Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-06-2016

 Châu Âu cũng « xoay trục » sang châu Á ?

Jean-Yves Le Drian
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 05/06/2016.
REUTERS/Edgar Su

The Economist số ra tuần này trong bài « Lục địa bị mất » nhận định, châu Âu đang lúng túng tìm kiếm một chiến lược an ninh đối với Á châu.

Tờ báo viết, trước những căng thẳng trên Biển Đông gần đây do Trung Quốc gây ra, khi người Mỹ gởi một nhóm tàu sân bay tác chiến đến và những tàu ngầm của Bắc Kinh lẳng lặng đi qua các căn cứ Mỹ, Liên hiệp Châu Âu (EU) cũng cao giọng chỉ trích…nhưng rốt cuộc chỉ phản ứng bằng cách ra thông cáo.

Từ nhiều năm qua, trong nhiều hội nghị và vô số tài liệu, Châu Âu vẫn bị than phiền là không quan tâm đến vấn đề an ninh Châu Á.

So với kích thước, sức mạnh và mối quan hệ với châu lục này, kể cả việc bán vũ khí, người ta hy vọng EU sẽ đóng vai trò lớn hơn trong an ninh quốc phòng ở Châu Á.
Nhưng không rõ là EU có sẵn lòng vào cuộc hay không.

Tại Đối thoại An ninh thường niên Shangri-La tại Singapore năm ngoái, người đứng đầu ngành ngoại giao EU là bà Federica Mogherini đã yêu cầu đừng coi EU chỉ là một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn.

Bà nhấn mạnh, Liên hiệp Châu Âu cũng là « một cộng đồng về chính sách ngoại giao, tham gia vào an ninh và quốc phòng ».
Các nhà ngoại giao Châu Âu thích khoe thành công của chiến dịch Atlanta, khi từ năm 1988, Hải quân Châu Âu đã giúp bảo vệ các tàu đi qua vùng Sừng Châu Phi khỏi tay hải tặc.

Cho đến nay, đó vẫn là một trường hợp cá biệt. Nhưng tại Đối thoại Shangri-La đầu tháng này, bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đề nghị Châu Âu đóng một vai trò trước mối quan ngại lớn nhất trong khu vực : tình trạng căng thẳng do sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ông Le Drian đề xuất rằng các chiến hạm Châu Âu « phối hợp với nhau để đảm bảo sự hiện diện càng thường xuyên và rõ rệt càng tốt, tại các vùng biển Châu Á ».
Tuy nhiên The Economist cho rằng, nếu bộ trưởng Pháp tham khảo các đồng nhiệm Châu Âu khác trước khi phát biểu thì sẽ thuyết phục hơn, kẻo chỉ trở thành lời nói suông.

Tại Đông Nam Á, các nước thuộc địa cũ của Châu Âu coi những cổ vũ về nhân quyền từ EU như lời lẽ mị dân, coi Châu Âu là một lục địa đang đi xuống với các khủng hoảng kinh tế, nạn nhập cư ồ ạt và nguy cơ Brexit. Châu Âu quá bận bịu với những nỗi lo của chính mình để có thể quan tâm đến một Châu Á đang trỗi dậy.

Liên hiệp Châu Âu lại còn vắng mặt trong hai cơ chế quan trọng đối với ASEAN : Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Ngoài mười nước ASEAN còn có tám nước khác trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, nhưng không có EU.

Bắc Kinh sẽ dụ dỗ, mua chuộc để Châu Âu không can dự ?

Sự hiện diện quân sự khiêm tốn của EU tại Châu Á lại không nhân danh Liên hiệp, mà là của hai quốc gia thành viên.
Pháp có 8.000 binh sĩ tại đây để bảo vệ các lãnh thổ ở Ân Độ Dương và Thái Bình Dương, còn Anh duy trì đội quân trú phòng Gurkha ở Brunei và một số cơ sở ở Singapore.

Một bộ trưởng Quốc phòng khác của Châu Âu phát biểu tại Shangri-La là Michael Fallon của Anh, đã không nêu vai trò của EU về an ninh Châu Á, mà bày tỏ sự tự hào về « tổ chức quốc phòng đa phương duy nhất ở Đông Nam Á ».

 Đó là Five Power Defence Arrangements (FPPA), một loạt thỏa thuận quốc phòng giữa Anh, Úc, New Zealand, Malaysia, Singapore ký năm 1971, theo đó năm nước sẽ tham vấn khi hai thành viên Châu Á của FPPA bị tấn công.
Một điểm khác bị Châu Á phàn nàn là EU bị chia rẽ, không thể nào có tiếng nói chung.

Các nhà ngoại giao ASEAN nói đùa là Anh quốc với quyết tâm trở thành « người bạn tốt nhất của Trung Quốc tại Châu Âu », có thể nghe lời Bắc Kinh để cản trở sự đồng thuận của EU, cũng như những nước nhỏ như Lào và Cam Bốt thỉnh thoảng làm như vậy với ASEAN.

Chẳng hạn ngay trong tuần này, ASEAN đã bối rối rút lại một tuyên bố của các ngoại trưởng chỉ trích sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Tương tự, một số quan chức EU lo ngại tiền bạc và những ưu đãi từ Bắc Kinh dành cho một số thành viên Đông Âu của Liên hiệp, có thể khiến các tuyên bố cứng rằn sẽ trở nên thiếu cương quyết hơn trong tương lai.

Trung Quốc sẽ tìm cách khuyến dụ EU rời xa chính sách Châu Á của Mỹ, và khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ EU, như đã làm với ASEAN.
Một tài liệu mới của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Luân Đôn, cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La đã phê phán sự cạnh tranh giữa các thành viên EU để giành ưu đãi thương mại của Bắc Kinh.

The Economist kết luận, sự hiện diện quân sự của Châu Âu tại Biển Đông sẽ chứng tỏ điều quan trọng không phải chỉ là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là tương lai của một hệ thống toàn cầu dựa trên luật pháp.
Châu Âu đang quên rằng Châu Á cũng cần mình như EU cần đến Châu Á.

Bye bye Anh quốc ?

Cũng tại Châu Âu, « Brexit » đang là vấn đề nóng hổi, khi đã gần đến 23/06/2016, ngày trưng cầu dân ý về việc Anh ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), thường được gọi tắt là « Brexit » (từ ghép ‘‘Britain’’ và ‘‘exit’’).

Tuần báo Courrier International dành hẳn 20 trang cho « Brexit », với dòng chữ lớn trên trang bìa « Bye bye Britain ? », và tấm ảnh một cascadeur hóa trang thành nữ hoàng Anh Elisabeth II nhảy dù xuống buổi lễ khai mạc Thế vận hội Luân Đôn 2012.
Tờ báo Anh The Economist nói rõ quan điểm khi chạy tựa « Chia rẽ, chúng ta sẽ chết », với tấm ảnh hai lá cờ châu Âu và Anh quốc quấn chặt lấy nhau.

Hồ sơ của Courrier International trích dịch các bài viết trên nhiều tờ báo, dành đất cho cả hai phe ủng hộ và chống đối sự kiện lịch sử, diễn ra vào lúc Liên hiệp Châu Âu đang yếu đi hơn bao giờ hết.

Daily Mirror, tờ báo bình dân duy nhất thuộc cánh tả giận dữ cho biết « Những người muốn ra khỏi EU đã lừa dối bạn ».
Con số họ nêu ra : 350 triệu bảng Anh (447 triệu euro) mỗi tuần mà Luân Đôn phải chi cho Bruxelles, là dối trá.
 Con số tờ báo này đưa ra là 120 triệu bảng, tính ra chỉ có 26 penny mỗi ngày, bằng giá một gói khoai tây chiên ăn vặt.
Đổi lại, Anh được hưởng vô số lợi ích kinh tế, có được trọng lượng về chính trị, và sự an ninh.

Ngược lại, The Sun, tờ báo lá cải có số phát hành lớn nhất nước Anh cho rằng « EU là ung thư giai đoạn cuối ».
Khối u này đã di căn, biến thành một siêu Nhà nước hành chính kỹ thuật số, chẳng mang lại cả thịnh vượng, an ninh lẫn tự do.

Trên Daily Telegraph, ông Tim Cross, tổng tham mưu trưởng quân đội Anh quả quyết rằng tự thân Anh quốc hiện có nhiều lợi thế, không việc gì phải giao phó tương lai của mình cho Bruxelles.
 Vị tướng này kết luận, cũng như Titanic, EU sắp chìm đắm và như vậy phải rời con tàu khi mà còn có thể thoát ra được.

Đi hay ở ?

Trong bài « Should I stay or should I go ? »,Le Courrier International lược qua những lãnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất đối với người Anh, một khi Anh quốc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu.

Trước hết về nông nghiệp, theo The Guardian, nông dân Anh sẽ bị mất trợ cấp của EU – năm 2015 lên đến 3,8 tỉ euro.
 Có 73 mặt hàng thực phẩm có thể bị mất chứng nhận chất lượng EU.
Lãnh vực nghiên cứu cũng mất 1,2 tỉ euro trợ cấp của EU, theo Digital Science.

Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, đi du lịch Châu Âu sẽ phải tốn thêm 292 euro, còn theo bộ Tài chính, mỗi hộ gia đình sẽ bị thiệt trung bình 5.390 euro từ nay đến năm 2030.

Về mặt công ăn việc làm, khoảng 1.200 người Anh làm việc cho Ủy ban Châu Âu sẽ bị mất việc (nguồn : The Conversation), và nhìn chung, từ nay đến 2020 có đến 950.000 người Anh bị thất nghiệp (theo nghiệp đoàn giới chủ CBI).

Ngược lại, phe ủng hộ ra khỏi EU cho rằng Anh sẽ giữ được chủ quyền một khi EU trở thành một Liên hiệp chặt chẽ hơn.
Về pháp luật, Anh sẽ chủ động hơn, vì hiện nay 50% luật lệ ở Anh là từ quy định của EU.

Và do Tòa án Công lý Châu Âu ngăn trở các thẩm phán Anh trục xuất các tội phạm nguy hiểm sang các nước thành viên khác, « 5.789 tên sát nhân và các tội phạm khác từ khắp Châu Âu đang lảng vảng trên các đường phố của chúng ta » - The Daily Telegraph viết.

Còn về di dân, Luân Đôn sẽ nắm lại việc kiểm soát biên giới : 1,5 triệu người nhập cư từ Châu Âu đã định cư tại Anh quốc từ năm 2004 đến 2010.

Vụ khủng bố Orlando khuấy động cuộc đua Trump-Clinton

Các vụ khủng bố Hồi giáo vừa xảy ra ở Orlando (Hoa Kỳ) và Magnanville (Pháp) cũng là đề tài lớn tuần này.
Trang bìa tuần san L’Obs đăng hình những bóng đen với lá cờ nhiều màu của người đồng tính, với hàng tựa « Những mục tiêu mới của Daech ».

Tuần báo Le Point chú ý đến « Người giữ những chiếc chìa khóa của Hồi giáo » - tựa trên trang nhất, bên trong là bài phỏng vấn độc quyền giáo chủ Al Azhar ở Ai Cập, về tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Chỉ có L’Express đăng chân dung bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron, ngôi sao đang lên, được coi là ứng viên tiềm năng cho kỳ bầu cử tổng thống 2017, với dòng tựa « Ai muốn làm hại ông ấy ? »

Riêng về vụ thảm sát mới đây tại một câu lạc bộ người đồng tính ở Orlando, Mỹ, tuần san L’Obs nhận định « Vụ Orlando khuấy động cuộc song đấu giữa Trump và Clinton ».

Ông Donald Trump khoe rằng mình đã có lý, cho đây là hậu quả của nạn nhập cư bất hợp pháp, thậm chí còn đổ trách nhiệm trực tiếp cho tổng thống Barack Obama.

Nhà tỉ phú luôn vượt lên trên bà Hillary Clinton 10 điểm trong các cuộc thăm dò, về khả năng đấu tranh chống khủng bố, nên chỉ cần nhấn mạnh khía cạnh « Hồi giáo cực đoan » là đã có thể thu phục được 60% người Mỹ.

Ông tố cáo tất cả những người Hồi giáo nhập cư, trong khi sát thủ Omar Mateen sinh ra ở cùng thành phố New York quê ông, từ năm 1986 !

Tờ báo cho rằng một lần nữa ông Trump đã lẫn lộn giữa chiến dịch tranh cử sơ bộ - khi những lời lẽ hùng hồn khơi dậy nhiệt tình trong đám đông, với chiến dịch tranh cử tổng thống – nếu không biết kềm chế trong trạng huống bi thảm như vậy, có thể bị cho là không có đủ phẩm chất của một nguyên thủ.

Khi Moussoul và Raqqa thất thủ, Daech sẽ sụp đổ theo

Chuyên gia về đạo Hồi, Gilles Kepel trong bài trả lời phỏng vấn của tuần san L’Obs, cho rằng « Chủ nghĩa khủng bố sẽ làm Daech yếu dần đi ».

Theo chuyên gia này, khủng bố là con dao hai lưỡi. Ông nhắc lại trường hợp Nhóm Hồi giáo Vũ trang (GIA) ở Algérie năm 1997, dân chúng đã phản ứng trước những vụ khủng bố của tổ chức này.

 Các vụ thảm sát ngày 13 tháng 11 ở Paris và ngày 22 tháng Ba ở Bruxelles đã góp phần làm cô lập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech).
 Và nếu tổ chức này tiếp tục cổ vũ khủng bố, thì cần phải duy trì cho được một lãnh thổ, tức « Nhà nước Hồi giáo ».

Hiện nay Daech còn giữ được đất vì còn phục vụ được cho một số thế lực trong khu vực. Nhưng đến một ngày, khi hai thành phố Mossoul và Raqqa thất thủ, thì huyền thoại về một « Nhà nước Hồi giáo » không tưởng mà người ta nhìn thấy trong các video, sẽ sụp đổ theo – tuy vẫn có thể tồn tại một « Nhà nước Hồi giáo » trên mạng ảo.

 

Switch mode views: