Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biển Đông: Hoa Kỳ đòi Trung Quốc nói rõ về đòi hỏi chủ quyền

BienDong.TQ


Hai tàu của Trung Quốc chặn tàu thăm dò USNS Impeccable của Mỹ, ngày 08/03/2009, ở vùng biển quốc tế Biển Đông
@us Navy


Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh những đòi hỏi chủ quyền trên vùng Biển Đông, kêu gọi một giải pháp hoà bình cho một trong những điểm nóng ở Châu Á.

Hôm qua, 05/02/2014, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Danny Russel đã tuyên bố với tiểu ban Châu Á của Quốc hội Hoa Kỳ là những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải chiếu theo công pháp quốc tế phải dựa trên những đặc trưng của đất liền.

 Tất cả những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên những đặc trưng của đất liền đều bị xem là trái với luật pháp quốc tế.

Cho nên, ông Russel đề nghị là Bắc Kinh phải chứng tỏ họ tôn trọng công pháp quốc tế bằng cách làm rõ và điều chỉnh những đòi hỏi chủ quyền cho đúng với luật quốc tế về luật biển.
 Nói cách khác, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thách Trung Quốc đưa ra những luận cứ vững chắc để biện minh cho bản đồ « hình lưỡi bò » mà họ tự vẽ ra, bao phủ gần như toàn bộ vùng Biển Đông.

Ông Russel tuyên bố ủng hộ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra trước một tòa án Liên Hiệp Quốc vào năm 2013.
Theo trợ lý Ngoại trưởng, đây là một trong những nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp « hoà bình, không mang tính cưỡng ép » cho vấn đề Biển Đông.

Đối với ông Danny Russel, việc Bắc Kinh không làm rõ những đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông đã gây nên tình trạng bất ổn định trong khu vực và giới hạn khả năng đạt đến một giải pháp được tất cả các bên chấp nhận hoặc đạt đến những thỏa thuận cùng phát triển công bằng.

Theo nhận định của hãng tin AFP, những tuyên bố nói trên của ông Russel cho thấy Hoa Kỳ có xu hướng can dự ngày càng nhiều vào vấn đề Biển Đông.

 Vào năm 2010, khi viếng thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ lúc ấy là Hillary Clinton đã tuyên bố rằng tự do lưu thông hàng hải là vấn đề « lợi ích quốc gia » của Hoa Kỳ ở vùng Biển Đông, nơi mà hơn phân nửa hàng hóa thế giới được vận chuyển qua.

Thế nhưng, cho tới nay, tuy tăng cường hợp tác quân sự với hai đồng minh Nhật và Philippines, nhưng Washington vẫn nói là họ không đứng về phe nào trong những tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Châu Á.

Hồ sơ này càng nóng thêm sau khi tờ nhật báo Asahi của Nhật gần đây loan tin là Bắc Kinh dự trù thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, tương tự như vùng phòng không trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc thành lập tháng 11 năm 2013.

Trong một cuộc họp báo ngày 04/02 tại Washington, cũng chính trợ lý Ngoại trưởng Danny Russel đã nhắc lại cảnh cáo của Washington là Trung Quốc không nên áp đặt vùng phòng không trên Biển Đông, mà dẫu sao thì Hoa Kỳ không thừa nhận, mà cũng không chấp nhận một vùng như vậy.

Thế nhưng, theo hãng tin AFP, dân biểu Cộng hòa Steve Chabot, chủ tịch tiểu ban Châu Á, cho rằng chính quyền tổng thống Barack Obama phát đi « những tín hiệu trái ngược nhau », cho nên coi như khuyến khích Bắc Kinh.
 Theo ông Chabot, đã đến lúc chính quyền Obama có hành động cụ thể để trấn an các nước trong khu vực rằng Hoa Kỳ hiện diện lâu dài và mạnh mẽ ở Châu Á.


Switch mode views: