Điểm Báo Pháp Quốc ngày 08-10-2015
- Thứ Năm, 08 tháng Mười năm 2015 23:59
- Tác Giả: Tú Anh
Syria : Sự hồi sinh của chủ nghĩa đế quốc Nga
Tổng thống Syria Bachar al Assad để dân chết đói ?
REUTERS/SANA/Handout via Reuters
Cho dân chết đói : Vũ khí của Bachar al Assad. Qua bài Yarmouk, chốt chiến lược trong cuộc chiến Syria, Le Monde dành một trang báo tường thuật số phận một khu phố sát cạnh thủ đô Damas bị nằm giữa bốn năm làn đạn : bom đạn của quân chính phủ, của Hezbollah Liban tiếp tay với Bachar al Assad, của các phe nổi dậy khác nhau, của bom hóa học… và nhất là vũ khí của nạn đói.
Yarmouk, chỉ có 2 km vuông, nơi có một trại tỵ nạn Palestine, là chốt chiến lược.
Theo Le Monde, không một nơi nào trên lãnh thổ Syria bị chính quyền Bachar al Assad sử dụng vũ khí « bỏ đói » một cách « độc ác » và có hệ thống như ở Yarmouk.
Những tay xạ thủ bắn sẻ, kết liễu mạng sống của những người liều lĩnh ra ngoài hái rau ăn đỡ đói. Bệnh viện, nhân viên y tế, bác sĩ là « đối tượng » tấn công.
Từ 500 ngàn dân vào năm 2010, ngày nay khu ngoại ô bắc Damas chỉ còn 18.000.
Đó là nguyên nhân đưa đẩy người dân Syria và Palestine vượt biên vượt biển tràn vào Châu Âu để biến thành nạn nhân của những đường dây xã hội đen mà trên trang bên cạnh, Le Monde loan báo chiến dịch « Sofia » do hải quân Châu Âu tiến hành truy diệt « những mạng lưới đưa người chằn chịt như mafia ».
Nhưng để tìm hiểu quan hệ nhân quả của tình trạng bất hạnh của người dân Syria, có lẽ phải mở báo cánh tả khai phóng Libération.
Với tựa đề « Chủ nghĩa đế quốc Nga trở lại », chuyên gia Myriam Benraad về Trung Đông nhận định : tình trạng rối loạn tại Trung Đông hiện nay là do người dân Syria không có quyền quyết định, còn những phe xung khắc tự xưng có thẩm quyền thì hoàn toàn không kiểm soát được tình hình.
Bên cạnh đó là sự hồi sinh của chủ nghĩa đế quốc của Nga tại Trung Đông trong khi Mỹ lại rút khỏi khu vực.
Tổng thống Barack Obama không hề có một « khát vọng » nào dấn thân vào Trung Đông.
Ngược lại, Vladimir Putin hành động theo một chiến thuật ngược lại, nhanh chóng lao vào cuộc chiến. Trung Đông trở thành một « cuộc cờ lớn » với những tác nhân khu vực của hai phe Suni và Shia.
Tình hình xung khắc Mỹ-Nga càng làm cho các nước khu vực cứng rắn thêm.
Tuy Matxcơva vận động ngoại giao nhưng chưa nước nào- kể cả Nga, ngồi vào bàn hội nghị, bàn một giải pháp chấm dứt khủng hoảng, bỏ mặc cho người dân Syria vượt biên vượt biển.
Trong tình thế này, theo nữ chuyên gia Myriam Benraad cộng với sự hồi sinh của « đế quốc Nga », Syria khó tránh được số phận bị cưa đôi.
Mục đích của Putin là cứu chế độ al Assad để giữ phần lãnh thổ « hữu ích » cho Nga.
« Thập tự chinh » của Putin và quyền dân tộc tự quyết của Syria
Câu hỏi đặt ra là tại sao người Syria không thể định đoạt tương lai chính trị của Syria ?
Sử gia Jean Pierre Filiu, trong bài « Putin, đệ tử trung thành của Bush » giải thích : Putin chỉ tiếp nối chính sách can thiệp của Mỹ thời cựu tổng thống George W. Bush ở Irak mà chính Putin đã lên án là « đế quốc ».
Sau vụ không tặc 11/09/2001, khi Hoa Kỳ phát động chiến tranh chống khủng bố. Putin cũng chụp lấy cơ hội này để tiêu diệt kháng chiến Tchetchénia, nhân danh chống khủng bố.
Tại Syria, Bachar al Assad, cũng nhân danh chống khủng bố để trấn áp đối lập. Do vậy, những hành động quân sự này dọn đường cho những kẻ tự xưng thánh chiến Hồi giáo.
Cuộc « Thập tự chinh » của Putin sẽ giúp cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo, chứ không phải là cho người dân Syria, một tương lai rực rỡ.
Quyền dân tộc tự quyết đã bị Nga dẫm xuống chân. Theo sử gia Jean Pierre Filiu, sau một thời gian dài bị chế độ độc tài thống trị rồi bị thánh chiến Hồi giáo khủng bố tinh thần, người dân Syria bị lãnh đạo al Assad tống khứ ra khỏi nước. Họ phải ra đi để tránh bạo ngược hung tàn và tình hình quốc gia nghiêng ngả. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng này, Châu Âu sẽ là đất lành để nạn nhân của bạo lực tìm đến.
Nhật báo cánh tả cũng lưu ý tại Pháp, Putin cũng được một thành phần ủng hộ cho dù lãnh đạo Nga là một nhà độc tài dân tộc chủ nghĩa, tham quyền cố vị, áp bức đối lập, bành trướng lãnh thổ.
Theo nhà phân tích chính trị Alain Duhamel, thành phần ủng hộ Putin rất hỗn tạp, từ đảng Cộng sản Pháp cho đến phe cực hữu Mặt Trận Quốc Gia.
Khi Tổng thống François Hollande tranh luận với lãnh đạo Nga hay khi khẳng định Nga không phải là bạn, nếu muốn thì Nga phải chứng tỏ bằng hành động, thì L'Humanité bênh vực lập trường của Matxcơva.
Hoa Kỳ, theo quan điểm của L'Humanité, mới là kẻ xấu. Putin cũng được Mặt Trận cực hữu hoan nghênh là « yếu tố ổn định » và ông vinh danh « tinh thần dân tộc » của bà Marine Le Pen cho dù nhân vật cực hữu này là kẻ thù của đảng Cộng sản Pháp.
TPP : Nhật Bản được lợi to nhưng lo dân số thiếu
Theo nhật báo Le Figaro, Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ mang lại những mối lợi to cho Nhật Bản.
Cường quốc kinh tế thứ ba trên thế giới sẽ là hưởng lợi ít nhất 119 tỷ đô la nhờ vào đầu tư trực tiếp.
TPP là cơ hội để Nhật bản canh tân hàng loạt lãnh vực lớn của nền công nghiệp vì không còn hàng rào thuế quan và nguyên tắc bảo vệ các doanh nghiệp kém khả năng cạnh tranh.
Thật ra thì cho đến nay, ngành xuất khẩu của quần đảo Phù tang chỉ mạnh có ba lãnh vực : xe hơi, điện tử và dụng cụ công nghiệp.
Nông nghiệp Nhật sẽ bị thiệt thòi nhưng TPP sẽ làm cho dịch vụ của Nhật lấn áp được dịch vụ của những quốc gia cạnh tranh nhưng còn đứng ngoài như Hàn Quốc.
Ngược lại, phần lớn bộ phận công nghiệp khác tập trung vào thị trường nội địa nhưng do dân số già nua, nhu cầu nội địa cũng giảm theo
Đây chính là mối ưu tư của Thủ tướng Shinzo Abe được ông đặt làm ưu tiên số một qua cuộc cải tổ nội các hôm thứ Tư 07/10/2015.
Nhật Bản muốn "nâng tỷ lệ phụ nữ sinh con lên 1,8", tựa của Le Figaro.
Trong nội các mới có thêm một bộ đặc trách « xây dựng một xã hội trong đó 100 triệu dân được sống một cách năng động ».
Bộ này có nhiệm vụ phối hợp các biện pháp làm tăng sinh xuất để làm đảo ngược tình trạng dân số giảm và già nua, 120 triệu người năm 2015 sau khi lên đến 212 triệu vào năm 2010 : tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ đi làm, có con, cũng như người trên 65 tuổi có thể đi làm.
Bruxelles truy đuổi tinh dịch Châu Âu như thế nào ?
Trong khi Nhật Bản lo ngại dân số giảm thì tại Châu Âu, Liên Hiệp Châu cũng có một cuộc chiến tranh tương tự, nhưng dường như đang thua. Libération đưa lên trang bìa phóng ảnh lớn các con tinh trùng kèm theo tựa : Bruxelles truy đuổi tinh dịch Châu Âu như thế nào ?
Khả năng thụ thai giảm, bệnh tiểu đường và ung thư gia tăng vì các hóa chất gây rối loạn tuyến nội tiết, nhưng Liên Hiệp Châu Âu phải cuối đầu trước các nhóm gây áp lực hành lang.
Thái độ bất lực của định chế điều hành châu Âu được phóng viên Stéphane Horel ghi thành sách, sau nhiều năm điều tra, với tựa « Đầu độc » ra mắt độc giả ngay ngày hôm nay.
Trong quyển sách này, nhà báo được Libération gọi là « độc nhất vô nhị » cho biết những « trận chiến » trong Ủy ban châu Âu, và do đâu mà các bản báo cáo khoa học về các chất gây rối loạn nội tiết (hormone) cuối cùng bị « chìm xuồng ».
Danh sách rất dài từ Dioxine, Parabenes, Phtalates, Bisphenol A…. Không những trong thức ăn, trong gói hàng, trong giấy vệ sinh cho trẻ sơ sinh, kem dưỡng da của người lớn…..
« Các nhà lãnh đạo hãy hành động cứu nhân loại … »
« Thay đổi để tồn vong ». Đó là tựa lớn của Le Monde và là lời thúc giục của Nicolas Hulot, nhà báo, nhà tranh đấu Pháp bảo vệ môi trường rất được nhiều người mến mộ.
Ông vừa ra sách « Hãy can đảm, lời biện hộ của một con người tự do ».
Quyển sách được Le Monde mô tả có lập luận triệt để chống lại các định kiến, các quan điểm thủ cựu, nhân sắp đến thượng đỉnh khí hậu tại Paris vào tháng 12.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 12-10-2015 - 12/10/2015 17:46
- Mỹ-Ấn-Nhật tập trận tại Ấn Độ Dương - 12/10/2015 16:28
- Cộng đồng quốc tế cần tiền tỉ để giúp 15 triệu người tị nạn - 12/10/2015 01:13
- Người Đức biểu tình chống Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Đại Tây Dương - 12/10/2015 01:00
- Ankara tố cáo Damas quấy nhiễu phi cơ Thổ Nhĩ Kỳ gần không phận Syria - 12/10/2015 00:49
- Dệt may Việt Nam bắt đầu « nóng » lên sau TPP - 11/10/2015 02:45
- Uy tín của Tổng thống Nga tăng vọt tại Irak nhờ chiến dịch Syria - 09/10/2015 19:18
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 09-10-2015 - 09/10/2015 19:01
- Mỹ tăng viện trợ cho 4 nước ASEAN để nâng cao năng lực tuần tra biển - 09/10/2015 12:21
- Tổng thống Brazil trước nguy cơ bị truất phế - 09/10/2015 00:24
Các tin khác
- Svetlana Alexievitch, Nobel Văn học 2015 - 08/10/2015 19:09
- Mỹ đã quyết đi vào 12 dặm quanh đảo nhân tạo Trung Quốc ở Trường Sa ? - 08/10/2015 18:15
- Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Giám Mục Vĩnh Long và Kontum - 08/10/2015 01:00
- Ba nhà nghiên cứu ADN nhận Nobel Hóa học - 07/10/2015 17:49
- Trung Quốc tại Lào : Một sự hiện diện không được người dân hoan nghênh - 07/10/2015 17:14
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 07-10-2015 - 07/10/2015 16:26
- Trung Quốc và chính sách phân biệt chủng tộc - 07/10/2015 16:14
- Nobel Vật lý 2015 thưởng công khám phá về neutrino - 06/10/2015 21:19
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 06-10-2015 - 06/10/2015 20:39
- Biển Đông: Tư lệnh Mỹ tố cáo Bắc Kinh cưỡng đoạt quyền tự do lưu thông - 06/10/2015 15:54