Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam sẵn sàng trở thành "Thung Lũng Silicon" của ASEAN ?

pichai in vietnam


Giám đốc điều hành Google, Sundar Pichai, nói chuyện với cộng đồng IT Việt Nam tại Hà Nội, ngày 22/12/2015.
REUTERS/Kham

Trong bối cảnh hầu hết các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có tham vọng phát triển lĩnh vực công nghệ cao mang tính cạnh tranh, dường như Việt Nam giữ vị trí tốt nhất để trở thành « Thung lũng Silicon » của khu vực.

Theo nhận định của nhà báo Daniel Maxwell đăng trên website Asian Correspondent ngày 09/02/2017, điều này có thể trở thành hiện thực nhờ thành công của chính sách giáo dục, môi trường kinh doanh và sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam.

Việt Nam được biết đến là nước mạnh về môn Toán và Khoa học khi lần đầu tiên tham gia Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (Programme for International Student Assessment, PISA) vào năm 2012, đã bất ngờ được xếp thứ 8 về Khoa học và thứ 17 về môn Toán.

Kết quả ấn tượng này còn tiếp tục được củng cố trong bảng xếp hạng PISA năm 2015 khi Việt Nam đứng thứ 8 về Khoa học và thứ 22 về môn Toán, vượt qua cả Hoa Kỳ, Úc và Vương quốc Anh.

Ông Andreas Schleicher, nhà điều phối Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế PISA của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho rằng thành công của Việt Nam là nhờ vào chính sách của chính phủ, chương trình giảng dạy tập trung, đầu tư cho nhà giáo và sự cam kết chính trị. Vì vậy, học sinh trung học Việt Nam hiện học giỏi hơn các bạn đồng lứa ở các nước phát triển.

Những thành tích này cũng được kiểm chứng bằng các kết quả đánh giá độc lập trong học tập, cho phép khẳng định rằng thứ hạng mà Việt Nam đạt được trong bảng xếp hạng PISA không chỉ dừng lại ở kỹ năng làm bài trắc nghiệm.

Thực vậy, theo kết quả của dự án nghiên cứu Những cuộc đời trẻ thơ (Young Lives), học sinh Việt Nam có trình độ cao, với 95% người dân từ 10 tuổi có khả năng làm được phép tính bốn chữ số và 85% có thể làm phép trừ phân số.

Thành tích của học sinh Việt Nam về Khoa học, Công nghệ, Kỹ sư và Toán học (STEM) không chỉ thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách giáo dục, mà còn gây ấn tượng cho các tập đoàn công nghệ quốc tế đang tìm kiếm tài năng mới.

Ông Neil Fraser, một kỹ sư phần mềm kỳ cựu làm việc cho Alphabet Inc của Google, mới đây đã đến thăm một số trường học địa phương ở Việt Nam và tỏ ra bất ngờ về các kỹ năng công nghệ của học sinh khi trả lời phỏng vấn Reuters :
« Việt Nam có số học sinh trung học có trình độ cao nhất về tin học mà tôi chưa từng thấy. Các bài tập mà tôi quan sát các em làm… có thể được coi là những thử thách trong kỳ tuyển dụng của Google ».

Giám đốc điều hành của Google, ông Sundar Pichai, cũng đến Việt Nam vào năm 2015 và gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để bàn về chiến lược phát triển tương lai.
 Sau buổi làm việc, ông Pichai cam kết Việt Nam có thể sớm trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của Google, cụ thể « Việt Nam sẽ dễ dàng nằm trong top 10 nước hàng đầu của nhiều công ty và các nhà sản xuất ».

Theo phần cam kết của Google để phát triển hơn nữa chuyên môn của lĩnh vực công nghệ còn non trẻ ở Việt Nam, tập đoàn công nghệ khổng lồ California sẽ sớm đào tạo 1.400 kỹ sư công nghệ thông tin địa phương.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ chính sách tài trợ và quản lý nhằm hỗ trợ nước này trở thành một trung tâm về công nghệ và đổi mới trong vùng.

Một ví dụ về tham vọng của « Dự án Thung lũng Silicon » là bộ Khoa Học và Công Nghệ tài trợ một kế hoạch nhằm biến đất nước thành một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Dự án trên đang được tiến hành để thu hút các nhà thầu, chuyên gia và nguồn đầu tư có khả năng phát triển lĩnh vực công nghệ đầy cạnh tranh.

Sức hấp dẫn của Việt Nam còn được củng cố nhờ lực lượng lao động am hiểu công nghệ cao, lại rẻ hơn so với đội ngũ của Trung Quốc và năng suất hơn so với các quốc gia khác trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Ban đầu, Việt Nam được biết đến như một trung tâm gia công từ nhiều thập kỷ qua của các nhà sản xuất điện tử Nhật Bản và Hàn Quốc như Samsung, LG Electronics, Panasonic và Toshiba.
Thế nhưng, mục tiêu hiện nay là đặt trọng tâm vào quá trình chuyển đổi từ một nhà sản xuất các thiết bị điện tử thành một trung tâm nghiên cứu, sáng kiến và phát triển.

Nếu các kế hoạch của Việt Nam trở thành hiện thực, có rất nhiều lý do để tin rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ đi theo bước chân của Nguyễn Hà Đông.

 Năm 2014, nhà phát triển game trẻ tuổi người Hà Nội đã thiết kế Flappy Bird, một trò chơi điện thoại thông minh đứng đầu các bảng xếp hạng ứng dụng của Apple và Android và được cho rằng đem về cho « cha đẻ » mỗi ngày trên 50.000 đô la từ quảng cáo.
Ngoài Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông còn phát triển rất nhiều trò chơi khác và tất cả đều rất phổ biến.

Quỹ 500 Startups - quỹ đầu tư phát triển đặt tại Thung lũng Silicon - tin tưởng Việt Nam vẫn còn nhiều tài năng như Nguyễn Hà Đông. Năm 2016, quỹ này đã công bố đầu tư vào Việt Nam 10 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trên khắp đất nước trong vòng 12 tháng.

Eddie Thai, một đối tác của Quỹ 500 Startups giải thích, họ có thể từng đánh giá thấp tiềm năng của đất nước, nhưng « điều này đã nhanh chóng thay đổi, có rất nhiều công ty tốt để đầu tư vào đây ».

Với hệ thống giáo dục thành công, chính sách hỗ trợ của chính phủ, đầu tư nước ngoài và thế hệ trẻ am hiểu công nghệ quyết tâm gặt hái các thành quả tài chính của ngành kỹ nghệ toàn cầu, Việt Nam đang có vị thế tuyệt vời để thống trị ngành công nghệ cao của khu vực trong những năm sắp tới.

Vẫn còn nhiều bất cập

Doanh nhân Lữ Thành Long, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA (Management Information System for Accounting), một trong những công ty công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, cũng có chung nhận định rằng Việt Nam có thể trở thành đầu tầu trong lĩnh vực công nghệ cao của khu vực.
Ông cho rằng trình độ cao về Toán học của giới trẻ Việt Nam và sức tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là những điểm đáng khích lệ.

Tuy nhiên, trả lời trang Sputnik Việt Nam, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA nêu một vài trở ngại cần vượt qua :
« Nền tảng giáo dục của thế hệ trẻ đất nước chúng tôi vẫn còn nặng tính lý thuyết và thiếu thực hành, điều này cản trở việc hình thành các sản phẩm mang tính sáng tạo.
 Vì vậy, để đào tạo được một lượng lớn các chuyên gia có trình độ cao, chúng tôi cần có sự đổi mới căn bản trong hệ thống giáo dục.
 Thế nhưng, hệ thống pháp luật của Việt Nam lại rất phức tạp và gây cản trở cho việc mở rộng những loại hình kinh doanh mới ».

Doanh nhân này lấy ví dụ : « Đơn cử là điều 292 của Bộ luật Dân sự mới ban hành, theo đó một người tạo ra một sản phẩm sinh lời, ví dụ một trò chơi điện tử, mà không đăng ký với cơ quan chính trính quyền, có thể mắc tù tội.
Nhà nước ngăn chặn phần nào đó sự phát triển của các công ty tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, ưu ái các doanh nghiệp nhà nước ».

Nhà nghiên cứu Anton Tsvetov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nga cũng cho rằng những tồn đọng trên có thể phản ánh những trở ngại nghiêm trọng trên con đường đổi mới của Việt Nam.
 Trả lời Sputnik (ngày 11/02/2017), ông nhấn mạnh :
« Đổi mới và phát triển công nghệ chỉ có thể thực hiện được với điều kiện nền kinh tế tư nhân phát triển, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này đòi hỏi môi trường thể chế khuyến khích sáng kiến tư nhân và đảm bảo quyền sở hữu, bao gồm cả sở hữu trí tuệ ».

Theo chuyên gia này, sẽ rất khó kết hợp được một hệ thống quản lý nền kinh tế theo truyền thống với sự bùng nổ của công nghệ mới.
Sự tăng trưởng như vậy sẽ đòi hỏi một cấp độ mới về tự do kinh tế mà, bằng cách nào đó, nên được áp dụng một cách phù hợp với bối cảnh chính trị của Việt Nam hiện đại. Đây là một nhiệm vụ sáng tạo mà chính phủ Việt Nam sẽ phải giải quyết trong tương lai gần.


Switch mode views: