Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-7-2019

Hồng Kông: Bắc Kinh vừa dọa, vừa lo

hongkong 18



Thanh niên Hồng Kông, xiềng tay vào nhau, biểu tình trước một trụ sở Trung Quốc ở Hồng Kông, ngày 8/6/2019.
©REUTERS/Tyrone Siu

 

La Croix tiếp tục với biến động Hồng Kông qua bài « Cái bóng Bắc Kinh lơ lửng trên bầu trời Hồng Kông ».

 

Tờ báo trở lại sự kiện lần đầu tiên kể từ đầu phong trào phản kháng ở Hồng Kông, các phát ngôn viên của Bắc Kinh tổ chức họp báo hôm 29/07 để lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình.

La Croix ghi nhận phản ứng có thể được coi là ôn hòa đó không che được sức ép ngày càng mạnh của chế độ cộng sản nhằm kiềm chế phong trào phản kháng ở vùng đất bán tự trị.
Một ngày sau khi Bắc Kinh lên tiếng, 44 người biểu tình bị truy tố vì tham gia vào các cuộc bạo động. Họ có nguy cơ phải lĩnh án 10 năm tù.

Tờ báo trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia về sự kiện này. Antoine Bondaz, Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS), nhận định :
 « Bắc Kinh buộc phải có phản ứng. Trước hết để không tạo cảm giác họ không quan tâm đến tình hình, tiếp đó là để khẳng định lại tính chính đáng cho chính quyền Hồng Kông và cuối cùng là để tìm cách làm mất uy tín của phong trào. »

Những diễn biến, như đưa xã hội đen tấn công thô bạo người biểu tình, đe dọa đưa quân đội vào trấn áp và nhất là dùng vũ lực cấm biểu tình hôm Chủ Nhật ..., đều cho thấy có bàn tay chi phối của đảng Cộng Sản trong công việc nội bộ của vùng đất bán tự trị này.

Một động thái khác được La Croix nêu ra đó là việc Bắc Kinh công bố Sách trắng Quốc Phòng hôm 24/7 nhắm tới cuộc chiến chống ly khai và bảo vệ thống nhất đất nước.
Dù trường hợp Hồng Kông không được nêu ra, nhưng thông điệp rõ ràng : ly khai là làn ranh đỏ mà Bắc Kinh đã vạch ra không được vượt qua.

Bắc Kinh dọa, nhưng lo

Theo La Croix, đối với Bắc Kinh, thách thức bây giờ là phải làm sao quản lý được một thế hệ mới ở Hồng Kông có ý thức chính trị hơn, cách thức đấu tranh không còn thụ động nữa.
Thế hệ mới quyết tâm hơn bao giờ hết bảo vệ quyền tự trị của mình. Họ không còn sợ hãi nữa, mà thay vào đó là phẫn nộ, Bắc Kinh càng đe dọa thì càng làm nỗi bất bình của họ thêm sâu sắc.

Tập Cận Bình : Tham vọng và quyền lực

Vẫn là chủ đề Trung Quốc. Nhật báo Le Monde hôm nay tiếp tục với bài viết thứ 2 trong loạt 6 bài viết về chủ tịch Trung Quốc với tiêu đề : « Tập Cận Bình, một số phận Trung Hoa ».

Bài viết của Le Monde phần này dành nói về người cha của Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân (1913-2002), một công thần của chế độ Mao, nhưng cũng là nạn nhân của Cách mạng Văn hóa, bị các đồng chí của mình cho ngồi tù nhiều năm, bị vu tội muốn hạ bệ Mao.

Cùng chủ đề này, xã luận của Le Monde chạy tựa : « Tập Cận Bình : Quyền lực và tham vọng » .
Gần đây báo chí phương Tây vẫn gắn cho chủ tịch Trung Quốc những biệt danh như « Hoàng đế đỏ » hay « Người cầm lái mới ».
Theo Le Monde, đó không chỉ là ngôn từ báo chí, mà nó thể hiện một dạng tham vọng và quyền lực đã vắng bóng ở Trung Quốc thời kỳ hậu Mao, từ nửa thế kỷ nay.

Xã luận báo Le Monde tóm tắt :
 « Tập Cận Bình là phiên bản Người Cộng sản Trung Quốc với hội chứng của người có quyền lực, dân túy và dân tộc chủ nghĩa ».

Từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã xây dựng một hệ thống chính trị Trung Quốc cứng rắn đáng sợ.
Chính dưới thời Tập Cận Bình mới xuất hiện phong trào phản kháng rúng động Hồng Kông.
Sau phong trào Dù Vàng, giờ đến lượt thế hệ trẻ ở đặc khu này đồng loạt nổi dậy chống lại Bắc Kinh.

Le Monde nhận xét : "Trung Quốc của Tập Cận Bình là hiện thân của sự tụt hậu".
Bài báo viết : « Con rồng Trung Hoa giờ trông gớm ghiếc đến nỗi mà con chim Hoàng yến Hồng Kông hoảng loạn cố thoát khỏi các song chắn của chiếc lồng. »

Xã luận Le Monde nhấn mạnh rằng sự trỗi dậy của cường quốc Trung Hoa càng tạo điều kiện cho các liên kết địa chính trị chống lại Trung Quốc.
Bằng chứng là liên minh Ấn Độ -Thái Bình Dương đang hình thành.
 Ở bên châu Mỹ, Donald Trump sẵn sàng tìm mọi cách ngăn cản ý đồ vươn lên thành siêu cường của Trung Quốc.

Bên trong nước, không có tự do ngôn luận, đối lập, Tập Cận Bình chỉ phải đối đầu với các hình thức lật đổ âm thầm. Điều này có thể sẽ sinh ra cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt khi vấn đề kế nhiệm ông được đặt ra, Le Monde kết luận.

Brexit : Anh chuẩn bị ra đi không thỏa thuận

Về thời sự châu Âu. Brexit vẫn nguyên trạng bế tắc, nhưng kể từ khi ông Boris Johnson lên làm thủ tướng Anh, Brexit lại nổi lên viễn cảnh nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu không thỏa thuận (No deal).

Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất « Brexit : Boris Johnson trên đường hướng tới « no deal ».
Tờ báo ghi nhận, « tân thủ tướng Anh đang đẩy mạnh các chuẩn bị để ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu không cần thỏa thuận ».

Được chỉ định làm thủ tướng Anh cách đây 6 ngày, đến lúc này ông Boris Johnson không hề tính đến chuyện thương lượng với châu Âu mà còn liên tiếp lên gân.
Nội các của ông đã thành lập một ủy ban chuẩn bị khẩn cấp cho việc rời EU không thỏa thuận.

Bộ phận này họp hàng ngày, trong khi đó giới chủ ở Anh đầu tuần này cảnh báo cả EU cũng như Vương Quốc Anh đều chưa sẵn sàng cho cuộc chia tay và tác động trước mắt với họ sẽ rất mạnh.

Một loạt các công ty lớn đã ngỏ ý định đóng cửa nhà máy ở Anh Quốc, phòng trường hợp Brexit không thỏa thuận.
Còn tân thủ tướng Boris Johnson hôm thứ Hai đã bắt đầu vòng công du xứ Scotland, Bắc Ailen của Liên hiệp Vương Quốc Anh để thăm dò khả năng chia tay. Ngay chặng đầu tiên đến Scotland, ý đồ của ông Johnson đưa nước Anh ra đi không thỏa thuận đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ.

Một cuộc chia tay không thỏa thuận có nguy cơ làm tan vỡ khối thống nhất Vương Quốc Anh.
Scotland có thể sẽ đòi độc lập để được ở lại với Liên Hiệp Châu Âu.

Xã luận nhật báo Công giáo La Croix nhấn mạnh: « Boris Johnson có vẻ như đang dẫn Vương Quốc Anh tới Brexit không thỏa thuận.
Giả thuyết này sẽ phải trả giá rất đắt. Trước tiên là người Anh, rồi sau đó đến tất cả các nước trong Liên Hiệp Châu Âu".

Đó là lối thoát mà nhiều năm đàm phán và bao đêm thảo luận ở Bruxelles đã cố tránh.
Còn ba tháng nữa là đến hạn ra đi ngày 31/10, những người chủ trương Brexit ở Anh vẫn cố tìm cách rút bớt chi phí bằng cách trương ra viễn ảnh ra đi không thỏa thuận.

La Croix kết luận, trong trường hợp ra đi không thỏa thuận, thủ tướng Anh có thể sẽ đoạn tuyệt với châu Âu. Nhưng những rắc rối chắc chắn sẽ bắt đầu với Vương Quốc Anh ».

Pháp : Khoa học và quốc phòng viễn tưởng

Vẫn trên La Croix, trang nước Pháp có bài mang tựa đề khá hấp dẫn : « Quân đội Pháp tuyển dụng các tác giả khoa học viễn tưởng »

Nhật báo Công giáo cho biết Cơ Quan Sáng Chế Quốc Phòng, thuộc bộ Quân Lực Pháp, dự trù sẽ cộng tác với một nhóm tác giả, họa sĩ truyện khoa học giả tưởng và các nhà tương lai học.
Mục đích là để  ứng phó với các « đe dọa trong tương lai ».

Theo La Croix, chuẩn bị cho điều không tưởng và vượt qua giới hạn của trí tưởng tượng, đó là mục tiêu của Bộ Quân
Lực ấn định cho nhóm mang tên gọi « Red Team », gồm khoảng từ 4 đến 5 người. Họ có nhiệm vụ xây dựng các kịch bản viễn tưởng giúp cho các chuyên gia quân sự, vốn là những người không giàu trí tưởng tượng, chuẩn bị các tình huống quân sự trong tương lai, đưa ra những quyết định về phát triển quốc phòng hoặc gợi mở những hướng phát triển công nghệ tương lai cho quốc phòng.

Đây là một dự án nghiêm túc, bắt nguồn từ ý tưởng của giám đốc Cơ Quan Sáng Chế Quốc Phòng (AID), ông Emmanuel Chiva, một người say mê với khoa học viễn tưởng.
 AID bắt xét tuyển các ứng viên đầu tháng 9 tới, nhưng từ giờ cơ quan đã nhận được rất nhiều hồ sơ lý lịch của những người muốn dự tuyển.
Ông Chiva cho biết ý tưởng của Pháp, tuy là độc nhất ở châu Âu, nhưng Mỹ đã có từ lâu rồi.

Vẫn ở Mỹ, một ủy ban quốc gia về vụ khủng bố 11/9/2001 đã nhận định trong báo cáo 2004 rằng, các vụ tấn công khủng bố này cho thấy các cơ quan chức năng Mỹ « thiếu trí tưởng tượng ».
Ủy ban này kêu gọi cần phải « tạo các thiết chế để phát triển trí tưởng tượng » .


Switch mode views: