Tai nạn trên biển Hoa Đông : Nhật lo nhiều bãi biển đẹp bị xăng trắng tàn phá
- Thứ Tư, 07 tháng Hai năm 2018 18:29
- Tác Giả: Trọng Thành
Dân cư cụm đảo Amami-Oshima, tây nam Nhật Bản, lo ngại thảm họa dầu Sanchi. Trong ảnh, một đảo nhỏ thuộc cụm đảo Oshima.
Wikipedia
Tai nạn tàu chở dầu ở biển Hoa Đông, đầu tháng Giêng 2018, một tháng sau thảm họa vẫn tiếp tục gây lo ngại, do các tác động đến môi trường chưa được xác định rõ.
Trong lúc chính quyền Trung Quốc tuyên bố phạm vi dầu loang đang dần dần thu hẹp, một số thông tin cho biết dầu có thể lan đến nhiều vùng bờ biển Nhật Bản.
Đây không phải là lần đầu tiên tai nạn xảy ra tại khu vực được mệnh danh là « Tam giác Quỷ » mới (hay tam giác Bermuda) ở biển Hoa Đông, nơi ít nhất 33 tàu mất tích năm 2016.
Tuy nhiên, thảm họa đắm tàu Sanchi gây lo ngại lớn, bởi loại dầu được chuyên chở trên tàu là « condensate » (thường gọi là xăng nhẹ hay xăng trắng).
Đây là tai nạn tàu chở xăng trắng lớn đầu tiên trên biển, cũng là tai nạn tàu dầu lớn đầu tiên tại biển Hoa Đông.
Các tác động môi trường biển của loại hóa chất này còn rất được nghiên cứu, cho dù về mặt định lượng, số xăng dầu trên chiếc tàu gặp nạn ở biển Hoa Đông được coi là « chỉ bằng » khoảng 1 phần 5 so với lượng dầu thoát ra vùng Vịnh Mêhicô, trong thảm họa BP năm 2010.
Hiện tại không biết rõ bao nhiêu trong số 136.000 tấn xăng trắng đã hòa vào đại dương, còn bao nhiêu đã bốc cháy.
Trả lời báo La Croixhôm 23/01/2018, ông Christophe Rousseau, phó giám đốc trung tâm Pháp CEDRE (Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về các tai nạn trên sông biển), cho biết thứ xăng thoát ra từ chiếc tàu dầu Iran là « một loại dầu thô rất nhẹ, độc hại và dễ bắt lửa ».
Khó dự đoán tác động của xăng trắng
Chuyên gia Christophe Rousseau giải thích : Xăng trắng không màu, ảnh hưởng rất khác đến môi trường, so với với các loại thảm họa mà chúng ta vẫn quen gọi là « thủy triều đen ».
Xăng trắng bốc rất nhanh, thành các loại hơi độc.
Xăng trắng, ít hòa tan trong nước biển, một phần lớn nổi lên trên mặt biển thành một lớp màng mỏng, lấp lánh như màu cầu vồng.
Để dễ hình dung, ta lấy một lượng xăng trắng bằng một thìa xúp, và đổ lên mặt nước phẳng, lượng xăng này sẽ mở rộng ra một diện tích tương đương với một sân bóng đá. Hãy tưởng tượng với hàng chục nghìn tấn ! (1)
Theo chuyên gia Pháp, về mặt lý thuyết, thảm dầu sẽ còn tiếp tục trải rộng ra, và bốc hơi, trước khi bị sóng biển làm tan đi, cùng với tác động của các vi khuẩn trong nước biển.
Tuy nhiên đó chỉ là dự báo lý thuyết, vì đây là tai nạn tàu chìm đầu tiên với lượng xăng trắng lớn đến như vậy.
Rất khó dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo. Rất khó dự đoán về tác động của xăng trắng đến các loại chim biển, các loài sinh vật dưới biển, đặc biệt là loài phù du – thức ăn chính của nhiều sinh vật biển - sống ở tầng nước mặt.
Theo Le Monde, nếu như xăng trắng không tác động nhiều đến các tầng nước sâu, nguy hiểm đầu tiên là ô nhiễm không khí, và nguy cơ gây cháy gia tăng hơn nữa tại vùng biển giao thông tấp nập này.
Bên cạnh đó, nếu lan về phía Trung Quốc, thảm dầu có thể đe dọa vùng biển Châu Sơn (Zhou Shan), vùng đánh cá lớn nhất của nước này, ngoài khơi tỉnh miền đông Chiến Giang (Zhejiang).
Năm 2016, khoảng 5 triệu tấn cá đã được khai thác ở đây. Châu Sơn cũng là nơi di trú của nhiều loài cá voi.
Riêng các loài cá biển khơi sống ở các tầng dưới, sẽ tìm cách nhanh chóng lánh khỏi khu vực ô nhiễm trên bề mặt này, làm sụt giảm hơn nữa nguồn hải sản, vốn đã bị đánh bắt quá mức, như dự đoán của ông Christophe Rousseau.
Chính quyền Trung Quốc tỏ ra lạc quan về mức độ tác động môi trường của thảm họa đắm tàu dầu.
Báo Japan Times, hôm 02/02, dẫn lời bộ Giao Thông Trung Quốc cho hay hơn 770 km² mặt nước bị ảnh hưởng « đã được phục hồi ».
Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc loan báo đã trắc nghiệm hơn 100 mẫu nước biển (nhưng không rõ ở đâu), và khẳng định « không tìm thấy gì bất thường ».
Tuy nhiên, việc đánh bắt bị cấm tại khu vực cách điểm xảy ra tai nạn trong phạm vi khoảng 30 hải lý.
Có dấu hiệu dầu loang tới bờ biển Nhật
Về phía Nhật Bản, có một số dấu hiệu là xăng dầu từ tàu Sanchi đã lan tới một số vùng bờ biển nước này, như tại các đảo Amami-Oshima, vốn nổi tiếng về các bãi biển nguyên sơ và các rạn san hô tuyệt đẹp.
Reuters hôm 02/02 dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga, cho biết Tokyo đã thành lập một nhóm đặc biệt trực thuộc văn phòng thủ tướng, để điều phối các phản ứng đối phó với các diễn biến mới của tai nạn tàu Sanchi.
Cụ thể là nghiên cứu về các mảng dầu vón cục mà người dân phát hiện được trên các bãi biển, và mức độ ảnh hưởng của hiện tượng này.
Thái độ nói trên của chính phủ Nhật là ngược lại với quan điểm bình chân như vại của bộ Môi Trường Nhật Bản hồi tháng trước, khi tai nạn mới xảy ra.
Trả lời AFP, một giới chức đảo Takarajima, Nhật Bản, lo ngại dầu loang có thể ảnh hưởng đến việc sinh đẻ của các loài cá di cư, có thói quen đến khu vực này vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm.
Theo dự đoán của National Oceanography Centre và đại học Southampton, thảm xăng loang sẽ dạt vào bờ biển Nhật Bản trong vòng một tháng, theo dòng hải lưu Kuroshio.
Trung Quốc và Nhật Bản phản ứng "quá trễ"
Về phản ứng từ phía chính quyền trong vụ tai nạn tàu dầu ở biển Hoa Đông, AFP dẫn quan điểm của một số chuyên gia, chỉ trích việc Bắc Kinh và Tokyo giảm thiểu nguy cơ môi trường của tai nạn.
Đại diện của tổ chức Greenpeace, ông Paul Johnston kêu gọi chính quyền các nước nỗ lực tẩy rửa khu vực thảm họa, và kiểm soát chặt chẽ các vùng bờ biển.
Chuyên gia người Mỹ Mark J. Valencia, cộng tác với viện nghiên cứu về Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc, cũng phê phán « các phản ứng quá ít, và quá trễ » của hai chính quyền Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo nhà nghiên cứu, vốn được đánh giá là thân Bắc Kinh, nguyên nhân của sự chậm trễ này là do « các căng thẳng chính trị » giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cụ thể là các tranh chấp về chủ quyền tại vùng biển Hoa Đông, cũng như về các chồng lấn ở vùng đặc quyền kinh tế.
Theo nhà nghiên cứu Mỹ, Bắc Kinh và Tokyo cần tôn trọng các đòi hỏi của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), yêu cầu các bên tham gia, chia sẻ các nguồn lợi tại các khu vực chồng lấn, và có cơ chế hợp tác khoa học để dự báo các tác động môi trường, sau mỗi tai nạn nghiêm trọng.
Nhà nghiên cứu nhấn mạnh là hai bên cần vượt qua các trở ngại chính trị, để hướng đến việc « hợp tác khẩn cấp ».
Tai nạn này có thể được coi là một cơ hội, nếu không, hai bên cần chuẩn bị để chung tay đối phó với một tai nạn tương tự trong tương lai.
----
(1) Diện tích bị ô nhiễm tại biển Hoa Đông lên đến khoảng 330 km² vào cuối tháng 1/2018 (tương đương với ba lần thành phố Paris).
Tin mới
- Thủ tướng Israel cảnh báo thế giới và Iran - 12/02/2018 00:02
- Em gái Kim Jong Un rời Hàn Quốc sau chuyến thăm được xem là thành công - 11/02/2018 23:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-02-2018 - 10/02/2018 18:47
- Quan hệ liên Triều: Kim Jong Un mời Moon Jae In họp thượng đỉnh - 10/02/2018 15:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-02-2018 - 10/02/2018 00:47
- Hàn Quốc: Thế Vận Hội Mùa Đông khai mạc tại Pyeongchang - 09/02/2018 19:06
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-02-2018 - 09/02/2018 03:45
- Nga : Chỗ đứng nào cho thế hệ đối lập trẻ ? - 08/02/2018 23:34
- Bình Nhưỡng phô trương quân sự trước TVH Pyeongchang - 08/02/2018 22:33
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-02-2018 - 07/02/2018 18:50
Các tin khác
- Đài Loan : Động đất làm ít nhất 6 người chết, 200 người bị thương - 07/02/2018 17:39
- Kim Jong Un gửi em gái sang Hàn Quốc dự Thế Vận Hội - 07/02/2018 17:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-02-2018 - 06/02/2018 22:45
- Tường rào biên giới : Dấu hiệu sợ hãi khủng bố và làn sóng di dân. - 06/02/2018 21:58
- Pháp : Tăng trưởng phục hồi nhưng vẫn "bó tay" với thất nghiệp - 06/02/2018 17:44
- Biển Đông : Manila cấm nước ngoài thăm dò một khu vực bị tranh chấp chủ quyền - 06/02/2018 16:57
- Đảng Dân chủ vạch kế hoạch 16 năm hủy hoại nước Mỹ? - 05/02/2018 20:15
- Nguy cơ trai thừa gái thiếu ở Việt Nam - 05/02/2018 18:48
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-02-2018 - 05/02/2018 18:21
- Tệ nạn trong công nghiệp dược phẩm: Tạo khan hiếm giả để đội giá - 05/02/2018 17:21