Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Báo chí quốc tế quan ngại tình trạng nhân quyền tại Lào

asean-summit 4

Lãnh đạo các nước tham dự phiên khai mạc Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 29, Vientiane, Lào, ngày 06/09/2016
REUTERS

Thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane mở ra từ ngày 06 đến 08/09/2016.
Đây là một sự kiện quan trọng đối với Lào đang giữ chức chủ tịch luân phiên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á -ASEAN, đặc biệt là với sự hiện diện của tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đây cũng là lần đầu tiên tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm chính thức công du Lào kể từ khi đảng Cộng sản Pathet Lào lên cầm quyền năm 1975.

Theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI tại khu vực Đông Nam Á, Arnaud Dubus, thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane là cơ hội để các tổ chức bảo vệ nhân quyền chú ý đến tình trạng nhân quyền tại Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào.

Arnaud Dubus : Nhiều phương tiện truyền thông châu Âu, Úc, Mỹ và cả của châu Á đều tập trung vào vế nhân quyền tại Lào khi đưa tin về thượng đỉnh Vientiane.
Phần lớn các bài báo đều chú ý tới vụ cách nay 4 năm, một gương mặt đấu tranh hàng đầu trong xã hội dân sự Lào, ông Sombath Somphone, đã mất tích.
Ông này bị công an bắt đi vào tháng 12/2012 và từ đó trở đi không ai biết số phận ông ra sao.

Ngoài trường hợp của nhân vật này, còn có nhiều trường hợp khác được quan tâm. Chẳng hạn như năm ngoái, ba người chỉ trích chính phủ Lào trên mạng xã hội cá nhân Facebook và họ đã biểu tình trước sứ quán Thái Lan tại Vientiane. Đầu năm nay, cả ba đã bị bắt giữ.

Ngày 31/08/2016, nhiều tổ chức phi chính phủ và đại diện của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc họp báo tại Bangkok để trình bày về tình hình chính trị, nhân quyền tại Lào, về viện trợ quốc tế, về những cam kết của chính quyền Vientiane trong lĩnh vực nhân quyền nhân khóa họp thường kỳ tại Genève năm 2015.

Nhân dịp này, vợ của nhà đấu tranh nhân quyền Sombath Somphone là bà Shui Meng, một nhà xã hội học người Singapore, sống tại Vientiane, đã tỏ rất năng động và đã được nhiều hãng truyền thông phỏng vấn về trường hợp của ông Sombath.

RFI : Còn hệ thống chính trị tại Lào thưa anh Arnaud Dubus ?

Arnaud Dubus : Cũng giống như nhiều nước cộng sản hay từng trải qua chế độ cộng sản khác, Lào là quốc gia mà ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo không ai tin vào lý tưởng cộng sản.

Nhưng đây là nơi mà guồng máy an ninh, chính sách đàn áp của Đảng vẫn tồn tại. Thành thử, Lào là một dạng Nhà nước công an trị và Nhà nước mafia, ở đó gia đình các nhân vật lãnh đạo đua nhau làm giàu, và họ đối mặt với thế giới bên ngoài để bảo vệ những quyền lợi đó.

Trong xã hội như vậy, người dân hứng chịu nhiều hậu quả : nông dân bị tịch thu đất đai để phục vụ cho các dự án đầu tư, thường là để hướng tới các kế hoạch như là trồng bắp, cây cao su, trồng chuối hay những đề án công nghiệp, xây dựng đập, khai thác quặng mỏ.

Những người bị trưng thu đất đai như vậy không thể khiếu kiện. Nếu có biểu tình chống đối thì lập tức công an và quân đội can thiệp, hù dọa.

Một trong những nguyên nhân có thể giải thích cho vụ ông Sombath Somphone mất tích là do ông này đã công khai tố cáo những vụ dân làng bị cưỡng bức và bị cướp đất.
 Tại Lào, không có tự do báo chí, tự do hội họp, tự do ngôn luận. Nông dân chỉ còn cách cam chịu.

RFI : vậy trong chuyến viếng thăm lịch sử Lào lần này, liệu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có đề cập đến các vấn đề nhân quyền tại Vientiane hay không ?

Arnaud Dubus : Nhiều bức thư được các tổ chức bảo vệ nhân quyền gửi đến tổng thống Barack Obama trước khi ông lên đường công du Lào, để yêu cầu chủ nhân Nhà Trắng đề cập tới hồ sơ này.

Bản thân bà Shui Meng cũng đã chính thức kêu gọi tổng thống Mỹ lưu ý đến trường hợp của chồng bà khi hội đàm với các giới chức ở Vientiane.
Giới thân cận với tổng thống Obama có hứa là sẽ không quên vế nhân quyền, kể cả vụ ông Sombath Somphone mất tích.

Nhưng liệu rằng tổng thống Obama có công khai nhắc tới tình trạng nhân quyền tại nước Lào trong cuộc họp báo hay không, hay ông chỉ đề cập tới trong những buổi làm việc riêng với các lãnh đạo ở Vientiane ?

Trước mắt không thể trả lời câu hỏi này. Nhưng chắn chắn là các phóng viên sẽ chất vấn tổng thống Mỹ trong cuộc họp báo.

RFI : Arnaud Dubus, anh vừa mô tả Lào như một chế độ chuyên chế và chủ trương đàn áp các tiếng nói bất đồng, nhưng liệu có một sự thay đổi nào hay không trong guồng máy lãnh tạo Vientiane thưa anh ?

Arnaud Dubus : Vâng đúng như vậy. Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Lào ông Boonheuang Vorachit còn thuộc thế hệ lãnh đạo cũ, nhưng thủ tướng Thongloune Sisoulith thuộc thành phần trẻ hơn và ông hiện là nhân vật số hai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nội các Sisoulith cũng gồm nhiều bộ trưởng tương đối trẻ.

Thế hệ lãnh đạo này ý thức được là Vientiane cần cải thiện hình ảnh của mình với cộng đồng quốc tế, ít ra là để thu hút đầu tư nước ngoài, mở mang kinh tế.

Thủ tướng Sisoulith đã công khai đề cập đến một vấn đề lớn của Lào là nạn tham nhũng.
Ông cũng đã lên tiéng chống lại hiện tượng phá rừng bất hợp pháp, đánh bắt và mua bán các loài động vật quý hiếm.

Một sự thay đổi đang thực sự diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo Lào, và điều đó đang làm dấy lên hy vọng.
Nhưng giai đoạn chuyển tiếp là một công trình dài hơi. Không thể chờ đợi Lào nhanh chóng có những bước đột phá.

Switch mode views: