Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-02-2016

 Dịch Zika : WHO có phản ứng thái quá?

ZIKA-COLOMBIA OK

Muỗi Aedes Aegypti (còn gọi là muỗi vằn), vật chủ truyền virus Zika.
REUTERS/Jaime Saldarriaga

Tranh cử tổng thống vòng sơ bộ nước Mỹ, Google vượt mặt Apple trở thành công ty đắt giá nhất, với 555 tỷ đô la, là chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo.

Về thời sự trong nước, Le Figaro quan tâm đến thống kê mới cho thấy hơn 8.000 người theo Hồi giáo cực đoan tại Pháp, gấp đôi trong gần một năm.

Tín dụng bất động sản đạt kỷ lục 200 tỷ euro năm 2015 là tựa trang nhất Les Echos.
Còn Libération đưa độc giả đến với Zika, dịch bệnh mới nổi lên, với tựa đề « Đây là kẻ thù ».

Trên nền hình ảnh ngược sáng là một con muỗi khổng lồ chiếm gần nửa trang báo, với nhận định « Zika trên đường trở thành dịch lớn. Tiếp theo Ebola, H1N1, dịch Sars, các virus nối tiếp nhau, làm tăng thêm nỗi sợ và những ảo giác ».

Bài « Zika : virus tiêu biểu » của thế kỷ 21 của Libération cho biết :
« Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa virus Zika và số lượng tăng vọt các trường hợp bào thai bị teo não. (…)

Đây là lần thứ tư WHO đưa ra báo động đỏ. Cho dù virus này còn chưa gây ra trường hợp tử vong nào ».
Tờ báo nhận xét : « Rõ ràng, cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc dường như muốn làm quên đi các chỉ trích về phản ứng bị đánh giá là quá chậm trễ trước dịch Ebola.
Chẳng phải phản ứng của WHO đã chậm trễ ít nhất là sáu tháng, và Ebola đã khiến hơn 11.000 người chết, trong số gần 30.000 người bị mắc ».

Libération đưa ra một nhận xét chung rất đáng chú ý về phản ứng của WHO trước các dịch lớn trên thế giới kể từ Sida.
Theo tờ báo, Tổ chức Y Tế Thế Giới đã khi thì tỏ ra « quá mức thận trọng », khi thì « thổi phồng mức báo động đáng có ».
 Ví dụ, phản ứng đối với dịch Sars – viêm hô hấp cấp tính -, của WHO bị chỉ trích là quá rụt rè, ngược lại phản ứng trước dịch cúm gia cầm A H1N1 lại bị cho là thổi phồng.

WHO có xu hướng thổi phồng

Theo giám đốc cơ quan nghiên cứu chống SIDA Pháp, Jean-François Delfraissy (cũng là điều phối viên của chiến dịch chống Ebola), phản ứng của WHO trước dịch Zika « dường như là thái quá ».

Chuyên gia nói trên không phủ nhận dịch bệnh là có thực, nhưng theo ông, WHO nên có thái độ đúng mực, tập trung vào nhóm cư dân có khả năng bị virus gây hại chính : các phụ nữ mang thai.
Đây là là lĩnh vực rất cần đến « các khuyến cáo chính xác » của WHO.

Ra các khuyến cáo nghiêm túc là điều chủ yếu mà WHO có thể làm được : Tổ chức này không thể làm thay được công việc chống dịch của các quốc gia.

Về chủ đề này Libération có bài phỏng vấn nhà miễn dịch học Norbert Gualde, chuyên gia về các dịch bệnh trong lịch sử nhân loại, với tiêu đề « Trước các dịch bệnh, các ảo giác cũng được hiện đại hóa ».

Chuyên gia Pháp chỉ ra sự thay đổi của những hình dung về dịch bệnh thời nay, nhờ sự phát triển của khoa học, với thời Trung cổ, khi người ta gán cho dịch bệnh một nguồn gốc thần linh.
Khoa học hiện nay cho thấy phương tiện chính để kháng cự lại các dịch bệnh là tăng sức đề kháng của các cộng đồng dân cư, chủ yếu là qua việc tiêm chủng.

Virus Zika với chứng teo não : nghi vấn cần làm sáng tỏ

Bài « Tại Brazil, ám ảnh các bé sơ sinh teo não » của Libération cho biết, nguy cơ virus Zika làm teo não bào thai dấy lên cuộc tranh luận tại Brazil về hợp pháp hóa quyền nạo thai đối với các sản phụ nhiễm virus.
 Brazil là nơi mỗi năm có khoảng 1 triệu phụ nữ phải phá thai trộm.

Về nguy cơ virus Zika gây teo não, trả lời phỏng vấn Le Figaro, bác sĩ phụ khoa Bruno Schaub, phân tích : cần thận trọng trong việc khẳng định, vì trên thực tế, đến nay, mới chỉ có 6 trên tổng số 270 trường hợp bị teo não có liên quan đến virus này.

Và các nghiên cứu tại Brazil về 35 trường hợp trẻ teo não được tiến hành quá sơ sài, do vậy « không đủ độ tin cậy ».
 Bên cạnh virus Zika, một loạt các nhân tố có thể gây teo não khác, như « các virus khác, ký sinh trùng, nguyên nhân di truyền, hay ảnh hưởng của rượu… ».

Bầu cử Mỹ : Marco Rubio, đối thủ đáng sợ nhất của Hillary Clinton

Cuộc bầu cử sơ bộ của nội bộ hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa Mỹ, mở màn tại tiểu bang Iowa, diễn ra ngày 01/02/2016, là chủ đề thời sự quốc tế chính của các báo Pháp.

Xã luận Le Monde với tựa đề « Tranh cử sơ bộ Iowa : Cuộc chiến của những người chống hệ thống », nhận định : về phía hai đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, tỉ lệ phiếu bầu cao của những ứng cử viên « chống hệ thống » cho thấy « sự mất lòng tin » của một bộ phận công luận, « mà mức tăng trưởng hồi phục chút ít không thuyết phục được họ ».

Mức tăng trưởng này dường như được coi là đã không có tác động gì đến mức lương bổng và còn khiến khoảng cách bất bình đẳng gia tăng.
Bên cạnh đó là một cảm nhận chung về tình trạng suy yếu về chiến lược của Hoa Kỳ, trước đà lấn tới của khủng bố thánh chiến Hồi giáo đặc biệt tại Trung Cận Đông.

Tuy nhiên, Le Monde cũng lưu ý, tiểu bang Iowa, nơi diễn ra vòng tranh cử sơ bộ này « hoàn toàn không đại diện cho Hoa Kỳ.
 Với hơn 3 triêu cư dân, mà người da trắng chiếm đến 99%, với nghề chủ yếu là nông nghiệp ».

« Tại Hoa Kỳ, vòng sơ bộ của nỗi giận dữ », bài phân tích của Les Echos, ghi nhận hai điều nổi bật : thứ nhất là « xu hướng triệt để hóa của các đảng truyền thống » và thứ hai là « sự mất lòng tin ngày càng nổi rõ của cử tri đối với nhà nước ».

 Theo trưởng ban quốc tế của Les Echos, xét về mặt tranh cử, hai người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu 01/02 tại Iowa, là ứng cử viên Marco Rubio (Cộng Hòa), thượng nghị sĩ Florida, và Bernie Sanders (Dân Chủ).

Tuy về thứ ba, sau ứng cử viên Donald Trump, nhưng theo Les Echos, ứng cử viên Marco Rubio có thể « nở nụ cười chiến thắng », bởi trong số hơn chục ứng cử viên đảng Cộng Hòa, đây là đại biểu duy nhất của cánh trung hữu nổi lên được.

 Ông Marco Rubio, 44 tuổi, gốc Cuba, đầy tiềm năng trong việc thu hút phiếu bầu của cử tri gốc Mỹ Latinh, và nhất là thu hút tài trợ.
Marco Rubio, nếu tiếp tục đà này, sẽ trở thành « mối đe dọa nguy hiểm nhất » đối với bà Hillary Clinton.
Libération cũng có bài viết khẳng định « Marco Rubio cất cánh tại Iowa ».

Vẫn theo bài viết nói trên của Les Echos, tiếng nói « dù triệt để » của ứng cử viên Bernie Sanders đã được khá đông cử tri lắng nghe, vì phù hợp với thực tế hiện nay của Hoa Kỳ : mức hồi phục kinh tế chưa cho phép quốc gia này trở lại với mức trước khủng hoảng 2008, đối tượng bị tác động mạnh nhất vẫn là những người ít được đào tạo, trong khi đó, khả năng tiếp cận tín dụng để mua nhà (với giá dưới 250.000 đô la) của những người nghèo là hết sức khó.

Miến Điện : Đảng thắng cử tìm thỏa hiệp

Về chính trị châu Á, Le Monde chú ý đến « Miến Điện hướng đến một chính phủ liên hiệp chưa từng có ».
Tìm kiếm các thỏa hiệp là sắc thái nổi bật trong chính giới Miến Điện sau cuộc bầu cử với phần đại thắng thuộc về đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (LND) của Aung San Suu Kyi.

Cho dù dành được đa số tuyệt đối, với 255 ghế trên 440 ghế nghị sĩ, quyền hạn của chính quyền mới rất có giới hạn, do quy định của Hiến pháp Miến Điện dành cho quân đội 25% số ghế nghị sĩ và các bộ lớn là Quốc phòng, Nội vụ.
Thỏa hiệp đầu tiên đối với đảng LND là dành một ghế phó chủ tịch Hạ viện cho đảng thất cử Liên Minh Đoàn Kết Và Phát Triển.

Kể từ sau cuộc bầu cử, lãnh đạo đảng LND hết sức ít nói, bà tuyên bố tập trung vào chuẩn bị cho sự đoàn kết quốc gia trong tương lai, hơn là giải quyết các vấn đề của quá khứ.

Anh Quốc và châu Âu trên đường đạt thỏa thuận tránh Brexit

Trở lại châu Âu, các thương thuyết giữa Anh Quốc và Bruxelles nhằm tránh Anh Quốc rời khỏi châu Âu được Les Echos ghi nhận là đang trên đường hoàn tất.
Theo Les Echos mặc dù thỏa thuận chưa được ký kết, nhưng thủ tướng Anh David Cameron tỏ ra hài lòng với văn bản thỏa hiệp đạt được.

Thủ tướng Anh kiên quyết bảo vệ thỏa thuận này, đối diện với đảng bảo thủ cầm quyền, đang hết sức chia rẽ trong vấn đề này.
 Tuy nhiên, theo Les Echos, trước mặt ông Cameron thách thức vẫn hết sức lớn. Trong vòng 15 ngày trước thượng đỉnh Liên Âu tại Bruxelles, thủ tướng Anh phải thuyết phục được 27 thành viên khác của Liên Âu.

Về nguyên tắc, nước Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, có thể là vào tháng 6, về việc sẽ tiếp tục ở lại châu Âu, hay rời khỏi khối (một giải pháp gọi là Brexit/« British exit »).

Syria : Nguyên thủ tướng trở thành điều phối viên đối lập

Đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho Syria tại Vienna vừa khai mạc, nhưng lâm vào bế tắc do đối lập không chấp nhận tham gia nếu chính quyền Damas không chấm dứt các cuộc không kích vào dân thường và vây hãm các khu dân cư.
 Về chủ đề này, Libération bài giới thiệu gương mặt chủ chốt của đối lập, ông Riad Hijab, điều phối viên của đoàn đối lập, cựu thủ tướng Syria.

Ông Hijab là thủ tướng dưới quyền Bachar al-Assad cho đến mùa hè năm 2012 thì quyết định bỏ trốn, vì không thể chấp nhận cương vị « đứng đầu một chính phủ » chống lại nhân dân mình.

Theo cựu thủ tướng Syria, mùa xuân năm 2012 là một bước ngoặt trong cuộc xung đột, khi tổng thống Assad không giữ lời hứa hòa giải quốc gia, và bắt đầu sử dụng không quân tấn công đối lập.

Là một người rất có uy tín trong đối lập, nhưng ông Riad Hijab không được cử làm trưởng đoàn đàm phán, vì từng là thành viên của chính quyền Damas (theo một nguồn tin ngoại giao).

Pháp : Uy tín của báo chí, một nỗ lực dài hơi

Trở lại nước Pháp, uy tín của truyền thông đối với công chúng là mối quan tâm chính của nhật báo công giáo La Croix.
 La Croix phân tích các kết quả thăm dò dư luận hàng năm của TNS Sofres, theo đó, công chúng rất quan tâm đến truyền thông, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi rất cao đối với báo giới.

So với năm 2014, niềm tin của công chúng trong cả bốn lĩnh vực truyền thông chính – internet, truyền hình, báo viết và radio – đều sụt giảm tương đối (khoảng 7%-8%). Radio được nhiều người tin tưởng nhất (55%, năm 2015), so với báo giấy (51%), truyền hình (50%) và báo mạng (31%).

Bài xã luận của La Croix, với tựa đề « Một nỗ lực dài hơi », mở đầu với một gợi ý : « đối với các nhà chính trị, hiện nay đang thịnh hành việc xem xét lại bản thân.
 Vậy phải chăng các nhà báo cũng rất cần thường xuyên làm như vậy ? ».

 La Croix lưu ý, thăm dò dư luận năm ngoái được thực hiện đúng vào lúc xảy ra vụ khủng bố nhắm vào tòa soạn báo trào phúng Charlie, khiến sự gắn bó của dân chúng với tự do báo chí đột ngột tăng mạnh.

Tuy nhiên, xu hướng sụt giảm niềm tin vào báo giới là một điều được ghi nhận xét trên suốt chiều dài lịch sử (thăm dò đầu tiên của TNS Sofres được thực hiện năm 1987).
Theo La Croix, niềm tin chỉ trở lại nhờ ở « các nỗ lực dài hơi » của báo giới. Điều này lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh « những người tiêu thụ thông tin ngày càng sắc sảo hơn về nhận định » và « như vậy đòi hỏi của họ cũng gia tăng ».

La Croix dẫn lời nhà xã hội học Jean-Marie Charon, nhấn mạnh đến nhiều « trục trặc thực sự trong quan hệ giữa công chúng và báo chí » tại Pháp, đặc biệt là tại những nơi mà các quan hệ xã hội (gia đình, đảng phái chính trị, nghiệp đoàn…) bị rạn nứt.

Ở đó, nhu cầu thông tin là rất lớn, ở đó, công chúng có đòi hỏi rất cao, không khoan dung cho các sai lầm. Nhà xã hội học gợi ý với nhà báo một số điều, trong đó có việc nên giải thích rõ hơn với công chúng về nguồn gốc của các thông tin.

Theo xã luận của La Croix, giải pháp cho vấn đề mất lòng tin này « đơn giản » là « gia tăng tính chuyên nghiệp », « chăm chút các nguyên tắc của nghề báo, như kiểm tra thông tin, loan tải một cách trung thành và có trách nhiệm, ưu tiên cho giải thích, nhiều hơn là cho xúc cảm ».

 La Croix cũng ghi nhận một số tiến bộ rõ rệt của người làm báo tại Pháp trong năm 2015, trong hoàn cảnh xảy ra khủng bố hồi tháng 11 đã không lặp lại các sai lầm như hồi đầu năm, như đưa ra các thông tin gây nguy hiểm cho những người bị bắt làm con tin (đây cũng là điều được công chúng ghi nhận trong cuộc thăm dò dư luận nói trên).


Switch mode views: