Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Interpol họp tại Trung Quốc, nước bị tố cáo đàn áp đối lập

china-interpol xi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị INTERPOL lần thứ 86, Bắc Kinh. Ảnh ngày 26/09/2017.
REUTERS/Lintao Zhang/Pool

Interpol ngày 26/09/2017 họp hội nghị toàn thể tại Bắc Kinh, vào lúc Trung Quốc tiếp tục chiến dịch dẫn độ các nghi can bị cho là lừa đảo đã bỏ trốn ra nước ngoài, đôi khi bị tố cáo là vì lợi ích chính trị.

 Khoảng 1.000 lãnh đạo ngành cảnh sát và chính khách họp kín trong bốn ngày để thảo luận về khủng bố, tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng.

Cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol có trụ sở tại Lyon (Pháp), nơi trao đổi thông tin giữa cảnh sát 190 quốc gia, là công cụ quan trọng cho Trung Quốc vào thời điểm chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.

Chiến dịch « Săn Cáo » đã giúp dẫn độ về Hoa lục ít nhất 2.500 nghi can tội phạm kinh tế.
Tuy Interpol không ra lệnh bắt, nhưng có thể ban hành các « thông cáo đỏ », tức lệnh truy nã quốc tế, theo yêu cầu của các Nhà nước thành viên.

Nhưng nhiều nước phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng, do tư pháp Trung Quốc chịu sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản.
 Năm ngoái nước Pháp đã chấp nhận cho dẫn độ một công dân Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ khi hiệp định song phương về dẫn độ có hiệu lực năm 2015.

Từ lúc thứ trưởng bộ Công An Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) được bầu làm giám đốc Interpol, các nhà đấu tranh nhân quyền không ngớt lời chỉ trích.
Nhà ly khai Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), tị nạn tại Hoa Kỳ từ năm 1997, lo ngại Bắc Kinh lợi dụng cơ quan cảnh sát quốc tế để « bắt các nhà đối lập chính trị đưa về nước ».

Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang) thuộc tổ chức Human Rights Watch nói với AFP :
Ông Mạnh « là nhân vật số hai trong ngành công an Trung Quốc vốn nổi tiếng với nạn bắt bớ, tra tấn, sách nhiễu các nhà đấu tranh, chúng tôi lo rằng ông Mạnh không thể đảm trách việc bảo vệ hiến chương Interpol ».

Một trong những nhân vật bị Bắc Kinh truy lùng ráo riết là nhà tỉ phú Quách Văn Quý (Guo Wengui) đang sống lưu vong tại New York, hồi tháng Tư đã là đối tượng bị « thông cáo đỏ ». Doanh nhân này khẳng định đang nắm trong tay những bằng chứng tham nhũng của các quan chức cao cấp Trung Quốc.

Tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) nói rằng những quan ngại trên là « không có cơ sở ».
Interpol bác bỏ những cáo buộc thiếu khách quan, nhắc lại điều 3 trong quy chế « cấm hẳn mọi sự can thiệp hay hoạt động mang tính chính trị, quân sự, tín ngưỡng hoặc sắc tộc ».

Một hồ sơ khác có thể gây tranh cãi là việc cơ quan quyền lực Palestine xin tham gia Interpol, chắc chắn sẽ bị Israel phản đối.

Sau khi giành được ghế quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc từ năm 2012, tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế và UNESCO, Palestine mong muốn được gia nhập tổ chức cảnh sát quốc tế, tuy năm ngoái đã thất bại vì không đạt được hai phần ba số phiếu như quy định.

Switch mode views: