Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chống khủng bố: Mỹ phải tiếp tục liên minh với Pakistan

pakistan  vanphongtranhcu


Văn phòng tranh cử của đảng PPP sau vụ đánh bom, Quetta, 10/05/2013.
REUTERS/Naseer Ahmed


 

Ngày mai, 11/05/2013, Pakistan tổ chức bầu cử Quốc hội vào lúc xu hướng Hồi giáo cực đoan gia tăng tại nước này.

 Tuy quan hệ song phương trải qua nhiều năm khủng hoảng và thiếu tin tưởng lẫn nhau, Hoa Kỳ vẫn phải tiếp tục duy trì liên minh với cường quốc nguyên tử này trong cuộc chiến chống khủng bố.

Sau cuộc bầu cử ngày mai, Washington sẽ phải quan hệ với một liên minh cầm quyền mới ít thân thiện với Hoa Kỳ hơn là chính phủ mãn nhiệm của Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), của tổng thống Asif Ali Zardavi, lãnh đạo nước này từ năm 2008.

Hoa Kỳ đã thúc đẩy liên minh với Pakistan để chống khủng bố, sau biến cố 11/09/2001.

Với thái độ rất thực tế, ngay từ hôm qua, 09/05, Washington đã hoan nghênh cuộc bầu cử ngày 11/05 và coi đó là một « tiến trình quá độ dân chủ lịch sử », đối với một quốc gia có lịch sử chính trị đẫm máu và nhiều cuộc đảo chính quân sự.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, Patrick Ventrell, bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác với tân chính phủ được bầu ra một cách dân chủ, cho dù đó là liên minh được lãnh đạo bởi cựu thủ tướng Nawaz Sharif và Liên đoàn Hồi giáo bảo thủ của ông ta, hiện liên minh với các đảng phái Hồi giáo hay với tổ chức chính trị của cựu vận động viên criket nổi tiếng Imran Khan.

Ông Daniel Markey, thuộc trung tâm tư vấn của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (Council on Foreign Relations – CFR), nhấn mạnh, liên minh Washington – Islamabad có tầm quan trọng to lớn đối với Hoa Kỳ: Từ việc kiểm soát hệ thống vũ khí hạt nhân đến cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan, vai trò chiến lược của Pakistan trong khu vực.

 Hoa Kỳ không thể từ bỏ quan hệ với Pakistan và sẽ phải tiếp tục hợp tác với nước này, cho dù trong cuộc vận động tranh cử, những người ủng hộ ông Nawaz Sharif hay ông Imran Khan đều đưa ra các khẩu hiệu bài Mỹ.

Lá bài chống Mỹ giúp mang lại nhiều phiếu bầu, tại một nước có 180 triệu dân.

 Theo cuộc thăm dò của viện Pew, Hoa Kỳ, tỷ lệ người dân ủng hộ Mỹ chỉ là 11%.

Ông Richard Wike, người chỉ đạo cuộc điều tra, giải thích: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ghét Mỹ là do các vụ oanh tạc của máy bay không người lái Hoa Kỳ nhắm vào các vùng bộ tộc Pakistan, để truy quét tàn quân Taliban và những chiến binh Al Qaida và vụ đặc nhiệm Mỹ tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Oussama Ben Laden, hồi tháng Năm 2011.

Ông Wike lưu ý: Trong công luận Pakistan, tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Barack Obama cũng thấp, giống như đối với tổng thống George Bush.

 Chính ông Bush là người, vào cuối năm 2001, đã ký với chính quyền Islamabad thỏa thuận liên minh chống khủng bố và nhờ vậy, trong một thập niên qua, Pakistan đã nhận được khoảng 20 tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ.

Bà Simbal Khan, tại Woodrow Wilson Center, ở Washington, nhận định: « Đối với Pakistan, mối quan hệ với Mỹ có tầm quan trọng rất lớn ».

Còn giới ngoại giao và chuyên gia tại Washington thì khẳng định là ông Nawaz Sharif, vốn hai lần làm thủ tướng trong những năm 1990, sẽ có đầu óc thực tế và thực dụng trong quan hệ với Mỹ.

Thậm chí, ông Seth Jones, thuộc tổ chức tư vấn Mỹ Rand Corporation, lại lạc quan là Hoa Kỳ sẽ có một « thời kỳ trăng mật với tân chính quyền dân sự » và đây sẽ là « dịp để cho tái khởi động mối quan hệ Mỹ-Pakistan trên các vấn đề cơ bản như mối đe dọa về an ninh và kinh tế ».

Một số nhà phân tích khác thì dự báo là Islamabad sẽ tìm cách « thương lượng lại thỏa thuận về đường tiếp tế » cho binh sĩ của Liên minh quốc tế ở Afghanistan, một ưu tiên của Washington, vì Hoa Kỳ muốn rút hết quân lính ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014.

Để làm việc này, chính quyền của tổng thống Obama đã chỉ định một đặc phái viên mới, ông James Dobbins, trong khi đó, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang nỗ lực thúc đẩy cải thiện mối quan hệ giữa tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và chỉ huy quân đội Pakistan, tướng Ashfaq Kayani.

 

Switch mode views: