Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-05-2016
- Thứ Hai, 02 tháng Năm năm 2016 19:23
- Tác Giả: Thu Hằng
Delaware, thiên đường thuế giữa lòng nước Mỹ
Ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton vận động tranh cử tại Wilmington, bang Delaware (Mỹ), nơi bà sở hữu một công ty, ngày 25/04/2016.
REUTERS/Dominick Reuter
Bang Delaware, Hoa Kỳ, là một trong những thiên đường thuế nổi tiếng nhất thế giới để thành lập một công ty bình phong.
Theo đặc phái viên của nhật báo kinh tế Les Echos, Delaware còn thoát được những quy định được áp dụng cho những thiên đường thuế mới.
Bang Delaware nằm giữa New York và Washington, với số dân là 950.000 người, nhưng có tới hơn 1,2 triệu công ty đăng ký kinh doanh. Hoạt động tại đây không ngừng tăng.
Năm 2015 có khoảng 180.000 công ty mới, trung bình mỗi ngày có 500 công ty ra đời !
Hầu hết các tập đoàn mạnh nhất nước Mỹ đều có « một hộp thư » tại thiên đường này, từ lĩnh vực công nghệ như Apple, Google đến ngân hàng như Bank of America, JP Morgan hay những thương hiệu nổi tiếng thế giới như Coca-Cola, Ford, General Electric, Wal-Mart…
Thậm chí, hai đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng Donald Trump (đảng Cộng Hòa) và Hillary Clinton (đảng Dân Chủ) cũng có công ty tại Delaware.
Bà Hillary Clinton mở công ty chỉ vài ngày sau khi rời chính phủ của tổng thống Obama để giữ nhiều triệu đô la tiền thù lao từ các cuộc diễn thuyết.
Còn tỷ phú Trump mở công ty để « điều hành » hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trên thực tế, tất cả những công ty này không hề có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, trừ mỗi địa chỉ. Delaware biến trốn thuế và bí mật tuyệt đối thành vũ khí kinh doanh lợi hại.
Theo giáo sư chuyên ngành thuế Brad Lindsey, người chịu trách nhiệm viết báo cáo về hoạt động tại Delaware, thiên đường thuế kiểu Mỹ này « là sự pha trộn của ba điểm : thuế thấp, hệ thống luật pháp thuận lợi cho các doanh nghiệp và đảm bảo giữ bí mật ».
Chế độ thuế khóa không phải là 0%, nhưng có lợi hơn nhiều so với những bang khác của Mỹ. Những khoản tiền lớn từ doanh thu được các công ty chuyển về Delaware khiến các bang khác thất thu khoảng 10 tỉ đô la trong vòng 10 năm.
Thực ra, Delaware sẽ không gây tai tiếng nếu hoạt động theo những chuẩn mực như trên.
Vấn đề ở chỗ Delaware cũng là nơi « cư trú » của nhiều công ty bình phong, không có mục đích nào khác ngoài rửa tiền bẩn từ các hoạt động buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí hay tham nhũng.
Do có địa chỉ công ty tại Mỹ, nên những công này có thể mở tài khoản tại bất kỳ ngân hàng nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ, và gần như khắp nơi trên thế giới.
Ngoài những công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, còn có hàng nghìn công ty trách nhiệm hữu hạn, thường là mờ ám.
Chính sách đảm bảo vô danh cho người thụ hưởng thật sự được tôn trọng đến mức thành lập một công ty tại Delaware còn dễ dàng hơn là tại các đảo Caimans hay Panama.
Thế nhưng, « tiểu quốc » Delaware lại không bị tai tiếng như hai thiên đường thuế trên, do Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) chưa bao giờ dám xếp Hoa Kỳ vào danh sách thiên đường thuế.
Đây cũng là lý do tại sao những kẻ phạm pháp nổi tiếng thế giới vẫn có công ty tại Delaware, như trùm buôn bán vũ khí người Nga Viktor Bout, hiện đang thụ án 25 năm tù, hay ông trùm ma túy Mêhicô El Chapo mới bị bắt.
Tác giả bài phóng sự kết luận, Delaware sẽ chẳng là gì nếu như không có hàng triệu công ty có « trụ sở » tại đây.
Giống như Liechtenstein tại châu Âu, đây là một « tiểu quốc » mà nền kinh tế gần như hoàn toàn dựa vào các hoạt động dành cho người không sống tại địa phương.
Riêng lệ phí trước bạ đã mang về 1,3 tỉ đô la hàng năm cho Delaware, tương đương với 1/3 ngân sách của bang.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Obama đã đưa ra nhiều tuyên bố về hoạt động kinh doanh tại Delaware, nhưng vị tổng thống sắp mãn nhiệm chưa bao giờ thật sự muốn tham gia vào cuộc chiến « làm sạch » này.
Thiên đường này có thể chưa bị chôn vùi trong nhiệm kỳ của tân tổng thống sắp được bầu vào tháng 11/2016, do cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều có công ty tại đây.
Tại sao Bắc Triều Tiên lại làm thế giới sợ ?
Do liên tục khiêu khích quân sự, cuối cùng Bắc Triều Tiên cũng tồn tại trên trường quốc tế.
Đây là nhận xét của nhà nghiên cứu Dominique Moisi, trong mục « Ý kiến » trên nhật báo kinh tế Les Echos. Liệu Bình Nhưỡng có phóng đại khả năng hạt nhân hay không ?
Liệu chế độ Kim Jong Un có phải là mối đe dọa cho các nước láng giềng và toàn thế giới ?
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc loại bỏ giả thuyết những đe dọa hạt nhân và quân sự mà Bình Nhưỡng liên tục đưa ra là do tính cách thất thường của tuổi dậy thì của nhà lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên hiện vẫn tìm cách khẳng định mình tại đất nước cũng như trên trường quốc tế.
Họ thiên về khả năng những toan tính nguy hiểm của chế độ chính trị-quân sự biến Kim Jong Un thành một con rối.
Từ khi lên nắm quyền, 70 quan chức bị hành quyết theo lệnh của nhà lãnh đạo trẻ. Đây là chiến dịch theo kiểu : « Tôi làm anh sợ, nhờ vậy tôi tồn tại ».
Bình Nhưỡng công bố có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, hay liên tục thành công trong các vụ thử vũ khí nguyên tử.
Theo tác giả bài viết, dù cộng đồng quốc tế chưa có câu trả lời chính xác cho những tuyên bố trên, nhưng cần phải tính tới các rủi ro tác động trực tiếp đến các nước láng giềng (như động đất), hay thậm chí là khả năng chế độ Kim Jong Un chuyển đầu đạn hạt nhân cho các tổ chức khủng bố.
Vậy tại sao cộng đồng quốc tế vẫn tỏ vẻ thờ ơ trước mối đe dọa này ?
Lý do chính là những tính toán chiến lược và lợi ích thật sự hay thậm chí là thiếu tầm nhìn xa. Không ai, không nước nào tỏ ra biết phải làm gì với Bắc Triều Tiên, vì không ai có tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu cần đạt được.
Syria : Máu tiếp tục đổ tại Aleppo
Aleppo trở thành mặt trận đẫm máu trong những ngày gần đây.
Thành phố lớn thứ hai của Syria không nằm trong thỏa thuận đình chiến Nga-Mỹ. Tại đây, người dân tiếp tục chết.
Trên trang nhất nhật báo Le Monde là hình ảnh một người đàn ông kêu cứu giữa đống đổ nát ở khu phố Al Kalasa với hàng tựa : « Nỗi thống khổ không hồi kết tại Aleppo ».
Theo nhật báo Le Figaro, từ hơn 10 ngày gần đây, chế độ Bachar Al Assad không ngừng oanh kích những khu phố tại Aleppo hiện đang nằm trong tay các phe nổi dậy.
Còn bài xã luận trên trang nhất của Le Figaro thì cho rằng thông qua trận địa Aleppo, một lần nữa tổng thống Nga Vladimir Putin chứng minh khả năng làm chủ cuộc chơi tại Syria và « dắt mũi » phương Tây.
Thành phố Aleppo là canh bạc quan trọng với tổng thống Nga. Nếu quân chính phủ Damas chiếm lại được thành phố chiến lược, nằm ở phía bắc và giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ, thì đây sẽ là thắng lợi giúp chế độ của tổng thống Al Assad thay đổi cục diện.
Brazil: Tuần lễ gay cấn về tương lai của Rousseff
Chỉ 10 ngày trước khi Thượng Viện Brazil bỏ phiếu thông qua thủ tục phế truất tổng thống, nhân ngày Quốc Tế Lao Động, cả tổng thống Dilma Rousseff và người tiền nghiệm Lula đã sử dụng vũ khí « tuần hành » để « kháng cự tới cùng » theo bài viết « Brazil bắt đất tuần lễ gay cấn về tương lai của tổng thống Rousseff » trên nhật báo Les Echos.
Nữ tổng thống Brazil đã huy động những người ủng hộ xuống đường tuần hành tại Sao Paolo, nhằm ngăn cản tiến trình phế truất mà bà cho là một cú đảo chính.
Thế nhưng, một đoàn tuần hành khác do nghiệp đoàn cải cách Força Sincal tổ chức và dẫn đầu là nghị sĩ đối lập Paulo Pereira da Sival tiếp tục chỉ trích là « tuyệt vọng » những biện pháp mà chính phủ hứa hẹn trong cuộc tuần hành ngày 01/05, như nâng mức trợ cấp gia đình và giảm thuế.
Biểu tình ngày 01/05 : Phong trào lắng xuống tại Pháp
Ngày 01/05 là ngày công nhân gây sức ép. Tại Pháp, lần đầu tiên hai nghiệp đoàn lớn, CGT và Force Ouvrière, cùng kêu gọi tuần hành phản đối dự luật lao động, bắt đầu được thảo luận tại Quốc Hội từ ngày 03/05.
Bài xã luận « Căng thẳng kiểu Pháp » của nhật báo công giáo La Croix nhận định các cuộc tuần hành khắp nơi trên nước Pháp diễn ra một cách êm ấm, trừ vài trường hợp đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại Paris.
Trong bài viết « Ngày 01/05, một cuộc tuần hành, hai nỗi tức giận », nhật báo Libération nêu cụ thể các cuộc xô xát xảy ra vào cuối ngày tại quảng trường Nation.
Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình cuối cùng.
Còn nhật báo Les Echos nhận định yêu cầu rút luật lao động vẫn là tâm điểm của các cuộc biểu tình hôm qua tại Pháp, song số lượng người tham gia không còn đông đảo như trước.
Vẫn theo nhật báo kinh tế, cuộc tổng động viên ngày hôm qua cũng cho thấy mối rạn nứt ngày càng nghiêm trọng giữa một bên là các nghiệp đoàn cải cách và một bên là các nghiệp đoàn phản đối.
Dự luật cải cách lao động cũng bị những thành viên trụ cột của đảng Xã Hội và một số nghị sĩ trong phe đa số phản đối. Bài báo kết luận, chắc chắn sẽ có nhiều kịch tính trong các phiên thảo luận tại Quốc Hội bắt đầu từ ngày 03/05.
Và nhiều cuộc tuần hành mới sẽ diễn ra trong đúng ngày bắt đầu thảo luận dự luật lao động El Khomri.
Kenya đốt ngà để cứu voi
Cả Le Figaro và Le Monde quan tâm tới sự kiện Kenya cho tiêu hủy khoảng 150 tấn ngà voi, chiếm 5% tổng số lượng trên thế giới.
Theo Le Monde, hàng năm trên thế giới có khoảng 30.000 con voi bị những kẻ săn trộm giết hại để lấy sừng.
Nhưng hiện nay, giá bán « vàng trắng » đang rơi tự do, chỉ còn khoảng 2.000 đô la, giảm tới 500 đô la chỉ trong vòng vài năm.
Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều ngà voi bất hợp pháp nhất để đáp ứng sở thích của người dân sở hữu những bức tượng Phật làm từ ngà voi, hay những đồ vật trang trí.
Đây chính là động cơ khiến voi châu Phi bị tàn sát một cách dã man.
Chính giữa trang nhất của Le Figaro là hình ảnh từng đống ngà voi, được xếp theo hình tháp, bốc cháy trong ngọn lửa và bên cạnh là một quân nhân cầm súng gác.
Tờ báo cho biết khoảng 150 tấn ngà voi đã bị đốt cháy vào thứ Bẩy (30/04) tại Kenya.
Đây được cho là một hành động mang tính biểu tượng cho cuộc chiến chống nạn săn bắn voi để lấy ngà và cấm buôn bán « vàng trắng ».
Tin mới
- Biển Đông : Trung Quốc tập trận quy mô, huy động cả lực lượng ở Hoàng Sa và Trường Sa - 05/05/2016 20:31
- Ông Kasich chấm dứt chiến dịch tranh cử tổng thống - 04/05/2016 20:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-05-2016 - 04/05/2016 19:00
- Bầu cử sơ bộ Mỹ : Donald Trump lại thắng lớn, Ted Cruz bỏ cuộc - 04/05/2016 18:30
- Trung Quốc dẫn đầu phong trào mua đất nông nghiệp tại các nước giầu - 04/05/2016 16:19
- Giám Mục Nguyễn Văn Long nói về vai trò tôn giáo với đất nước - 04/05/2016 01:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-05-2016 - 03/05/2016 23:46
- Bầu cử tổng thống Mỹ : Xu hướng chống hiệp định tự do mậu dịch TPP và TTIP - 03/05/2016 22:06
- Biển Đông: Trung Quốc tăng cường hiện diện, chính sách Mỹ bị hoài nghi - 03/05/2016 18:00
- Hợp đồng tàu ngầm Úc: Do đâu Nhật bị Pháp phổng tay trên - 02/05/2016 20:18
Các tin khác
- Lần đầu tiên Hàn Quốc và Iran họp thượng đỉnh - 02/05/2016 17:21
- Thông báo về tình trạng cá chết bất thường tại Miền Trung Việt Nam - 02/05/2016 01:52
- Mỹ trang bị vũ khí cho tàu ngầm Úc mua của Pháp - 02/05/2016 01:45
- Quốc Tế Lao Động : Ngày công nhân gây sức ép - 01/05/2016 23:22
- Hàng ngàn người ở Việt Nam biểu tình vì cá chết - 01/05/2016 11:04
- Giáo hoàng thăm đảo Lesbos kêu gọi đoàn kết với người tị nạn - 01/05/2016 01:26
- Bầu cử Mỹ : Biểu tình bạo động chống Donald Trump - 01/05/2016 01:13
- Hiện tượng El Nino gây khô hạn ở châu Á - 30/04/2016 22:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-04-2016 - 30/04/2016 22:16
- Câu chuyện Vũng Áng… - 30/04/2016 21:59