Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-03-2013
- Thứ Sáu, 01 tháng Ba năm 2013 20:53
- Tác Giả: Trọng Thành
Trung Quốc : Chống nạn ô nhiễm nước ngầm với Internet
Ô nhiễm sông ngòi ở Trung Quốc.
REUTERS/China Daily/Files
Le Monde có bài viết đáng chú ý mang hàng tựa « Trận chiến trên internet Trung Quốc chống nạn ô nhiễm nước ».
Cuộc điều tra về các doanh nghiệp xả chất thải gây ô nhiễm các mạch nước ngầm tại thị xã Duy Phường, thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), do nhà báo Đặng Phi (Deng Fei) - tuần báo Phenix Weekly – tiến hành từ ngày 11/02/2013 đang gây được sự chú ý của công luận.
Bài viết mở đầu với lời bình luận của một người dùng net : Đặng Phi là « phiên bản Trung Quốc » của Erin Brockovich - tên nhà bảo vệ môi trường và trợ lý tư pháp người Mỹ.
Một twitter Trung Quốc khác thì đăng bức quảng cáo cho bộ phim về nhà môi trường Erin Brockovich và hàng tít phụ : « Bà ấy đã nâng một thành phố nhỏ đứng trên đôi chân mình và buộc một doanh nghiệp lớn phải quỳ gối ».
Chuyên mục về các vấn đề an toàn và ô nhiễm môi trường của nhà báo Đặng Phi trên tuần báo trên mạng Phenix Weekly (Phượng Hoàng Chu San), có trụ sở tại Hồng Kông, được 3 triệu blogger theo dõi.
Lần này, phóng viên Đặng Phi kêu gọi các công dân Trung Quốc, đặc biệt các luật sư, các nhà báo, nhà hoạt động môi trường…, cung cấp các chứng cứ về việc xả nước thải công nghiệp bất hợp pháp tại thị xã Duy Phường (Weifang) nói trên.
Nhiều nhân chứng cho thấy nước thải công nghiệp độc hại được xả ra ở nhiều nơi tại khu vực thị xã Duy Phường.
Về môi trường, chính quyền Bắc Kinh vừa mới có một số tiến bộ theo hướng minh bạch hóa các thông tin về chất lượng không khí tại 74 thành phố lớn, và mới đây Bắc Kinh thừa nhận có tồn tại « các làng ung thư ».
Tuy nhiên, ở địa phương, dư luận vẫn nghi ngờ thiện chí của chính quyền.
Phòng bảo vệ môi trường thị xã Duy Phường hứa sẽ thưởng 100 nghìn yuan (hay 12.000 eurro) cho ai cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của các giếng thải nước độc.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn cho rằng không hề có một hiện tượng như vậy tại thành phố này sau khi tiến hành cái gọi là « một cuộc điều tra » đối với 715 xí nghiệp.
Tờ Phượng Hoàng khẳng định cuộc điều tra quy mô lớn kể trên được tiến hành chỉ trong hai ngày, và đặc biệt là, các chủ doanh nghiệp được thông báo trước khi đoàn kiểm tra đến, còn chính quyền địa phương thì yêu cầu chính phủ ngăn cản báo chí lên tiếng.
Cuối cùng là, khi những người dùng net phát hiện ra được các bằng chứng về giếng thải lậu, thì cuộc điều tra lại bị trì hoãn, với lý do không có đủ các phương tiện đo lường… Rõ ràng, cuộc chiến bảo vệ mạch nước ngầm tại Trung Quốc còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Pháp : Việc dầu diesel được miễn thuế bị chỉ trích
Cũng về môi trường, Libération dành hồ sơ lớn cho chủ đề việc miễn thuế cho dầu diesel tại Pháp bị chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt với bài viết « Diesel, trên đường đi đến việc chấm dứt ưu đãi thuế ». Tại Pháp, do việc diesel được ưu đãi về thuế hơn xăng, nên loại dầu này chiếm khoảng 80% tổng lượng tiêu thụ xăng dầu nói chung.
Ở Châu Âu, duy nhất chỉ có Pháp là nơi xe hơi gia đình dùng dầu diesel.
Vào giữa năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới xếp dầu diesel vào nhóm các chất « có nguy cơ gây ung thư » thuộc nhóm 1.
Các hạt siêu mịn thải ra từ các động cơ diesel lan truyền trong không khí, đặc biệt tích đọng trong phổi, có khả năng gây ung thư. Riêng tại Pháp, ước tính khoảng 42.000 người chết sớm vì diesel.
Sau thẩm định của các cơ quan y tế, trong chính quyền bắt đầu có các phản ứng đòi tăng thuế với diesel.
Tòa án Thẩm kế Pháp chuẩn bị đưa ra đề nghị tăng thuế với diesel và xăng. Riêng tiền thuế diesel có thể thu lại cho Pháp đến gần 7 tỷ euro.
Đây cũng là điều nằm trong chủ trương xây dựng « một chế độ thuế mới » bảo vệ môi trường của tổng thống Pháp. Tuy nhiên, bài « (Giá) xăng dầu : một cuộc tranh luận có thể gây xung đột » cho biết, việc tăng thuế xăng dầu sẽ gặp phải sự kháng cự của các nhóm lobby thuộc những ngành vận tải, nông nghiệp, sản xuất xe hơi…
Cuộc chiến cam go của liên quân Pháp – Châu Phi tại Mali
Về cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Mali của liên quân Pháp – Châu Phi, Le Monde có phóng sự « Mali : chiến tranh vô hình tại Kidal, một vùng tách biệt với bên ngoài ».
Kidal là một đô thị nhỏ, thủ phủ của vùng sa mạc Kidal rộng lớn, nơi quân Hồi giáo cực đoan ẩn náu.
Phóng sự của Le Monde mô tả không khí bình yên mong manh tại Kidal, với các vụ khủng bố-tự sát thỉnh thoảng lại nổ ra.
Thời gian chiếm đóng 9 tháng cho phép quân Hồi giáo cực đoan tuyển mộ được nhiều « ứng viên » cho các cuộc khủng bố tự sát.
Bên cạnh mối đe dọa của khủng bố, một điều gây lo ngại khác là thái độ của MNLA, lực lượng vũ trang của sắc tộc địa phương Tuareg.
Mặc dù phiến quân MNLA trở thành đồng minh của Pháp, nhưng lực lượng vũ trang của người Tuareg triệt để chống lại sự hiện diện của quân đội Mali tại miền bắc Mali.
Phóng sự « Trên những mỏm đá Adrar de Tigharghar, một trận chiến ác liệt sắp xảy ra » của Le Monde đặt câu hỏi :
Làm thế nào chống lại một cách có hiệu quả các nhóm nhỏ liên tục di chuyển và ẩn náu trong đồi núi ?
Sáng nay, tờ Parisien-Aujourd’hui en France chạy trên trang nhất tin về việc Abou Zeid - thủ lĩnh Aqmi, lực lượng Hồi giáo cực đoan – đã bị quân đội Pháp tiêu diệt ngày 23/02, cùng với khoảng 40 chiến binh khác tại chính vùng núi Adrar de Tigharghar.
Trang mạng internet của Le Figaro xác nhận tin này với sự khẳng định của các nguồn tin thân cận với lãnh đạo phong trào MNLA. Abou Zeid, thủ lĩnh Aqmi và cũng là người chủ mưu nhiều vụ bắt giữ con tin trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, trong bài « Liên Hiệp Quốc được khuyến cáo gửi lực lượng mũ nồi xanh » Le Monde cho biết việc « chuyển giao quyền lực » của Misma, liên quân Pháp – Phi Châu, cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc phải mất ít nhất là hai tháng.
Giới hạn tiền thưởng ở các ngân hàng : Quyết định lịch sử của Châu Âu
Về kinh tế thế giới, Les Echos chú ý đặc biệt đến quyết định của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu đêm thứ tư, rạng sáng thứ năm vừa qua, trong việc giới hạn các khoản tiền thưởng cho giới ngân hàng qua hồ sơ trên trang nhất « Các ngân hàng : Châu Âu lập kế hoạch chấm dứt các khoản tiền thưởng khổng lồ ».
Như vậy, kể từ 01/01/2014, tiền thưởng cho giới ngân hàng sẽ phải căn cứ theo lương, và tiền thưởng chỉ được chấp nhận tối đa là 2 lần tiền lương cố định, nếu như được 66% cổ đông đồng ý.
Bên cạnh đó, còn có nhiều quy định khống chế các khoản tiền thưởng khác của giới ngân hàng.
Nhiều nghị sĩ Châu Âu cho đây là một « cuộc cách mạng ». Theo Les Echos, quyết định này là một thắng lợi lớn của Nghị viện Châu Âu.
Trong bài xã luận « Tiền thưởng : cái chết thứ hai của Karl Marx », với cuộc cải cách này, ngân hàng Châu Âu được bảo vệ tốt hơn trước các nguy cơ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008, giảm bớt các mưu toan mạo hiểm để hy vọng kiếm tiền bộn túi, với các vụ án tiêu biểu như Kerviel, Adoboli… hay vụ bê bối tỷ giá liên ngân hàng Libor mới đây.
Quyết định cải cách này, tuy nhiên, gặp phải sự phản đối quyết liệt của Luân Đôn, trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.
Thủ tướng Anh hy vọng là các quy định sẽ mềm dẻo hơn để các ngân hàng có trụ sở tại Anh Quốc giữ được khả năng cạnh tranh trước New York và Hồng Kông.
Quyết định của Nghị viện Châu Âu còn phải được sự chuẩn thuận của các bộ trưởng Tài chính Châu Âu trong cuộc họp thứ Ba tới.
Chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới : 3 ứng viên tiềm năng
Giáo hoàng Benedicto 16 ra đi, chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới là đề tài được nhiều tờ báo chú ý. « Benedicto 16 ra đi, hội nghị bầu Giáo hoàng chuẩn bị » là tựa lớn của Le Figaro, với hình ảnh chiếc trực thăng đưa Giáo hoàng mãn nhiệm về cung điện các Giáo hoàng, nơi ông tạm nghỉ ngơi trong một thời gian.
Theo Le Figaro, với chức vị mới - « Giáo hoàng danh dự », « Benedicto 16 » sẽ tiếp tục còn có ảnh hưởng đến Giáo hội Công giáo.
Còn Le Monde thì chuyển một số lời khuyên đến người kế vị. Theo tờ báo, tân lãnh đạo Giáo hội « phải vượt qua các đối kháng và chia rẽ trong Giáo hội, đang làm yếu đi sự điều hành của Giáo hội ».
« Người kế nhiệm Benedicto 16 phải nỗ lực để thuyết phục được các tín đồ đã xa rời Giáo hội. Cuối cùng, (…) Giáo hoàng tương lai phải nỗ lực trong việc nhìn nhận thực trạng địa chính trị của một Giáo hội đang bị thu hẹp tại các nước phát triển, nhưng vẫn còn năng động ở các nước đang phát triển ».
Les Echos, trong bài « Vatican : chuẩn bị cho việc kế tục Benedicto 16”, cho biết, có khả năng ba hồng y : Angelo Scola người Ý, Marc Ouellet người Canada và Luis Antonio Tagle người Philippines nằm trong danh sách Papabile (tên thông tục để chỉ nhóm những người có khả năng được bầu vào chức Giáo hoàng) của vị trí Giáo hoàng thứ 266.
Tin mới
- Tổ chức nhân quyền: Tấn công bằng bom chùm tại Syria làm 19 người thiệt mạng - 02/03/2013 22:18
- Kenya: thuốc chữa bệnh AIDS được mang bán để mua thức ăn - 02/03/2013 22:09
- Giao tranh ác liệt tại Syria, nhiều binh sĩ và quân nổi dậy thiệt mạng - 02/03/2013 21:56
- Hàng ngàn ‘công dân tự do’ đòi tuyển cử lập hiến ở Việt Nam - 02/03/2013 21:19
- Ngân sách Mỹ bị cắt giảm nhưng chiến lược "trục" châu Á tiếp diễn - 02/03/2013 20:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-03-2013 - 02/03/2013 19:42
- Tàu Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Biển Đông - 02/03/2013 19:16
- Mười điều răn cho các ký giả viết về Vatican - 02/03/2013 03:17
- Mỹ sẽ tấn công Iran trong tháng 6? - 01/03/2013 21:40
- Bangladesh lo ngại bạo động gia tăng - 01/03/2013 21:00
Các tin khác
- Hội đồng Giám mục Việt Nam đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp - 01/03/2013 18:14
- Bầu cử ĐỨC GIÁO HOÀNG có thể bạn chưa biết. - 01/03/2013 18:00
- Máy tính bán ở Việt Nam bị cài ‘mã độc’ - 28/02/2013 19:33
- Ðức Giáo Hoàng từ biệt công chúng - 28/02/2013 19:26
- Hội nghị quốc tế về Syria : Hoa kỳ và Pháp tăng cường hỗ trợ đối lập - 28/02/2013 18:40
- HRW tố cáo Indonesia thụ động trước tình trạng bạo động tôn giáo - 28/02/2013 18:27
- Nobel Văn học Mạc Ngôn : ''Tôi không viết cho đảng'' - 28/02/2013 18:20
- Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đặt tại Thanh Đảo - 28/02/2013 18:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-02-2013 - 28/02/2013 17:58
- Ưu tiên đối ngoại thời Tập Cận Bình : Mỹ, Nhật, Triều Tiên - 28/02/2013 17:43