Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-10-2013
- Thứ Tư, 09 tháng Mười năm 2013 16:33
- Tác Giả: Thu Hằng
Lời thú tội của Hồng vệ binh Trung Quốc
Hồng vệ binh trong thời Cách mạng Văn hóa
DR
Trang « Phóng sự » của Le Figaro số ra ngày hôm nay lật lại trang lịch sử của cuộc Cách mạng Văn hóa dưới thời Mao Trạch Đông.
Thông tín viên của báo tại Bắc Kinh đã đăng lại lời kể của một số cựu Hồng vệ binh và đề cập tới phản ứng của chính quyền Trung Quốc hiện nay trước sự kiện này trong bài : « Lời thú tội của Hồng vệ binh ».
Những cựu chiến binh này bị ám ảnh bởi những việc tàn bạo mà mình gây ra trong thập niên 1960 dưới danh nghĩa sùng kính tuyệt đối nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.
Tuy nhiên, việc công bố những bí mật cấm kỵ dưới thời Cách mạng Văn hóa, đồng nghĩa là những ý kiến chỉ trích những lệch lạc của Đảng cộng sản, khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Từ năm 2008, một nhóm cựu Hồng vệ binh liên lạc với những « đồng chí » cũ để khích lệ họ kể lại những chuyện thương tâm mà họ đã phạm phải, cũng như cách giải quyết của các nhà lãnh đạo thời đó.
Một nhân chứng quyết định lên tiếng để phá vỡ điều cấm kỵ tuyệt đối của cuộc Cách mạng Văn hóa. Năm 16 tuổi, ông đã chém chết một một đồng đội do cạnh tranh nội bộ. Cha của nạn nhân đã không dám khiếu nại để tránh sự trừng phạt của Cách mạng văn hóa tới gia đình. Vụ việc bị chìm vào quyên lãng nhờ cấp trên bao che và hủy hồ sơ phạm tội.
Hiện nay, kẻ giết người quyết định tiết lộ bí mật của mình và yêu cầu : « Trung Quốc phải đưa ra ánh sáng các tội ác này để tiến lên. Nhưng nhà cầm quyền từ chối đề cập tới ».
Bài báo thuật lại một số điểm chính của chính sách Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, như trường đại học bị đóng cửa từ năm 1966 đến 1972, phá hoại di sản, đấu tố công cộng, đưa trí thức đi cải tạo tại nông thôn, hay học sinh đánh giáo viên vì chương trình « dạy học phản động » của họ.
Dưới thời Mao, không có sinh viên hay học sinh mà chỉ có Hồng vệ binh.
Dù Đặng Tiểu Bình chỉ trích cuộc Cách mạng Văn hóa như một « thảm họa » và Mao Trạch Đông « phải hoàn toàn chịu trách nhiệm », nhưng chủ đề này vẫn còn rất nhạy cảm. Cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã từng nhấn mạnh rằng nếu không có cải cách chính trị thì « những những bi kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể sẽ xảy ra ». Khi phát biểu như trên, ông nhằm ám chỉ « hoàng tử đỏ » Trùng Khánh thời bấy giờ là Bạc Hy Lai.
Trước làn sóng nhân chứng đông đảo, chính quyền yêu cầu mạnh mẽ « Mạng đồng thuận » hủy cuộc thi viết những lời thú tội của Hồng vệ binh được tung ra tháng 8 vừa qua. Trang mạng tự do kêu gọi những người tra tấn kể lại chuyện của mình « trước khi quá muộn ». Vì « nếu chúng ta chờ đợi, những người chịu trách nhiệm sẽ chết hết. Và thời kì đẫm máu của lịch sử sẽ biến mất ». Thông báo nhanh chóng bị gỡ xuống sau vụ Bạc Hy Lai vì nhà tổ chức cảm nhận được mối nguy hiểm liên quan tới hệ tư tưởng này.
Song yêu cầu của nhà cầm quyền vẫn không ngăn được những lời thú tội ngày càng nhiều trong những tháng vừa qua. Toàn Trung Quốc đã xúc động trước chuyện của một cựu Hồng vệ binh đã đấu tố mẹ mình vì bà đã chỉ trích Chủ tịch Mao và xé ảnh của ông.
Hoàn toàn bị tẩy não, người con bất hiếu này bắt đầu bị ám ảnh và hối hận về tội ác của mình từ khi Cách mạng Văn hóa chấm dứt.
Khoảng ba mươi cựu Hồng vệ binh đã tập hợp những lời thú tội trong tập « Lời thú tội của chúng tôi ». Cho tới nay, không một nhà xuất bản nào đủ dũng cảm để in cuốn sách.
Các chủ đề đáng chú ý khác
Báo chí Pháp ra ngày hôm nay dành nhiều trang thông tin và phân tích một số chủ đề nổi cộm : Vấn đề nhập cư bất hợp pháp trở thành đề tài nóng bỏng từ sau thảm họa chìm tàu tại Lampedusa, khủng hoảng « shutdown » tại Hoa Kỳ vẫn được các báo quan tâm trong mục « Quốc tế ».
Liên quan tới tình hình tại Pháp, các báo quan tâm tới việc cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy được xét miễn tố. Ngoài ra, báo Libération quan tâm tới luật Taubira nhằm cải cách nhà tù và L’Humanité phản ánh thực tế chế độ bảo hiểm tại Pháp.
Chính sách nhập cư tại Châu Âu
Quay sang tình hình thời sự tại Châu Âu, các nhật báo Pháp tiếp tục quan tâm tới tình hình nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu. Thảm họa đắm tàu tại Lampedusa khiến 100 người chết và khoảng 200 người bị mất tích đã buộc Liên Hiệp Châu Âu phải xem xét lại chính sách nhập cư của mình.
Báo Le Monde dành trọn hai trang đầu để đề cập tới vấn đề này. Trong bài : « Châu Âu bất động trước làn sóng người nhập cư », phóng viên của báo cho biết số lượng người vượt biển Địa Trung Hải để tới Ý và Malta đã tăng gấp đôi : 16 000 người vào năm 2012 và từ đầu năm 2013 tới nay đã là 31 000 người. Họ chủ yếu là người Somalie, Eritrea và Syria. Con đường này được dùng nhiều từ năm 2011, sau cuộc cách mạng tại Tunisia và tình trạng người miền nam Sahara bị trục xuất khỏi Libya.
Trong một bài báo khác : « Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cửa ngõ của Liên Hiệp Châu Âu, người Syria trên đường lưu vong », phóng viên cho biết chỉ trong hai tháng gần đây, ít nhất 100 000 người Syria đã tới Istanbul, nâng tổng số người nhập cư ước tính lên khoảng từ 500 000 đến 800 000 người.
Khoảng 210 000 người tập trung trong hai mươi trại gần biên giới với Syria. Họ được hưởng quyền bảo vệ tạm thời nhưng không thể xin tỵ nạn.
Liên quan tới cuộc họp các Bộ trưởng Bộ Nội vụ của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu tại Luxembourg diễn ra ngày hôm qua, các báo đều thống nhất rằng cuộc họp đã không đưa ra được giải pháp cụ thể.
Trả lời câu hỏi : « Châu Âu làm gì chống lại thảm kịch nhập cư bất hợp pháp ? », báo công giáo La Croix khẳng định rằng lợi ích riêng của mỗi quốc gia vẫn được các Bộ trưởng đặt trên sự tương ái đối với các quốc gia cửa ngõ của làn sóng nhập cư như Ý, Chypre, Malta hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo Les Echos cho biết : « Lampedusa : các quốc gia Châu Âu thiếu đề xuất ». Tờ L’Humanité cũng đồng tình khi đăng tin : « Lampedusa, Hội đồng giả điếc ».
Còn tờ Le Monde thông tin : « Các thể lệ của Liên Hiệp Châu Âu hạn chế quyền xin tỵ nạn và gây khó khăn cho một số Nhà nước ».
Hội đồng Bộ trưởng đã nêu lên một số biện pháp tăng cường cho cảnh sát biên giới của Liên Hiệp. Tuy nhiên, không một chút thay đổi nào liên quan tới quy định xin tỵ nạn hay giúp đỡ phát triển. Các Bộ trưởng Châu Âu đồng ý thành lập một « đơn vị tác chiến đặc biệt Địa Trung Hải », nhưng không đưa ra khái niệm cụ thể.
Nhật báo Le Figaro quan tâm tới một khía cạnh khác của vấn đề nhập cư tại Pháp dưới tựa đề : « Nhập cư : trục xuất người nhập cư trái phép rơi tự do ».
Tờ báo dẫn lại chỉ trích của một số người trong ngành đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Manuel Valls về chính sách này. Đặc biệt là từ khi luật cấm giúp đỡ nhân đạo cho người nhập cư bất hợp pháp được hủy bỏ.
Vào năm 2012, mỗi ngày có 100 người nhập cư bất hợp pháp bị giam tách biệt trước khi bị trục xuất, con số này rơi xuống còn 60 vào năm nay. Đứng đầu danh sách này là người Rumani, tiếp theo là những người thuộc ba nước Bắc Phi, trong đó Tunisia đứng đầu, tiếp theo là người Maroc và Algeria.
Đọc, viết hay tính toán : người Pháp thuộc dạng học trò lười
Một cuộc điều tra quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiến hành từ năm 2011 đến 2012 trên 24 quốc gia để đánh giá kỹ năng của người lớn.
Kết quả bất ngờ và đáng thất vọng của Pháp được hai tờ La Croix và Les Echos đề cập tới trong số ra ngày hôm nay.
Tờ Les Echos thất vọng : « Đọc, viết hay tính toán : người Pháp thuộc dạng học trò lười ». Nước Pháp bị liệt vào dạng mù chữ trong số các nước phát triển. 22% người từ độ tuổi 16-65 có khả năng kém về viết và 28% gặp khó khăn khi làm các phép tính đơn giản.
Trong khi đó, tỉ lệ trung bình lần lượt là 15,5% (viết) và 19% (tính toán) trong các quốc gia được điều tra. Với kết quả quá kém này, Pháp bị xếp vào hàng thứ 22 trên tổng số 24. Cả Les Echos và La Croix đều nêu lên một số nguyên nhân chính cho tình trạng này.
Thứ nhất, một số người được điều tra có cha mẹ không có trình độ cao. Loại trừ những người xuất thân từ những gia đình có giáo dục thì tỉ lệ này nằm trong mức trung bình của OECD. Thứ hai, do hệ thống giáo dục. Đây là môi trường đầu tiên giúp hình thành những kỹ năng cơ bản. Kỹ năng này được phát triển trong môi trường lao động. Song, nước Pháp gặp vấn đề lớn về cách sử dụng kỹ năng. Hơn nữa, nhiều tài năng không được trọng dụng.
Thế hệ trẻ có trình độ cao hơn nhưng gặp phải khó khăn trong vấn đề tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Les Echos phản ánh thực trạng này trong bài : « Việc làm : sự hòa nhập của cử nhân trẻ rơi xuống đáy ». Theo con số do trang điện tử môi giới việc làm Apec đưa ra, chỉ 64% cử nhân hoặc có trình độ cao hơn làm việc vào mùa xuân năm 2012. Công việc của họ ngày càng bấp bênh và mức lương của họ « dậm chân tại chỗ ». Chỉ 51% may mắn kí được hợp đồng vô thời hạn (CDI) sau một năm tốt nghiệp, giảm 5% so với trước đây. Mức lương giữa những cử nhân trẻ cũng có sự phân biệt rõ rệt. Kĩ sư trẻ hay cử nhân các trường thương mại có mức lương cao hơn so với sinh viên tốt nghiệp đại học bình thường.
Tê liệt ngân sách tại Mỹ
Bước sang tuần thứ hai, « Shutdown » tại Mỹ vẫn được các nhật báo Pháp quan tâm theo dõi.
Dưới tựa đề : « Shutdown » : ván bài poker tiếp tục », Le Figaro công bố số liệu điều tra của tờ Washington Post. Theo đó, 71% người Mỹ không tán thành phe Cộng Hòa. Báo Le Monde cho biết thêm, con số này tăng lên 7% so với cách đây một tuần.
Nếu Nghị viện Mỹ không bỏ phiếu luật tăng mức trần nợ công từ nay tới ngày 17/10, Ngân khố Mỹ sẽ không thể vay các khoản tiền cần thiết để thanh toán nợ của mình.
Hôm qua Tổng thống Mỹ đã điện thoại cho người đứng đầu phe Cộng Hòa tại Hạ viện, John Boehner. Theo đó, Tổng thống sẵn sàng đàm phán những gì mà người đối lập muốn sau khi Đảng của ông này bỏ phiếu ngân sách.
Không khí giữa Tổng thống với phe Cộng Hòa tại Hạ viện vẫn căng thẳng. Tổng thống có lẽ phải hi vọng tìm giải pháp tại Thượng viện. Đảng Dân Chủ chiếm hơn 8 ghế so với đảng đối lập.
Báo Le Monde dành bài : « John Boehner, nhạc trưởng của « shutdown » tại Mỹ » để phản ánh vai trò của một khuôn mặt đối lập trong vấn đề bỏ phiếu ngân sách. Đứng thứ ba trong nền Cộng Hòa (sau Tổng thống và Phó Tổng thống), Chủ tịch Hạ viện càng trở nên quan trọng hơn nhờ cảnh « sống chung », vì Tổng thống và Thượng viện thuộc đảng Dân Chủ, còn Hạ viện thuộc đảng Cộng Hòa.
Le Monde phân tích vị thế « tiến thoái lưỡng nan » của ông. Chỉ cần ông tỏ ra cởi mở một chút, chắc chắn ông sẽ nhận được chỉ trích từ Đảng của mình. Nhưng nếu vẫn tiếp tục đối đầu như hiện nay, một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra và Đảng của ông sẽ bị cử tri trừng phạt.
Vẫn theo thăm dò của Washington Post do Le Monde đăng lại, từ khi khủng hoảng ngân sách, chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Mỹ tăng thêm 4%, đạt mức 45%.
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-11-2013 - 11/10/2013 19:24
- Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Tân Chủ Tịch HĐGMVN - 11/10/2013 18:59
- Nữ văn sĩ Canada đoạt Nobel Văn học 2013 - 10/10/2013 23:05
- Bầu cử tổng thống Azerbaijan : Aliev chiến thắng, OSCE lo ngại - 10/10/2013 19:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-10-2013 - 10/10/2013 19:48
- Thượng đỉnh Đông Á : Hoa Kỳ trấn an các đối tác về nguy cơ vỡ nợ - 10/10/2013 19:16
- Việt Nam - Hoa Kỳ ký hiệp định hạt nhân dân sự - 10/10/2013 16:17
- Hơn 200,000 người đăng ký để sống (và chết) trên sao Hỏa - 10/10/2013 05:04
- NASA cấm các nhà khoa học Trung Quốc dự hội nghị - 10/10/2013 00:27
- Hoa Kỳ : Khủng hoảng ngân sách chưa lối thoát, nguy cơ vỡ nợ đã cận kề - 09/10/2013 16:49
Các tin khác
- Đài Loan thăm dò dầu khí ở vùng Trường Sa - 09/10/2013 16:11
- Mỹ chính thức lưu hành tờ 100 đôla mới - 09/10/2013 03:01
- Đọ sức Mỹ-Trung về thương mại tại Thượng đỉnh APEC - 09/10/2013 01:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-10-2013 - 09/10/2013 01:16
- Thượng đỉnh APEC 2013 bế mạc : Biển Đông tiếp tục được nêu trong hậu trường - 08/10/2013 22:06
- Mỹ đứng đầu về sản xuất năng lượng - 07/10/2013 23:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-10-2013 - 07/10/2013 20:49
- Dự án thành lập Nhà nước Hồi giáo tại Mali của tổ chức khủng bố Aqmi - 07/10/2013 20:21
- Nobel Y học 2013 : Hai người Mỹ và một người Đức - 07/10/2013 19:54
- Nga rước đuốc Thế Vận Hội mùa đông 2014 - 07/10/2013 19:45