Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-05-2016

 Donald Trump tiếp tục làm phe nhà hốt hoảng

election-trump 8


Ứng viên Donald Trump vận động cho bầu cử sơ bộ tại Eugene, bang Oregon, ngày 06/05/2016.
REUTERS/Jim Urquhart

Nữ tổng thống Brazil bị ngưng chức. Phe tả Nam Mỹ thất bại. Tại Hoa Kỳ ứng cử viên Donald Trump "hoà giải" với đảng Cộng hoà.

Tham ô, cội nguồn của bất ổn định chính trị. Châu Á, vô địch ô nhiễm không khí. Đó là những chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay.

Theo Le Figaro, sau khi đánh bại tất cả đối thủ trong đảng Cộng hoà, Donald Trump tìm cách "hòa giải" với thành phần cột trụ của phe bảo thủ.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan "ngậm bồ hòn làm ngọt" tuyên bố tay trong tay với Donald Trump để cản đường Hilary Clinton vì "trong lịch sử đảng, Donald Trump là ứng cử viên duy nhất giành được nhiều phiếu nhất trong vòng bầu sơ bộ".

Câu hỏi then chốt là liệu nhà tỷ phú địa ốc có thật tâm bỏ tật tuyên bố bốc đồng cấm người Hồi giáo sang Mỹ, trục xuất 11 triệu di dân Mêhicô ?
Chủ tịch Hạ viện từ chối trả lời các câu hỏi này của báo chí sau khi ông gặp Donald Trump để gọi là "làm dịu bất đồng".

Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos nhận định từ nợ công của chính phủ cho đến thuế thu nhập của nhà giàu, Donald Trump tiếp tục đưa ra nhiều quan điểm làm đảng Cộng hoà "hốt hoảng":  « sẵn sàng tăng thuế người giàu vì người giàu sẵn sàng đóng thuế ».

Ông Donald Trump tuyên bố như trên hôm chủ nhật trước khi nói ngược lại vài giờ sau. Về nợ, ông nói "cứ vay đi vì chúng ta có thế thương lượng với chủ nợ khi kinh tế Mỹ có vấn đề".

Hoảng hốt vì thái độ "ngược đời" của nhân vật từ nay sẽ đại diện cho đảng, chủ tịch Hạ viện tuyên bố là "chưa sẵn sàng" ủng hộ Donald Trump.
Sau cuộc gặp gỡ hôm thứ năm, ông cho biết "không thể san bằng những bất đồng sâu sắc trong 45 phút" và "con đường kết hợp mất nhiều thời gian".

Còn theo Le Monde, khác biệt giữa nhà tỷ phú hai lần ly dị, tóc nhuộm màu bạch kim, da ngâm đen bằng đèn tử ngoại và đảng Cộng hoà không giới hạn ở quan điểm kinh tế hay chính trị.
Khác biệt cơ bản là Trump muốn đuổi Chúa trời ra khỏi đảng. Từ thập niên 1990, đảng Cộng hoà hãnh diện là đại diện của niềm tin tôn giáo và giá trị đạo đức.

Những vị dân cử của đảng cầu nguyện công khai. Ứng cử viên tuyên bố mình là người có đạo.
Trong khi đó thì nhà tỷ phú Donald Trump đi đến sòng bài nhiều hơn là đi lễ nhà thờ. Nếu có "thiền định" thì "thiền" ở sân gôn.
Ngoài ra không ai biết niềm tin tôn giáo của ông như thế nào. Vậy mà ông thắng hết các đối thủ.

Ông thắng một phần là nhờ thông điệp chống tự do hóa thương mại. Nội dung này thu hút thành phần cử tri trung lưu trong đảng Cộng hòa.

Thượng đế đã bị Trump đẩy ra khỏi cuộc tranh luận chính trị. Nhà bình luận Edouardo Porter của New York Times nhận định : tôn giáo đã nhường chỗ cho xu hướng mị dân lồng trong chủ nghĩa dân tộc và tâm lý bất bình của tầng lớp lao động.

Châu Mỹ la tinh : cánh tả thất bại nhưng xã hội công dân lớn mạnh

Le Monde dành hai trang để phân tích tình hình bất trắc của cường quốc kinh tế lớn nhất châu Mỹ la tinh : Rousseff bị "treo giò", Brazil rơi vào vô định, muôn ngàn thách thức chờ đợi tân tổng thống Michel Tremer.

 Theo giới phân tích, hệ thống chính trị của Brazil không thể sinh tồn, đất nước lâm vào ngõ cụt từ chính trị, kinh tế cho đến đạo đức.

Dilma Roussef là sản phẩm của Lula, cũng như Vladimir Putin và Dimitri Medvedev của Nga. Bà không thoát ra được ảnh hưởng của người tiền nhiệm bị mang tiếng tham ô.

Tân tổng thống Michel Tremer có phải là nhân vật của tình thế hay không ?
75 tuổi, ba lần làm chủ tịch quốc hội, nhà chính trị lão luyện này cũng đang nằm trong tầm nhắm của tư pháp vì tai tiếng tham ô.

Brazil, vì sao nên nổi ? Để trả lời cho lời than thống thiết của cựu tổng thống Lula, nhật báo cánh tả Libération đưa ra hai nhận định : Một là cuộc "đảo chính" tổng thống Dilma Rousseff là hệ quả của khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị và thủ đoạn độc hiểm của chính trường.

Không phải chỉ có đảng Lao động của bà Rousseff đã vi phạm luật chơi dân chủ vì "hút tiền" của các công ty nhà nước.
Điều nghịch lý là chính dưới thời tổng thống Rousseff, cảnh sát và tư pháp Brazil lại được nhiều tự do hơn để điều tra các hành vi tham ô này.

 Chính vì lo sợ tư pháp "sờ gáy" mà các đối thủ của bà nhanh chóng ra tay để kiểm soát các cơ quan điều tra tham nhũng.

Nhận định thứ hai là cánh tả châu Mỹ la tinh đã đánh mất niềm tin trong dân chúng.
Trong bài Cảnh tả cầm quyền, châu Mỹ (la tinh) đo ván, Libération đưa ra bốn nguyên nhân dẫn đến thất bại của các chính phủ xã hội ở Nam Mỹ như Achentina, Brazil, Venezuela, Ecuador : đó là nguyên liệu và nhiên liệu mất giá, thiếu đầu tư, người thừa kế thiếu bản lãnh và cuối cùng là hiện tượng tự nhiên, sau một thời gian dài cầm quyền, cạn kiệt sáng kiến, người dân muốn thay đổi như ở phương Tây, hết tả thì phải đến hữu cầm quyền.

Tuy nhiên, Libération không phủ nhận công lao phe tả.
Qua những cuộc tranh đấu của nông dân không ruộng cày, của phong trào bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi của các sắc dân thiểu số, phong trào xã hội công dân tại Nam Mỹ đã chứng tỏ sinh lực dồi dào và tính chiến đấu rất mạnh, điều mà nhiều tổ chức chính trị thiếu vắng.

Ô nhiễm khí trời và tham nhũng, hai đại nạn của con người

Cũng trên trang nhất và toàn bộ một trang trong, Le Monde tóm lại bản báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới về nạn ô nhiễm không khí ở các thành phố trên 100.000 dân.
Các nước vùng Vịnh, Ấn độ, Bangladesh, Afghanistan và Trung Quốc là những nơi không khí chứa nhiều hạt tử gấp từ 10 đến 25 lần hơn giới hạn cho phép.

Trong năm 2012, hơn 3,7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí gây bệnh ung thư hay làm nghẹt thở. Ở Pháp, không khí trên bầu trời Paris cũng ô nhiễm vì bụi hóa chất diệt sâu không thua gì ở nông thôn do gió mang về.

Nhưng còn một đại nạn khác cần phải dọn sạch. Đó là trọng tâm của Thượng đỉnh chống tham nhũng khai mạc tại Anh Quốc ngày thứ năm 12/05 với hơn 50 nước tham gia.

Theo Les Echos, dưới áp lực của Liên Hiệp Quốc và công luận, Luân Đôn bắt đầu dọn dẹp "các thiên đường thuế" của Anh sau vụ tai tiếng Panama Papers.
Còn nhật báo Công giáo La Croix, trong bài xã luận Kẻ thù tham nhũng, có cho rằng không một quốc gia nào tránh được tham ô, do vậy phải khẩn cấp hợp tác bài trừ.

Tệ nạn tham nhũng là cội nguồn của tình trạng bất ổn chính trị tại Brazil. Người ta có thể tiếp tục kể tên hàng loạt nước khác một cách dễ dàng…

David Cameron thông báo chính sách chống "rửa tiền", Ngoại trưởng Mỹ gọi tham ô là "kẻ thù nguy hiểm không thua gì thánh chiến cực đoan khủng bố mà chúng ta đang chiến đấu chống lại".
La Croix kêu gọi chính phủ Pháp cũng phải tự đặt trong "tình trạng khẩn cấp" trong cuộc chiến diệt tham ô như là diệt khủng bố.

Switch mode views: