Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tướng lĩnh Thái Lan không ủng hộ chính phủ nhưng không muốn đảo chánh


Quandoi thailande

Trụ sở chính phủ Thái Lan, Bangkok, 03/12/2013.
REUTERS/Chaiwat Subprasom


Từ nhiều ngày qua, phong trào biểu tình tại Thái Lan chống Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã không ngừng kêu gọi quân đội can thiệp để giúp lật đổ chính phủ.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù không mấy ưa thích chính quyền hiện nay, giới lãnh đạo quân đội Thái Lan lần này đã dè dặt hơn, không muốn tái lập một cuộc đảo chánh như vào năm 2006, mà hệ quả là một tình trạng bất ổn dai dẳng cho đến ngày nay.

Quan điểm thận trọng của quân đội Thái Lan, một thế lực hàng đầu tại vương quốc này, đã được chính Tướng Prayut Chan -O- Cha, Tư lệnh quân đội Thái Lan nhắc lại vào hôm nay khi ông xác định rằng quân đội sẽ để cho giới làm chính trị « tự giải quyết vấn đề ».

Trong mấy ngày qua, phong trào biểu tình đòi Thủ tướng chính phủ từ chức đã trở nên dữ dội hơn, với việc người xuống đường chiếm lĩnh nhiều cơ quan chính phủ, với một số vụ xung đột đã gây ra thiệt hại nhân mạng.

Trước khả năng tình hình có thể vuột khỏi tầm kiểm soát, quân đội Thái Lan đã buộc phải hành động, nhưng một cách rất chừng mực.

Trên hiện trường, họ đã biệt phái hàng trăm binh sĩ không vũ trang đến hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong việc bảo vệ trật tự.

Trên bình diện chính trị, họ đã tạo điều kiện cho một cuộc họp giữa nữ Thủ tướng Yingluck và lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban vào hôm chủ nhật vừa qua.

Ngoài những biện pháp kể trên, giới tướng lãnh Thái Lan cho đến nay hầu như hoàn toàn không can thiệp vào cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra căng thẳng.

Tuy vậy, phải chăng quân đội Thái Lan đang thay đổi lập trường ?

Theo hãng tin Pháp AFP, một nguồn tin quân sự cấp cao biết rõ nội dung cuộc họp hôm chủ nhật đã tiết lộ rằng các tư lệnh của cả ba quân chủng Lục quân, Không quân và Hải quân đều từ chối hậu thuẫn nữ Thủ tướng.

Theo quan chức xin giấu tên đó : « Không ai trong số ba vị chỉ huy đứng về phía chính phủ… Họ nói rằng nếu chính phủ sử dụng vũ lực, họ sẽ đứng bên cạnh nhân dân. »

Chuyên gia Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho biết là giới tướng lãnh Thái Lan, vốn tự cho mình là thành lũy bảo vệ chế độ quân chủ, có thể cảm thấy là họ cần phải hành động để duy trì trật tự trước lễ sinh nhật thứ 86 của vua Bhumibol Adulyadej vào thứ Năm tới đây.

Trả lời AFP, chuyên gia này nhận định : « Cho đến gần đây, quân đội đã đứng ngoài vòng tranh chấp và đứng bên trên các cuộc đấu đá (chính trị).
Thế nhưng giờ đây, tôi nghĩ rằng họ đang ngày càng bị lôi kéo vào cuộc để phá vỡ bế tắc. Và đó là những gì giới lãnh đạo biểu tình mong muốn ».

Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng cho rằng Quân đội Thái Lan cũng đã nhận thức được rằng sự can thiệp của họ « có thể chỉ dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn. »

Thái Lan đã phải trải qua 18 cuộc đảo chính hay mưu toan đảo chánh từ khi nền quân chủ lập hiến được thành lập từ năm 1932 đến nay. Nhưng giới quan sát cho rằng quân đội nước này biết rõ là một cuộc đảo chánh khác có nguy cơ làm tình hình căng thẳng thêm.

Kinh nghiệm cần được rút tỉa chính là cuộc đảo chánh năm 2006 lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin, một nhà tỷ phú bị cho là tham nhũng và là một mối đe dọa cho chế độ quân chủ.

Từ đó đến nay, tình hình chính trị Thái Lan vẫn liên tục bị bất ổn định, trong lúc những người thân cận với Thủ tướng bị lật đổ luôn luôn giành thắng lợi trong các bầu cử, với kết quả rõ nhất là chính phủ Yingluck Shinawatra hiện thời.

Với lực lượng thân Thaksin được cho là còn rất mạnh tại Thái Lan, một cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Yingluck có nguy cơ gây nên một tình thế bất ổn dữ dội hơn.
 Đây là điều có thể giải thích vì sao Quân đội Thái Lan lần này thận trọng hơn.



Switch mode views: