Điểm Báo Pháp Quốc Ngày12-11-2013
- Thứ Tư, 13 tháng Mười Một năm 2013 00:11
- Tác Giả: Minh Anh
Liệu Tập Cận Bình có thể thay đổi Trung Quốc ?
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (REUTERS)
Trở thành người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc cách đây một năm, Tập Cận Bình kể từ giờ áp đặt dấu ấn của ông. Ông đã từng hứa hẹn những cải cách đầy tham vọng để tái thúc đẩy cường quốc kinh tế thứ hai. Thế nhưng, liệu ông Tập Cận Bình có thể đáp ứng được những mong đợi đó của người dân hay không ?
Về chủ đề này, nhật báo Le Figaro số ra sáng nay, 12/11/2013, có bài giải mã đề tựa « Một năm sau khi lên cầm quyền, Tập Cận Bình có thể thay đổi được Trung Quốc hay không ? ». Theo tờ báo, Hội nghị Trung ương 3 năm nay là cơ hội để Tập Cận Bình khẳng định vai trò lãnh đạo của mình.
Tập Cận Bình thuộc xu hướng nào?
Vào thời điểm lên lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012, Tập Cận Bình đã làm lóe lên nhiều hy vọng lớn lao cho những người ủng hộ tự do. Họ hy vọng trong vòng ba thập niên sẽ có những thay đổi hoàn toàn về kinh tế, ông Tập Cận Bình sẽ dẫn dắt đất nước vào một kỷ nguyên mới : Kỷ nguyên của sự tự do hóa chính trị. Sự hy vọng đó là có cơ sở.
Bởi vì, Tập Trọng Huân, cha của ông là một gương mặt tiêu biểu của cách mạng : Từng nắm giữ chức vụ cao trong quân đội, bị đi đày dưới thời Mao Trạch Đông, chỉ vì nổi tiếng có xu hướng ôn hòa, và từng lãnh đạo thành phố chiến lược Quảng Đông dưới thời Đặng Tiểu Bình. Ông cũng là người góp phần biến Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế chỉ trong vòng 30 năm.
Niềm hy vọng còn được nuôi dưỡng bởi chính những lời hô hào tôn trọng Hiến pháp của Tập Cận Bình. Điều cơ bản nhất của giới chủ trương tự do trong một đất nước mà Hiến pháp đã nhường chỗ cho sự độc đoán. Nhất là ông kêu gọi « sự bình đẳng cho mọi công dân trước pháp luật », « đảm bảo tự do » và từng khẳng định rằng « không ai được phép đứng trên Hiến pháp ».
Trung Quốc thật sự tiến hành cải cách, từ khi ông Tập lên cầm quyền ?
Về điểm này, Le Figaro cho rằng ông Tập Cận Bình đã làm lụi tàn niềm hy vọng mở cửa chính trị khi cho làm hồi sinh « chủ nghĩa Mao ». Một loạt các giá trị phổ quát đã bị bác bỏ như nhân quyền, sự minh bạch và tính chất đại diện dân chủ, tự do ngôn luận và báo chí, những giá trị nền tảng hiện nay tại các quốc gia phương Tây. Nhiều biện pháp kiểm soát mạng Internet được đưa ra.
Nhiều vụ bắt bớ những tiếng nói đối lập, hay bất bình đã diễn ra. Đáng ngạc nhiên hơn, Tập Cận Bình có những khẩu hiệu đậm chất « chủ nghĩa Mao ». Ông làm sống lại bầu không khí Mao khi cho tiến hành các chương trình « phê và tự phê ».
Để chinh phục lại niềm tin của dân chúng vào một đảng Cộng sản bị nạn tham nhũng gậm nhấm , Tập Cận Bình tung ra chiến dịch chống tham nhũng, diệt từ con « ruồi » cho đến con « hổ ». Thế nhưng, đối với Le Figaro, cuộc săn lùng những kẻ tham nhũng chỉ là cơ hội cho phép ông Tập Cận Bình làm suy yếu các đối thủ của mình và lấy lại quyền lực.
Dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc thực tâm cải tổ hay không ?
Ông Hứa Yếu Đồng, giáo sư về quản trị công tại Viện Hành chính công (thân chính quyền) cho rằng : « Để cải tổ, cần phải có ổn định chính trị . Nếu không, cải cách không thể tiến hành được. Chẳng phải là Đặng Tiểu Bình cũng phải kiểm soát tiếng nói đối lập khi thực hiện các chính sách cải cách ?
Kết quả là chính nền tảng dân chủ xã hội đã được củng cố cùng với sự phát triển kinh tế. Tập Cận Bình không thể vội vã đẩy xã hội theo hướng dân chủ. Cần phải tiến lên một cách cẩn trọng, sao cho không gây ra những bất ổn ».
Thế nhưng, Le Figaro lại không có cùng cách nhìn với vị giáo sư trên. Dĩ nhiên là mô hình kinh tế của Trung Quốc, được kích thích với những hoạt động đầu tư ồ ạt và nhanh chóng, đã đưa đất nước lên vị trí cường quốc kinh tế thứ hai. Nhưng mặt khác sự phát triển nhanh chóng đó đã để lại những hậu quả khôn lường về môi trường, khả năng sản xuất dôi thừa và một khoản nợ khổng lồ.
Duy có một điểm đáng khích lệ, ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có một quan điểm khá khiêm tốn về tăng trưởng của Trung Quốc. Theo hai ông, mức tăng trưởng hiện nay là 7,2% là đủ để đảm bảo bình ổn thị trường lao động.
Hội nghị Trung ương 3 sẽ có tác động như thế nào ?
Theo nhận định của Lí Tích Căn (Xigen Li), giáo sư đại học Hồng Kông, « Hội nghị Trung ương 3 là lúc để ta biết được ai mới là nhà lãnh đạo mới và đường lối chính sách của họ là gì ».
Lần này, những nhà chủ trương cải cách theo xu hướng tự do đòi hỏi mở cạnh tranh trong mọi lãnh vực, chấm dứt thế độc quyền của các doanh nghiệp quốc doanh. Không ai thật sự tin rằng Bắc Kinh sẽ từ bỏ quyền kiểm soát các tập đoàn Nhà nước, vốn thống lĩnh nền kinh tế đất nước từ tài chính cho đến năng lượng. Nhưng người dân có thể trông đợi vào những cải cách về ngân sách và đất đai, cũng như xem xét lại chính sách hộ khẩu, đang gây cản trở cho hàng triệu người dân đến sinh sống tại các thành phố.
Giới quan sát cũng nhận thấy chính quyền không hé một lời nào về cải cách hành chính công, cơ chế ấn định giá nguyên vật liệu, tiến triển của hệ thống an sinh xã hội hay mở cửa những lãnh vực cho đến giờ vẫn được bao bọc trước cạnh tranh tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Cảnh tượng ngày tận thế tại Philippines
Nhìn sang Phlippines, các tờ báo lớn của Pháp tiếp tục loan tin về hậu quả của cơn bão Haiyan vào đảo quốc hồi cuối tuần vừa qua. Theo các báo, công tác khẩn cấp nhất hiện nay là làm sao tiếp tế lương thực cho những người sống sót. Trận bão lớn nhất trong năm 2013 sẽ để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế đất nước.
Nhật báo Cộng sản L’Humanité chạy tít lớn : « Tình đoàn kết khẩn cấp… sau thảm họa ». 70-80% những khu vực bão đi ngang qua đã bị tàn phá hoàn toàn. Trong sự cùng quẫn nhất, những người sống sót trông đợi từng giây từng phút sự cứu trợ, vốn đang gặp khó khăn trong di chuyển.
Hiện tượng cướp bóc bắt đầu xảy ra do nạn khan hiếm lương thực.
Theo tờ báo, các đoàn cứu trợ ngày hôm qua gặp rất nhiều khó khăn để đi vào những khu vực bị tàn phá. Công tác cứu hộ cũng bị chậm lại cũng bởi do hiện tượng áp thấp nhiệt đới tại miền nam và miền trung Philippines.
L’Humanité nhận định nạn nhân đầu tiên của thảm họa thiên nhiên lần này là trẻ con và người nghèo. Tờ báo còn trích dẫn nhận định của ông Jean Jouzel, nhà khí tượng học và Phó Chủ tịch nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu, cho rằng : « Các quốc gia nghèo là những nạn nhân đầu tiên của hiện tượng trái đất ấm dần ».
Trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos : « Con số thống kê bão Haiyan mỗi lúc thêm trầm trọng ». Nhìn trên góc độ kinh tế, thảm họa lần này sẽ để lại hậu quả khá nặng. Do hệ thống đường sá đã bị phá hủy, công tác tiếp tế chỉ được thực hiện bằng đường hàng không.
Les Echos nhận định tình trạng khan hiếm lương thực có nguy cơ kéo dài. Sản xuất nông nghiệp của Philippines năm nay cũng không mấy sáng sủa. Sản lượng thu hoạch gạo bị giảm mất 2%, tương tự với mía và bắp. Vì vậy, Philippines đã buộc phải tăng mức nhập khẩu, nhất là từ Mỹ. Với cơn bão Haiyan này, nền kinh tế của Philippines có thể phải chi thêm ít nhất 14 triệu đô la cho việc nhập khẩu lương thực.
Trang nhất Le Monde chạy tít : « Sự tàn phá của bão Haiyan tại Châu Á ». Sau ba ngày cơn bão tràn qua, thảm cảnh để lại cho thấy : « Haiyan gieo rắc chết chóc và bất ổn tại Philippines ». Tình hình tại Tacloban, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất rất là bất ổn.
Theo một nhân chứng, « chẳng có điện, cũng chẳng có nước, chẳng có một thứ gì hết. Người dân bắt đầu tuyệt vọng. Họ đi cướp bóc ».
Tình trạng hỗn độn nghiêm trọng đến mức một giáo sư đại học phải thốt lên : « Người ta trở nên hung bạo. Họ đến cướp bóc tại các trung tâm thương mại, chỉ để tìm gạo và sữa. Tôi sợ là từ đây trong vài ngày nữa, người ta sẽ giết lẫn nhau vì đói ».
« Bão Yolan đã cướp mất hết tương lai của chúng tôi » là than thở thống thiết của người dân vùng bị nạn tại Philippines, được nhật báo Công giáo La Croix thuật lại. Đối với họ, trận bão vừa qua là một trận « sóng thần, sóng thần gió » tàn khốc nhất.
Người dân tại các vùng bị nạn chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Philippines đã không biết dự đoán trước cơn bão, cơn bão mạnh nhất và tàn phá nhất trong lịch sử Philippines, với sức gió lên đến hơn 360km/giờ, cướp đi hàng ngàn sinh mạng, tài sản, khiến bao người rơi vào cảnh trắng tay, màn trời chiếu đất. « Chúng tôi sẽ phải ra sao đây ? Chúng tôi là ngư dân, nhưng chúng tôi cũng không còn thuyền. Chúng tôi là nông dân, những cũng không còn chuối, không còn dừa nữa để mà trồng ».
Pháp : Lễ tưởng niệm ngày đình chiến trong tiếng la ó
Thời sự tại Pháp hôm nay nóng bỏng với việc Tổng thống Pháp François Hollande đến dự lễ tưởng niệm ngày Đình chiến 11 tháng 11 trong tiếng la ó của dân chúng. Libération đưa tít trên trang nhất : « Ngày lễ 11/11 : Niềm vui của Hollande không trọn vẹn ».
Tờ báo nhận định : Đây là lần đầu tiên, một vị Tổng thống bị la ó đến hai lần trong ngày lễ 11/11. Buổi sáng, ở Paris, trên đại lộ Champs-Elysée. Đầu buổi chiều, trước tòa thị chính ở Oyannax, thuộc tỉnh Ain. Lần đầu tiên là do các thành viên thuộc phe cực hữu. Lần thứ hai đến từ liên minh các thành viên chống hôn nhân đồng tính và những người Pháp quá nản lòng vì phải trả quá nhiều thuế.
Báo phát miễn phí « 20 minutes » cho rằng « Tổng thống của những sự chê bai ». Les Echos nhận thấy « Áp lực gia tăng lên Hollande ». Trong bối cảnh đó, tờ thiên hữu Le Figaro còn bồi thêm : « Sự chống đối đang lan rộng ».
Le Figaro liệt kê một loạt các sự cố xảy ra : « Một vị Tổng thống bị la ó trong ngày lễ 11/11. Đêm nào cũng có các ra-đa kiểm tra tốc độ xe hơi bị phóng hỏa. Thị trưởng của một xã nhỏ tại vùng hạ Bretagne cuối cùng cũng đã làm nổi dậy cả vùng để chống lại quyền lực trung ương tại Paris.
Nhiều dân biểu từ chối tổ chức hôn nhân đồng tính. Nhiều người khác phản đối việc áp dụng cải cách lịch học đường. Các nghiệp đoàn không còn kiểm soát tình hình ở cơ sở. Đâu đâu cũng thấy nổi dậy – để bày tỏ cơn giận dữ ngày càng dữ dội. Đó chính là hình ảnh nước Pháp ngày nay ».
Như vậy lỗi do ai ? Tờ báo trả lời không chút do dự « Tổng thống, người đã để cho bầu không khí đó lan rộng bởi thiếu sự quyết đoán, thiếu suy xét, bởi những mối liên kết đảng phái, chính sách thuế khóa khinh suất.
Kể cả những biện pháp ngay từ đầu có vẻ được ủng hộ, như cải cách lịch học đường, giờ cũng bị chỉ trích ».
Cuối cùng, tờ nhật báo Cộng sản L’Humanité lên án những « sự cố nghiêm trọng » hôm lễ 11/11. Tờ báo hô hào « người dân phe tả phải xuống đường thôi » trên trang nhất. Tờ báo kêu gọi biểu tình ngày 01 tháng 12 sắp đến nhằm phản đối một chính sách thuế khác cũng đang bị chỉ trích mạnh mẽ là « tăng thuế giá trị gia tăng ».
Related news items:
Tin mới
- Mỹ treo thưởng một triệu đô la để chống nạn buôn lậu thú rừng xuyên quốc gia - 14/11/2013 21:31
- Cứu trợ nhân đạo Philippines, một cách để Mỹ bảo vệ lợi ích ở Châu Á - 14/11/2013 21:04
- Aung San Suu Kyi kêu gọi giới đầu tư chú ý đến cải cách chính trị - 14/11/2013 20:55
- Số du học sinh Việt Nam tại Mỹ đứng đầu các nước Đông Nam Á - 13/11/2013 22:20
- Máy bay không người lái rớt xuống hồ Ontario - 13/11/2013 21:13
- Pháp: Một tờ báo cực hữu bị kiệnvì so sánh Bộ trưởng Tư pháp với khỉ - 13/11/2013 20:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày13-11-2013 - 13/11/2013 20:46
- WWF : Nhìn thấy Sao La ở Việt Nam - 13/11/2013 20:00
- Vào Hội đồng Nhân quyền, liệu Việt Nam cởi mở hơn ? - 13/11/2013 19:29
- Kết quả bầu cử Hội đồng Nhân quyền LHQ gây ‘thất vọng’ - 13/11/2013 00:30
Các tin khác
- Thủ lãnh cao cấp Haqqani ở Pakistan bị hạ sát - 12/11/2013 05:04
- Tổng thống Obama: 'Nước Mỹ nhớ ơn các cựu chiến binh' - 12/11/2013 04:52
- Bão Haiyan qua Việt Nam: 18 chết, 81 bị thương - 12/11/2013 00:21
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày11-11-2013 - 11/11/2013 23:30
- Bình Nhưỡng tử hình công khai những người xem truyền hình Hàn Quốc - 11/11/2013 22:13
- Người đẹp Venezuela đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ - 11/11/2013 02:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày10-11-2013 - 11/11/2013 01:41
- Mỹ tài trợ cho cơ quan tình báo lớn nhất Anh Quốc - 11/11/2013 01:23
- Trung Quốc: Phe ủng hộ Bạc Hy Lai lập chính đảng - 10/11/2013 23:28
- Vì sao đạo Dương Văn Mình của người H’Mông bị đàn áp? - 10/11/2013 23:17