Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-02-2013
- Thứ Năm, 28 tháng Hai năm 2013 00:12
- Tác Giả: Minh Anh
Châu Âu chấn động vì kết quả bầu cử Ý
Lãnh đạo cánh trung tả Ý Pier Luigi Bersani đau đầu trước kết quả bầu cử (REUTERS /Tony Gentile)
Kết quả bầu cử Ý gây chấn động trong toàn khối Liên hiệp châu Âu. Hầu hết các báo Pháp đều chạy tít lớn trên trang nhất. Le Monde đăng tựa : "Nước Ý chống khắc khổ cảnh báo châu Âu".
Báo Le Figaro bi quan hơn : "Ý không thể tìm được lãnh đạo đang làm châu Âu hốt hoảng".
Tờ báo công giáo La Croix nhận định "Khủng hoảng tại Ý, châu Âu lo lắng".
Thời báo kinh tế Les Echos lại cho rằng « Nước Ý làm sống lại đỉnh điểm khủng hoảng châu Âu ».
Một nhận định cũng được Liberation đồng quan điểm qua hàng tít « Châu Âu : tình trạng khẩn cấp ».
Ngoài các tít lớn trên trang nhất, các tờ báo Pháp còn dành nhiều trang để phân tích, nhận định và đánh giá tác động của sự kiện lên toàn châu Âu nói chung và nước Ý nói riêng.
Động đất theo kiểu Ý
Báo La Croix viết rằng « người dân Ý đã gởi đi nhiều thông điệp.
Đối với các đảng chính trị trong nước, đầu tiên hết họ biểu lộ sự bất tín nhiệm và chối bỏ một lớp chính khách bị cho là bất tài và tham nhũng có nguy cơ đưa đất nước vào tay những kẻ non nớt không có kinh nghiệm và không một chương trình hành động thực tiễn ».
Cũng theo tờ báo, « một thông điệp khác là dành cho châu Âu và thủ tướng Đức, vì theo người dân Ý, đấy chính là tác giả của một loạt chính sách khắc khổ mà ông Mario Monti buộc đất nước phải tuân theo.
Một thông điệp cũng nặng nề như của người dân Hy Lạp hay người dân Tây Ban Nha đưa ra.
Những dân tộc bị bóp nghẹt bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng đã bảy tỏ thái độ phản đối những người mang đến cho họ nỗi bất hạnh, theo cách riêng của mình ».
Libération cho rằng thành công của các ứng viên theo chủ nghĩa dân túy tại Ý hôm thứ hai, 25/2/2013 vừa qua đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo mới cho Bruxelles và Berlin.
Cả châu Âu phẫn nộ chống lại « chính sách khắc khổ vô tận » của Bruxelles.
Một mặt, tờ báo nhìn nhận sự bất lực của các đảng phái chính trị trong việc không đủ năng lực quy tụ một tuyệt đại đa số cần thiết để có thể lãnh đạo đất nước.
Mặt khác, Libération cũng cho rằng thất bại bầu cử tại Ý, châu Âu cũng phải gánh lấy một phần trách nhiệm. Bởi vì, « kể từ khi khủng hoảng bùng nổ, Liên hiệp châu Âu đã không đề xuất ra được một giải pháp nào khác ngoài chính sách thắt lưng buộc bụng muôn thưở không có chút ý nghĩa và còn tệ hơn nữa là không đạt được kết quả nào ».
Cử tri Ý mất lòng tin vào giới chính khách
Nhật báo kinh tế Les Echos đánh giá rằng cựu thủ tướng Ý Mario Monti đã có những đề xuất hay, nhưng lại thiếu phương pháp hành động…
Tờ báo viết « Điều vẫn còn thiếu chính là một tầm nhìn về những gì nó có thể tháo gỡ và một thời hạn thích hợp để đạt được điều mình muốn ».
Và tương tự, sự yếu kém này cũng ngự trị ở cấp độ châu Âu. Tờ báo nhấn mạnh « Đó cũng chính là khiếm khuyết của châu Âu ngày nay.
Như vậy, để tránh hiện tượng như kỳ bầu cử Ý bị lặp lại, đầu tiên hết cần phải giải thích rõ vì sao phải thực hiện cải cách ».
Về phần chính trường Ý, báo Le Figaro nhận xét rằng kết quả bầu cử phản rõ ánh một bài học chính trị, đó chính là sự mất lòng tin của người dân đối với giới chính khách. « Bầu cử tại Ý đã cho thấy rõ một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Nó không chỉ giới hạn trên việc quản lý các vấn đề kinh tế, mà nó còn lan rộng ra trên cả phân nửa phía Nam của châu lục ».
Le Figaro cho rằng « Sự yếu kém của vị thủ tướng mãn nhiệm Mario Monti là một sự thất vọng lớn lao do nhiều hạn chế của cá nhân, như quá thiên về kỹ thuật hơn là một chính trị gia chuyên nghiệp. Mặt khác, sự yếu kém đó cũng xác nhận rõ một điều hiển nhiên : chính sách khắc khổ hoàn toàn không được lòng dân ».
Châu Âu : chính sách khắc khổ làm trỗi dậy chủ nghĩa dân túy
Một thông điệp khác cũng được các Pháp quan tâm đến là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu.
Trong bài viết nhận định đề tựa « Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại Châu Âu được khẳng định », Le Figaro cho biết hơn một nửa số cử tri Ý đã ủng hộ ông Silvio Berlusconi , cựu thủ tướng Ý và Beppe Grillo, thuộc đảng Phong trào năm ngôi sao, vừa mới được thành lập trước kỳ bỏ phiếu.
Người đầu tiên thì chống lại sự « lệ thuộc vào một châu Âu của Merkel ».
Còn nhân vật thứ hai lên án những « chính trị gia ủng hộ châu Âu ». Ông này còn kêu gọi trưng cầu dân ý để ra khỏi châu Âu.
Báo Liberation còn phân tích kỹ hơn khi cho rằng nguyên nhân khủng hoảng không chỉ do đồng tiền chung mà còn ngay trong chính bản thân khối Liên hiệp châu Âu.
Tờ báo dẫn chứng trường hợp Anh quốc, không là thành viên khối đồng euro. Dưới áp lực của những người phản đối châu Âu ngay trong lòng đảng chính trị của mình, thủ tướng Anh David Cameron buộc phải hứa hẹn một cuộc trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục gia nhập khối châu Âu hay không.
Chính tổng thống Pháp Francois Hollande đã phải công nhận rằng : « Chúng ta đang phải đối đầu với hai kiểu chủ nghĩa dân túy. Tại Bắc Âu, người dân không muốn cho thêm nữa. Còn tại Nam Âu, người dân cũng không muốn chịu đựng thêm được nữa ».
Bình Nhưỡng, mối bận tâm hàng đầu của tổng thống tân cử Hàn Quốc
Cũng liên quan đến chủ đề chính trị, báo Les Echos nhìn sang châu Á với bài viết đề tựa « Bình Nhưỡng, bận tâm hàng đầu của bà Park Geun-hye ».
Tờ báo nhận xét, khác với người tiền nhiệm Lee Myung-bak, đã chọn giải pháp đối đầu, nữ Tổng thống vừa tuyên thệ nhậm chức của Hàn Quốc đã chọn một phương pháp mềm dẻo hơn.
Đó chính là đường lối chiến lược nước đôi. Một mặt, bà đương nhiên phải bảo vệ đường lối cứng rắn. Nhưng đồng thời bà sẽ tiến hành từng bước từng bước để giải tỏa từ từ.
Đương nhiên là với điều kiện Bắc Triều Tiên phải chấm dứt việc dọa dẫm. Đó là những gì bà đã phát biểu trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức.
Bình Nhưỡng cũng đã cho thấy chút tia hy vọng nối lại đàm phán, khi trong bài diễn văn chúc mừng năm mới, Kim Jong-un tuyên bố rằng chưa có ý định gây chiến với Hàn Quốc.
Les Echos cho rằng nếu như từ đây đến ngày 27/7 năm nay, ngày kỷ niệm 60 năm ký hiệp định đình chiến mà không có thêm một vụ nổ nào nữa, thì đấy sẽ là một phép thử cho cả đôi bên.
Ngoài việc đặt quan hệ liên Triều là một ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ tổng thống, vấn đề hiện đại hóa nền kinh tế thứ tư tại châu Á cũng là một bận tâm quan trọng.
Park Geun-hye có ý định tấn công vào các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, vì bà cho rằng chính họ đang bóp nghẹt tiến trình cải cách và các doanh nghiệp nhỏ.
Bà hy vọng có thể xây dựng « một nền kinh tế sáng tạo ». Trên thực tế từ nhiều năm lại đây, Hàn Quốc đã chuyển đổi thành công nền sản xuất công nghiệp truyền thống theo hướng công nghệ hiện đại.
Nhưng nữ tổng thống tân cử không có ý định dừng ở đó, bà còn muốn đi xa hơn nữa.
Trong ý tưởng xây dựng « nền kinh tế sáng tạo », Park Geun-hye muốn đưa khoa học, công nghệ và công nghệ tin học lên thành những ưu tiên hàng đầu, đồng thời bà cũng hứa hẹn tạo ra nhiều việc làm và mở rộng trợ cấp xã hội.
Mỹ : Rò rỉ tại trung tâm hạt nhân Hanfort
Trong lĩnh vực môi trường, báo Le Monde trong bài viết đề tựa « Tại Mỹ, trung tâm hạt nhân Hanfort bị rò rỉ… Thế thì sao ? », cho biết là chính quyền Washington đã quá thờ ơ với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Nhà bảo vệ môi trường Tom Carpenter, người quản lý Hiệp hội Hanfort Challenge, qua trao đổi với báo Le Monde đã cho biết cụ thể hiện trạng của Hanfort, một trong những trung tâm hạt nhân già nua nhất tại Hoa Kỳ.
Từng trực thuộc « dự án Manhattan », Hanfort là một trong hai địa điểm hạt nhân sản xuất ra chất plutonium để chế tạo ra hai quả bom ném xuống hai thành phố Nhật Bản Nagasaki và Hiroshima.
Nằm cách Seattle 250 km về phía đông-nam, Hanfort có diện tích rộng bao la đến 1500km². Đây cũng là địa điểm bị nhiễm chất phóng xạ nhất của đất nước.
Tại đây chôn cất đến 2/3 lượng chất thải hạt nhân của cả nước. Kể từ khi đóng cửa vào năm 1987, Hanfort trở thành một trong những biểu tượng của những khó khăn trong việc xử lý các chất thải hạt nhân trong dài hạn.
Giờ đây, việc xử lý sẽ còn thêm phức tạp do ngân sách đã bị cắt giảm. Ông Tom Carpenter cho biết, sau khi đóng cửa, chính quyền liên bang và bang Washington đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tẩy nhiễm do phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Cho đến lúc gần đây, hôm thứ sáu 22/02 vừa qua, thống đốc bang tiết lộ là sáu bồn trữ chất phóng xạ dưới lòng đất bị rò rỉ.
Cùng nhận định với chính quyền bang, ông Carpenter công nhận, trước mắt không có nguy hiểm nào cho sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, ông lưu ý là chất plutonium có tuổi thọ rất lâu đến 250 000 năm. Do đó, trong dài hạn chưa thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.
Đây không phải là vụ rò rỉ phóng xạ đầu tiên tại Hanfort. Được xây dựng vào năm 1949 với kỹ thuật công nghệ lúc bấy giờ, từ đó cho đến nay, 1/3 trong số 170 lò phản ứng đã từng xảy ra rò rỉ, với lượng phóng xạ khổng lồ lên đến một triệu ga-lông, tương đương với 3780 triệu lít.
Tuy nhiên, Tom Carpenter cũng chỉ trích chính quyền liên bang lẫn chính quyền bang Washington đã trì trệ trong công tác tẩy nhiễm vì sợ chi phí tốn kém.
Cuối cùng, báo Le Monde nhận thấy một điều lạ là thông báo phóng xạ bị rò rỉ không được báo giới quan tâm đến. Không có lấy một hàng tít lớn nào trên các trang báo Mỹ.
Sự thờ ơ của giới báo chí và chính quyền kỳ lạ đến mức mà một nữ độc giả của tờ Seattle Times cũng phải thốt lên rằng « nếu như một kẻ khủng bố nào đó đặt một quả bom « bẩn » có chứa một lượng chất phóng xạ tương đương với lượng bị rò rỉ, cả nước lúc ấy mới chịu lên tiếng chắc ».
Để kết luận, Le Monde trích lời mỉa mai của một bình phẩm : « Như vậy là Al-Qaida có thể tiết kiệm được nhiều tiền và thời gian và có thể quên chúng ta luôn được rồi đấy : do tự mình giết lấy mình trước khi để chúng nó làm.
Dường như không có ai muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở Hanfort, cũng như là làm cách nào để thoát ra khỏi chúng ».
Tin mới
- Bầu cử ĐỨC GIÁO HOÀNG có thể bạn chưa biết. - 01/03/2013 18:00
- Máy tính bán ở Việt Nam bị cài ‘mã độc’ - 28/02/2013 19:33
- Ðức Giáo Hoàng từ biệt công chúng - 28/02/2013 19:26
- Hội nghị quốc tế về Syria : Hoa kỳ và Pháp tăng cường hỗ trợ đối lập - 28/02/2013 18:40
- HRW tố cáo Indonesia thụ động trước tình trạng bạo động tôn giáo - 28/02/2013 18:27
- Nobel Văn học Mạc Ngôn : ''Tôi không viết cho đảng'' - 28/02/2013 18:20
- Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đặt tại Thanh Đảo - 28/02/2013 18:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-02-2013 - 28/02/2013 17:58
- Ưu tiên đối ngoại thời Tập Cận Bình : Mỹ, Nhật, Triều Tiên - 28/02/2013 17:43
- Người Trung Quốc bí mật mua đất lập trại ở Long An - 28/02/2013 00:34
Các tin khác
- Đức Giáo hoàng từ giã Giáo dân trước khi chính thức thoái vị - 27/02/2013 23:53
- Một luật sư Trung Quốc đòi công khai bí mật quốc gia về ô nhiễm mặt đất - 27/02/2013 23:27
- Một nhà hoạt động môi trường Thái Lan bị ám sát - 27/02/2013 22:49
- Tiệm ăn Trung Quốc treo bảng cấm: Dân Việt Nam và Philippines phẫn nộ - 27/02/2013 22:42
- Ngân hàng Nga cho vay tiền xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam - 27/02/2013 00:25
- Phóng viên bị mất việc sau khi có ‘vài lời’ với Tổng Bí thư - 27/02/2013 00:18
- Vì sao Vietnam Town khai phá sản? - 26/02/2013 23:39
- Hải quân Trung Quốc tiếp nhận ''hộ tống hạm tàng hình'' thế hệ mới - 26/02/2013 23:09
- Bắc Triều Tiên phô trương tập trận bằng đạn thật - 26/02/2013 23:02
- Pháp phá vỡ một mạng lưới nhập hàng nhái xuất xứ từ Trung Quốc - 26/02/2013 22:47