Chính sách mới của Mỹ tại Trung Đông phiêu lưu hay xuyên suốt ?
- Thứ Sáu, 02 tháng Hai năm 2018 03:46
- Tác Giả: Tú Anh
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh chụp tại Nhà Trắng, ngày 31/01/2018.REUTERS/Leah Millis
Donald Trump có một chính sách xuyên suốt tại Trung Đông hay không ?
Quyết định công nhận thành phố thánh Jerusalem là thủ đô của Israel, cắt giảm ngân sách cứu trợ người tị nạn Palestine và tiếp tục đe dọa « xé » thỏa thuận hạt nhân với Iran nhằm mục đích sâu xa nào ?
RFI đặt câu hỏi với chuyên gia Martin Quencez, thuộc viện nghiên cứu German Marshall Fund, Paris.
Trong suốt chiến dịch tranh cử vào năm 2016, Donald Trump có ba lời hứa liên quan đến Trung Đông : thứ nhất là bỏ hiệp định hạt nhân Iran được ký kết vào ngày 14/07/2015 giữa Iran và 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An cộng với Đức, thứ hai là giúp Israel và Palestine đạt được một hiệp ước hoà bình sau hơn 20 năm bế tắc và thứ ba là đánh bại Daech.
Ba lời hứa
Một năm sau ngày Donald Trump vào Nhà Trắng, lời cam kết thứ ba xem như được thực hiện, Daech bị đánh bật khỏi Syria và Irak cho dù chưa bị tiêu diệt.
Về lời hứa thứ nhất, ông đã ba lần triển hạn hiệp định do người tiền nhiệm ký tắt nhưng liên tục kêu gọi Quốc Hội gia tăng trừng phạt Iran cho dù Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế cho biết Teheran không vi phạm.
Về cam kết thứ hai, liên quan đến xung khắc Israel và Palestine mà Washington đóng vai trò trung gian hoà giải và bảo trợ cho tiến trình hòa bình với kết quả cụ thể là hiệp định Oslo năm 1992, thời tổng thống Bill Clinton, chuyện gì đã xảy ra với Donald Trump ?
Ngày 06/12/2017, tổng thống Donald Trump thông báo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ dời sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thánh địa của ba tôn giáo Thiên Chúa- Do Thái Giáo- Hồi Giáo. Thỏa thuận Oslo năm 1992 với mục tiêu đi tới là có hai nước Palestine và Israel sống hoà bình bên nhau xem như khó tồn tại.
Quyết định của Donald Trump bị cộng đồng quốc tế tẩy chay và Palestine phản đối mạnh.
Liệu Hoa Kỳ còn vai trò quan yếu trong tiến trình hoà bình Israel-Palestine hay đã bị « việt vị »? Những lý do sâu xa nào thúc đẩy Washington theo lập trường cực đoan của cánh hữu Israel ?
Chiến thuật vụng về hay chiến lược nhất quán ?
Nhưng trước hết, có thật sự là Donald Trump ủng hộ triệt để Israel ?
RFI đặt câu hỏi với chuyên gia Martin Quencez, thuộc viện nghiên cứu German Marshall Fund, Paris :
Thời gian sẽ trả lời… điều mà chúng ta nhìn thấy trong 12 tháng qua là ông Donald Trump không phải là một người nhất quán trong các quyết định.
Các nước đồng minh của Mỹ đều thận trọng về các quyết định tương lai của tổng thống Donald Trump. Chính sách thân Israel đã được trình bày suốt cuộc vận động tranh cử trong năm 2016 để nhằm chinh phục lá phiếu của cử tri theo đạo Tin Lành Phúc Âm, những người có lập trường rõ ràng trong cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine.
Nhưng đó cũng là một đường lối chính trị của Donald Trump lật quan trang sử Obama và các chính quyền tiền nhiệm.
Từ Cựu ước cho đến chính trị nội bộ và địa chính trị
Tại sao chính quyền Donald Trump chọn thái độ thân Israel đến mức độ dựa vào huyền thoại của Do Thái Giáo ?
« Quan hệ vĩnh viễn giữa dân tộc Do Thái với thành phố thánh Jerusalem đã bắt đầu từ 3000 năm trước.
Tại Jerusalem, Abraham đã dâng Isaac, con trai của mình cho Đức Chúa Trời. Cũng tại Jerusalem, vua David đã xây dựng vương quốc Israel.
Nước Israel hiện đại cũng xem Jerusalem là trái tim
Trên đây là tuyên bố của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, tại Quốc Hội Israel ngày 22/01/2018, một tháng rưỡi sau thông báo của tổng thống Donald Trump .
Tại Quốc Hội Israel, nhân vật được xem là « đại biểu » của Hội Thánh Phúc Âm trong chính quyền Donald Trump nói thêm trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt : sứ quán Mỹ sẽ dời về Jerusalem trước cuối năm 2019.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence có cách tiếp cận vấn đề theo lối nhị nguyên « thiện ác » theo tinh thần kinh thánh, kể cả quan điểm trong cuộc xung khắc Israel-Palestine.
Tuy nhiên, một người bản lĩnh như tổng thống Trump lẽ nào quyết định chính trị vì vấn đề tâm linh ?
Chuyên giaMartin Quencez :
« Có hai yếu tố. Trước hết là vì nhu cầu chính trị nội bộ rất quan trọng và thứ đến là quyết tâm « đoạn tuyệt » với hầu hết chính sách của Barack Obama và những tổng thống trước.
Quyết định về quy chế Jerusalem là một hành động « đọan tuyệt » theo ý nghĩa này.
Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố y như thế : Từ 20 năm nay, tiến trình hoà bình không đi tới đâu. Tiếp tục con đường này là phi lý, dẹp nó đi để khởi động lại và dựa trên những cơ sở mới, sắp lại ván cờ mới và đề nghị những giải pháp mới.
Những tuyên bố trong diễn văn của Donald Trump rất cơ bản khi ông nói « tôi không muốn phạm những sai lầm của những tổng thống tiền nhiệm ».
Ngoài lý do chính trị nội bộ, yếu tố quan trọng thứ hai là Donald Trump muốn chứng tỏ ông là con người thực tế, không ảo tưởng không ngây thơ như các tổng thống Mỹ trước đây.
Khi tuyên bố « Jerusalem là thủ đô của Israel và tôi nói thẳng như vậy » Donald Trump muốn nhấn mạnh ông không phải là một nhà lãnh đạo ngây thơ, ông làm những gì mà ông thấy là « đúng với thực tế, ở trong cuộc sống hiện thực này ».
Mất lá chủ bài nhưng không trắng tay
Cứ tạm cho tổng thống Donald Trump, hay ban tham mưu của ông có suy tính xuyên suốt.
Nhưng liệu Washington còn trong tay những vũ khí nào sau khi « xóa bài làm lại », đi ngược lại chính sách cân bằng truyền thống ?
Chuyên giaMartin Quencez :
Từ đầu, những lá bài của Donald Trump gần như là những ẩn số. Tổng thống Mỹ và chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas gặp nhau lần đầu vào tháng 5/2017.
Lãnh đạo Palestine có nói là hy vọng sẽ thực hiện được một bước tiến nào đó với tân tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, Donald Trump lên cầm quyền với uy tín xuống thảm hại trong thế giới Ả Rập.
Đường lối của tổng thống thứ 45 của Mỹ là gắn kết với chính quyền Benjamin Netanyahu.
Nếu Donald Trump có một lá bài trong tay thì lá bài đó yếu hơn trước tuy rằng không phải là hoàn toàn trắng tay.
Phải nhìn nhận là ông Trump có lý khi tuyên bố « tiến trình hoà bình không phải do ông chôn sống » bởi vì nó đã chết từ lâu.
Iran-Shia là đối tượng chung
Theo tạp chí L’Orient số 23, chuyên đề chính trị Trung Đông, thời tổng thống Obama, Washington tin rằng tương lai Trung Đông chỉ được ổn định với điều kiện phải cho Iran vai trò quan trọng trong khu vực. Do vậy, tổng thống Obama đã nỗ lực thuyết phục Teheran ký hiệp định hạt nhân để hạ hỏa tham vọng thứ hai của chính quyền Hồi Giáo là làm… bom nguyên tử.
Ngược lại, Donald Trump chọn một phương cách khác : áp đặt bằng sức mạnh.
Cụ thể là xây dựng một liên minh bao vây Iran-Shia gồm Israel và các nước theo hệ phái Suni từ Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Barein.
Hư thực ra sao ?
Chuyên giaMartin Quencez phân tích :
Giới phân tích gặp khó khăn ngay từ ngày đầu của chính quyền Trump, không thể hiểu nổi « logic » của ông ấy như thế nào nhưng lập trường của Donald Trump là « gạch chéo » vấn đề Jerusalem để bàn chuyện tương lai .
Ý của Donald Trump là dẹp cái « chướng ngại vật » Jerusalem đi, thay vì cãi vã mãi. Nhưng, trên thực tế, làm cách nào để « bứng » nó đi ? Không ai có thể hình dung được.
Câu hỏi đặt ra ở đây là động cơ nào, vì lý do tiềm ẩn nào khiến Donald Trump hành động như vậy.
Theo tôi, động cơ đó chính là « chiến lược Trung Đông » của Donald Trump ở toàn khu vực như sau : tái khẳng định quan hệ chiến lược truyền thống với các đồng minh trong vùng là Israel và Ả Rập Xê Út.
Donald Trump chê trách Barack Obama không cố gắng có một đường lối cân xứng theo nghĩa các quốc gia đồng minh của Mỹ mong muốn được Washington ủng hộ toàn diện.
Do vậy, Donald Trump bảo đảm với Israel là luôn có Mỹ sau lưng, không những hậu thuẫn Israel, mà còn ủng hộ các chính sách của thủ tướng Netanyahu.
Cũng tương tự, chủ nhân Nhà Trắng cũng chứng tỏ với Ryad là Mỹ luôn ủng hộ Ả Rập Xê Út trong cuộc xung khắc với Iran.
Kềm chế Iran đó mới là chiến lược của Mỹ tại Trung Đông.
Có qua có lại
Cho dù Washington trong vòng một tháng rưỡi ba lần liên tiếp ngược đãi Palestine, nếu tính thêm quyết định cắt 50% viện trợ nhân đạo, các nước Ả Rập mà Washington trông cậy và cần sự ủng hộ trong chính sách Trung Đông chỉ phản ứng lấy lệ.
Chuyên giaMartin Quencez phân tích các lý do :
Đối với Mỹ và chính quyền Trump, quan hệ quốc tế chỉ là vấn đề thương lượng, trao đổi : tôi cho và tôi lấy.
Lấy lý do là Palestine không trở lại bàn đàm phán với Israel, Donald Trump cắt bớt viện trợ nhân đạo.
Trong khi đó các nước Ả Rập như Ai Cập, Jordanie và Ả Rập Xê Út do lệ thuộc vào viện trợ kinh tế, quân sự của Mỹ nên không thể phản đối.
Tổng thống Trump đã chứng minh ông sẵn sàng cắt viện trợ một nước đồng minh, như trường hợp Pakistan cách nay mấy tuần, vì chủ nhân Nhà Trắng không hài lòng về Islamabad trong cuộc chiến giúp Mỹ chống Taliban ở Afghanistan.
Vì lẽ đó mà các quốc gia Ả Rập ở Trung Đông không mạnh mẽ ủng hộ Palestine.
Thêm vào đó, các nước Ả Rập kể trên đang có một mối ưu tư khác và cần Mỹ nên Washington đánh cược là vấn đề Palestine không phải là mối quan tâm số một của Ryad hay Cairo .
Trong chính sách quốc tế của Mỹ công bố vào tháng 12 năm 2017, Washington khẳng định chống khủng bố và duy trì một lực lượng chống Iran tại Trung Đông là ưu tiên số một.
Chính sách ủng hộ Israel chính là hệ quả của chiến lược đối đầu với Iran.
Palestinephẫn nộ nhưng….
Không phải chỉ có các nước Ả Rập nghiêng theo Mỹ mà ngay Palestine, ít ra là chính quyền Mahmoud Abbas, tuy nhìn nhận « bị một tát tai » cũng tiếp tục cần Mỹ.
Trong bài « Mahmoud Abbas giả vờ đoạn giao với Donald Trump » tạp chí L’Orient số 21, nhìn nhận : lãnh đạo Palestine từ chối xét lại chiến lược từ 10 năm nay .
Nước Mỹ của Donald Trump đánh mất uy tín của một siêu cường bảo đảm hoà bình nhưng nếu không có Mỹ thì sẽ không thể có hòa bình.
Donald Trump biết mình luôn ở thế thượng phong.
Related news items:
Tin mới
- Trung Quốc và Nga giận dữ chỉ trích chính sách hạt nhân mới của Mỹ - 05/02/2018 04:31
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-02-2018 - 03/02/2018 15:45
- Mỹ : Trump cho công bố văn bản mật chỉ trích FBI lạm quyền - 03/02/2018 15:31
- Dấu hiệu báo động cơ thể bị nhiễm trùng máu - 03/02/2018 00:52
- Trung Quốc : Quy định mới gia tăng kiểm soát tôn giáo chính thức có hiệu lực - 02/02/2018 21:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-02-2018 - 02/02/2018 20:16
- Mỹ không loại trừ khả năng lại tấn công trừng phạt vì Syria dùng vũ khí hóa học - 02/02/2018 19:05
- Vatican-Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận về bổ nhiệm giám mục - 02/02/2018 17:55
- Nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sắp công khai quân sự hóa Biển Đông - 02/02/2018 04:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-02-2018 - 02/02/2018 04:04
Các tin khác
- Vận động viên Bắc Triều Tiên tới Hàn Quốc dự Thế Vận Hội Pyeongchang - 01/02/2018 20:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-01-2018 - 31/01/2018 23:42
- Tầu USS Pueblo của Mỹ bị Bắc Triều Tiên bắt giữ từ 50 năm - 31/01/2018 18:17
- Thông điệp liên bang trước Quốc Hội: Donald Trump kêu gọi đoàn kết - 31/01/2018 17:14
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-01-2018 - 30/01/2018 19:53
- Tiền Trung Quốc, uy tín quốc tế ngày càng lớn ? - 30/01/2018 17:31
- Bốn lý do để Trung Quốc chen chân vào Bắc Cực - 30/01/2018 17:14
- Mỹ : Nhân vật số 2 của FBI từ chức - 30/01/2018 17:01
- Hòa đàm Syria : đến lượt Nga thúc thủ - 30/01/2018 15:35
- Chuyên gia Trung Quốc : Việt Nam và Mỹ không nên vượt lằn ranh đỏ tại Biển Đông - 30/01/2018 14:54