Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-04-2013

Asia- Airline




Châu Á đang trở thành trung tâm chiến lược của ngành vận tải hàng không quốc tế / REUTERS


 

Không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ và một số nước phương Tây chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á, bởi trong khi trời Tây bị mất đà tăng trưởng thì lục địa Á châu nổi lên như một nơi đầy hứa hẹn về tiềm năng kinh tế lẫn chiến lược.

 Nhật báo Công Giáo La Croix số ra hôm nay nhìn vào một góc trong sự năng động kinh tế của châu lục này với bài chạy tựa khá thu hút sự chú ý : «Châu Á đang trở thành trung tâm chiến lược của ngành vận tải hàng không quốc tế ».

Tờ báo cho biết, theo một nghiên cứu vừa được công bố của hệ thống điều hành và phân phối dịch vụ lữ hành Amadeus có trụ sở tại Tây Ban Nha, trong 10 tuyến hàng không đông khách nhất thế giới, có đến 7 tuyến nằm trên lục địa Á châu. Đứng đầu là tuyến hàng không Jeju-Seoul của Hàn Quốc với hơn 10 triệu hành khách mỗi năm.

Cũng theo nghiên cứu nói trên, ngành vận tải hàng không trên thế giới nói chung tăng 5% trong giai đoạn 2011 và 2012, nhưng con số này tại châu Á trong cùng giai đoạn là 9%, còn ở châu Mỹ La Tinh là 6%.

Hồi cuối năm 2012, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association viết tắt IATA) có trụ sở tại Canada dự phóng, vào năm 2016 vận tải hàng không quốc tế sẽ đạt con số 3,6 tỷ lượt/năm, trong khi con số này vào năm 2011 chỉ có 2,8 tỷ lượt/năm.

Trong số 800 triệu lược khách tăng nói trên, Trung Quốc sẽ cung cấp đến 200 triệu lượt, còn vùng châu Á Thái Bình Dương sẽ cung cấp gần 400 triệu lượt.

Cách đây 10 năm, lượng khách hàng không dân dụng quốc tế chỉ ở con số 1,7 tỷ lượt/năm.

Đi sâu vào tăng trưởng hàng không của châu Á, nghiên cứu nói trên cho biết, lượng khách đi lại tăng lên không chỉ trong lòng châu lục này, mà còn thu hút khách từ các châu lục khác.

Một minh chứng là vận tải hàng không giữa châu Âu và các nước Trung Đông đang tăng ở tốc độ 7%/năm. Ba đại gia hàng không Dubai, Doha và Abou Dhabi vận tải nhiều nhất giữa hai khu vực này.

Bàn về nguyên nhân tăng mạnh của ngành hàng không dân dụng quốc tế, La Croix nêu ra một số điểm chính sau đây : Do toàn cầu hóa thương mại tăng, do tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng, do du lịch phát triển tốt.

 Đề cập đến thành công kể trên trong ngành hàng không của châu Á, tờ báo cho rằng, hai nguyên nhân chính đó là do khu vực này có nền kinh tế phát triển mạnh và có tốc độ tăng dân số cao.

Ấn Độ-EU : Khó ký sớm thỏa thuận tự do thương mại

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến hồ sơ tự do mậu dịch Ấn Độ-EU đang được bàn thảo.

Tờ báo cho biết, vừa rồi, cuộc họp giữa bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma và Cao ủy châu Âu phụ trách thương mại Karel De Gucht đã diễn ra tại Bruxelles.

Theo phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, cuộc họp này là để tạo đà nhằm thúc đẩy đàm phán song phương về thỏa thuận tự do mậu dịch giữa hai bên.

Ấn Độ hiện là đối tác thương mại quan trọng của EU. Kim ngạch mậu dịch giữa hai bên đã tăng từ 28,6 tỷ euro lên 79,9 tỷ euro trong giai đoạn 2003-2011.

Tờ báo cho biết, EU muốn đạt được một thỏa thuận tự do mậu dịch đầu tiên với một nước mới trỗi dậy là Ấn Độ để tạo tiền đề thiết lập thỏa thuận này với các nước mới trỗi dậy khác.

Tuy nhiên, tương lai của việc ký kết thỏa thuận có vẻ không tươi sáng, bởi giữa hai bên còn tồn tại khá nhiều bất đồng quan điểm và cần phải có nhiều thời gian để thương thảo. Trong khi đó, chỉ còn đúng một năm nữa, tại Ấn Độ sẽ diễn ra bầu cử, và dàn lãnh đạo sẽ thay đổi, chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn mới cho thỏa thuận này.

Chưa kể là EU có những khu vực kinh tế khác ưu tiên hơn Ấn Độ, như lời một nhà ngoại giao EU được Les Echos trích dẫn : «EU ngày càng bớt mặn mà với hồ sơ Ấn Độ bởi vì điều mà EU chú ý nhất hiện nay là thương thảo thỏa thuận tự do mậu dịch với Nhật Bản và Hoa Kỳ, tức với những nước mà EU thấy có tầm quan trọng hơn Ấn Độ ».

G20 : Trao đổi tự động thông tin ngân hàng để chống trốn thuế

Đến với khối G20, Le Monde đăng bài đáng chú ý : «Trốn thuế : G20 có thể sẽ thúc đẩy việc trao đổi tự động thông tin ngân hàng ».

Tờ báo cho biết, cuối tuần này, tại Washington, bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, bộ trưởng Tài chính của 20 cường quốc kinh tế thế giới (G20) sẽ có cuộc hội đàm và có thể sẽ có những tuyên bố quan trọng về các biện pháp chống trốn thuế và về hồ sơ bí mật tài khoản ngân hàng.

Theo tin riêng của Le Monde, rất có thể các bộ trưởng sẽ chính thức kêu gọi thiết lập mạng lưới trao đổi tự động thông tin về tài khoản ngân hàng và tài sản của những người có tài khoản ở nước ngoài. Đồng thời, họ sẽ đề nghị áp dụng việc liên thông tự động này ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Đối với Le Monde, bước đường hướng đến một thỏa thuận như trên đang rất tươi sáng. Pháp, Đức, Anh, Úc, và Mêhicô đã chính thức đồng ý. Theo nguồn tin của Le Monde, thì Hoa Kỳ cũng ủng hộ chủ trương này.

Tờ báo cho biết, hiện tại, việc trao đổi thông tin ngân hàng giữa các nước chủ yếu là khi có yêu cầu từ nước có liên quan. Tuy nhiên, kiểu cung cấp thông tin này hiện tùy thuộc vào thái độ hợp tác của những nước có liên quan và không còn phù hợp trước làn sóng rửa tiền đang ào ạt ở các nước phát triển.

Venezuela : Bạo lực hậu bầu cử ngoài mong đợi

Bầu cử tổng thống hôm chủ nhật vừa rồi tại Venezuela đã cho kết quả: Ứng viên kế thừa ông Hugo Chavez là tổng thống tạm quyền Maduro thắng cử.

Tuy nhiên, phe đối lập không chấp nhận kết quả này, khiến đất nước rơi vào bất ổn. Đây là một trong những chủ đề thu hút báo chí Pháp hôm nay.

Le Monde đăng bài « Khủng hoảng hậu bầu cử tại Venezuela biến thành đối đầu bạo lực », tờ báo kinh tế Les Echos thì có tựa : « Việc ông Maduro đắc cử làm nóng bỏng đường phố », nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tít « Venezuela đối mặt với bạo lực hậu bầu cử ».

Các tờ báo đều phản ánh tình cảnh hỗn loạn của Venezuela sau khi ứng viên Maduro được tuyên bố đắc cử và sau khi Ủy ban Bầu cử nước này từ chối đề nghị cho kiểm lại phiếu.

Trên khắp đất nước, người ủng hộ và người phản đối Maduro đã xuống đường phô trương lực lượng.

Đụng độ giữa người biểu tình với nhau, và giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra, làm ít nhất 7 người thiệt mạng trong đó có một cảnh sát.

Tình hình căng thẳng đến mức mà ông Maduro đã lên tiếng tố cáo ông Capriles vô trách nhiệm khi ông này kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình phản đối kết quả bầu cử.

Còn ứng viên Capriles thì cũng đã phải lên tiếng kêu gọi người ủng hộ giữ bình tĩnh và hủy bỏ một buổi mít tinh phản đối mà ông đã kêu gọi.

Tuy nhiên, các tờ báo cũng cho biết thêm, là đến hiện tại, các nước cộm cán trong khu vực, hay các đại cường như Nga và Trung Quốc đã thừa nhận và chúc mừng chiến thắng của ông Maduro.

Tây Ban Nha lúc đầu yêu cầu kiểm lại phiếu, nhưng sau đó đã thừa nhận chiến thắng này. Về phần mình, Hoa Kỳ vẫn kiên trì yêu cầu kiểm lại 100% phiếu bầu.

Khủng bố Boston : Có nên hạn chế người dân sử dụng vũ khí ?

Vụ khủng bố tại Boston vừa qua tiếp tục là chủ đề ưu tiên của báo chí Pháp với những nhận định đáng chú ý.

Nhật báo cánh tả Pháp Liberation và nhật báo cánh hữu Le Figaro đồng loạt đăng bài cho biết việc FBI đang điều tra một nghi phạm của vụ khủng bố Boston. Tuy nhiên, đến hiện tại chưa có căn cứ vững chắc nào để xác định nhân thân và động cơ của kẻ thủ ác.

Le Fiagaro cho biết, các chuyên gia đa số nhất trí về một điểm : Đó là loại thuốc nổ và cách thức khủng bố cho thấy thủ phạm có thể thuộc một tổ chức khủng bố thân cận với Al Qaida, hoặc thuộc các nhóm quá khích da trắng tại Mỹ đã tiến hành các vụ đánh bom hồi năm 1995 ở Oklahoma City và vào năm 1996 ở Atlanta. Nói cách khác, nguy cơ khủng bố tại Mỹ vừa có thể là từ nước ngoài vừa có thể là trong nước.

Về phần mình, Libération cho biết, theo kết quả điều tra bước đầu, loại thuốc nổ được sử dụng là loại được bày bán tự do ở các cửa hàng vũ khí và thể thao tại Mỹ. Còn cách thức chế bom như vừa rồi ở Boston thì có thể tìm thấy dễ dàng trên Internet.

Theo một chuyên gia Mỹ, cách chế tạo bom kiểu này đã được các thành viên Al Qaida đăng rộng rãi trên mạng, sau đó lại được các tổ chức khác tiếp tục phổ biến, bởi vậy, ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận loại thông tin này trên Internet.

Libération dẫn lời chuyên gia cảnh báo : Việc các phương tiện báo đài tập trung quá mức vào hồ sơ này khiến bọn khủng bố đắc chí vì chúng chỉ chờ có như vậy để hành động của chúng tạo được tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới. Một chuyên gia nhận định : « Các phương tiện truyền thông đề cập đến vụ việc nhiều chừng nào, thì lại vô tình giúp bọn khủng bố đạt được mục tiêu nhiều chừng ấy ».

Le Monde đăng bài nhận định nhấn mạnh đến hiện tượng sử dụng vũ khí tràn lan tại Mỹ. Bài viết cho biết, ở Hoa Kỳ hiện có đến 300 triệu đơn vị vũ khí đang lưu hành trong dân.

Hậu quả của việc sử dụng vũ khí tràn lan đã được chứng tỏ trong trong thực tế một cách rõ ràng trong thời gian qua, tuy nhiên, do việc vận động hành lang của các nhà sản xuất vũ khí quá mạnh, nên việc đánh động dư luận về hậu quả nặng nề này luôn bị chèn ép.

Bên cạnh việc gây chết chóc, bài viết còn đề cập đến một hậu quả mà ít ai để ý, đó là hậu quả tâm lí của việc sử dụng vũ khí tràn lan. Chẳng hạn, những người làm công việc phải tiếp xúc với nhiều người lạ như bác sĩ thì luôn luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi tiếp xúc với người lạ.

Các bác sĩ tại Mỹ nhấn mạnh, số nạn nhân của việc sử dụng vũ khí tràn lan ngang bằng với nạn nhân của tai nạn giao thông.

Đức : Tăng phụ nữ trong ban lãnh đạo doanh nghiệp

Nhìn về nước Đức, nhật báo kinh tế Les Echos có bài : « Đức muốn thiết lập hạn mức phụ nữ cho các hội đồng quản trị ».

Tờ báo cho biết, phe đối lập tại Quốc hội Đức đã đệ trình một dự luật theo đó, từ nay đến năm 2018, tỷ lệ phụ nữ có mặt trong hội đồng quản trị các doanh nghiệp ở Đức phải đạt 20%, và sẽ là 40% trong năm 2028. Một làn sóng ủng hộ dự luật này đang nổi lên trong Quốc hội Đức.

Đảng CDU của bà Merkel dưới sức ép đó đã cam kết từ đây đến năm 2020, sẽ tăng tỷ lệ đó lên 30%, nhưng với điều kiện là phải chiến thắng trong đợt bầu cử vào tháng 9 tới đây.

Tờ báo nhắc lại, từ trước tời nay, chính phủ Merkel cho phép các công ty tự quyết định số lượng nữ giới trong ban lãnh đạo của mình.

Kết quả là, nước Đức có vẽ tụt hậu so với các nước khác trong khu vực trong hồ sơ này.

Tờ báo chỉ rõ, 25% các công ty đăng ký trên sàn chứng khoán tại Franfurt không có một phụ nữ nào trong ban lãnh đạo cả.


Switch mode views: