Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng kết 5 năm chính sách kinh tế của tổng thống Hollande

france-politics-Hollande


Tổng thống Pháp François Hollande (24/04/2017)REUTERS/Christophe Petit Tesson/Pool

  2012-2017, chặng đường đầy cam go đánh dấu nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Hollande.

Trong số các mục tiêu đề ra ban đầu, ông đã làm được những gì và thất bại trên những điểm nào ?
Các doanh nghiệp dự trù tuyển dụng gần 2 triệu nhân viên trong tài khóa 2017.
Kinh tế Pháp đang trông thấy ánh sáng cuối đường hầm, cho dù tăng trưởng còn mong manh.

Tháng 2/2016, khi sắp bước vào năm cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống 5 năm và chuẩn bị ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, François Hollande đã tâm sự với báo giới là ông "kém may mắn".

10 tháng sau, tổng thống Hollande từ bỏ tham vọng tái tranh cử. Một trong những nguyên nhân chính là đã không thực hiện được lời hứa "đảo ngược tình thế" trên thị trường lao động.
Trong vài ngày nữa, tổng thống François Hollande rời điện Elysée mà vẫn còn ba triệu rưỡi người Pháp trong tuổi lao động không có việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp vẫn là 9,6 %. Dù vậy, di sản kinh tế ông để lại cho người kế nhiệm – dù là Marine Le Pen hay Emmanuel Macron, có vẻ tươi sáng hơn so với thời điểm ông bước vào phủ tổng thống hồi tháng 5/2012.

Tạp chí kinh tế hôm nay mời quý thính giả cùng nhìn lại 5 năm cầm quyền của tổng thống François Hollande, vị lãnh đạo thứ nhì trong lịch sử nền Đệ Ngũ Cộng Hòa thuộc đảng Xã Hội cánh tả.

Thất nghiệp giảm quá chậm

Tháng 5/2012 François Hollande đắc cử tổng thống Pháp sau gần 4 năm cả thế giới tiếp tục khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính ngân hàng hồi năm 2008.
Khủng hoảng Hy Lạp đe dọa sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Toàn khối phải áp dụng chính sách khắc khổ.

Đánh bại tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy, ông Hollande bước vào điện Elysée với lời hứa thuyết phục Đức và châu Âu nới lỏng các biện pháp cắt giảm chi tiêu, nhưng đồng thời Paris cam kết giảm bội chi ngân sách xuống còn 3 % GDP như quy định của eurozone.

Tăng trưởng giảm sụt. Để đạt lời hứa giảm thâm hụt ngân sách, tổng thống Hollande đã buộc phải tăng thuế. Biện pháp này đánh thẳng vào túi tiền của người dân.

 Tiêu thụ tuột dốc. Hậu quả kèm theo là các doanh nghiệp sa thải bớt nhân công. Thêm vào đó, các nước thành viên khu vực đồng euro cũng áp dụng chính sách khắc khổ tương tự. Châu Âu bị đe dọa giảm phát.

Trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ ở điện Elysée, 300.000 chỗ làm bị giải tán. Đây là tỷ lệ cao nhất từ tháng 10/2009. Tình trạng tiếp tục xấu đi cho đến đầu 2015 khi thị trường Pháp bắt đầu tuyển dụng trở lại.

Trong thời gian đó, chính phủ thử nghiệm nhiều biện pháp như là kế hoạch giúp giới trẻ chen chân vào thị trường lao động, hay chính sách giảm 40 tỷ euro tiền thuế và các khoản đóng góp xã hội cho giới chủ để khuyến khích khu vực sản xuất tuyển dụng nhân viên. Có điều đà phục hồi không được như mong đợi, không có phép lạ khi mà hàng hóa làm ra không có người mua.

Trả lời RFI Việt Ngữ, Eric Heyer, giám đốc đài Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp OFCE cho rằng thực ra tình trạng thất nghiệp có được cải thiện trong 5 năm vừa qua nhưng ở nhịp độ còn quá chậm và tin vui này đến quá trễ để tổng thống Hollande có thể xem là một điểm son trong nhiệm kỳ sắp khép lại.

"Thực sự ra, nạn thất nghiệp ở Pháp đã được cải thiện, nhưng thị trường lao động khởi sắc trở lại quá muộn và đà vươn lên đó còn quá yếu.
 Từ cuối năm 2015 tới nay, tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm : đang từ 10,2 % theo định nghĩa của Cơ quan Lao Động Quốc Tế, rơi xuống còn 9,6 %.

Trên giấy tờ thì đó là một điều đáng mừng, nhưng trên thực tế người dân Pháp chưa cảm nhận được khoảng cách 0,6 điểm đó.
Những ai đang đi tìm việc làm vẫn rất khó chen chân vào thị trường lao động. Cử tri Pháp ở thời điểm này, chưa nhận thấy là tình hình đã sáng sủa hơn.
Nói đến nước Pháp, người ta vẫn nghĩ tới nạn thất nghiệp hàng loạt.

Nhưng phải nhìn nhận là các hoạt động kinh tế đều có khuynh hướng khả quan hơn. Doanh nghiệp có chiều hướng dễ dàng tuyển dụng nhân viên hơn.
Tổng thống sắp tới sẽ bước vào điện Elysée trong bối cảnh kinh tế thuận lợi hơn so với hồi tháng 5/2012.

François Hollande để lại di sản sáng sủa hơn so với những gì ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm là Nicolas Sarkozy.
Cần nhắc lại là 5 năm trước đây, kinh tế Pháp đang trong giai đoạn điều chỉnh, các doanh nghiệp đua nhau sa thải nhân viên. Giờ đây, điều quan trọng nhất là làm thế nào để giữ được đã tăng trưởng – dù là còn mong manh, mà tổng thống Hollande để lại.
Tôi nghĩ là ưu tiên của chính quyền sắp tới là phải đưa ra những biện pháp để tiếp sức cho đà tăng trưởng vừa mới manh nha. Chúng ta cần hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế ".

Đà phục hồi nhưng chưa hồi sinh ?

Theo thăm dò do Cơ quan môi giới tìm việc làm Pôle Emploi thực hiện, 1,7 triệu doanh nghiệp được hỏi cho biết ý định tuyển dụng gần hai triệu nhân viên trong năm 2017. Con số này được cho là cao kỷ lục tính từ năm 2002 tới nay.

Các chuyên gia cho rằng, đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy kinh tế Pháp bắt đầu phục hồi. Một tín hiệu khác củng cố thêm kịch bản này là số các doanh nghiệp tuyên bố phá sản trong năm 2016 giảm 8 % so với hồi 2015.
Chỉ số tin tưởng của doanh nhân Pháp cũng có phần tươi sáng hơn như ghi nhận của chủ tịch nghiệp đoàn các công ty cỡ vừa và nhỏ CPME.

Nhìn đến các công ty lớn tham gia chỉ số chứng khoán CAC 40 , 2016 làm một năm thịnh vượng : tiền lãi của các đại công ty này lên tới gần 74 tỷ euro, tăng hơn 32 % so với tài khóa 2015.

Thành công nửa vời và thất bại

Trong số những hứa hẹn mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho 65 triệu dân Pháp, tổng thống Hollande đã vấp phải nhiều trở ngại.
Giấc mơ “tạo một cuộc sống tươi sáng hơn cho giới trẻ” ở cuối nhiệm kỳ của ông vẫn còn xa vời.

Nạn thất nghiệp hay công việc làm bấp bênh, cảnh nghèo khó, bất bình đẳng xã hội vẫn là những mối đe dọa có thực.
Trong 5 năm cầm quyền, François Hollande và các chính phủ liên tiếp của các thủ tướng Jean-Marc Ayrault, Manuel Valls hay Bernard Cazeneuve đều đã đưa ra những biện pháp cụ thể để thu hẹp các bất công xã hội.
Tiếc là đến cuối nhiệm kỳ của ông Hollande, tỷ lệ người nghèo vẫn không giảm so với 5 năm trước đó. Điều an ủi là thành phần đó bớt nghèo hơn một chút so với hồi tháng 5/2012.

Trong lĩnh vực môi trường, hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu tổ chức tại Paris vào tháng 12/2015 được đánh giá là một thành công vượt bực trên phương diện ngoại giao.
Pháp đã thuyết phục 194 quốc gia trên thế giới cam kết giảm lượng khí thải làm hâm nóng trái đất. Trung Quốc và Mỹ hưởng ứng kêu gọi của Paris.

Để làm gương, Pháp đã thông qua nhiều đạo luật về môi trường, trợ cấp cho các chương trình tiết kiệm năng lượng, từng bước giảm năng lượng hóa thạch để sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo. Nhưng theo giới chuyên gia, nhiều quyết định chỉ nửa vời hay mang tính tượng trưng. Hiệu quả thực chất thì chẳng bao nhiêu.

Nhưng có lẽ thất bại lớn nhất của tổng thống Hollande là trong chính sách với Liên Hiệp Châu và eurozone. Khi lên cầm quyền ông khẳng định sẽ thuyết phục được Đức và Liên Âu nới lỏng chính sách khắc khổ.
 Năm năm sau,  lập trường của cả Berlin lẫn Bruxelles đều không mấy thay đổi trên hồ sơ này.

Thêm vào đó như ghi nhận của nhà báo Guillaume Duval, tạp chí kinh tế Alternatives Economiques, nước Pháp trong 5 năm vừa qua đã quá kín tiếng trên những hồ sơ mang tính định đoạt với tương lai của Liên Hiệp Châu Âu.

Nước Pháp của tổng thống François Hollande đã không đưa ra đề xuất để giải quyết từ vấn đề nợ công của các nước thành viên trong khối euro đến chính sách chuyển tiếp năng lượng.


Switch mode views: