Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-04-2013

 Các nhà đầu tư đặt cược nhiều vào Indonesia

Indonesia kinhte 2

 


Indonesia có tiềm năng thị trường tiêu thụ rộng lớn và giá lao động rẻ.
REUTERS/Beawiharta/Files


Với số dân hơn 230 triệu người, trong đó tầng lớp trung lưu chiếm hơn 1/3, Indonesia – quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á ngày càng thu hút đông đảo các nhà đầu tư.

Đề tài này được nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến qua bài viết đề tựa « Các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào Indonesia ».

Tờ báo cho biết chỉ tính riêng trong quý I năm nay, dòng vốn đầu tư đổ vào Indonesia đã tăng lên hơn 30%, với tổng trị giá 93.000 tỷ rupi (tương đương với 7,34 tỷ euro). Các lãnh vực đầu tư chủ yếu là ngành khai thác mỏ, dược phẩm và đồ điện tử.

Nguyên nhân của sự gia tăng dòng vốn này,  một phần là nhờ vào làn sóng tái di dời nhà xưởng đến từ các nước khác ở châu Á.

Một phần khác, ngày càng có nhiều nước đến mở đầu tư vào một số lãnh vực mới.

Theo Les Echos, với số dân hơn 230 triệu người, và tầng lớp trung lưu chiếm đến hơn 1/3  (khoảng 75 triệu người), Indonesia là một thị trường béo bở cho ngành công nghiệp lắp ráp xe.

Nếu như các thương hiệu xe Nhật Bản, Hàn Quốc đã thâm nhập vào thị trường từ lâu, thì các hãng xe lớn khác như General Motors (Mỹ), Volkswagen (Đức) hay Renault (Pháp) cũng đang bắt đầu gầy dựng cơ sở tại nước này.

Tuy nhiên, báo Les Echos nhận thấy rằng nếu như Indonesia muốn tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư, Jakarta nhất thiết phải tiếp tục cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng.

Đây cũng chính là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia Hồi giáo đông dân nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Chính quyền Jakarta dự trù sử dụng một phần ngân quỹ dành để trợ giá cho nhiên liệu để tài trợ cho các dự án cầu đường và nhiều nhà máy điện.

Ngân quỹ hàng năm dành cho các dự án này ước tính trị giá khoảng 22 tỷ đô-la.

Bán đảo Triều Tiên: đông đảo du khách đến tham quan khu vực phi quân sự

Đến với bán đảo Triều Tiên, nhật báo Công giáo La Croix cho biết, bất chấp căng thẳng giữa hai miền Bắc – Nam từ nhiều thập niên nay, nhưng khu vực phi quân sự vẫn thu hút đông đảo du khách đến tham quan và hít thở không khí trong lành.

« Rùng mình » là cảm giác đầu tiên của các du khách khi vừa đặt chân đến khu phi quân sự, ranh giới phân cách hai miền Bắc – Nam Triều Tiên.

Thế nhưng, theo La Croix, cảm giác « rợn người » đó cũng rất ngắn ngủi. Du khách không được nán lại lâu, vì họ phải nhanh chóng lên xe để đi tham quan một điểm khác.

Trên thực tế, chương trình du ngoạn khu phi quân sự diễn ra  trong ngày. Du khách sẽ được đến đài quan sát Dora nhìn ngắm phong cảnh phía Bắc bên kia vạch mốc, đi xem hầm do người Bắc Triều Tiên đào trong nhiều năm liền và được phía Seoul phát hiện vào năm 1970, hay đến thính phòng để được xem một đoạn phim dài độ bảy phút nói về lịch sử của người Triều Tiên, « lịch sử một đất nước bị chia cắt » theo như lời rao của một nhân viên hướng dẫn du lịch.

Tuy « rợn người », nhưng khu vực này lại đón tiếp mỗi ngày đến hơn 3000 du khách tham quan. Trong đó, đại đa số là khách du lịch Trung Quốc, tiếp đến Hàn Quốc và một ít du khách châu Âu.

Đối với tác giả bài viết, chuyến đi tham quan ngắn ngủi nhưng để lại nhiều hình ảnh gây sốc.

Để được đến chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp như mơ, hít bầu không khí trong lành, du khách phải vượt qua nhiều tháp canh đầy lính gác. Thi thoảng đó đây, người tham quan còn thấy lấp ló những hầm trú đầy lính canh, trong bộ quân phục kaki ẩn mình trong đám lá.

Thế nhưng, đối với các công ty lữ hành, không có lý do gì phải sợ hãi. Đối với họ, chỉ là du lịch. « Quân đội Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ tấn công, bởi vì họ cũng sẽ bị chính quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ san bằng lại », theo như khẳng định của người hướng dẫn du lịch.

Cảnh đẹp đấy, nhưng cũng để lại chút nỗi buồn man mác nơi du khách. Đối với người Hàn Quốc, khu phi quân sự « chính là biểu tượng của sự chia cắt đất nước từ lâu. Một vết thương mà ai cũng cảm thấy đau nhói tận đáy lòng. Bởi vì trong tâm khảm mỗi người Triều Tiên, dù là Nam hay Bắc, đều mong muốn ngày hợp nhất », theo như lời tâm sự của một du khách Hàn Quốc.

Boston : chính quyền Nga không tin vào mối liên hệ với vùng Kavkaz

Tiến triển điều tra vụ đánh bom khủng bố tại Boston vẫn được các báo Pháp Le Monde, Le Figaro và Libération tiếp tục đưa tin.

Nghi phạm thứ hai bắt đầu hồi tỉnh và trả lời câu hỏi của các nhà điều tra FBI bằng giấy bút, do bị thương nặng ở cổ họng và lưỡi.

Báo Le Monde trong bài viết đề tựa « Điểm tối ở Nga trong hành trình của kẻ khủng bố Tamerlan Tsarnaev » tập trung xoáy vào những điểm chưa rõ về quá khứ của nghi phạm trong chuyến đi Cộng hòa Daghestan vào năm 2012.

Một loạt các nghi vấn hiện vẫn chưa có lời giải đáp.

Làm thế nào mà FBI có thể bỏ sót những thông tin về nghi phạm, trong khi mà vào năm 2011, cơ quan an ninh của Nga đã đề nghị Cục Điều tra liên bang Mỹ làm sáng tỏ về trường hợp Tamerlan, trước nhiều thông tin cho rằng nhân vật này có liên can đến các phần tử Hồi giáo cực đoan ?

Làm thế nào giải thích chuyện Tamerlan có thể vào Nga năm 2012 mà không bị chính quyền tra hỏi ?

Tại sao tên này lại ở Daghestan lâu đến như vậy ? Tamerlan có thể đã gặp ai ở đó ?

Về phần mình, báo Libération cũng đặt ra một loạt các nghi vấn nhằm tìm hiểu rõ lý lịch của hai nghi phạm và động cơ hành động đánh bom.

Tuy nhiên, theo hai tổng biên tập viên các trang mạng tại Nga thì FBI nên từ bỏ hướng điều tra có liên quan đến phiến quân Kavkaz.

Theo ông Andrei Soldatov, tổng biên tập trang mạng agentura.ru, quân nổi dậy Hồi giáo Bắc Kavka cũng chẳng có lợi ích gì khi tấn công khủng bố Hoa Kỳ.

Đối với họ, nước Nga mới là kẻ thù chính. « Không những Nga phải chịu trách nhiệm cho hành động xâm lược vùng Kavkaz, mà còn cho những tội ác tày đình chống lại cộng đồng người Hồi giáo », theo như tuyên bố của thủ lĩnh nhóm ly khai đăng trên trang mạng kavkazcenter.com.

Như vậy tại sao hai anh em Tsarnaev lại có những hành động cực đoan hóa như vậy, trong khi họ có vẻ hội nhập tốt trong xã hội Mỹ ?

Ông Grigori Chvedov, tổng biên tập tờ trang mạng tham khảo Kavkaz giải thích rằng có lẽ quá khứ lịch sử nặng nề mà dân tộc Kavkaz gánh chịu gần thế kỷ nay đã đẩy những thanh niên trẻ Kavkaz đi theo Hồi giáo cực đoan. Rất có thể là chính các bậc cha anh của họ luôn nhắc hai anh em, những kẻ bị cho là đã mất gốc, nhớ lại rằng chính Staline đã đẩy dân tộc Tchetchenia phải từ bỏ đất nước đến sống vùng Trung Á vào năm 1944. Rằng hai cuộc chiến tàn khốc năm 1994 và năm 2000 lại lần nữa khiến hàng ngàn người dân phải bỏ nước.

Dù sao đi chăng nữa, cha mẹ của hai nghi phạm vẫn một mực không tin rằng con họ là thủ phạm chính vụ khủng bố Boston.

Theo họ, phải có kẻ đứng sau lưng giật dây. Họ kể rằng trong suốt 6 tháng ở Daghestan với gia đình, Tamerlan thứ sáu nào cũng đến đền thờ Hồi giáo.

Sau cùng, như báo Le Monde, Libération cũng đề cập đến thái độ mập mờ của cơ quan tình báo Nga FSB.

Những ngày gần đây, phía Nga phải nhiều lần lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt đồn thổi và nghi ngờ có sự « thao túng của cơ quan tình báo Nga ».

Tuy nhiên, theo ông Andrei Soldatov, giả thuyết này có phần không thuyết phục. « Nga rút được ích lợi gì khi muốn kéo sự chú ý người Mỹ về phía phiến quân Bắc Kavkaz ? Hoa Kỳ chưa bao giờ đặt vấn đề về chính sách của Nga trong khu vực ? ».

Tờ báo nhắc lại rằng, vào năm 2011, FSB đã từng đề nghị FBI điều tra về Tamerlan do nghi ngờ tên này có quan hệ với các nhân vật Hồi giáo cực đoan.

Sau khi điều tra, FBI cho biết là không tìm thấy bằng chứng Tamerlan có hoạt động đáng ngờ. Ngược lại, FBI đã đề nghị các đồng nghiệp Nga cung cấp thêm các thông tin bổ sung nhưng không bao giờ nhận được phản hồi.

Thậm chí là FSB còn gạt Tamerlan ra khỏi tầm ngắm, đến mức không có đến chút thông tin nào về suốt chuyến đi Nga của nghi phạm này.

Nhưng dù sao đi nữa, sự thật có lẽ sẽ không nằm ở Kavkaz. Đối với ông Soldatov, « các nhà điều tra FBI tốt hơn hết nên tập trung tìm hiểu xuất xứ tín hiệu báo trước, nguồn gốc chất gây nổ và phương cách sản xuất ».

Tái cân bằng đời sống riêng tư và nghề nghiệp : điều cấm kỵ đối với đàn ông ?

Nếu như vấn đề dung hòa đời sống riêng tư và sự nghiệp trước đây chỉ là chuyện của phái nữ, thì giờ đây tại Pháp giới mày râu cũng bắt đầu nghĩ đến.

Việc phải « có mặt nhiều giờ » ở công sở đã hạn chế cánh đàn ông hưởng thụ nhiều lãnh vực khác trong đời sống thường nhật.

Đầu tiên hết, báo Le Monde đặt câu hỏi : « Phải chăng chuyện tái cân bằng đời sống riêng tư và nghề nghiệp là điều cấm kỵ đối với giới mày râu ? ».

Theo nhận định của nhiều hiệp hội đấu tranh bình đẳng nam-nữ tại Pháp, « cân bằng cuộc sống riêng tư và sự nghiệp không còn là chuyện riêng của phái nữ. Đối với nhiều bậc mày râu, việc phải dành nhiều thời gian cho công việc là thiệt thòi quá lớn ».

Họ không có nhiều thời gian để hưởng thụ nhiều lãnh vực khác trong cuộc sống như lo việc nội trợ, chăm sóc con cái…

Theo các hiệp hội, việc cánh đàn ông gặp khó khăn trong các lãnh vực đời thường là do họ là nạn nhân của kiểu văn hóa « thường xuyên có mặt » trong các doanh nghiệp. Bởi vì, năng lực làm việc của họ cũng được đánh giá qua khả năng có mặt thường xuyên ở cơ quan.

Vì vậy, trong bối cảnh đó, chuyện nghỉ phép chăm con hay làm việc bán thời gian là chuyện riêng của các quý cô quý bà.

Đó là chưa kể đến sự bùng nổ của công nghệ tin học và thông tin. Sự tiến bộ vượt bậc của lãnh vực này là tác nhân chính làm cho sự ngăn cách giữa sự nghiệp và cuộc sống riêng tư ngày càng lớn. « Cứ mỗi năm phút, một anh nhân viên phải kiểm tra thư điện tử.

Thư điện tử có thể xem được trên đủ mọi phương tiện khác nhau », theo như nhận định của một chủ tịch hiệp hội.

Theo các hiệp hội đấu tranh cho các chàng rể, ông bố, sự thay đổi về quan niệm này phải xuất phát từ nhận thức chung và việc áp dụng các biện pháp khuyến khích dung hòa giữa sự nghiệp và đời sống riêng.

Để có được sự cân bằng đó, đầu tiên hết phải có một khung luật lệ, quy định một sự bảo vệ pháp lý nhằm chống lại hiện tượng sa thải các ông bố trẻ tuổi.

Họ lập luận rằng nếu như có nhiều điều luật bảo vệ phụ nữ mang thai, thì cánh đàn ông cũng phải được như vậy nhằm nâng cao giá trị tình phụ tử.

Đây cũng chính là một sự bình đẳng nam-nữ.

Sự cân đối sự nghiệp và cuộc sống riêng chính là yếu tố tạo nên sự bình đẳng. Do đó, các hiệp hội cho rằng doanh nghiệp nên xem xét lại cách tổ chức công việc, như tổ chức họp sớm hơn và giờ làm việc linh hoạt hơn.

Cuối cùng, các hiệp hội đấu tranh bình đẳng nam-nữ cho rằng, cuộc sống riêng và nghề nghiệp được cân bằng, sẽ đem lại nhiều lợi lớn.

Đối với doanh nghiệp, điều này sẽ tạo nên một động lực và làm tăng năng suất lao động.

Về mặt xã hội, sự cân bằng đó giúp làm giảm rất nhiều chi phí, vì nó giúp ổn định sức khỏe và gia đình.


Switch mode views: