Iran-Mỹ: Trên đe dưới búa, tổng thống Rohani đàm phán kín với Trump?
- Thứ Hai, 06 tháng Tám năm 2018 19:21
- Tác Giả: RFI
Tổng thống Iran Hassan Rohani phải đối mặt với các cuộc biểu tình trong nước từ vài tuần nay và loạt trừng phạt kinh tế của Mỹ.
REUTERS/Lisi Niesner
Ngày 08/05/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp định hạt nhân Iran và “gây sức ép tối đa” bằng các biện pháp trừng phạt : Đợt 1 có hiệu lực từ ngày 07/08/2018 ; đợt hai từ tháng 11/2018.
Thời gian gần đây, cả Wahington lẫn Teheran lên giọng gay gắt đe dọa trừng phạt-trả đũa.
Ngày 22/07, tổng thống Iran Hassan Rohani cảnh báo nguyên thủ Mỹ “đừng vuốt râu hùm” và một cuộc xung đột với Iran sẽ là “mẹ của các cuộc chiến”.
Ngay sau đó, trên Twitter, tổng thống Mỹ gửi đến tổng thống Iran Hassan Rohani thông điệp được viết hết bằng chữ hoa : “Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa, hoặc ông sẽ phải gánh những hậu quả hiếm có trong lịch sử.
Chúng tôi không còn là một đất nước chịu đựng những lời lẽ đe dọa bạo lực và chết chóc ngông cuồng của ông. Hãy cẩn trọng!”
Cuộc đấu khẩu gay gắt giữa hai nhà lãnh đạo lại là một lợi thế cho phe bảo thủ Iran.
Những lời đáp trả cương quyết của tổng thống Hassan Rohani đối với những đe dọa của đồng nhiệm Trump lại được phe bảo thủ Iran, chống Trump đến cùng, hoan nghênh nhiệt liệt.
Tuy nhiên, theo trang France 24 (02/08/2018), tổng thống Iran lại đang rơi vào thế khó xử.
Thực vậy, sau loạt đe dọa gay gắt nhắm vào chính quyền Teheran, ngày 30/07, tổng thống Mỹ bỗng chìa bàn tay đối thoại.
Phe chủ trương cải cách tại Iran ủng hộ nối lại đàm phán với Mỹ, trong khi phe bảo thủ thẳng thừng bác bỏ.
Bị kẹt ở giữa, tổng thống Hassan Rohani, thuộc phe ôn hòa, có thể phải chọn con đường đàm phán kín.
Cựu đại sứ Pháp tại Iran, ông François Nicoullaud, phân tích : “Hiện đang bị yếu thế trên mặt kinh tế kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại, ông Rohani phải đưa ra những bảo đảm chắc chắn cho phe bảo thủ.
Đối với ông, với lực lượng vệ binh Cách mạng và lãnh tụ tối cao, chẳng có lợi gì khi đồng ý đối thoại với Trump trừ phi Hoa Kỳ trở lại thoả thuận hạt nhân”.
Tổng thống Rohani bị suy yếu trên mọi mặt
Tổng thống Rohani đang phải đối mặt với rất nhiều cuộc biểu tình có quy mô lớn trên khắp đất nước, từ Chiraz (miền nam) đến Ahvaz (tây nam), từ Machhad (đông bắc) đến Karaj (gần thủ đô Teheran).
Nguyên nhân chính là đồng rial bị mất đến 2/3 giá trị kể từ đầu năm đến nay.
Trả lời AFP, ông Adnan Tabatabai, giám đốc Trung tâm nghiên cứu CARPO của Đức, đánh giá :
“Các cuộc biểu tình này là hoàn toàn chính đáng, nhưng có nguy cơ trở thành bạo động do các nhóm trong và ngoài nước khuấy động”.
Vào tháng 04/2018, chính phủ Iran cố giảm bớt tình trạng đồng rial mất giá bằng cách ấn định tỉ giá chính thức, đồng thời bắt giữ hàng loạt người buôn bán ngoại tệ trên thị trường đen.
Tuy nhiên, những biện pháp này càng đẩy thị trường đen phát triển mạnh hơn.
Cảm giác bị kẹt giữa các biện pháp của chính phủ và quyết tâm của Washington làm tê liệt nền kinh tế Iran đã buộc người dân nước này tích trữ đồng đô la và dự trữ đồ để tránh khủng hoảng.
“Rất nhiều người sợ sẽ không có được đồ dùng cần thiết nếu họ không mua từ bây giờ”, theo lời của một tiểu thương ở khu chợ lớn của Teheran, vì vậy mà các tiểu thương cũng tích hàng hóa trong khi chờ tình hình thay đổi.
Còn những người Iran khá giả đã chọn giải pháp rời đất nước.
Lĩnh vực công nghiệp cũng bị tác động nặng nề.
Rất nhiều tập đoàn nước ngoài, ồ ạt đầu tư vào Iran sau thỏa thuận hạt nhân 2015, cũng đang chuẩn bị rời khỏi nước Cộng Hòa Hồi Giáo do lo ngại trừng phạt của Mỹ, trong đó phải kể đến một số tập đoàn của Pháp Peugeot, Renault và Total.
Một số doanh nghiệp khác, có quy mô nhỏ hơn, tìm cách khai thác tình hình còn nhập nhằng và trông chờ vào sự bảo vệ của các nước châu Âu đang quyết tâm cứu vãn thỏa thuận về hạt nhân với Iran.
Một số nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ bị phụ thuộc quá nhiều vào dầu lửa của Iran để chịu khuất phục trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy lọc dầu khác, chủ yếu là của châu Âu, đã bắt đầu rút khỏi thị trường Iran.
Theo một số nhà phân tích, từ nay đến cuối năm 2018, khối lượng xuất khẩu dầu lửa của Iran sẽ giảm từ 2,4 triệu thùng mỗi ngày xuống con 700.000 thùng mỗi ngày.
Một cựu lãnh đạo Phòng Thương Mại Teheran cho rằng “chính phủ đã không biết cách tận dụng tình hình khi điều kiện cho phép” bằng cách thông qua một kế hoạch kinh tế có sức thuyết phục.
Chính quyền Iran “sẽ còn khó hành động hơn trong thời kỳ khủng hoảng ngày càng rõ nét này”.
Còn theo bài viết trên trang France 24, tổng thống Rohani không chỉ bị thúc bách vì các cuộc biểu tình của người dân, mà ông còn bị cả phe bảo thủ và phe cải cách siết chặt.
Rất nhiều người thân cận của tổng thống Rohani đánh tiếng rằng đông đảo giới trí thức Iran muốn ông đối thoại với Washington để đàm phán nới lỏng trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Đối với một số người theo xu hướng cải cách, tình hình trở nên nghiêm trọng.
“Phải cứu Iran” là tuyên bố của ông Mohsen Hachemi Rafsanjani, thành viên Hội đồng thị chính Teheran và là con trai của cựu tổng thống Akbar Hachemi Rafsanjani.
Ngày 31/07, một ngày sau đề xuất đối thoại của tổng thống Trump, ông viết trên Twitter : “Áp lực (của trừng phạt Mỹ) sẽ còn khiến tình hình nước chúng ta thêm phức tạp hơn.
Sự sống còn của Iran sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định cứng rắn của chúng ta, như quyết định từng được đưa ra 30 năm trước đây (đình chiến với Irak năm 1988, sau 8 năm chiến tranh)”.
Đàm phán kín?
Tuy nhiên, đàm phán trực tiếp với tổng thống Trump dường như là điều không thể vì sẽ đi ngược với tinh thần chống Mỹ của chế độ Iran.
Trước tiên, chính sự thù nghịch lẫn nhau giữa Iran và Mỹ đã định hướng cho đường lối địa-chính trị của Teheran kể từ cuộc Cách Mạng 1979 và vụ bắt cóc con tin trong sứ quán Mỹ ở Teheran trong suốt 444 ngày (04/11/1979-20/01/1981).
Tiếp theo, tính cách của tổng thống Trump cũng là một vấn đề.
Chủ nhân Nhà Trắng muốn có một cuộc gặp gây ấn tượng mạnh như cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore.
Vì vậy, sánh bước với ông Trump, người từng bị lãnh đạo tối cao Ali Khamenei đánh giá là “thiếu hiểu biết, tính khí thất thường và ngạo mạn”, sẽ là điều sỉ nhục đối với chính quyền Iran.
Tổng thống Hassan Rohani hoàn toàn bị phụ thuộc vào lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, do không có trọng lực chính trị đủ mạnh để có thể đảm trách một cuộc gặp được đưa tin rộng rãi với Washington.
Tuy nhiên, ông Rohani lại có kinh nghiệm về đàm phán kín. Trước khi trở thành tổng thống Iran, ông từng điều hành các cuộc thương lượng về hồ sơ hạt nhân từ năm 2003 đến 2005.
Dĩ nhiên, trong quá khứ, mọi động thái xích gần với Hoa Kỳ đều được thông qua con đường bí mật gặp nhau.
Rất nhiều dấu hiệu cho thấy rằng chính quyền Iran đang sử dụng lại chiến lược này.
Vào tháng 06/2018, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đến Vương quốc Hồi Giáo Oman.
Tuần trước, đến lượt ngoại trưởng Oman Youssef bin Alawi bin Abdullah bay đến Washington và sau đó đến Teheran ngày 03/08.
Theo cựu đại sứ Pháp tại Iran, François Nicoullaud, “Oman khó lòng đứng ngoài vào lúc này.
Họ có thể đóng vai trò nhà trung gian như từng làm trong những năm 2011-2012, đặt nền móng cho quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Vào thời đó, họ đã bảo đảm giữ bí mật, cho mượn địa điểm, truyền tin…”
Tuy nhiên, hiện tại chưa có gì cho thấy Hoa Kỳ chấp nhận gặp Iran xa ánh đèn truyền thông.
Các biện pháp mà Iran đang cố tiến hành, thực ra là nhằm kéo dài thời gian, vì vẫn theo ông François Nicoullaud, “Iran kéo dài thời gian cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và hy vọng là ông Trump sẽ thất bại.
Về phía Mỹ, Washington lo ngại là Iran phong tỏa vịnh Hormuz, dù chỉ vài ngày, vì điều này sẽ làm tăng giá dầu và làm mất ổn định thị trường ngay trước thềm bầu cử Mỹ”.
Tin mới
- Mỹ trừng phạt Iran: Đức cảnh báo gia tăng bất ổn tại Trung Đông - 08/08/2018 17:00
- Một phần tư dân Pháp « mù tin học » - 08/08/2018 15:55
- Mỹ lo ngại khả năng nước lớn ép nước nhỏ trong đàm phán Biển Đông - 08/08/2018 15:41
- Iran bác bỏ đề nghị đàm phán sau khi Mỹ áp dụng các trừng phạt - 07/08/2018 21:33
- Quá dựa vào Trung Quốc, châu Phi đối mặt với khó khăn nghiêm trọng - 07/08/2018 20:20
- Mỹ-Trung : Từ chiến tranh thương mại đến hối đoái ? - 07/08/2018 16:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-08-2018 - 07/08/2018 16:00
- Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Chính phủ Slovakia bị khủng hoảng - 07/08/2018 14:30
- Bắc Triều Tiên đòi Mỹ bỏ cấm vận - 07/08/2018 00:48
- Mỹ thông báo một loạt các biện pháp mới trừng phạt Iran - 07/08/2018 00:16
Các tin khác
- Sài Gòn : Dinh Thượng Thơ thoát nguy cơ bị xóa sổ ? - 06/08/2018 18:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-08-2018 - 06/08/2018 17:07
- Indonesia: Đảo Lombok lại bị động đất, hơn 90 người chết - 06/08/2018 16:25
- TT Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng ở California - 06/08/2018 01:25
- Máy bay rơi trong bãi đậu xe Santa Ana, gần South Coast Plaza, 5 người chết - 06/08/2018 00:49
- Hàn Quốc: Hàng chục ngàn phụ nữ biểu tình chống camera quay lén - 06/08/2018 00:30
- Á Vận Hội 2018: Bóng đá Irak bỏ cuộc vì bê bối gian lận tuổi cầu thủ - 06/08/2018 00:21
- Thương mại: Trung Quốc lại tố cáo Mỹ "bắt chẹt" - 05/08/2018 23:45
- Iran: Dân chúng lo ngại hậu quả từ biện pháp trừng phạt của Mỹ - 05/08/2018 19:32
- Nóng dữ khiến đỉnh núi cao nhất Thụy Điển mất chóp - 05/08/2018 19:25