Biển Đông : ASEAN vẫn có thể dựa Mỹ để chống Bắc Kinh bành trướng
- Thứ Hai, 13 tháng Mười Một năm 2017 23:11
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, Manila, 13/11/2017.
REUTERS/Jonathan Ernst
Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump, hiện đang công du châu Á, không che giấu chủ trương Nước Mỹ Trên Hết, và từ từ rút chân ra khỏi chính trường quốc tế, tại vùng Đông Nam Á, cụ thể là trong khối ASEAN, thách thức đặt ra là làm sao tránh được sự lệ thuộc vào Trung Quốc vốn không ngừng bành trướng ảnh hưởng và không ngần ngại áp đặt yêu sách chủ quyền quá đáng trên Biển Đông, vùng biển chung của toàn khu vực.
Như rất nhiều nhà phân tích từng nhận định, cái khó đối với ASEAN là bị chia rẽ, không đưa ra được một mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc.
Bắc Kinh lại biết lợi dụng tình trạng này, tăng cường trợ giúp các nước thân cận với mình trong khối Đông Nam Á để phá vỡ mọi toan tính kháng lại sức bành trướng của Trung Quốc.
Ví dụ mới đây nhất là trường hợp của Philippines, từ một nước đi đầu trong việc chống lại Trung Quốc trên hồ sơ chủ quyền Biển Đông, đã trở thành lá bài của Bắc Kinh trong ASEAN, công khai nhấn chìm hồ sơ nhạy cảm này trong các hội nghị toàn khối để khỏi làm phật ý đồng minh mới.
Cùng với Cam Bốt đã ngả theo Trung Quốc từ lâu, Bắc Kinh đã có hai chỗ dựa vững chắc để hóa giải các phản ứng của khối nước Đông Nam Á.
Trả lời phỏng vấn của RFI, bà Valérie Niquet, chuyên gia Pháp về châu Á và Đông Nam Á, cho rằng ngoài việc lợi dụng các nước thân cận trong ASEAN, Bắc Kinh còn có những kế sách khác để chia rẽ khối Đông Nam Á.
« Các nước như Lào hay Cam Bốt là những nước cực kỳ yếu và nằm trong số những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, đang ngày càng bị lôi cuốn vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã có những khoản đầu tư kinh tế rất quan trọng vào trong hai nước này, và có ảnh hưởng rất lớn đến chính quyền Phnom Penh và Vientiane.
Và cho dù đôi khi họ cũng thấy miễn cưỡng, nhưng họ hầu như đã bị trói tay trong việc chống lại Bắc Kinh
Trong khối ASEAN, chúng ta đã nhiều lần thấy lời lẽ chống Trung Quốc trong các thông cáo chung bị giảm nhẹ đáng kể, chính là vì do sự phản đối của các nước như Lào hay Cam Bốt, bác bỏ bất kỳ tuyên bố nào bị coi là quá gay gắt với Bắc Kinh.
Do vậy, dĩ nhiên là Bắc Kinh có lợi khi đào sâu sự chia rẽ trong ASEAN, đặc biệt bằng cách phô trương dự án Con Đường Tơ Lụa Trên Biển của Trung Quốc như là những cơ may kinh tế quan trọng cho các nước trong khu vực, qua đó khoét sâu chia rẽ trong nội bộ khối Đông Nam Á, và tránh được một mặt trận thống nhất chống lại lập trường của Trung Quốc trong vùng. »
Vào lúc Trung Quốc nỗ lực gia tăng ảnh hưởng, thì Hoa Kỳ, nước duy nhất có thể cản đường Bắc Kinh thì lại có dấu hiệu bớt quan tâm đến Biển Đông, trong khuôn khổ một đường lối chung được tân tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy mạnh là « Nước Mỹ Trên Hết ».
Tuy nhiên, theo chuyên gia Valérie Niquet, ở những nơi khác, hay lãnh vực khác, thì có thể là tân chính quyền Mỹ có chủ trương bớt can dự, nhưng riêng tại châu Á, tín hiệu mà Washington bắn đi nhân vòng công du đang diễn ra của tổng thống Donald Trump lại chính là Mỹ sẽ không để cho Trung Quốc « múa gậy vườn hoang » trong khu vực.
« Hiện nay, Mỹ vẫn còn hiện diện mạnh trong khu vực, cả về phương diện chiến lược và thậm chí quân sự : Hoa Kỳ đã thực hiện một số chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải, kể cả tại Biển Đông.
Ngoài ra, chuyến thăm khu vực của tổng thống Mỹ Donald Trump đã diễn ra một cách tốt đẹp, và trấn an được các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực về quyết tâm của Washington, sẽ tiếp tục dấn thân vào châu Á, không sẵn sàng nhường chỗ cho Bắc Kinh tự do tung hoành.
Tóm lại, ta thực sự cảm thấy là qua chuyến công du của tổng thống Trump, cũng như qua các tuyên bố của các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ, sẽ không có việc Washington từ bỏ khu vực cho ảnh hưởng độc quyền của Trung Quốc.
Và lập trường đó cũng phù hợp với kỳ vọng của đa số các nước trong khu vực, và ngay cả trong trường hợp một số quốc gia ASEAN thận trọng hơn, các nước này cũng muốn Hoa Kỳ có mặt trong khu vực để tạo ra một thế cân bằng trước sức mạnh của Trung Quốc, vừa là cơ hội kinh tế, vừa gây lo ngại. »
Nếu tín hiệu mà tổng thống Donald Trump bắn đi nhân dịp ghé thăm Đông Nam Á trở thành hành động thực tế, điều đó sẽ hà hơi tiếp sức cho những nước trong ASEAN như Việt Nam, không muốn cả khu vực hoàn toàn rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-11-2017 - 17/11/2017 04:54
- Thế giới trong mắt Donald Trump một năm sau ngày đắc cử TT Mỹ - 16/11/2017 21:51
- Biển Đông : ASEAN kêu gọi ‘‘phi quân sự hóa’’, nhưng tránh chỉ trích Bắc Kinh - 16/11/2017 21:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-11-2017 - 15/11/2017 22:10
- Những điểm đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng Iran- Ả rập Xê Út - 15/11/2017 17:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2017 - 15/11/2017 00:00
- Freedom House : Lo ngại mạng xã hội bị thao túng - 14/11/2017 19:39
- Ý vắng bóng Cúp bóng đá thế giới 2018 - 14/11/2017 19:31
- Tổng thống Mỹ không dự Thượng đỉnh Đông Á - 14/11/2017 17:48
- Động đất 7.3 Richter tại biên giới Iran-Iraq, hơn 400 người chết - 13/11/2017 23:42
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-11-2017 - 13/11/2017 21:34
- TPP được cứu vãn, Việt Nam hy vọng Mỹ quay trở lại - 13/11/2017 18:50
- Thượng Đỉnh ASEAN: Biển Đông vắng bóng trong lời khai mạc - 13/11/2017 17:21
- Iran khuyến cáo Pháp : Không được đụng tới hiệp định hạt nhân - 13/11/2017 03:07
- Áo yếm tiếp APEC để “khoe” nét truyền thống? - 12/11/2017 06:47
- Trump và Putin gặp nhau bên lề thượng đỉnh APEC - 11/11/2017 16:07
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-11-2017 - 11/11/2017 15:59
- Tổng thống Mỹ bắt đầu viếng thăm chính thức Việt Nam - 11/11/2017 15:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-11-2017 - 10/11/2017 22:41
- APEC trước hai chiến lược thương mại đối kháng Mỹ-Trung - 10/11/2017 22:10