Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21- 09-2017
- Thứ Sáu, 22 tháng Chín năm 2017 01:58
- Tác Giả: Thùy Dương
Trump hạ thấp vai trò Đại Hội Đồng LHQ
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu lần đầu tiên tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 19/09/2017.
REUTERS/Eduardo Munoz
Trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, một thể chế mà mục đích tồn tại là để giải quyết các mâu thuẫn, tổng thống của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đã đe dọa « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên - « một nhà nước côn đồ ».
Báo Le Monde, trong bài xã luận « Trump hạ thấp Liên Hiệp Quốc », đã nhận xét là phát biểu đầu tiên trước đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump rất hung hăng và hiếu chiến.
Theo Le Monde, về hình thức, bài diễn văn đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chỉ là một Tweet theo phong cách Trump, quá giản đơn, không lo gic và chỉ là một phát ngôn gây sốc : Donald Trump đã chỉ trích « các hành động tự sát » của một chế độ « bất thường » và của các chế độ độc tài tham nhũng khác.
Dùng ca khúc Rocket man của danh ca Elton John để nói về lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, dường như ông Trump đã nhầm lẫn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với một chương trình truyền hình thực tế.
Tổng thống Donald Trump cũng đã coi một trong những cố gắng ngoại giao quan trọng nhất trong những năm qua là điều đáng xấu hổ khi nói rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là điều tệ hại.
Về nội dung, bài diễn văn của Donald Trump không khiến công luận an tâm.
Nội dung bài phát biểu trước đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc giống nội dung chính sách ngoại giao trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống của ông Trump hôm 20/01/2017.
Nguyên tắc cơ bản của chủ nhân Nhà Trắng về quan hệ quốc tế vẫn là lợi ích dân tộc là trên hết, kiểu « mỗi người vì một người ».
Ông Trump đã quay lưng lại với các thỏa thuận đa phương mà quốc tế coi là quan trọng sống còn, chẳng hạn thỏa thuận khí hậu Paris hay thỏa thuận hạt nhân Iran.
Điều đó cũng có nghĩa là tổng thống Mỹ Donald Trump quay lưng lại với truyền thống Mỹ trong việc tham gia và lãnh đạo trên trường quốc tế.
Nếu ai muốn tìm những trích dẫn tích cực về nhân quyền hay giá trị nhân đạo trong diễn văn của tổng thống Mỹ thì chỉ phí công vô ích!
Ông Trump đã gắn các chế độ Bắc Triều Tiên, Iran và Venezuela với « trục tội ác » - khái niệm của một trong những người tiền nhiệm - ông Georges Bush.
Tuy nhiên, ông Trump lại không đề xuất được các giải pháp.
Le Monde đánh giá ngoài lý tưởng dân tộc chủ nghĩa mà ông Trump trương ra, không thể tìm thấy trong bài phát biểu của tổng thống Hoa Kỳ một đường lối chính trị rõ ràng, một chiến lược quốc tế hợp lý xứng tầm với một quốc gia như Mỹ.
Đó chỉ là một chính sách thực dụng « rỗng tuếch » kiểu Donald Trump, cùng với những đe dọa chiến tranh với Bắc Triều Tiên hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Vẻ mặt tối sầm của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Halley khi nghe tổng thống Trump phát biểu phần nào cho thấy thái độ của các nhà ngoại giao Mỹ.
Đó cũng chính là một trong những sự bất hợp lý trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong suốt 9 tháng qua.
Le Monde kết luận, bài phát biểu của Donald Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đặt ra một thách thức lớn cho phần còn lại của thế giới, nhất là châu Âu.
Đối tác và liên minh quan trọng của Hoa Kỳ đang đối lập với Washington trên nhiều hồ sơ như Iran, khí hậu và chủ nghĩa đa phương.
Bài phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuelle Macron, chỉ hai giờ sau bài diễn văn của đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, đã cho thấy rõ điều đó.
Liên minh hai bờ Đại Tây Dương đã không còn ý nghĩa.
Tăng trưởng kinh tế thế giới được củng cố
Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos nhận định: « Tăng trưởng kinh tế thế giới được củng cố ».
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OCDE hôm qua công bố các dự báo tạm thời, theo đó kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại, nhất là ở khu vực đồng euro.
OCDE dự tính tổng sản lượng toàn cầu sẽ đạt 3,5% cho năm 2017, 3,7% cho năm 2018 so với con số 3,1% của năm 2016.
Sản xuất công nghiệp, tiêu dùng của các hộ gia đình và chi tiêu cho đầu tư đều tăng trở lại từ quý 2/2016, kèm theo đó, trao đổi thương mại cũng tăng, cho thấy kinh tế toàn cầu đang được cải thiện.
Đặc biệt, sự tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực đồng euro trong quý 1/2017 đã vượt mức mà Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế dự báo.
Tỉ lệ thất nghiệp vào tháng 07/2017 giảm còn 9,1%. Đây là tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất tính từ năm 2009.
Tiêu dùng tăng trưởng mạnh hơn dự báo, đầu tư của các doanh nghiệp và xuất khẩu cũng tăng trở lại.
OCDE dự báo tỉ lệ tăng trưởng của Đức sẽ đạt 2,2% (tăng 0,2%), Pháp đạt 1,7% (tăng 0,4%).
Chỉ có tăng trưởng của Anh Quốc là sẽ giảm 0,2%, còn 1,6%.
Tăng trưởng của Mỹ cũng được dự báo đạt 2,1% cho năm nay.
Nhưng theo báo Les Echos, các nước có nền kinh tế mới nổi mới thực sự gây ngạc nhiên.
Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh, đạt 6,8%, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng sẽ giảm nhẹ trong năm 2018, còn 6,6% do Bắc Kinh giảm nhẹ các biện pháp hồi phục kinh tế và giảm các nỗ lực ổn định nợ của các doanh nghiệp.
Còn tại Nga, giá dầu lửa tăng sẽ cho phép nước này thoát khỏi suy thoái.
Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng do cải cách thuế. OCDE chỉ dự báo mức tăng trưởng 6,7% cho Ấn Độ thay vì tỉ lệ 7,3% như đã từng dự báo.
Thương mại : bước ngoặt mới cho Canada và châu Âu
Thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Canada CETA tạm thời được áp dụng từ ngày hôm nay 21/09, sau 7 năm đàm phán. Báo kinh tế les Echos nhận định : « Thương mại : Canada và châu Âu bước sang chương mới ».
Với CETA, 99% mặt hàng trao đổi giữa hai bên được miễn thuế quan.
Đây là một bước ngoặt lớn, nhất là đối với Canada, vì châu Âu là một thị trường lớn với 500 triệu người tiêu dùng so với dân số 30 triệu người của Canada.
Vì thế, xét về hiệu quả kinh tế, báo Les Echos cho rằng Canada được lợi nhiều hơn Liên Hiệp Châu Âu.
Một nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng CETA sẽ tạo thêm 0,08% thu nhập quốc nội cho Liên Hiệp trong khi Canada được thêm 0,77%.
Tại Pháp, cánh cực tả, các nhà bảo vệ sinh thái và các tổ chức phi chính phủ kịch liệt phản đối CETA mà họ gọi là « một thỏa thuận tai hại » đối với môi trường và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tấn công tin tặc : Châu Âu lên kế hoạch chống đỡ
Liên quan tới châu Âu, báo La Croix quan tâm tới vấn nạn tin tặc và nhận định « Đối đầu với các vụ tấn công mạng, Liên Hiệp Châu Âu vất vả trang bị ».
Tăng cường an ninh mạng hiện được châu Âu coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Liên Hiệp.
Thông tín viên báo La Croix từ Bruxelles cho biết 80% số doanh nghiệp châu Âu đã từng gặp vấn đề về an ninh mạng.
Chỉ tính riêng năm 2016, Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận 4000 vụ tấn công tin tặc bằng các phần mềm mã độc như WannyCry và CryptoLocker.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker đã cam kết « bảo vệ tốt nhất có thể các nước châu Âu trong kỷ nguyên số ».
Ủy Ban Châu Âu vạch ra một chiến lược về an ninh mạng và đặt cược vào Cơ quan châu Âu về an ninh mạng và dữ liệu (ENISA), được thành lập năm 2004.
Theo quy định ban đầu, ENISA chỉ hoạt động đến năm 2020, nên Ủy Ban Châu Âu đề xuất để tổ chức trên hoạt động thường xuyên, lâu dài.
Cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, châu Âu tin rằng các nước thành viên không thể hoạt động đơn lẻ chống tin tặc mà phải tin tưởng vào các đối tác trong Liên Hiệp để chia sẻ thông tin về các vụ tấn công.
Ngoài ra, châu Âu cũng muốn xây dựng các chuẩn mực về an ninh mạng và thành lập một bộ khung về dán nhãn và chứng thực các sản phẩm và dịch vụ kết nối mạng.
Bruxelles còn đề xuất quy định để đảm bảo phản ứng nhanh của châu Âu trước một vụ tấn công tin tặc, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong mỗi vụ khủng hoảng và thành lập một quỹ cứu trợ khẩn cấp để đối phó với tin tặc, giống như các quỹ cứu trợ khẩn cấp trong trường hợp thiên tai.
Và cuối cùng, Ủy Ban Châu Âu dự kiến phát triển vào năm 2018 một trung tâm nghiên cứu về an ninh mạng.
Nhưng theo thông tín viên báo La Croix tại Bruxelles, cuộc chiến chống tin tặc của Liên Hiệp châu Âu vẫn còn nan giải, chính Ủy Ban Châu Âu cũng đã từng là nạn nhân của các vụ tấn công mạng.
Pháp : Thuế soda « lần thứ n »
Chuyển sang lĩnh vực xã hội tại Pháp, báo Le Figaro có bài viết về « Sự trở lại lần thứ n của thuế soda để đấu tranh chống béo phì và bệnh tiểu đường ».
Le Figaro cho biết cuộc thảo luận tại Quốc Hội về dự luật tài chính cho An Sinh Xã Hội dự kiến diễn ra vào ngày 28/09/2017 chắc chắn sẽ có đề cập tới « thuế soda », một loại thuế được quy định vào năm 2012 dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy.
Nhiều dân biểu, mà đứng đầu là ông Olivier Véran, dân biểu đảng Cộng Hòa Tiến Bước của vùng Isère, hiện đang nghiên cứu về viêc tăng thuế đánh vào các thức uống ngọt, mục đích là để chống nạn béo phì, bệnh tiểu đường và sâu răng.
Các loại nước uống ngọt, có ga bị coi là thủ phạm chính gây béo phì.
Phòng bệnh nằm trong chính sách của tổng thống Macron về bảo vệ sức khỏe dân chúng.
Cũng chính vì mục đích phòng bệnh mà chính phủ Pháp đã quyết định tăng giá thuốc lá (thủ phạm hàng đầu gây bệnh ung thư) và tăng cường tiêm phòng vaxin bắt buộc cho trẻ nhỏ.
Mêhicô lại lâm cảnh hoang tàn, đổ nát
Liên quan tới châu Mỹ, nhiều báo Pháp hôm nay vẫn quan tâm tới vụ động đất hôm thứ Ba 19/09 tại Mêhicô. Báo La Croix có bài viết « Mêhicô, lại thêm một lần đổ nát ». Vụ động đất mạnh 7,1 độ Richter xảy ra tại thủ đô Mêhicô và miền trung nước này đã gây ra những thiệt hại nặng nề, tạm thời có 225 người thiệt mạng, hàng ngàn người mất tích.
Tròn 32 năm sau vụ đụng đất kinh hoàng 8,3 độ Richter vào năm 1985 khiến 10.000 người thiệt mạng, và chỉ 13 ngày sau vụ động đất 8,2 độ ở miền nam khiến khoảng 100 người chết, người dân Mêhicô lại sống những phút giây hãi hùng vì động đất.
Điều mỉa mai của lịch sử, theo báo La Croix, là chính vào buổi sáng ngày 19/09, tại các nơi công cộng và nhiều doanh nghiệp lớn, Mêhicô đã tổ chức tưởng niệm các nạn nhân vụ động đất năm 1985 và diễn tập đối phó với động đất giả định.
Còi báo động hú lên vào lúc 11h, người dân nhiệt tình tham gia diễn tập mà không hề biết rằng chỉ hai giờ sau đó, một cơn động đất thật sẽ xảy ra. Và lần này, chính quyền còn không có thời gian cảnh báo cho dân chúng thủ đô, vì tâm chấn quá gần, chỉ cách thủ đô có 120 km.
Theo thông tín viên đặc biệt của báo La Croix, cảnh đổ nát và tình đoàn kết tương trợ trong những ngày gần đây cũng giống như cảnh trong các tấm ảnh đen trắng về thảm họa động đất 1985.
Chính quyền thủ đô Mêhicô đã ban bố « tình trạng khẩn cấp do thiên tai » và huy động quân đội tới hỗ trợ lực lượng cứu hộ.
Tin mới
- Hợp tác với Bình Nhưỡng : Iran bác bỏ những cáo buộc của Trump - 26/09/2017 14:33
- Khủng hoảng Rohingya gây bất hòa trong ASEAN - 26/09/2017 14:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-09-201717 - 25/09/2017 18:42
- Cảnh sát biển Philippines bắn chết hai ngư dân Việt Nam - 25/09/2017 16:43
- Bà Merkel tiếp tục làm Thủ tướng Đức nhiệm kỳ 4 - 25/09/2017 02:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-09-201717 - 23/09/2017 22:58
- Pháp : Du lịch khoa học, thế mạnh của vùng miền núi Pyrénées - 23/09/2017 20:58
- Iran tuyên bố thử thành công hỏa tiễn đạn đạo mới - 23/09/2017 19:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22- 09-2017 - 22/09/2017 18:28
- Bắc Triều Tiên dọa thử bom H ở Thái Bình Dương - 22/09/2017 15:40
Các tin khác
- Tương lai bế tắc của người Rohingya Miến Điện - 21/09/2017 21:46
- Miến Điện : Phật tử cản đường nhân viên cứu trợ cho người Rohingya - 21/09/2017 21:15
- Trung Quốc phản đối phát biểu của Trump về Biển Đông - 21/09/2017 15:10
- Động đất Mêhicô khiến hàng trăm người chết - 20/09/2017 22:58
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20- 09-2017 - 20/09/2017 21:07
- Hàn Quốc đề nghị ''ngừng bắn" trong thời gian Thế Vận Hội Pyeongchang - 20/09/2017 20:44
- Trump gây thêm khó khăn cho chiến lược Bắc Triều Tiên của Mỹ - 20/09/2017 16:17
- Bão Maria tàn phá Dominica, đe dọa Puerto Rico - 19/09/2017 22:48
- Động đất 7.1 ở Mexico, 42 chết, nhiều tòa nhà bị sập - 19/09/2017 22:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19- 09-2017 - 19/09/2017 21:13