Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Xã hội công dân Cuba đòi tham gia việc nước

Cuba - Espacio-Laical



Tạp chí công giáo độc lập "Espacio Laical" (DR)


 

Cải cách kinh tế theo kiểu « vỗ lợn cho béo » của chính quyền Cuba bị giới trí thức lật tẩy.

 Trên Espacio Laical, tạp chí công giáo độc lập tại Cuba, một nhóm trí thức kêu gọi chủ tịch Raoul Castro phải tham khảo ý dân, phải thảo luận rộng rãi thay vì áp đặt bằng nghị định.

 Từ khi thay anh lên nắm ghế chủ tịch Cuba vào năm 2006, tướng Raoul Castro đã tiến hành một số biện pháp cải cách đặc biệt là về kinh tế để tránh cho chế độ không bị phá sản như Liên Xô cũ.

Chính sách này thử nghiệm một loại kinh tế thị trường theo « mô hình Cuba ».

 Cụ thể là nhà nước nới tay cho người dân kiếm sống bằng một số ngành nghề cá nhân như hớt tóc, mở quán ăn gia đình, cho nông dân được bán một phần thu hoạch.

Các công ty quốc doanh do các bộ kiểm soát được ít nhiều tự trị, thị trường bất động sản và xe hơi được phép hoạt động.

Về chính trị, lần đầu tiên từ hơn 60 năm bị kềm kẹp, người dân Cuba được quyền có hộ chiếu và du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên trên tạp chí công giáo Espacio Laical (Không gian Thế tục), nhà văn Leonardo Padura đặt câu hỏi : Do ai và từ bao giờ người dân Cuba được thông báo các biện pháp cải cách quan trọng tác động đến đời sống hàng ngày ?

Cũng trên diễn đàn này, nhà văn Arturo Arango đòi hỏi cần « phải mở rộng không gian, để cho người dân được thực sự kiểm soát nhà nước chứ không phải chỉ qua những cuộc tham vấn ngụy trá ».

Tại sao giới trí thức Cuba lên án chính sách cải cách của chế độ ?

 Theo AFP, những biện pháp cởi trói kinh tế của Cuba được một số người xem là « luồng dưỡng khí » cứu sống nền kinh tế hấp hối.

Nhưng đối với người khác thì « kinh tế thị trường phục vụ xã hội chủ nghĩa » của Cuba chỉ là lớp phấn son bên ngoài, vì trên thực tế nhà nước vẫn kiểm soát đến 90% kinh tế quốc gia.
 Do vậy, họ đòi hỏi phải cải tổ thực sự .

Lý do thứ hai, là các biện pháp này dựa trên cơ sở được gọi là « 300 chỉ đạo » do đảng Cộng sản Cuba biểu quyết vào tháng 4/2011, sau một đợt « tham khảo lấy ý dân và cán bộ cơ sở ».

 Vấn đề là không người dân nào được biết kết quả ra sao.

 Cho đến khi chính quyền ra nghị định áp dụng với những biện pháp đánh thuế cụ thể thì lúc đó mới lộ rõ mánh khóe « vỗ lợn cho béo » của đảng cầm quyền.

Nhà văn Leonardo Padura nổi giận : « Trên thế giới chưa có nơi nào mà luật thuế lại phục vụ kẻ mạnh như ở Cuba. Nếu thu nhập 50.000 pesos, khoảng 2.500 đôla mỗi năm thì phải nộp cho nhà nước 50%.

Người lao động độc lập chưa biết đâu, đến cuối năm khi đóng thuế thì họ sẽ bật ngửa như bị sóng thần ».

Câu hỏi đặt ra là vì sao chính quyền Cuba có thể mặc sức ấn định sưu cao thuế nặng ?

Nhà chính trị học Hiram Hernandez cho rằng : « cải cách bao giờ cũng cần đến sự tranh luận, tham gia của nhiều ý kiến khác biệt. Vấn đề của Cuba là không có một cơ chế nhân dân kiểm soát nhà nước ».

Triết gia Jorge Luis Acanda tỏ ra dứt khoát hơn, ông nói cần phải trao cho « xã hội công dân quyền chỉ đạo trong mọi vấn đề liên quan đến công ích ».

Các nhà trí thức Cuba nhấn mạnh đến hai yếu tố : « để cho xã hội tranh luận công khai và bảo đảm quyền tự do ngôn luận ».

Một trong những cải tổ « thiết yếu khẩn cấp » phải được tiến hành tại Cuba là « chấm dứt chế độ kiểm duyệt, lề thói bảo mật thông tin liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc ».

Chưa rõ là chính quyền Cuba sẽ phản ứng ra sao trước những đòi hỏi cởi trói thật sự ?

Nhưng theo AFP, cách nay vài hôm, ông Jorge Gomez Barata, cựu lãnh đạo ban tuyên huấn đảng Cộng sản Cuba viết một bài bình luận với câu hỏi như sau : « Cuba sẽ đi về đâu, nếu cứ tiếp tục bảo vệ bí mật, loại trừ đóng góp ý kiến của xã hội ? ».

Người từng nắm vai trò bảo vệ ý thức hệ cộng sản và chỉ đạo báo chí ở Cuba dường như không xem sự kiện người dân thực thi quyền tự do ngôn luận là « lợi dụng dân chủ chống nhà nước xã hội chủ nghĩa ».

 

Switch mode views: