Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khảo sát PISA 2015: Châu Á lại dẫn đầu

Singapor- nusinh


Ảnh chụp ngày 18/05/2011. Học sinh Singapore sử dụng máy tính bảng iPad tại trường Trung học nữ Nanyang.
AFP PHOTO / Simin WANG

Trong kết quả khảo sát PISA 2015 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE công bố ngày 06/12/2016, các nước châu Á, mà xuất sắc nhất là Singapore, lại dẫn đầu thế giới về kiến thức khoa học của học sinh.

PISA là chữ viết tắt của Chương trình quốc tế theo dõi kiến thức của học sinh, nay có sự tham gia của 72 nước và vùng, mà kết quả khảo sát đầu tiên được công bố vào năm 2000.
Cứ mỗi ba năm, PISA lại thẩm tra kiến thức của các học sinh lứa tuổi 15 về các môn khoa học, toán học và đọc hiểu. Mỗi lần PISA dành ưu tiên cho một trong ba lĩnh vực đó.

Cũng giống như năm 2006, khảo sát PISA 2015 chú trọng nhiều hơn đến các môn khoa học, vì những môn này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế và xã hội hiện nay.
Giới lãnh đạo chính trị ở các nước được khảo sát rất quan tâm đến các báo cáo của PISA, để dựa theo đó điều chỉnh chính sách giáo dục của nước họ.

Nếu như trong bảng xếp hạng đầu tiên vào năm 2000, Phần Lan đã giành vị trí vô địch, được cả thế giới thán phục, thì trong bảng xếp hạng PISA 2015, đến lượt Singapore vượt lên giành hạng nhất về kiến thức khoa học của học sinh.

Tiếp theo Singapore lần lượt là Nhật Bản, Estonia, Đài Bắc, Phần Lan, Macao, Canada, Việt Nam ( hạng 8 ), Hồng Kông và các tỉnh thành của Trung Quốc : Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Quảng Đông.
Như vậy là lần này châu Á chiếm ưu thế áp đảo trong các thứ hạng đầu.

Theo kết quả khảo sát PISA 2015, học sinh Singapore đã vượt lên chiếm hạng đầu thế giới ở cả ba lĩnh vực khoa học, toán học và đọc hiểu, trong khi khảo sát lần cuối 2012 chỉ xếp Singapore hạng 2 về toán học và hạng 3 về khoa học và đọc hiểu.
Đặc biệt, lần này Singapore có đến 24% học sinh xuất sắc về khoa học.

Bộ Giáo dục Singapore hôm qua đã rất tự hào nhấn mạnh rằng kết quả khảo sát PISA 2015 cho thấy học sinh của Singapore không chỉ biết ứng dụng những kiến thức và kỹ năng, mà còn biết phân tích, suy luận và trao đổi thông tin khi họ giải quyết những vấn đề mới.

Khi trình bày kết quả khảo sát hôm qua, ông Eric Charbonnier, chuyên gia về giáo dục của OCDE, cho biết thành công của Singapore là ở nước này, các giáo viên được thẩm tra rất thường xuyên.
Không chỉ được được đào tạo ban đầu với một chương trình rất vững chắc, các giáo viên Singapore sau đó còn được tu nghiệp liên tục.

Mặt khác, trường nào càng gặp khó khăn thì người ta lại càng điều động các giáo viên giỏi đến đó.
Giáo viên Singapore hăng hái làm việc là vì họ được trả lương cao hơn các ngành nghề khác.
Cũng theo lời ông Charbonnier, thành tích xuất sắc của học sinh châu Á không hẳn là do nhiều em học thêm ngoài giờ ở trường.

Vị trí của Việt Nam

Như chúng ta đã thấy ở trên, trong bảng xếp hạng PISA, Việt Nam đứng thứ 8 về khoa học, nằm trong Top 10. Nhưng riêng về lĩnh vực toán học thì Việt Nam chỉ đứng thứ 22, còn về đọc hiểu được xếp thứ 32.

Cụ thể hơn, trong lĩnh vực khoa học, kết quả của học sinh Việt Nam là 525 điểm, cao hơn kết quả trung bình của các quốc gia OCDE ( 493 điểm ).
Trong lĩnh vực toán học, kết quả của học sinh Việt Nam là 495 điểm, cao hơn một ít so với kết quả trung bình của các quốc gia OCDE ( 490 điểm ).
Trong khi đó, ở lĩnh vực đọc hiểu, học sinh Việt Nam chỉ đạt 487 điểm, thấp hơn kết quả trung bình của các quốc gia OCDE ( 493 điểm ).

Việt Nam thật ra chỉ mới có tên lần đầu tiên trong khảo sát PISA 2012, mà kết quả được công bố vào tháng 12/2013. Sau PISA 2015, Việt Nam đang tiếp tục triển khai PISA chu kỳ 2018.

Pháp đứng trung bình trong OCDE

Trong kết quả khảo sát PISA 2015, các học sinh Pháp chỉ đạt mức trung bình trong các quốc gia OCDE về cả ba lĩnh vực khoa học, toán học, đọc hiểu.
Ví dụ như trong lĩnh vực khoa học, học sinh Pháp đạt 495 điểm, gần bằng với điểm trung bình của OCDE ( 493 ).
Nhưng có một điểm đáng nói đó là nhóm học sinh “giỏi” về khoa học của Pháp chiếm hơn 21%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình của OCDE ( 19% ).

Vấn đề là, như PISA vẫn nhấn mạnh kể từ báo cáo đầu tiên năm 2000, Pháp là một trong những quốc gia mà môi trường xã hội, kinh tế và văn hóa có ảnh hưởng nhiều nhất lên kết quả học tập.
Nói cụ thể hơn là tại Pháp, những em nào mà gia đình càng khá giả thì học càng giỏi.

Khảo sát PISA 2015 cho thấy rằng trong khi đó, những nước với các hệ thống giáo dục rất khác biệt đã dung hòa được thành công học vấn và bình đẳng xã hội, như trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, Anh Quốc, Estonia và Phần Lan.

Thất vọng về trình độ khoa học

Cũng trong buổi giới thiệu khảo sát PISA 2015 hôm qua, chuyên gia OCDE Eric Charbonnier đã tỏ ý lấy làm tiếc là kể từ khảo sát 2006, tức là lần cuối mà PISA dành ưu tiên cho lĩnh vực khoa học, các nước đã đầu tư nhiều vào giáo dục, nhưng nhưng trình độ của học sinh về các môn khoa học vẫn không tiến triển, trong khi từ đó đến nay, thế giới đã có rất nhiều tiến bộ khoa học ngoạn mục.

Tổ chức OCDE cho rằng ngày nay, ai cũng cần có một hành trang về kiến thức khoa học, chứ không chỉ những người dự tính đi theo con đường này.
Có kiến thức khoa học như vậy, chúng ta mới ý thức được và có cách hành xử đúng đắn về những vấn đề đang đặt ra cho nhân loại: biến đổi khí hậu, thực phẩm đổi gien.

Switch mode views: