Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thượng Đỉnh Đặc Biệt với Mỹ không hẳn là lô “an ủi” cho ASEAN

asean summit usa.jpg

Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ 7 ngày 04/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan: Chỉ có ba thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (thứ 4, từ bên trái), Thái Lan Prayut Chan-O-Cha (thứ 6), Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ 7) và cố vấn an ninh Mỹ Robert O’Brien (thứ 5).
REUTERS/Soe Zeya Tun



Tại cuộc họp cấp cao thường niên Mỹ-ASEAN trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN vừa kết thúc hôm 04/11/2019 tại Thái Lan, đại diện Mỹ là cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã chính thức chuyển lời mời của tổng thống Donald Trump tới toàn thể lãnh đạo 10 nước trong khối ASEAN qua Hoa Kỳ dự một Hội Nghị Thượng Đỉnh Đặc Biệt vào quý 1 năm 2020.

Lời mời bất ngờ này đã lập tức thu hút sự chú ý trong bối cảnh nhiều tiếng nói đã vang lên chỉ trích thái độ lơ là Đông Nam Á của ông Donald Trump, qua việc chỉ gởi một phái đoàn cấp thấp đi dự Thượng Đỉnh ASEAN ở Thái Lan vừa qua.

Theo một số nhà quan sát, quyết định tổ chức Thượng Đỉnh Đặc Biệt Mỹ-ASEAN chỉ là một lô “an ủi” mà ông Trump dành cho các nước Đông Nam Á, nhưng cũng có ý kiến cho rằng điều đó phản ánh một mối quan tâm có thật của Hoa Kỳ đối với khu vực.

Đây chính là nội dung phân tích của tạp chí Nhật Bản The Diplomat trong bài viết ngày 06/11 mang tựa đề “Trump và Đông Nam Á: Một Thượng Đỉnh Đặc Biệt Mỹ-ASEAN sẽ mang lại được gì? - Trump and Southeast Asia: What Would a US-ASEAN Special Summit Do?”

Thượng Đỉnh Đặc Biệt để khẳng định sự quan tâm của Mỹ

Ghi nhận trước tiên của The Diplomat là một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN, tách biệt với cuộc họp cấp cao thường niên ASEAN+1 trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN, không phải là một sáng kiến mới lạ.

Vào năm 2016, người tiền nhiệm của ông Donald Trump là Barack Obama đã từng mời các lãnh đạo ASEAN đến họp tại Sunnylands để nhấn mạnh hồ sơ Đông Nam Á trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ.

Từ ngày ông Trump lên làm tổng thống, các quan chức Mỹ, theo The Diplomat, cũng đã từng xem xét khả năng tổ chức lại một thượng đỉnh tương tự, vừa để công nhận tầm quan trọng của khu vực đối với Mỹ, vừa giúp tổng thống Trump khỏi nhức đầu với việc năm nào cũng phải bố trí thời gian, vốn rất hạn hẹp của ông, để qua Đông Nam Á dự các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN.

Chính vì lý do lịch trình mà tổng thống Trump chỉ mới tham dự các cuộc họp của ASEAN vào năm 2017, qua năm sau 2018, ông đã phải cử phó tổng thống Mike Pence đi thay, và năm nay là một phái đoàn cấp thấp nhất của Hoa Kỳ tới dự thượng đỉnh kể từ khi Washington tham gia khối Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) vào năm 2011.

Dĩ nhiên, trước một phái đoàn Mỹ chỉ ở cấp thấp, đối tác ASEAN cũng hạ thấp cấp độ đại diện của mình nhân “Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN” ở Bangkok hôm 04/11 vừa qua:
Chỉ cử ngoại trưởng đến tham dự, bên cạnh 3 thủ tướng đại diện cho các nước bắt buộc phải có mặt là Thái Lan trong tư cách chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, Việt Nam, nước chủ tịch vào năm tới 2020, và Lào, quốc gia chịu trách nhiệm điều phối quan hệ Mỹ-ASEAN.

Một loạt cử chỉ để bù đắp việc ông Trump không đến Thái Lan

Đối với The Diplomat, quyết định cấp tốc tổ chức một Thượng Đỉnh Đặc Biệt Mỹ-ASEAN ngay vào đầu năm 2020 nằm trong một loạt động thái mạnh mẽ của Mỹ tại hội nghị ASEAN để chứng tỏ tầm quan trọng mà Washington dành cho khu vực Đông Nam Á

Bức thư mời của tổng thống Mỹ gởi các lãnh đạo ASEAN mà cố vấn an ninh Robert O’Brien đọc trong cuộc họp hôm 04/11 đã đề nghị tổ chức họp ngay “quý 1 năm 2020”, vào thời điểm thuận tiện cho cả hai bên.

Theo ông Trump, hội nghị đó sẽ là “một cơ hội thật tốt” để Mỹ và ASEAN “mở rộng và tăng cường hợp tác trên các vấn đề có tầm quan trọng to lớn”.
Theo The Diplomat, lời mời là một trong một loạt những cử chỉ nhằm thuyết phục ASEAN về quyết tâm dấn thân của Mỹ vào vùng Đông Nam Á.

Bản báo cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ về các tiến bộ đạt được trong việc triển khai chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ công bố vào đúng hôm 04/11 là một dấu hiệu khác.

Cả Mỹ lẫn ASEAN đều có lợi nhờ hội nghị thượng đỉnh đặc biệt

Đối với The Diplomat, nếu thực sự diễn ra, một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt mới giữa Mỹ và ASEAN sẽ không phải là không có ý nghĩa.
Đối với Hoa Kỳ, hội nghị sẽ tạo cơ hội cho chính quyền Trump củng cố thêm tầm quan trọng dành cho vùng Đông Nam Á nói chung và một các quốc gia Đông Nam Á cụ thể nói riêng trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm hình thành một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở (FOIP).

Hội nghị đặc biệt này cũng nhằm nêu bật tầm quan trọng của Đông Nam Á trong dư luận Mỹ vì lẽ khu vực này không được công chúng Hoa Kỳ chú ý bằng các cường quốc châu Á khác như Trung Quốc hay Nhật Bản.

Còn đối với các quốc gia Đông Nam Á, bất kể những lo ngại mà họ có về chính quyền Trump, Thượng Đỉnh Đặc Biệt đó sẽ là một minh chứng sống động cho cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, nơi đang phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán vào lúc mà tâm lý hoài nghi về vai trò của Washington đang tồn tại.

Hội nghị cũng là dịp để Đông Nam Á để làm sâu sắc hơn quan hệ với các lực lượng khác nhau tại Mỹ, bao gồm các tác nhân phi chính phủ gắn bó với lợi ích của khu vực như giới doanh nhân, các tổ chức giáo dục và cộng đồng người Đông Nam Á tại Hoa Kỳ.

Các thách thức đặt ra

Tuy nhiên, theo The Diplomat, việc tổ chức gấp rút một hội nghị thượng đỉnh như vậy không phải là không gặp những thách thức.

Trước hết là việc đưa tất cả 10 nhà lãnh đạo ASEAN đến Hoa Kỳ trong một năm bầu cử sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Về mặt hành chính, không phải dễ dàng khi phải điều phối lịch trình giữa các ưu tiên khác, trên tất cả các mặt, của 11 lãnh đạo.

Ngoài ra, trong địa hạt chính trị, cũng sẽ có những vấn đề được các thế lực có liên can tại Mỹ nêu lên. Quốc Hội Hoa Kỳ hay các nhóm bảo vệ nhân quyền chẳng hạn, chắc chắn sẽ thắc mắc về sự hiện diện của một số nhà lãnh đạo ASEAN tại Hoa Kỳ, chẳng hạn như thủ tướng Cam Bốt Hun Sen bị đánh giá là đang chạy theo Trung Quốc, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với cuộc chiến chống ma túy đẫm máu, hay lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Ky với cách tiếp cận vấn đề người Rohingya đầy tranh cãi.

Hơn nữa, theo The Diplomat, hội nghị thượng đỉnh mở ra trong một năm bầu cử ở Hoa Kỳ cũng có nguy cơ bị lợi dụng vào mục tiêu tranh cử, và xu hướng “Nước Mỹ trên hết” trong chính quyền Trump có thể tác động đến diễn tiến và kết quả của hội nghị.

Đối với chuyên san Nhật Bản, ngay cả khi những thách thức này được xử lý tốt, một hội nghị thượng đỉnh đơn lẻ khó có thể giải tỏa toàn bộ các vướng mắc, nghi ngại của các nước ASEAN về chính sách Đông Nam Á của Mỹ hiện nay, về tương quan lực lượng đang thay đổi trong vùng châu Á, và về cách thức bản thân ông Trump xử lý các vấn đề thương mại và liên minh.

Cho dù vậy, The Diplomat vẫn cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đặc Biệt Mỹ-ASEAN vẫn hàm chứa những yếu tố tích cực của cả Mỹ lẫn các nước Đông Nam Á.

Switch mode views: