đóng quân sự các nước cộng hòa Abkhazia và Nam Ossétia của Gruzia đã làm ông khó xử.
Một cựu quan chức Gruzia nhớ lại là « ông Lavrov tỏ ra kém vững tin hơn. Người ta có cảm giác là ông bị gạt ra bên lề một chút ».

Nếu như ông Lavrov là hiện thân cho nền ngoại giao do điện Kremlin gọt rũa, thì ông đạt được các thành công ngoại giao cũng nhờ vào quyền phủ quyết của Nga tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và do sự yếu kém của Hoa Kỳ, Châu Âu đối mặt với Matxcơva.

Nếu như Talleyrand từng là một nhân vật theo tư tưởng tự do triệt để, mong muốn thúc đẩy sự cân bằng giữa các cường quốc tại Châu Âu, thì ông Lavrov lại phục vụ một dự án chính trị nhằm tái dựng, dưới một dạng khác, đế chế Liên Xô cũ, làm NATO và Liên Hiệp Châu Âu thất bại, làm Hoa Kỳ yếu đi và ở trong nước, bịt miệng tất cả những tiếng nói dân chủ và tự do.

Nhưng cũng như Talleyrand bị gạt xuống phụ trách hậu cần cho một Napoléon đang trên đà chinh phục Châu Âu, ngày nay, ông Lavrov dường như đi theo một Nga Hoàng mới, mà không thể tác động được đến vị hoàng đế này, trên những con đường ngày càng phiêu lưu hơn.


Switch mode views: