Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-07-2013

 Mùa Xuân Ả Rập đã bị đánh cắp ?

TUNISIA-DEATH

Những người phản kháng ở Tunisia xô xát với cảnh sát chống bạo động gần tòa nhà Quốc hội ở Tunis ngày 27/07/2013.
REUTERS/Zoubeir Souissi

 

Hồi mùa xuân 2011, một làn sóng nhân dân nổi dậy đã lật đổ chính quyền độc tài ở một loạt các nước Ả Rập. Sau đó, bầu cử đã diễn ra, và các phe Hồi Giáo cực đoan lần lượt lên nắm quyền. Thế nhưng, tình hình ngày càng phức tạp, bất ổn ngày càng dâng cao, người dân bất mãn chính quyền mới lại tiếp tục xuống đường. Mà đỉnh điểm thu hút dư luận mấy ngày qua đó là trường hợp của Ai Cập và Tunisia.

Báo chí Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến hồ sơ này. Nhật báo cánh tả Libération dành trang nhất đăng ảnh biển người biểu tình tại Ai Cập với dòng tựa :

«Ai Cập, Tunisia…Cách mạng lâm nguy ».

Tại Ai Cập, sau khi lật đổ nhà độc tài Mubarak, quân đội nắm quyền điều hành đất nước gần 20 tháng. Sau đó, hồi giữa năm ngoái, Tổng thống dân cử đầu tiên của nước này đã được bầu ra, đó là ông Mohamed Morsi. Nhân vật này là người của tổ chức Hồi giáo cực đoan mang tên Huynh đệ Hồi giáo.

Trong một năm cầm quyền, ông Morsi chẳng những không cải thiện được nền kinh tế, mà còn bị chỉ trích là chỉ biết lo cho lợi ích đảng phái, bỏ mặc lợi ích quốc gia. Thế là, người dân lại xuống đường biểu tình trên cả nước, dẫn đến việc quân đội can thiệp lật đổ chính quyền và bắt giam Tổng thống Morsi.

Sau đó, một chính phủ lâm thời đã được dựng lên với đầy đủ chức danh, từ Tổng thống đến Bộ trưởng. Thế nhưng, vấn đề là, người cầm đầu quân đội lật đổ ông Morsi, tướng Al-Sissi, vẫn giữ ghế Bộ trưởng quốc phòng, và còn có thêm ghế Phó tổng thống.

Phe Huynh đệ Hồi giáo thì quyết tâm bất hợp tác với chính quyền lâm thời, phản đối quân đội, nên họ đã dựng lều biểu tình lâu dài trên đường phố, yêu cầu đưa ông Morsi trở lại ghế Tổng thống. Đụng độ giữa hai bên biểu tình phản đối và ủng hộ Morsi thường xuyên nổ ra.

Rắc rối nhất là hồi cuối tuần rồi, đã xảy ra đụng độ giữa quân đội và người biểu tình ủng hộ Morsi. Kết quả là quân đội bị tố cáo bắn chết hơn 70 người biểu tình. Libération cho biết thêm, sự việc làm rạn nứt ngay trong hàng ngũ chính phủ lâm thời.

Ngay cả Phó tổng thống lâm thời Mohamed El Baradei, lãnh tụ phe đối lập, cũng đã nhận định trên Twitter cá nhân rằng đó là « một sự sử dụng vũ lực quá mức », và kêu gọi hai bên « bác bỏ bạo lực để tránh đổ máu ».

Nhận định về tình Ai Cập, Libération đã dùng đến từ « cách mạng bị đánh cắp », Les Echos thì cho rằng Ai Cập đang lâm cảnh « bế tắc ».

Le Monde thì cảnh báo « sự phô trương sức mạnh giữa Ai Cập và phe Hồi Giáo cực đoan », Le Figaro cũng cảnh báo "bóng ma nội chiến đang chập chờn ở Ai Cập".

Tunisia hiện cũng lâm cảnh tương tự như Ai Cập, nhưng theo L’Humanité thì có điểm khác biệt là, ở Tunisia không có sự can thiệp của quân đội như ở Ai Cập. Tunisia là nước khởi nguồn Mùa Xuân Ả Rập. Sau khi lật đổ nhà độc tài Ben Ali, đảng Hồi giáo cực đoan Ennahda lên nắm quyền và muốn áp đặt luật Hồi giáo. Người dân bắt đầu bất mãn.

Le Figaro và L’Humanité đồng loạt nhấn mạnh đến sự kiện vừa qua: lần lượt có hai nhân vật trọng yếu của phe đối lập bị ám sát một cách mờ ám.

Người dân Tunisia lại xuống đường phản đối chính phủ, và Tunisia lại đối mặt với cơn địa chấn chính trị, trên 60 dân biểu đối lập đã từ nhiệm khỏi Hội đồng lập hiến lâm thời.

Libération cho hay, phe đối lập không còn muốn đàm phán với Ennahda. L’Humanité thì nhận định, cơn phẫn nộ của người dân đang làm rúng động phe Hồi giáo cực đoan tại Tunisia. Libération kết luận, tình hình tại Ai Cập và Tunisia là một biểu hiện « thất bại » của Mùa Xuân Ả Rập.

Phụ nữ được gì trong Mùa Xuân Ả Rập ?

Mùa Xuân Ả Rập vừa qua có mang đến lợi ích gì cho chị em phụ nữ ở các nước có mùa xuân này đi qua hay không ?

Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong bài "Phụ nữ Ả Rập đã có vị trí trong các cuộc cách mạng" đăng trên nhật báo Công giáo La Croix. Tờ báo cho biết, từ Tunisia đến Ai Cập, phụ nữ tham gia xuống đường từ những ngày đầu cách mạng.

Trong mục tiêu chung của tất cả mọi người làm cách mạng là cải tổ chính trị, thì chị em phụ nữ còn có mục tiêu riêng là đòi hỏi quyền bình đẳng giới. Thế nhưng, sau khi lật đổ chế độ độc tài, người phụ nữ ở hai nước này cũng chẳng được gì, từ quyền bình đẳng giới đến việc tham gia chính trị.

Và hiện tại, họ vẫn tiếp tục làm cách mạng, nhưng không phải như cánh đàn ông tham gia chính trường, mà là tập trung kêu gọi trên các diễn đàn mạng.

La Croix nhận định : Mùa Xuân Ả Rập đã « giải phóng được tiếng nói của phụ nữ », ngoài ra thì họ chẳng được gì khác.

Nam-Bắc Triều Tiên : 60 năm, giấc mộng vẫn chưa tròn

Hôm 27/7 vừa qua, cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm hiệp định đình chiến. Sự kiện này tiếp tục thu hút báo chí Pháp hôm nay. Le Monde đăng bài « 60 năm của nền hòa bình võ trang », Les Echos thì chạy tựa : « 60 năm sau vẫn không có gì thay đổi ».

Le Monde nhắc lại việc hai miền Nam Bắc Triều Tiên đánh nhau hồi đầu những năm 1950 và nhấn mạnh đến hậu quả cuộc chiến, với tổng số khoảng 4 triệu người chết, bao gồm tất cả các bên tham chiến. Hậu quả là 60 năm nay, vĩ tuyến 38 luôn chia cắt hai miền Nam Bắc, quân đội hai phía vẫn lăm le nhau ở biên giới.

Le Monde nhận định : Triều Tiên hiện vẫn như là « một pháo đài của cuộc chiến tranh lạnh ».

Về phần mình, Les Echos có vẻ mỉa mai khi cho rằng : Kỷ niệm 60 đình chiến được đồng loạt tổ chức long trọng bởi hai kẻ đối đầu, trong khi hiệp định đó đã chia cắt bán đảo Triều Tiên từ 60 năm nay.

Tờ báo cũng nhấn mạnh đến một chi tiết đáng chú ý khác, đó là đa phần người Hàn Quốc « sợ » viễn cảnh thống nhất. Họ sợ là bởi vì cái giá mà Hàn Quốc phải trả cho thống nhất là quá cao.

Sau 60 năm chia cắt, GDP của Hàn Quốc hiện cao gấp 40 lần của Bắc Triều Tiên. Nếu thống nhất, chỉ tính trong năm đầu, Hàn Quốc phải chịu tốn đến 55.000 tỉ won (37 tỉ euro) để bù cho sự chậm phát triển của miền Bắc.

Theo một thăm dò mới đây, chỉ có 25% người Hàn Quốc là « hoàn toàn ủng hộ » việc thống nhất hai miền Nam Bắc. Đáng chú ý là trong số đó không hề có những người thuộc thế hệ trẻ. Bên cạnh những khó khăn trên, còn có vấn đề ý thức hệ và quan điểm nhìn nhận lịch sử rất khác biệt giữa hai phía.

Thái Lan tăng xuất khẩu gạo, thế giới bắt đầu lo

Thị trường gạo thế giới có thể gặp biến động lớn vì Thái Lan muốn « bán tháo » một số lượng lớn lúa gạo dự trữ. Đó là cảnh báo của nhật báo kinh tế Les Echos.

Tờ báo nhắc lại, từ hai năm nay, để thực hiện lời hứa tranh cử, chính phủ Yingluck Shinawatra đã tiến hành thu mua tạm trữ lúa gạo của người dân với giá gấp rưỡi. Số tiền chính phủ phải chi cho chính sách này đã lên đến 19 tỉ đô la với số lúa gạo được mua đã là 40 triệu tấn.

Hậu quả là, giá xuất khẩu mặt hàng này của Thái Lan tăng lên, lượng cầu thế giới đối với gạo Thái Lan giảm, kho dự trữ trong nước đã lên đến 17 triệu tấn, tức xấp xỉ phân nửa lượng nhập khẩu gạo trên thế giới trong thời gian một năm.

Hiện tại, kho bãi dự trữ ở Thái Lan đã quá tải, trong khi mùa thu hoạch mới lại sắp đến. Vì thế chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ tăng xuất khẩu với mức 500.000 đến 1 triệu tấn mỗi tháng, trong khi từ đâu năm đến giờ con số này chỉ bình quân có 280.000 tấn.

Quyết định trên có thể gây biến động thị trường lúa gạo thế giới. Tổ chức FAO nhận định, mùa màng sắp tới tại Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan sẽ có năng suất cao, lượng dự trữ gạo thế giới vì thế sẽ tiếp tục tăng trong năm thứ bảy liên tiếp, và sẽ đạt mức kỷ lục kể từ 12 năm nay.

Lượng dự trữ gạo thế giới hiện xấp xỉ 3 lần mức giao dịch mặt hàng này trong ba năm.

Tờ báo cũng nhắc lại, chính sách mua trợ giá lúa gạo của Thái Lan đã khiến nước này đánh mất vị trí nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới vào tay Việt Nam hồi năm ngoái. Trong tương lai, tờ báo cho rằng, Thái Lan còn lâu mới lấy lại được vị trí số một vì khó lòng cạnh tranh được với gạo giá rẻ của Việt Nam.

Cam Bốt : Tuổi trẻ muốn canh tân

Nhìn về cuộc bầu cử Quốc hội tại Cam Bốt diễn ra vào ngày hôm qua, nhật báo Le Monde đăng bài bàn về việc chính phủ Cam Bốt giảm mức tín nhiệm và sự đang lên của nhân vật đối lập Sam Rainsy.

Tờ báo nhắc lại việc ông Sam Rainsy bị chính phủ Hun Sen kết án tù vào năm 2006 và 2009, và được Quốc vương ân xá cũng dưới sự tính toán của Thủ tướng Hun Sen. Cầm quyền từ 28 năm nay, ông Hun Sen đã dần làm chán nản nhiều cử tri vì chính sách điều hành bị cho là độc tài, vì tình trạng nhân quyền xuống cấp, vì các xì-căng-đan cưỡng chế đất đai của người dân để phục vụ cho lợi ích các doanh nghiệp, vì tình trạng tham nhũng hoành hành.

Trong bối cảnh đó, phe ông Sam Rainsy kêu gọi cải tổ, và đây cũng là tử huyệt của Hun Sen.

Le Monde cho biết, ông Sam Rainsy thu hút được những người Khmer muốn cải tổ, nhất là lớp trẻ thành thị.

Tờ báo nhắc lại, phân nửa dân số Cam Bốt hiện tại dưới 25 tuổi, tức là thế hệ sinh sau thời diệt chủng Pol Pot. Bởi thế, họ cần đổi mới, chứ ít bị ông Hun Sen thu hút vào những chủ đề Khmer Đỏ. Le Monde nói thêm, hiện tại ở thủ đô Phnom Penh, rất thường xuyên có hàng ngàn thanh niên diễu hành bằng mô tô và hô vang khẩu hiệu đòi đổi mới. Trong bối cảnh đó, thì ông Hun Sen lại tuyên bố sẵn sàng tiếp tục tại vị thêm 13 năm nữa.

Đức Giáo hoàng muốn « Một Giáo hội tốt đẹp hơn »

Đại hội Thanh niên Công Giáo 2013 đã bế mạc vào hôm qua tại Rio De Janeiro, kết thúc một tuần công du đến Brazil của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Nhật báo Công giáo La Croix dành trang nhất cho sự kiện này với hàng tít lớn : « Lời kêu gọi đổi mới », và một bài xã luận có tên « Lộ trình ».

Buổi lễ bế mạc diễn ra vào hôm qua với một thánh lễ do Đức Giáo hoàng Phanxicô chủ trì, và sự tham dự của ba triệu tín đồ.

Tối hôm thứ Bảy, đã có hai triệu người tham dự Lễ Chầu Đêm trên bãi biển Copacabana, cùng Đức Giáo hoàng thắp nến cầu nguyện.

La Croix cho biết, nhân dịp này, Đức Giáo hoàng đã kêu gọi thế hệ tín đồ trẻ không nên là «con chiên nửa vời », mà hãy là « những người xây dựng một Giáo hội tốt đẹp hơn ».

Trước đó, Đức Giáo hoàng cũng đã nói chuyện với các chức sắc Công giáo ở Brazil. Ngài đã kêu gọi họ từ chối xa hoa, sống giản dị hơn, gần gủi với người nghèo hơn, biết lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của tín đồ hơn.

La Croix nhận định : Đó là một lộ trình mà Đức Giáo hoàng đã vạch ra để cải tổ Giáo hội trong thời gian tới.

Nhật báo cánh tả Libération và nhật báo cánh hữu Le Figaro đồng loạt đăng ảnh biển người tập hợp trên bãi biển Copacabana trong Thánh lễ bế mạc.

Hai tờ báo cũng đưa ra nhận định giống nhật báo La Croix. Đặc biệt, Le Figaro ca ngợi sự thành công của Đức Giáo hoàng qua những cử chỉ và cách hành xử đầy thân thiện của ngài.

Tờ báo trích dẫn lời một tín đồ 19 tuổi : «Ngài đã xóa đi hình ảnh xa lạ mà chúng tôi từng nghĩ về một Giáo hoàng. Ngài chứng tỏ cho chúng tôi thấy rằng, đi theo Chúa là con đường nằm trong tầm tay của tất cả mọi người ».

Pháp : Du lịch mùa khủng hoảng

Tháng Bảy là tháng trì trệ của ngành du lịch Pháp, đó là nhận định của nhật báo Libération về khó khăn mà ngành du lịch Pháp đang gặp phải.

Ngành công nghiệp du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Pháp. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế Pháp đang khó khăn, thì ngành này lại suy giảm trong thời điểm cao trào của mùa du lịch hè.

Theo thống kê, tháng Bảy này, lượng khách đến các khách sạn và nhà hàng đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách đến các khu công viên giải trí cũng sụt giảm 10% so với năm 2012. Dự báo cho tháng Tám tới đây cũng không có gì sáng sủa.

Nguyên nhân ? Đó là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành ở nước Pháp.

Theo một thăm dò, năm nay, có 50% người Pháp dự định giảm chi tiêu trong kỳ du lịch hè, 48% dự định sẽ đi nghỉ hè vào tháng Bảy và tháng Tám, tức giảm đến 900.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh nguyên nhân kinh tế còn có nguyên nhân thời tiết bất lợi.

Mùa xuân và mùa hè năm nay, thời tiết tại Pháp không được đẹp, nên khách du lịch ngoại quốc đổi hướng sang Tây Ban Nha, Ý hay Hy Lạp.

Pháp : 93% sông ngòi nhiễm thuốc trừ sâu

Cũng tại Pháp, trên hồ sơ môi trường, nhật báo Le Figaro cho biết, chỉ có 7% sông ngòi tại Pháp là hoàn toàn không có bóng dáng thuốc trừ sâu. Đặc biệt ở những vùng sản xuất nông nghiệp, thì sông ngòi bị ô nhiễm nặng nhất. Và trong số những chất trừ sâu được phát hiện ở các dòng sông, có những loại đã bị cấm từ mấy chục năm nay.


Switch mode views: