Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-08-2016

Trung Quốc trải thảm đỏ cho bà Suu Kyi để nắm chặt Miến Điện

kyi li

Lãnh đạo Miến Điện được Bắc Kinh trang trọng đón tiếp. Trong ảnh: bà Aung San Suu Kyi và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, 18/08/2016.
REUTERS/Jason Lee

Nhật báo Le Figaro trong bài « Trung Quốc ủng hộ bà Aung San Suu Kyi » nhận định Bắc Kinh sẽ xúc tiến cho tiến trình hòa bình giữa chính phủ Miến Điện và các nhóm nổi dậy, nhưng chủ yếu là để tân chính quyền Miến Điện không vuột khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong năm ngày qua, Trung Quốc đã trải thảm đỏ cho cố vấn Nhà nước kiêm ngoại trưởng Miến Điện. Đến thăm theo lời mời của Bắc Kinh, bà Aung San Suu Kyi đã hội đàm với ba lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc là chủ tịch Quốc hội, thủ tướng và chủ tịch nước.

Có nghĩa là rất nhiều cơ hội để bà ca ngợi tình hữu nghị gắn bó « pauk phaw » với quốc gia láng giềng khổng lồ, cho thấy « không có phát triển bền vững nếu không có hòa bình ».

Chuyến công du này quan trọng cho cả đôi bên. Nắm quyền từ mùa xuân năm nay, bà trông cậy vào sự ủng hộ của chế độ Bắc Kinh trong công cuộc đoàn kết quốc gia, vãn hồi hòa bình – mục tiêu quan trọng nhất của bà.

Từ khi Miến Điện giành độc lập năm 1948, các nhóm nổi dậy vũ trang có tiếng là gần gũi với chính quyền cộng sản Trung Quốc, luôn chống đối quân đội chính phủ.

 Lãnh đạo Miến Điện có thể cảm ơn Bắc Kinh đã gây áp lực trên nhiều nhóm để họ chịu tham gia hội nghị hòa giải lịch sử ngày 31/8 tới.
Hôm thứ Sáu, ông Tập Cận Bình đã khẳng định muốn « đóng một vai trò xây dựng nhằm xúc tiến tiến trình hòa bình ».

Đối với Trung Quốc, nhiều nhà quan sát ghi nhận, đây là nhằm đảm bảo cho Miến Điện không thoát khỏi vùng ảnh hưởng của mình. Từ nay nắm trọn quyền lực, thần tượng đấu tranh dân chủ có nguy cơ xích lại gần các cường quốc phương Tây.

Nhưng chuyến đi kết thúc hôm qua cho thấy bà Aung San Suu Kyi đã coi trọng quan hệ với Bắc Kinh như thế nào.
Bà không hề chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền, tỏ ra trung lập trong tranh chấp Biển Đông.
 Hơn nữa, bà dành chuyến công du đầu tiên bên ngoài Đông Nam Á cho Trung Quốc, còn Hoa Kỳ thì để đến tháng Chín.

Trên lãnh vực kinh tế, để giảm áp trong hồ sơ đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ đô la bị chính quyền ông Thein Sein cho ngưng lại do dân chúng chống đối vì tác hại đến môi trường, trước chuyến công du này bà Aung San Suu Kyi đã cho thành lập một ủy ban nghiên cứu giải quyết.

Sáng kiến này được Trung Quốc hoan nghênh, nhưng ít có nhà quan sát nào cho rằng dự án sẽ được tiếp tục, mà có lẽ Miến Điện sẽ tính đến việc bồi thường.

Lính Trung Quốc đánh thuê cho quân nổi dậy Miến Điện ?

Cũng về chủ đề quan hệ Miến Điện-Trung Quốc, chuyên gia Tôn Vân (Yun Sun) của Centre Stimson tại Washington trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Monde có cùng nhận định « Bắc Kinh sẽ hỗ trợ tiến trình hòa giải Miến Điện ».

Sau khi xích lại gần phương Tây, Miến Điện chăm chút cho quan hệ với nước láng giềng hùng mạnh, vì Trung Quốc đang nắm trong tay chiếc chìa khóa về các nhóm thiểu số nổi dậy.

Bà Tôn Vân - đã từng đến gặp quân đội Wa (UWSA) hồi tháng Bảy – cho biết bà không thấy các trực thăng chiến đấu Trung Quốc như tạp chí Jane’s Defense Weekly đã nêu, nhưng thấy UWSA có cơ xưởng sản xuất vũ khí riêng.
Họ cũng tuyển mộ cả lính đánh thuê Trung Quốc, trả lương cao - bà cũng đã trực tiếp nói chuyện với những người này.

Chuyên gia này cho rằng một hội nghị Panglong sắp tới với các phe nổi dậy không thể giải quyết được lập tức mọi vấn đề, hòa bình không thể có ngay.
Các nhóm thiểu số đã quản lý lãnh địa của họ từ nhiều thập kỷ qua, tha hồ buôn lậu đủ loại tài nguyên, mang lại thu nhập rất lớn nên họ không có lợi lộc gì khi thỏa hiệp với chính quyền. Tiến trình sẽ còn kéo dài.

Bắc Kinh đã hết sức cố gắng để thuyết phục nhóm thiểu số Wa (Ngõa Bang) tham gia hội nghị - đây là một đóng góp cụ thể của Trung Quốc, gởi một đặc sứ đi dự hội nghị thượng đỉnh liên sắc tộc do nhóm Kachin tổ chức cuối tháng Bảy, và bí mật cấp 3 triệu đô la cho chính quyền Miến Điện để hỗ trợ tiến trình hòa bình.

Theo nhà phân tích, Trung Quốc có khu vực biên giới với Miến Điện an toàn, không muốn chiến sự xảy ra.
 Nhưng đặc biệt là « Con đường tơ lụa mới » - mô hình đắc ý của Tập Cận Bình, chạy xuyên qua châu Á nối với phần còn lại của thế giới - đi qua các vùng đất bất ổn là bang Rakhine và bang Shan.
 Trung Quốc đã nhắn nhủ với các nhóm nổi dậy trong khu vực này là nếu đụng đến cơ sở hạ tầng của dự án sẽ là tự sát.

Phong trào nhạc rop độc lập đang hấp hối tại Bắc Kinh

Trên lãnh vực văn hóa ở Trung Quốc, Le Figaro chú ý đến tình trạng « Bị chính quyền trấn áp, phong trào nhạc rock độc lập đang hấp hối tại Bắc Kinh ».
Các vụ cấm các nhóm trình diễn, đóng cửa các câu lạc bộ chơi nhạc live liên tục diễn ra, đe dọa vị trí thủ đô văn hóa mà Bắc Kinh đang mơ đến.

Thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh nêu ra trường hợp nhóm nhạc hip-hop IN3. Năm ngoái, nhóm này là mục tiêu chính bị một chỉ thị của bộ Văn hóa chiếu cố : cấm 120 bài hát.
Trong khi mức độ dữ dội, tính phản kháng trong lời các bản nhạc của IN3 không thể nào so sánh được với các nhóm rap Mỹ hay Pháp.
Nhóm tránh mọi chỉ trích các lãnh đạo Trung Quốc, nhưng chế độ không hề ưa chất xã hội trong lời hát, mô tả cuộc sống thường nhật của giới trẻ Bắc Kinh.

Bài Beijing Evening News đứng thứ ba trong danh sách bị cấm thuật lại những chuyến dạo chơi ban đêm ở thủ đô Trung Quốc, với những cuộc đua xe mà người cầm lái say rượu, tán gái, đánh nhau với các chủ quán bar…
Nhưng nhất là nói về những bất công và bất bình đẳng. « Một số người ngủ trong hầm xe điện ngầm, trong khi những kẻ khác phung phí tiền công quỹ cho những bữa tiệc linh đình ».

Chủ câu lạc bộ Mao Livehouse đã bị đóng cửa cho rằng, Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội sử dụng quyền lực mềm, dùng văn hóa để cải thiện hình ảnh của đất nước.

Ấn Độ : Người khổng lồ dân số, chú lùn thế vận

Cũng liên quan đến châu Á nhưng trên lãnh vực thể thao, Le Monde nhận định « Ấn Độ : Người khổng lồ dân số, chú lùn Olympic ».
Đất nước có dân số đông thứ nhì thế giới từ năm 1900 đến nay chỉ giành được có 28 huy chương thế vận, trong đó có 2 huy chương tại Rio lần này.

Tại Ấn Độ, người ta chỉ chú ý đến các vận động viên khi nào họ lọt vào vòng bán kết hay chung kết.
Giáo dục được đặt lên trên hết, thể thao chỉ là thứ yếu, trong lúc hãy còn nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Môn thể thao được yêu thích nhất tại Ấn Độ là cricket thì từ một thế kỷ qua đã biến mất khỏi chương trình thi đấu thế vận.

Trong hơn 100 năm tham gia Olympic, tổng số huy chương mang về chỉ vỏn vẹn có 9 vàng, 7 bạc và 12 đồng.
Để gia tăng cơ may, lần này Ấn Độ gởi sang Rio de Janeiro đến 123 vận động viên, nhưng tất cả đều bằng vé hạng tiết kiệm.

Người Anh đã « mua huy chương vàng » như thế nào ?

Nhìn sang Luân Đôn, Le Monde giải thích « Người Anh đã mua ‘vàng’ như thế nào ». Quốc gia đứng thứ nhì trong bảng tổng sắp huy chương đã tăng gấp năm lần ngân sách dành cho thể thao.

Bí mật thành công made in Britain là gì ? « Rất đơn giản, đó là tiền » - Steve Haake, giám đốc Advanced Wellbeing Research Centre của trường đại học Sheffield Hallam trả lời ngay.

Từ hai chục năm qua, Anh quốc ồ ạt đầu tư vào thể thao đỉnh cao : 274 triệu bảng Anh (316 triệu euro) chỉ trong vòng bốn năm nay.

Để rửa nỗi nhục xếp tận hạng 37 trong Thế vận hội Atlanta 1996 chỉ với một huy chương, thủ tướng lúc đó là John Major ra lệnh dành một số lớn tiền từ National Lottery (xổ số quốc gia) đầu tư cho thể thao.
 Kết quả thấy ngay : Anh ngoi lên hạng 10 trong Thế vận hội Sydney 2000.

Khi Luân Đôn được chọn làm thành phố thế vận năm 2012, tốc độ đã được đẩy nhanh hơn ngay từ năm 2007.
Tài chính bỗng chốc được tăng lên gấp ba, nhưng không dành cho nghiệp dư mà tập trung cho chuyên nghiệp, mỗi bộ môn được ấn định chỉ tiêu cụ thể.
Thế là Anh quốc leo lên hàng thứ 4 tại Olympic Bắc Kinh 2008 và bốn năm sau đó trên sân nhà đã đạt kỷ lục 65 huy chương.

Với Olympic Rio 2016, trái với nhiều nước đã buông tay sau khi Thế vận hội được tổ chức tại nước mình đã trôi qua, Anh vẫn tăng 3% hỗ trợ tài chính, nhưng tập trung vào mục tiêu : chỉ có 20 bộ môn nhiều hy vọng nhất là nhận được.

Tiền được tuôn như nước giúp các vận động viên đỉnh cao chuyên tâm vào tập luyện. Những người xuất sắc nhất được lãnh đến 28.000 bảng Anh (32.000 euro) một năm, chưa kể số tiền liên đoàn nhận được để chi cho huấn luyện viên và thiết bị.

Cánh tả Pháp tan tác : Hồ sơ chính nhiều tờ báo

Trên lãnh vực chính trị nước Pháp, Libération đưa tựa trang nhất « Hamon, Duflot, Montebourg…Cánh tả tan rã ».

Còn tám tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống, những chính khách hàng đầu của cánh tả mạnh ai nấy hành động để đạt được mục đích.
 Với tuyên bố ứng cử của ông Arnaud Montebourg hôm qua, nay đã có đến tám ứng viên cánh tả ra tranh cử.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa trang nhất « Montebourg, Duflot, Hamon…Tất cả đều chống lại Hollande ».
Tổng thống sắp mãn nhiệm ngày càng bị bao vây bởi nhiều ứng cử viên hơn, và tất cả đều chỉ trích mạnh mẽ chính sách và kết quả của nhiệm kỳ ông François Hollande.

Về kinh tế, La Croix quan tâm đến tình hình căng thẳng giữa các nhà chăn nuôi và giới kỹ nghệ xung quanh giá sữa, trong bối cảnh sản xuất thừa trên thế giới, với hồ sơ mang tên « Sản phẩm từ sữa, lý do của cuộc khủng hoảng ».

Les Echos nhận định « Thuế : Vòng đấu cuối của ông François Hollande ».
Lời hứa không tăng thuế của tổng thống Pháp có vẻ khó thực hiện khi tăng trưởng dậm chân tại chỗ, và ông Hollande chỉ còn 100 ngày nữa để khẳng định việc tái ứng cử hay không.

Le Monde nói về « Những cuộc cách mạng của thị trường xe hơi thế giới » : Kỹ nghệ xe hơi đang chuyển đổi vô cùng nhanh chóng, với những thay đổi trong công nghệ và tiến triển của việc sử dụng.

 Sản xuất xe hơi tự hành tăng nhanh, cạnh tranh về động cơ điện tăng cao, bên cạnh đó các công ty truyền thống còn đầu tư vào thị trường mới, trước khuynh hướng dùng chung xe đang lan rộng.


Switch mode views: