Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Syria tràn vào cứ điểm của quân nổi dậy

Qusair syrian army

 



Xe tăng của Quân đội Syria ở Qusair



Truyền hình nhà nước nói Quân đội Syria đã chiếm thủ phủ Qusair

Quân đội Syria đã tràn vào chiếm cứ điểm của quân nổi dậy ở Qusair và truyền hình nhà nước nói lính chính phủ đã kiểm soát được trung tâm thị trấn này.

Giao tranh đã diễn ra ở thị trấn gần với biên giới Lebanon trong nhiều tuần.

Các nhóm đối lập nói dân quân của nhóm Hezbollah đã sát cánh bên lực lượng chính phủ.

Các phóng viên nói Qusair có giá trị chiến lược cho cả hai phía.

Đối với quân nổi dậy, kiểm soát được Qusair đồng nghĩa với việc họ có thể dễ dàng sang Lebanon và quay trở lại Syria, theo phóng viên BBC Jim Muir từ Beirut.

Các nhà hoạt động đối lập nói những đợt không kích và pháo kích của chính phủ hôm Chủ Nhật đã khiến ít nhất 30 người chết ở Qusair trong đó có 16 tay súng của quân nổi dậy.

Truyền hình nhà nước nói binh lính đã chiếm được các tòa nhà ở trung tâm Qusair bao gồm tòa thị chính và đang truy đuổi "quân khủng bố" - từ họ dùng để chỉ phe nổi dậy.

Truyền hình của chính phủ cũng nói 70 quân nổi dậy đã thiệt mạng nhưng tin này không thể được kiểm chứng độc lập.

Cả phe nổi dậy và chính phủ đều không nói gì về thương vong cho dân thường.

Trong khi có tin dân quân Hezbollah tham chiến cùng lính chính phủ, phóng viên BBC cũng nói hàng trăm dân quân Hồi giáo Sunni cầm súng đứng bên phe đối lập.
Hội nghị hòa bình

Trong một diễn biến khác, Hãng Thông tấn Quốc gia Lebanon đưa tin tám tên lửa Grad sản xuất từ thời Liên Xô cũ đã trúng thị trấn Hermel ở đông bắc.

Hãng tin nói tên lửa dường như được bắn ra từ Syria nhưng không gây ra thiệt hại hay thương vong.

Tin về cuộc tấn công vào Qusair xuất hiện giữa lúc Tổng thống Assad thề tiếp tục "cuộc chiến chống khủng bố".

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi Hoa Kỳ và Nga công bố kế hoạch về hội nghị hòa bình, ông Assad nói với một tờ báo Argentina rằng cuộc gặp phải tập trung vào chuyện ngăn dòng tiền và vũ khí tới "những kẻ khủng bố".

Ông bác bỏ gợi ý rằng ông nên từ chức và nói thuyền trưởng sẽ không bao giờ rời tàu, còn tương lai của ông sẽ do bầu cử tổng thống vào năm tới quyết định.

Cả chính phủ Syria và quân nổi dậy đều chưa cam kết sẽ tham gia hội nghị hòa bình dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Sáu.

Hội nghị có mục đích thuyết phục cả hai phía trong cuộc xung đột hiện nay chấm dứt bạo lực và lập ra chính phủ lâm thời bao gồm cả các quan chức trong chính quyền của ông Assad và thành viên của phe đối lập.

Liên Hiệp Quốc sẽ bảo trợ việc thành lập một chính phủ lâm thời như vậy.

Tuần trước Liên Hiệp Quốc nói số người thiệt mạng ở Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu hồi tháng Ba năm 2011 đã lên tới ít nhất 80.000.

Các nhà hoạt động nói con số này có thể lên tới 120.000.

Syria cũng đã bị cáo buộc dùng tới vũ khí hóa học trong cuộc xung đột, điều Hoa Kỳ mô tả là "ranh giới đỏ" cho khả năng Washington can thiệp quân sự.

Nhưng Nga luôn chống lại việc can thiệp của phương Tây giống như họ đã làm đối với Libya hồi năm 2011.

Nga cũng bị chỉ trích vì gửi tên lửa tới Syria, điều mà Nga nói không vi phạm bất kỳ luật lệ quốc tế nào.

Switch mode views: