Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-05-2013
- Thứ Năm, 16 tháng Năm năm 2013 22:51
- Tác Giả: Lê Vy
Tổng thống Pháp bị dồn vào chân tường
Tổng thống Pháp François Hollande tại Điện Élysée (REUTERS)
Đề tài suy thoái kinh tế Pháp là tâm điểm của các báo ra ngày hôm nay.
Báo Le Monde dành đến 4 trang lớn trong mục « Kinh tế và doanh nghiệp ».
Cũng như tờ báo Les Echos, báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Suy thoái buộc tổng thống Hollande phải cải cách ».
Tờ báo thiên hữu Le Figaro đăng tít: « tổng thống Hollande bị dồn vào chân tường ».
Báo thiên tả Libération phân tích đề tài này qua 6 trang và chạy tựa lớn: « Tổng thống Hollande : khát vọng tương lai » và cho biết là ông Hollande sẽ phải trình bày kế hoạch cải cách của mình trong cuộc họp báo chiều nay.
Tờ báo Le Monde đưa ra các chỉ số kinh tế đáng báo động như trong quý 1 năm 2013, tổng sản phẩm nội địa – GDP của Pháp bị thụt giảm 0,2% trong khi đó, sức mua giảm 0,9% vào năm 2012, một sự giảm sút chưa từng thấy từ 30 năm trở lại đây.
Trong cuộc họp báo chiều nay, tổng thống Hollande phải đưa ra phương hướng hành động cho năm thứ hai trong nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông.
Ông Hollande đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế đau đầu.
Bruxelles đã gia hạn cho Paris có thêm 2 năm để giảm thâm hụt ngân sách. Đổi lại, tổng thống Hollande cần phải tiến hành các cải cách cơ cấu. Pháp hiện đang dẫn đầu châu Âu về các chi tiêu công cộng.
Tờ báo giả định rằng để cắt giảm chi tiêu công thì Điện Elysée phải tấn công vào các hồ sơ nhạy cảm như : vấn đề hưu bổng, thất nghiệp và các trợ cấp xã hội… Liệu phủ tổng thống có muốn làm hay không ?
Tờ báo còn cho biết chính phủ Pháp đã đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng nhưng phương tiện để thực hiện vẫn còn rất lờ mờ.
Bên cạnh đó, báo thiên hữu Le Figaro đánh giá buổi họp báo ngày hôm nay có vai trò quan trọng đối với ông Hollande, bởi ông phải tìm cách phá tan mọi ngờ vực ngày càng cao trong dân chúng cũng như các đảng phải khác về chính sách lãnh đạo của ông trong bối cảnh kinh tế suy thoái nghiêm trọng.
Cuộc chiến nhằm tăng tính canh trạnh của Pháp là một chủ đề đã được đưa ra trong lần họp báo đầu tiên vào ngày 13/11/2012. Thế nhưng hôm nay, một số chỉ số chính như chi tiêu của mỗi hộ gia đình, đầu tư, xuất khẩu, lợi nhuận của các doanh nghiệp, hay sức mua đều đang ở mức báo động đỏ.
Đảng đối lập UMP đánh giá Tổng thống Hollande chịu trách nhiệm một phần trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện tại.
Tờ báo đăng một số câu hỏi mà hơn 400 nhà báo đã dự trù để chất vấn tổng thống trong cuộc họp báo hôm nay. Ví dụ như làm cách nào thoát ra khoải suy thoái ? Đâu là bảng tổng kết của các cải cách đã cam kết ? cải cách về chế độ hưu trí ra sao ?
Quan điểm trong mối quan hệ Pháp-Đức ra sao ? cải tổ nội các sẽ diễn ra thế nào với các cạnh tranh ngay trong nội bộ như bộ Tài chính ?
Chính sách quốc tế ?
Mục kinh tế của báo Le Figaro còn nhận định : Niềm hy vọng thấy Pháp thoát ra khỏi suy thoái còn rất xa vời.
Khủng hoảng đã gây ra nhiều bất công trong xã hội.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) đã báo động tình trạng này tại nhiều quốc gia. Nước Pháp cũng không thoát khỏi xu hướng này mặc dù có một chế độ an sinh xã hội khá tốt, cho phép giảm các bất công xã hội.
Pháp dành 10% GDP cho các chi tiêu xã hội như trợ cấp thất nghiệp, phụ cấp gia đình. Pháp đứng thứ 7 trong nhóm OCDE, chỉ sau các nước Bắc Âu về các khoản chi tiêu này.
Đề tài kinh tế Pháp suy thoái cũng làm báo kinh tế Les Echos tốn không ít giấy mực.
Tờ báo nhận định rằng Đảng UMP lên án thì mạnh nhưng cũng chẳng đề nghị đuợc gì nhiều. Phía cánh tả, bộ trưởng Tài chính, ông Moscovici cho rằng « suy thoái không có gì đáng ngạc nhiên bởi đó là do môi trường chung của đồng euro ».
Chủ tịch đảng Modem, cánh trung, ông François Bayrou nhận xét các công cụ cải cách của ông Hollande còn quá nhẹ, chưa đủ trọng lượng so với tính nghiêm trọng của các vấn đề trước mắt.
Thay vì đối mặt với thực tế cấp bách thì tổng thống Hollande lại tìm cách hướng về tương lai. Đó là nhận định của báo cánh tả Libération.
Tờ báo đặt câu hỏi liệu ông Hollande có lấy lại được lòng tin của dân chúng hay không ?
Bên cạnh đó còn có tầm quan trọng của bang giao Pháp – Đức. Nước Đức tuy miễn cưỡng ủng hộ Pháp nhưng Berlin không có cách nào khác : vì đối với Đức, Liên Hiệp châu Âu sẽ không tồn tại được nếu Pháp không thực sự hồi phục.
Báo Cộng sản l’Humanité nhận định : đứng trước suy thoái, nhu cầu cấp bách là phải chuyển hướng chiến lược.
Các con số u ám được Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế Pháp – INSEE đăng tải như chỉ số GDP, mức tăng trưởng, sức mua đều giảm, lên án chính sách bất cập mà chính phủ Pháp đang tiến hành. Tờ báo vẫn tiếp tục lên án chính sách thắt lưng buộc bụng do nước Đức đang áp đặt lên toàn châu Âu.
Báo La Croix nhận định sức mua của người dân giảm đáng kể, đạt đến con số kỷ lục trong lịch sử. Vào nãm 2009, GDP đã giảm 3,1%. Tuy nhiên, chẳng có nhà kinh tế nào dự trù việc cải thiện nhanh chóng được xu hướng trên.
Các cuộc thăm dò vẫn cho thấy là các doanh nhân bị xuống tinh thần, giới đầu tư thì ít chịu bỏ vốn do thiếu tin tưởng.
Trong bối cảnh này, việc bộ Tài chính, ngày hôm qua cam kết sẽ giảm chỉ số thất nghiệp là « một nhiệm vụ bất khả thi ». Bởi vì chính các doanh nghiệp tạo việc làm chứ không phải là chính phủ xác định các xu hướng của thị trường lao động.
Theo một số chuyên gia thì chính sách về việc làm không thể làm vơi đi tác động của cú sốc làm cho kinh tế suy thoái.
Quan hệ Trung-Ấn căng thẳng
Liên quan đến châu Á, mục Địa-chính trị trên báo Le Monde đề cập đến một mối quan hệ giữa « hai ông lớn » Trung Quốc và Ấn Độ đang nổi sóng.
Mối quan hệ Trung-Ấn từ lâu đã gặp nhiều trắc trở. Một sự cố căng thẳng ở khu vực biên giới Ladakh vùng Himalaya mới đây lại làm cho mối quan hệ của hai quốc gia này thêm căng thẳng. New Delhi thì lo ngại trước sự lớn mạnh của Trung Quốc tại châu Á.
Còn Bắc Kinh thì bực mình khi Ấn Độ và Hoa Kỳ xích lại gần nhau. Mối tỵ hiềm giữa Ấn Độ và Trung Quốc có từ năm 1962.
Trung Quốc đã lấn chiếm một số vùng lãnh thổ của Ấn trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. Mối hận thù của Ấn Độ đối với Bắc Kinh bắt nguồn từ cuộc xung đột võ trang này.
Vào ngày 20/05 năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chuẩn bị thực hiện chuyến công du New Delhi, nhằm thử hâm nóng mối quan hệ Ấn-Trung từ lâu đã nguội lạnh. Sự cố tranh chấp biên giới xảy ra vào ngày 15/04 vừa qua đã làm bùng lại mối bất hòa sẵn có từ lâu giữa hai quốc gia này.
Sau đó, theo một hiệp định thông qua ngày 05/05 cả hai bên đều phải rút lui khỏi vùng đang có tranh chấp.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ gây nhức nhối ngay từ khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947. Hơn nữa, việc Trung Quốc thường hợp tác quân sự và hạt nhân với Pakistan còn là một mối quan ngại lớn của New Delhi.
Sau chiến tranh năm 1962, Trung Quốc không ngừng siết chặt mối quan hệ với Pakistan, kẻ thù lịch sử của Ấn Độ bởi Trung Quốc quan niệm rằng : « Kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta ».
Về mặt hàng hải, Trung Quốc ngày càng hiện diện đông hơn tại Ấn Độ dương bằng cách hợp tác xây dựng các hải cảng với Pakistan.
Trung Quốc tìm cách đảm bảo an ninh con đường trao đổi năng lượng của mình nối liền giữa Trung Đông và Viễn Đông xuyên qua eo biển Malacca.
Các chuyên gia về chiến lược của Ấn Độ không còn xem đây là các cảng thương mại bình thường nữa mà lo ngại một ngày nào đó, Ấn Độ sẽ bị Trung Quốc bóp nghẹt.
Trước mối đe dọa này, để trả đũa, Ấn Độ xích lại hợp tác với các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hãi với Trung Quốc như : Nhật, Philippines và Việt Nam. Tháng 10/2011, Ấn Độ đã ký kết với Việt Nam về việc khai thác khí đốt và dầu hỏa trên vùng biển Đông Nam Á vốn bị Trung Quốc tranh giành.
Nguồn gốc cuối cùng của mối căng thẳng Ấn-Trung chính là sự bất cân bằng thương mại. Thâm hụt thương mại đang nghiên về phía Ấn Độ vì nền kinh tế Ấn Độ vốn tập trung về dịch vụ, Ấn Độ yếu kém về cơ sở hạ tầng.
Hơn nữa, Trung Quốc được mệnh danh là « công xưởng của thế giới » và xuất khẩu nhiều hơn Ấn Độ vốn được mệnh danh là « văn phòng của thế giới ».
Đó chính là một điểm thua thiệt của Ấn Độ trong mối quan hệ thương mại song phương.
Ấn Độ bán sang Trung Quốc nguyên vật liệu như coton, sắt… và đặc biệt mua lại hàng Trung Quốc như trang thiết bị thông tin.
Cannes : "phim hài" không có chỗ đứng
Festival phim Cannes lần thứ 66 vừa được khai mạc vào hôm qua với đầy vẻ hào nhoáng huy hoàng.
Báo chí Pháp hôm nay cũng khá quan tâm đến sự kiện này. Báo Le Figaro cho biết năm này, các phim hài vắng mặt với bài viết mang tựa đề: “Cannes : cấm cười”.
Tài năng, đam mê, sang trọng … chẳng thiếu thứ gì tại Festival phim danh giá Cannes. Một số gương mặt nổi tiếng cũng xuất hiện hôm qua như Nicole Kidman, đoàn làm phim “Gastby Vĩ Đại” trong đó có nam diễn viên nổi tiếng Leonardo DiCaprio.
Chẳng thiếu thứ gì, duy chỉ có thể loại phim hài không được tham gia vào liên hoan quốc tế đầy danh giá, nổi tiếng là “nghiêm túc” và kén chọn “tinh hoa”. Theo nhận định ông Thierry Frémaux, giám đốc điều hành liên hoan Cannes,: “chẳng thà xem một phim giải trí hay, còn hơn xem một phim nghệ thuật dở”.
Tờ báo Công giáo La Croix trên trang văn hóa cũng quan tâm đến bộ phim khai mạc trong liên hoan phim Cannes: “Gatsby Vĩ Đại”.
Tờ báo nhận định đạo diễn nổi tiếng Baz Luthrmann với phim “Moulin Rouge” đã làm mọi giá để đạt đựợc mục đích là làm cho khán giả phải say sưa, quay cuồng với tác phẩm của mình.
Thế nhưng, tờ báo Libération thì lại chơi chữ marée basse trong hàng tựa : “Gatsby –thủy triều xuống thấp”. Bài báo hàm ý khen bộ phim về mặt hình thức nhưng lại chê về nội dung cuộn phim, mà theo tờ báo không xứng đáng với tầm cỡ của quyển tiểu thuyết The Great Gastby, thuộc vào hàng 10 tác phẩm văn học quan trọng nhất nước Mỹ.
Related news items:
Tin mới
- Quốc phòng : Nga ưu ái Việt Nam và nghi ngại Trung Quốc - 18/05/2013 17:04
- Việt Nam, Nga và Belarus tăng cường hợp tác sản xuất vũ khí - 18/05/2013 16:57
- Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Assad phải từ chức ! - 17/05/2013 21:04
- Từ 2011, FSB đã khuyến cáo CIA ngưng tuyển mộ gián điệp Nga - 17/05/2013 20:55
- Seoul: Bắc Triều Tiên có hơn 200 dàn phóng tên lửa - 17/05/2013 20:39
- Trung Quốc : Một nữ triệu phú đôla bị kết án tử hình - 17/05/2013 20:32
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-05-2013 - 17/05/2013 19:52
- Mỹ yêu cầu Việt Nam trả tự do lập tức cho Phương Uyên và Nguyên Kha - 17/05/2013 19:32
- Bom tự sát ở Kabul giết chết 15 người, trong đó có người Mỹ - 17/05/2013 04:58
- Đảng sang Mỹ tìm hiểu về dân chủ? - 17/05/2013 00:53
Các tin khác
- Đem rác thải phóng xạ từ Trung Quốc đổ ở nước ngoài ? - 16/05/2013 20:20
- Chiến hạm Đài Loan thị uy trên biển Philippines - 16/05/2013 20:10
- Xưởng giầy Cam Bốt sập : 3 người chết - 16/05/2013 20:02
- Kênh truyền hình Việt Nam K+ ngưng phát các đài nước ngoài - 16/05/2013 16:14
- Cốc Cốc : Nga muốn lật đổ Google tại Việt Nam - 16/05/2013 15:59
- Hai sinh viên Việt chống Trung Quốc bị án tù về tội "chống nhà nước" - 16/05/2013 15:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-05-2013 - 15/05/2013 22:07
- Trung Quốc xây đập thủy điện cao nhất nước - 15/05/2013 19:54
- Thủ tướng Abe : Sẵn sàng chặn tàu ngầm nước ngoài - 15/05/2013 19:46
- Việt Nam phản đối Trung Quốc cấm đánh cá tại Biển Đông - 15/05/2013 19:39