Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-05-2017

Lịch sử và Nghệ thuật giao tiếp: "Vốn ngoại giao" của Emmanuel Macron

france-russia ngoaigiao

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron (P) và đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại phòng trưng bày "Những cuộc chiến" ở cung điện Versailles, Pháp, ngày 29/05/2017.
REUTERS/Stephane De Sakutin

Emmanuel Macron đã ghi thêm một điểm trong công luận Pháp khi đón tiếp long trọng đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles.

Đây là chủ đề được nhiều nhật báo lớn tại Pháp hôm nay 30/05/2017 đề cập đến.

Hầu hết, các báo Pháp đều đánh giá cao cuộc trao đổi "cứng rắn và thẳng thắn" giữa hai nguyên thủ Pháp - Nga.

"Một làn gió hạ nhiệt giữa Pháp và Nga" là ghi nhận của Libération.
Mang tiếng là được mời đến khánh thành một cuộc triển lãm tại Grand Trianon của cung điện Versailles nhưng tổng thống Nga được đồng nhiệm Pháp tiếp đón với đủ mọi nghi lễ long trọng.

Cuộc gặp đầu tiên được khởi đầu bằng việc khánh thành triển lãm mang chủ đề « Pierre Đại Đế, một Sa hoàng tại Pháp », mô tả lại chuyến viếng thăm của hoàng đế Nga tại cung điện Versailles cách nay đúng 300 năm (1717 – 2017), đánh dấu bước đầu quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Thế nhưng, theo nhận xét của Libération, cuộc gặp giữa Macron và Putin, cuộc tiếp xúc đầu tiên hôm qua mang tính chất thăm dò tình thế hơn là tái khởi động mạnh mẽ mối quan hệ giữa Pháp và Nga.
Buổi nói chuyện giữa hai nguyên thủ kéo dài hơn dự kiến. Tờ báo lấy làm tiếc rằng tuy nhiều chủ đề nhậy cảm đã được đề cập đến nhưng chưa có một giải pháp nào được đề xuất.

Le Figaro trên trang nhất với tấm ảnh Macron tươi cười đưa tay bắt tổng thống Nga trước cung điện Versailles, chạy hàng tít lớn : "Macron và Putin : Cùng nhau chống khủng bố".
Còn theo nhận định của nhật báo công giáo La Croix, giữa "Macron và Putin: Một cuộc trao đổi rất thẳng thắn và trực tiếp".

Trong hồ sơ Syria, cả hai nguyên thủ đồng ý thiết lập một nhóm làm việc chung để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tổng thống Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải bảo đảm "tiến trình chuyển gia dân chủ nhưng vẫn giữ được Nhà nước Syria".

Trước đồng nhiệm Nga, nguyên thủ Pháp vạch ra "lằn ranh đỏ", cảnh báo Pháp sẵn sàng có những "hành động đáp trả tức thì" nếu  Damas tái sử dụng vũ khí hóa học. Ông Macron kêu gọi Nga và liên quân nên tạo thuận lợi cho việc tiếp tế nhân đạo cho các thường dân.

Về hồ sơ Ukraina, cả hai lãnh đạo Pháp và Nga đều nhất trí sớm tổ chức một cuộc họp bốn bên "khuôn khổ Normandie" (Pháp, Đức, Nga và Ukraina) nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở đông Ukraina, hiện do phe ly khai thân Nga chiếm giữ.
Bên cạnh những hồ sơ quốc tế nóng bỏng, tổng thống Pháp còn đề cập đến một số vấn đề nhân quyền tại Nga và Tchetchenia…

Macron cởi mở đối lập Putin khép kín

Nếu như báo kinh tế Les Echos nhận thấy với "nước Nga, ông Macron đang đánh cược vào sự tin tưởng", nhật báo thiên hữu Le Figaro lạc quan nghĩ là "Macron đang vạch ra một hướng hợp tác với Putin".

