Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Joseph Stiglitz: « Đồng Euro không mang lại sự phồn thịnh như hứa hẹn »

Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz

Giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz
AFP Photo Mario Tama

Nhân dịp kinh tế gia Joseph Stiglitz cho ra mắt cuốn sách « Đồng tiền chung đe dọa tương lai châu Âu ra sao », báo Le Monde đã phỏng vấn giải Nobel Kinh tế.

 Ông nhận định « Đồng Euro không mang lại sự phồn thịnh như hứa hẹn ».
Trước hết, Stiglitz cho rằng đồng Euro là một thất bại kinh tế của châu Âu và ông nêu ra các sai lầm phạm phải, thậm chí ngay từ cội nguồn ý tưởng của dự án này.

Năm 1992, các nước châu Âu đã nêu ra một liên minh tiền tệ, trong đó các nước thành viên sẽ không còn có khả năng điều chỉnh nền kinh tế quốc gia thông qua tỉ giá hối đoái và lãi suất và liên minh này hoạt động dựa trên việc các chính phủ làm chủ được các khoản tài chính công và lạm phát. Họ nghĩ rằng thị trường sẽ điều chỉnh những mất cân đối.

Theo giải Nobel Kinh tế, châu Âu đã sai lầm. Đồng Euro không mang lại sự phồn thịnh, mà gây chia rẽ, thậm chí còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng khi xẩy ra khủng hoảng.

Bởi lẽ, khi xẩy ra khủng hoảng, các nước phía nam châu Âu không thể phá giá đồng Euro để thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ nền kinh tế. Họ buộc phải giảm mức lương với hy vọng nâng cao khả năng cạnh tranh, trong lúc đó, thất nghiệp gia tăng.

Do phải áp dụng chính sách hà khắc về ngân sách, các chính phủ buộc phải giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, với hậu quả là làm suy yếu khả năng tăng trưởng trong tương lai.
Do vậy, theo Stiglitz, cần khẩn cấp xóa bỏ cái vòng luẩn quẩn này. Ông chủ trương thúc đẩy việc thành lập liên minh ngân hàng, các quỹ tương trợ để tạo ổn định, giúp đỡ các nước đang phải đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế.

Vậy lấy đâu ra tiền để tăng các khoản chi ngân sách? Theo giải Nobel Kinh tế, thì phải cần phải lập một dạng ngân sách chung châu Âu, với các nguồn thu là thuế lũy tiến - ở mức thấp - đánh vào các doanh nghiệp và người lao động.

Lợi thế của biện pháp này là tạo ra nguồn thu chung cho châu Âu và tiến tới việc hài hòa mức thuế giữa các nước. Bên cạnh đó, châu Âu có thể phát hành công trái chung, tức là phát hành một dạng nợ chung của các nước châu Âu, đồng thời thiết lập các quy định ngăn ngừa lạm dụng, bảo đảm quản lý tốt nguồn tài chính công của các thành viên.

Chuyên gia kinh tế Stiglitz cũng nêu ra khả năng một thành viên khu vực đồng tiền chung có thể rút ra ngoài, « đồng thuận ly dị ».
 Ví dụ, nếu Đức từ bỏ dùng Euro, thì lập tức đồng tiền chung này sẽ giảm giá tại các nước thành viên khác, điều này giúp thúc đẩy xuất khẩu, trong khi đó, đồng tiền của Đức sẽ tăng giá, làm giảm nhẹ nợ công của nước này.

Trong trường hợp một nước có nền kinh tế trung bình như Hy Lạp, khi ra khỏi khu vực đồng Euro, thì đồng tiền quốc gia nước này sẽ giảm mạnh, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhưng đồng thời gánh nặng nợ công lại gia tăng.
Trong trường hợp này, Athens có thể đàm phán để tái cơ cấu nợ công.

Liên quan đến Brexit, giải Nobel Kinh tế cảnh báo tư tưởng « trả thù », phải làm cho Anh trả giá vì ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Nếu như vậy có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu chỉ có thể tồn tại, gắn bó với nhau do lo sợ tan vỡ.
Yếu tố giúp châu Âu gắn bó với nhau phải là tình đoàn kết, tương trợ nhau.

Khủng hoảng Syria : lợi ích đan chéo của các bên tham chiến

Cuộc khủng hoảng Syria đã trở thành chiến trường với nhiều bên tham chiến, các đơn vị vũ trang và các lực lượng tự vệ, các lực lượng địa phương và quốc tế đối đầu nhau : chính phủ Syria chống lại lực lượng nổi dậy, người Hồi Giáo dòng Chia chống người Hồi Giáo dòng Su ni, Iran chống Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ chống người Kurdistan, người Kurdistan và Thổ Nhĩ Kỳ cùng chống Hồi Giáo cực đoan, Nga chống lực lượng nổi dậy, Mỹ vừa ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, vừa hậu thuẫn kẻ thù của Ankara là người Kurdistan.

Trong bài viết có tựa đề « Syria : các bên tham chiến với lợi ích đan chéo nhau trên chiến trường khu vực », nhật báo Le Figaro nhận định : với cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm với 500.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, Syria đã trở thành nơi chắp các thành trì của các lực lượng hoặc đối đầu nhau, hoặc liên minh với nhau trong một trò chơi phức tạp, thách thức mọi nỗ lực ngoại giao.

Theo Le Figaro, cuộc khủng hoảng ở Syria đã vượt qua mọi cuộc khủng hoảng thời hiện đại, cả về mức độ khốc liệt và mức độ phức tạp. Đó là cuộc chiến mà tránh không thất bại đã là cả một chiến thắng.
Trong cuộc chiến này, kẻ thù của kẻ thù chưa chắc đã là đồng minh. Các vụ đối đầu « đan chéo », « chồng chất lên nhau » theo thời gian, khiến các bên rất khó đàm phán.

Trọng tâm của cuộc khủng hoảng Syria chính là mâu thuẫn « không đội trời chung » giữa chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy.
Từ hơn 5 năm nay, hai bên không đạt được một thỏa ước nào. Tổng thống Syria Bachar Al-Assad coi quân nổi dậy là « mối đe dọa hiện sinh, do nước ngoài giật dây » và cần tiêu diệt.

Quyết tâm không để bị lật đổ như tổng thống Ben Ali của Tunisia, tổng thống Moubarak của Ai Cập hay tổng thống Kadhafi của Lybia, tổng thống Syria đã chọn giải pháp trấn áp tàn bạo.

Quân đội Syria đã truy nã, tra tấn và giết hại những người thuộc phe đối lập và những người họ nghi là thuộc phe đối lập với sự tàn bạo chỉ có ở thời trung cổ.
Quân đội Syria cũng đã đánh bom và vây hãm các thành phố và khu vực tập trung quân nổi dậy.

« Dùng bạo lực đáp trả bạo lực ». Với vũ khí lấy được của quân đội hay do những người đào ngũ cung cấp, các cuộc nổi dậy ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Cũng giống như trong nhiều cuộc cách mạng khác, các phong trào dân chủ hay trung lập ở Syria nhanh chóng bị loại bỏ, thay vào đó là các phong trào tôn giáo có tổ chức vũ trang.

Brexit : cú sốc của cộng đồng người Ba Lan ở Anh

Trong bài viết có tiêu đề « Một số người không dám nói tiếng Ba Lan trên phố », đặc phái viên của nhật báo công giáo La Croix tại Anh Quốc cho biết vụ một nhóm 15 trẻ vị thành niên bản địa tấn công, giết hại một người Ba Lan tại Harlow, ngoại ô Luân Đôn vào cuối tháng 08/2016 đang làm rúng động cộng đồng người Ba Lan tại Anh Quốc.
Cảnh sát cho rằng đây là hành vi bài ngoại. Một số người thì cho rằng đây là hậu quả của Brexit.  

Sau khi Ba Lan gia nhập Liên hiệp Châu Âu vào năm 2004, chính phủ Anh là một trong số ít các chính phủ ngay lập tức dỡ bỏ lệnh hạn chế người Ba Lan đến Anh lao động.
Hiện có khoảng 850.000 người Ba Lan sinh sống tại Anh. Đây là cộng đồng người nhập cư đông nhất ở Anh. Và tiếng Ba Lan cũng ngôn ngữ được sử dụng nhiều ở nước này, chỉ sau tiếng Anh.

Thế nhưng, theo các số liệu của cảnh sát, so với cùng kỳ năm 2015, các vụ phạm tội nhắm vào người Ba Lan đã tăng 42% vào thời điểm trước và ngay sau cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Brexit diễn ra ngày 23/06/2016.

La Croix nhận định cuộc trưng cầu dân ý đã tạo cơ hội cho các tư tưởng kỳ thị trỗi dậy. Ngay ngày 26/06/2016, trên tường trung tâm văn hóa Ba Lan tại Luân Đôn đẽ xuất hiện dòng graffiti « Hãy về nước đi ».
Trong hai tháng qua, trước khi xảy ra vụ ở Harlow, đại sứ Ba Lan tại Anh đã ghi nhận 15-16 vụ tấn công bài ngoại nhằm vào người Ba Lan.  

Anh Eric Hind, người được coi như đại diện cho cộng đồng người Ba Lan ở Anh cho La Croix biết, không chỉ người Ba Lan nói riêng, mà người nước người ở Anh nói chung đang lo sợ.

Một số người nước ngoài không dám nói tiếng mẹ đẻ trên phố vì họ sợ chửi bới hay bị tấn công. Giờ đây, họ mong chờ cảnh sát có các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho người nước ngoài.

Nhiều người Anh nghĩ rằng người Ba Lan ở Anh quá đông, rằng họ không làm gì mà chỉ hưởng trợ cấp xã hội. Còn nhiều người Ba Lan cho biết họ đi làm và đóng thuế, chứ họ không hưởng trợ cấp của chính phủ Anh Quốc.

Tuy nhiên, một giáo sư đại học nhận định tư tưởng bài ngoại ở Anh không phải hiện tượng mới. Nó liên quan tới nỗi sợ hãi, sự mất an toàn và sự tức giận của những người coi mình là trung tâm của đất nước và sợ hãi sự tiến triển.
 Đối với họ, đổ trách nhiệm cho người nước ngoài dễ hơn là xem xét lại sự vận hành của cả hệ thống chính quyền.  

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp Le Monde và Les Echos hôm nay tập trung vào tình hình thời sự nước Pháp, cụ thể là tập đoàn công nghiệp Alstom, con chim đầu đàn trong lĩnh vực vận tải đường sắt của Pháp.

Le Monde chạy tựa trang nhất : « Alstom : Hollande lo sợ vụ Florange thứ hai », cho biết sau khi tập đoàn Alstom thông báo ngừng sản xuất đầu máy xe lửa ở nhà máy tại Belfort, tổng thống Pháp đã tổ chức một cuộc họp khẩn ở điện Elysée, đặt ra mục tiêu duy trì hoạt động cho nhà máy ở Belfort.

Ông Hollande lo sợ vụ việc xảy ra tương tự như với nhà máy luyện thép Florange vào năm 2013. Còn Les Echos chạy tựa trang nhất : « Alstom : lời hứa mang tính chính trị của Hollande ».

Cũng quan tâm đến thời sự nước Pháp, nhật báo Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Calais : kế hoạch của Cazeneuve nhằm phân bố dân nhập cư ».
 Vẫn liên quan tới dân nhập cư, nhật báo La Croix đăng tựa trang nhất : « Trẻ em nhập cư, nhu cầu về trường học ».

Quan tâm tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, La Libération chơi chữ với tựa « Hillary Clinton : nhà sụp » và cảnh báo những tuyên bố mập mờ về tình trạng sức khỏe của bà Hillary Clinton có thể khiến bà phải trả giá đắt.

Switch mode views: