Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giới lãnh đạo TQ ‘loạn trí’ vì ‘loạn sách’ thương mại của TT Mỹ

usa-trade-china 7

Ảnh minh họa: Container hàng chồng chất ở cảng Paul W. Conley, Boston, Massachusetts. Ảnh ngày 9/05/2018.
REUTERS/Brian Snyder

Trong đối sách với Trung Quốc, tổng thống Mỹ ngày càng có thêm những tuyên bố dữ dội trong lãnh vực thương mại, như đe dọa đánh thuế trên hàng trăm tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, cực lực tố cáo Bắc Kinh đánh cắp công nghệ Mỹ.

Bên cạnh đó ông lại có một số cử chỉ hòa dịu bất ngờ, như thúc đẩy việc cho phép tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE tiếp tục làm ăn tại Mỹ.

Theo nhận định của báo mạng Mỹ Politico, mục tiêu mà tổng thống Mỹ nhắm tới là buộc Bắc Kinh phải chấp nhận các đòi hỏi về thương mại của Washington, vấn đề là không ai biết ông Trump thực sự muốn gì, kể cả giới lãnh đạo Trung Quốc, được cho là “hoàn toàn mù mịt trước những yêu sách thương mại” của vị tổng thống Hoa Kỳ.
Tờ báo Mỹ ghi nhận là các hành động của ông Trump đầy mâu thuẫn.

Tuần này thì ông tố cáo những mối đe dọa an ninh mà tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE đặt ra cho nước Mỹ, nhưng tuần sau thì ông đồng ý bãi bỏ một lệnh cấm làm ăn với tập đoàn này.
Ông phàn nàn về thất thu thương mại với Trung Quốc, nhưng lại bác bỏ đề nghị của Trung Quốc với chính các quan chức Mỹ là sẽ mua thêm hàng tỷ đô la hàng hóa Mỹ.

Đối với Politico, đằng sau những hư chiêu và những cú thúc, Donald Trump đã nêu lên nhiều vấn đề đến nỗi khó mà hiểu được những ưu tiên thực thụ của ông.
Chiến thuật này được rút thẳng từ quyển « Nghệ Thuật Thương Lượng - The Art of the Deal » mà ông Trump là tác giả và có thể tóm lược như ông nói : « Tôi đặt mục tiêu rất cao và cứ đẩy tới, đẩy tới cho đến khi đạt được cái mà tôi theo đuổi ».

Một số người cho rằng đó không phải là cách dùng được khi thương lượng với một siêu cường, nhưng nhìn lại thì nó cũng đã khiến lãnh đạo Trung Quốc ngày càng hoang mang về ý muốn thực sự của ông Trump, vào thời điểm then chốt khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới như sắp lao vào một cuộc chiến thương mại lâu dài.

Theo Derek Scissors, thuộc viện nghiên cứu American Enterprise Institute, Trung Quốc đã « hoàn toàn bị bối rối » vì lẽ nếu không có yêu cầu rõ ràng thì họ không thể đề nghị gì nhiều.
Khi nhượng bộ, Bắc Kinh phải được cái gì đó, « nhưng lại không biết sẽ được gì vì Mỹ không thấy có một chiến lược gì ».

Các quan chức Trung Quốc càng lúc càng tỏ rõ thái độ tức tối.

Phát biểu hôm 19/06 tại Viện Nghiên Cứu Mỹ-Trung Quốc (Institute for China-America Studies), tham tán công sứ Đại Sứ Quán Mỹ ở Washington đã lên tiếng : « Chúng tôi kêu gọi các đối tác Mỹ tỏ rõ tính xác tín và nhất quán… Khi đã đồng ý rồi thì phải giữ lời ».

Đến hôm 22/06, Cao Phong, phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ là « thất thường ».
Cách tiếp cận hung hăng của ông Trump đã đi ngược lại với chính sách Mỹ áp dụng với Trung Quốc từ hơn một thập niên qua.

Chính sách này bao gồm các cuộc thương lượng trên một loạt vấn đề thương mại được tiến hành hàng năm để thúc đẩy tiến bộ bằng cách thuyết phục Trung Quốc rằng mở rộng cửa kinh tế là trong quyền lợi của họ. Chiến thuật này có kết quả rất chậm và hạn chế.

Ý của ông Trump muốn đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc được hậu thuẫn của các tập đoàn và giới lao động Mỹ, vốn rất mong có kết quả nhanh hơn và to lớn hơn. Nhưng các nhà lão luyện về thương lượng quốc tế hoài nghi về hiệu quả, trừ phi là có mục tiêu rõ ràng.

Bill Reinsch, cố vấn cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, cho rằng :
 « Đúng là họ có một kế hoạch, nhưng tôi không nghĩ là nó hữu hiệu. Kế hoạch là luôn lấn tới mạnh hơn, đòi hỏi mọi thứ và không cho gì cả ».

Chính sách phi thị trường của Trung Quốc

Theo nhận định các chuyên gia thì cấu trúc nền tảng của kinh tế Trung Quốc là điều khiến nhiều công ty Mỹ luôn luôn than phiền, và đó là điều sẽ không thay đổi trong vài tuần, thậm chí cả tháng.

Bắc Kinh đã buộc các công ty Mỹ phải vượt qua nhiều cửa ải hơn là công ty trong nước.
Rồi còn có gián điệp tin học, rồi ăn cắp bí mật thương mại, sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế.

Chính quyền Trung Quốc còn tài trợ cho các tập đoàn của mình ở quy mô lớn, đảm bảo cho họ bán sản phẩm thấp hơn giá thị trường.
Tất cả những chính sách đó đã được Cơ Quan Đại Diện Thương Mại Mỹ xác định thành lý do để áp thuế mới trên 50 tỷ đô la hàng nhập của Trung Quốc.

Nhưng các nhà quan sát lo ngại rằng ông Trump sẽ quá tập trung trên thất thu thương mại với Trung Quốc, mà lơ là việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Scissors : « Đó là một tiến trình nhiều năm với nhiều đau đớn ».

Về phía Trung Quốc, các quan chức cũng cùng chung suy nghĩ là cuộc đàm phán sẽ mất nhiều thời gian.
Viên tham tán công sứ tại Đại Sứ Quán Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán, cho dù đó là trên vấn đề thâm thủng mậu dịch hay trên vấn đề cơ cấu kinh tế.

Đọ sức “áp thuê”

Như để làm tình hình rối thêm, nhiều quan chức Mỹ cao cấp thú nhận rằng họ không lúc nào biết được là ông Trump sẽ nói gì hay làm gì về thương mại.

Tình trạng mơ hồ này, theo báo Mỹ Politico, đã khiến các cố vấn của ông Trump đua nhau thu hút chú ý của ông, tìm cách tác động lên ông, dẫn tới những chiến thuật khác nhau và thông điệp không rõ ràng…

Trong lúc đó, Mỹ Trung tiếp tục đọ sức : các loại thuế mới của Mỹ đối với Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh nhượng bộ, được thiết kế để đáp trả lại việc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ, với một mũi nhắm vào chính sách mà Trung Quốc đề ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ.

Trung Quốc đáp trả các biện pháp thuế này bằng cách lên kế hoạch áp thuế trên hàng Mỹ, tương ứng với quy mô các biện pháp của chính quyền Mỹ.
Thế rồi ông Trump lại trả đũa, đe dọa áp thuế lên 450 tỷ đô la hàng Trung Quốc, trong lúc chính quyền có kế hoạch giới hạn đầu tư của Trung Quốc.

Phản ứng từ phía ông Trump đã khiến giới chức Trung Quốc ngỡ ngàng.

Taiya Smith, chuyên viên thời cựu bộ trưởng Tài chính Hank Paulson phụ trách các cuộc đàm phán thương mại chính thức giữa Washington và Bắc Kinh, được gọi là Đối Thoại Kinh Tế Chiến Lược, tiết lộ :
 « Càng ngày càng có nhiều người có trách nhiệm khá cao ở Trung Quốc yêu cầu tôi giải thích những gì đang diễn ra ».

Theo Politico, vấn đề đặt ra tuy nhiên dù Trung Quốc muốn nhượng bộ, nhưng họ không biết nhượng bộ cái gì và đến đâu mới đủ.
Hơn nữa, theo tờ báo, tài liệu rõ ràng nhất về các đòi hỏi của Mỹ trông giống như những yêu cầu trong các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do toàn diện, hơn là một thỏa thuận nhắm mục tiêu ngăn chặn việc áp đặt các loại thuế quan trừng phạt…

Ngoài ra, bản thân ông Trump cũng góp phần làm cho toàn cảnh phức tạp thêm.
Ông khẳng định đòi Trung Quốc phải chấm dứt việc làm cho Mỹ thâm hụt thương mại 500 tỷ đô la một năm, đình chỉ việc ăn cắp 300 tỷ đô la khác về sở hữu trí tuệ của Mỹ.

 Thế nhưng vào tháng trước ông lại quyết định ra tay cứu giúp đại tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE, mà các chuyên gia chính sách cho rằng là một ví dụ điển hình về các công ty Trung Quốc vi phạm pháp luật.

Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner thuộc đảng Dân Chủ là một trong số nhiều người dã chỉ trích động thái đó của ông Trump là không nhất quán với nỗ lực tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc mà chính quyền Trump chủ trương.

Switch mode views: