Tàu Mỹ gần Hoàng Sa: Trung Quốc phản ứng mạnh trước một thách thức nhẹ
- Thứ Năm, 12 tháng Mười năm 2017 14:34
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông.
Nguồn: wikipedia
Vào hôm 10/10/2017, chiến hạm USS Chafee của Hải Quân Mỹ đã tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Tàu Mỹ lần này chỉ di chuyển bên ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo trong khu vực, thế nhưng phía Trung Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ khác thường, cả bằng những hành động trên hiện trường, lẫn trên bình diện ngoại giao.
Trong một buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh vào hôm qua, 11/10, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lớn tiếng tố cáo tàu Mỹ là đã « vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật lệ quốc tế có liên quan, phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc ».
Bà Hoa Xuân Oánh cũng cho biết là Bắc Kinh đã gởi công hàm cực lực phản đối đến Washington.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, quân đội nước này đã lập tức cho phái chiến hạm và cho máy bay cất cánh để ra nhận dạng và cảnh cáo tàu Mỹ, buộc phải rời khỏi khu vực.
Một thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói thêm rằng họ đã huy động hộ tống hạm có trang bị tên lửa Hoàng San (Huangshan), thuộc lớp 054A, cùng hai chiến đấu cơ J-11B và một trực thăng Z-8.
Phản ứng của Trung Quốc lần này có vẻ dữ dội hẳn lên, ít ra là về hình thức, và Bắc Kinh đã tố cáo chiến hạm Mỹ xâm nhập lãnh hải Trung Quốc, một điều mà Washington chưa xác nhận.
Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters vào hôm qua, 3 quan chức Mỹ cao cấp đã cho biết là khu trục hạm Mỹ Chafee chỉ đến rất gần vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa, bên trong vùng 16 hải lý, nhưng không đi vào bên trong vùng 12 hải lý, trái với những lần trước đây.
Cho dù vậy, cuộc tuần tra đó cũng nhằm thách thức các « yêu sách chủ quyền biển đảo thái quá » trong khu vực.
Theo hãng Reuters, chiến dịch tuần tra lần này của chiến hạm Mỹ như vậy không mang tính chất « khiêu khích » mạnh như ba chuyến tuần tra gần đây, từ lúc tổng thống Donald Trump lên cầm quyền tại Washington.
Hãng tin Anh đã lồng điều này vào trong bối cảnh vào tháng 11 tới đây, ông Trump sẽ ghé Trung Quốc trong khuôn khổ vòng công du châu Á, và vẫn cần đến Bắc Kinh để giải quyết hồ sơ hạt nhân, tên lửa Bình Nhưỡng.
Về phần mình, chính quyền Bắc Kinh cũng vẫn phải tỏ vẻ cứng rắn, phô trương quyết tâm bảo vệ chủ quyền, một động thái mang tính đối nội nhiều hơn vào lúc sắp khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Tin mới
- Các cường quốc lo ngại cho hiệp định hạt nhân Iran vừa bị TT Mỹ đe dọa - 14/10/2017 16:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-10-201717 - 13/10/2017 23:45
- «Yêu râu xanh» Hollywood bị cảnh sát Mỹ và Anh điều tra - 13/10/2017 17:49
- Nhóm G7 sẽ tăng cường áp lực kinh tế trên Bình Nhưỡng - 13/10/2017 16:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-10-201717 - 12/10/2017 22:25
- Đạo quân thứ năm của Trung Quốc ở Úc và New Zealand gây lo ngại - 12/10/2017 21:52
- Đà Nẵng nôn nóng phát triển, ‘‘báu vật’’ Sơn Trà bị đe dọa - 12/10/2017 21:26
- Hoa Kỳ rút khỏi UNESCO - 12/10/2017 21:09
- Tổng thống Philippines đe dọa trục xuất các nhà ngoại giao châu Âu - 12/10/2017 21:03
- Catalunya : Châu Âu ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha - 12/10/2017 14:53
Các tin khác
- Ðội tuyển Mỹ bị loại khỏi World Cup 2018 - 11/10/2017 18:39
- Đối phó với Bình Nhưỡng, Trump xem xét các phương án quân sự - 11/10/2017 18:19
- Bình Nhưỡng đã phát triển mạng lưới gián điệp «khoa học» như thế nào ? - 11/10/2017 18:13
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-10-201717 - 11/10/2017 17:40
- Tầu bưu điện ngầm ở Luân Đôn: Một "kỳ tích" của ngành đường sắt Anh Quốc - 11/10/2017 16:34
- Tầu khu trục Mỹ lại tuần tra ở Hoàng Sa - 11/10/2017 16:22
- Cháy ở Bắc California: 15 chết, hơn 150 mất tích - 11/10/2017 02:37
- Tin tặc Bắc Triều Tiên đánh cắp kế hoạch tác chiến Mỹ-Hàn - 11/10/2017 01:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-10-201717 - 10/10/2017 22:51
- Catalunya độc lập, ác mộng của doanh nhân Tây Ban Nha - 10/10/2017 14:20