 Tờ báo dành hai trang để nhận định về cuộc tiếp xúc ngày hôm qua. Trái với những lời chỉ trích ứng viên Macron trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, lần này Le Figaro hết lời ca ngợi tân tổng thống Pháp.

Tờ báo viết: "Emmanuel Macron tự nhiên, cương quyết, làm chủ hoàn toàn các chủ đề, và nhất là rất tự tin",  đối lập với một "Vladimir Putin có vẻ căng thẳng, nét mặt hơi khép kín. Bài diễn văn có vẻ thiếu mạch lạc và không có hồn".

Một "Emmanuel Macron trong thế thượng phong" trước một "Vladimir Putin có điều gì đó cần được tha thứ : Việc tiếp bà Marine Le Pen tại điện Kremlin và các vụ tấn công tin học của Nga nhắm vào phong trào En marche ! trong suốt chiến dịch vận động tranh cử".

Nhưng ông Macron có được những thế mạnh trên đó là nhờ vào yếu tố thiên thời. Tình hình quốc tế hiện nay đang có lợi cho nước Pháp: Vương Quốc Anh bận rộn với chuyện Brexit ; Hoa Kỳ trở nên khó tiên liệu kể từ Donald Trump vào Nhà Trắng ; và nước Đức đang chuẩn bị cho bầu cử lập pháp.
Do đó, khi đối mặt với Putin, tổng thống Pháp đã có đủ tự tin để khẳng định mình.

Tuy nhiên, xã luận của Le Figaro lưu ý là sau những lời lẽ "cứng rắn và thẳng thắn" cũng đừng quên hành động.
Bởi vì, từ lâu nay châu Âu chỉ nói suông trong các hồ sơ quan trọng như Syria và Ukraina và công luận đã cảm thấy chán ngán trước những lời lên án sáo rỗng vô tác dụng.

Lịch sử và Nghệ thuật giao tiếp : Công cụ ngoại giao hiệu quả của Macron

Thành công của cuộc gặp Macron – Putin không chỉ nhờ vào thời thế. Theo nhà báo Guillaume Tabard trên Le Figaro, thành công đó có được là nhờ tổng thống Pháp biết sử dụng hai công cụ chính "Hiểu biết Lịch sử và Nghệ thuật giao tiếp".

Không ai có thể phủ nhận được sự khôn khéo của tổng thống Pháp.
Lời mời này dành cho Putin là sáng kiến ngoại giao đầu tiên của ông.
Bởi vì thượng đỉnh NATO tại Bruxelles và G7 tại Taormina ở Ý đã được ghi trước trong lịch trình quốc tế.

Chọn Versailles mà không chọn Elysée là một sự chọn lựa mang tính chất lịch sử hơn là chính trị. Vừa trang trọng hơn mà ít chính thức hơn.
Vừa gây ấn tượng hơn mà ít nghi lễ hơn.

Vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa thích được hòa theo dòng lịch sử. Hơn nữa, đâu còn địa điểm nào tốt hơn để thu hút Putin, người không ngừng thêu dệt lại cả dòng lịch sử nước Nga.

Không những nhậy cảm với lịch sử, Macron cũng tinh tế trong giao tiếp.
Dưới những ánh vàng của điện Versailles, tân tổng thống Pháp không chỉ chăm chút cho mối quan hệ với đồng nhiệm Nga, mà còn cho cả việc đánh bóng hình ảnh chính mình.

Macron muốn tận dụng vào thời điểm này, thời điểm ông có thể bị soi xét về thái độ và còn chưa bị đánh giá về hành động.
Người ta đã thấy rõ điều đó qua thượng đỉnh G7 cũng như cú bắt tay nảy lửa với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khi nhanh chóng mời tổng thống Nga, ông Macron có thể muốn ưu tiên thiện chí khôi phục trục quan hệ Paris – Matxcơva dựa trên những nền tảng mới.
Kết quả ra sao giờ vẫn chưa đánh giá được. Nhưng ông biết rằng ngoại giao hình ảnh cũng phù du như là lộc trời ban lúc đầu nhiệm kỳ.

Switch mode views: