Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-08-2015

Nhập cư : Anh-Pháp đi tìm ánh sáng cuối đường hầm

nhapcu-anh-phap
Cảnh sát Pháp ngăn chận người nhập cư tìm đường sang Anh. Ảnh chụp tại Calais, ngày 29/07/2015.
AFP PHOTO / PHILIPPE HUGUEN


Nút cổ chai Eurotunnel nằm dưới lòng biển Manche nối giữa Pháp và Anh hàng ngày vẫn là điểm xuất phát của hàng trăm, hàng nghìn người nhập cư, bất chấp mạng sống, để sang tới « thiên đường » bên kia biển.

Le Monde phản ánh căng thẳng giữa Anh và Pháp : « Nhập cư : Hết kiên nhẫn quanh thành phố Calais ».
Còn nhật báo Libération đề xuất giải pháp nhằm cải thiện tình hình trong bài « Nhập cư : Làm thế nào để thấy cuối đường hầm ? ».

Theo Le Monde, vấn đề nhập cư không phải là chủ đề bất đồng ở cấp nhà nước giữa Anh và Pháp. Bằng chứng là Chủ nhật vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ của hai nước, Theresa May và Bernard Cazeneuve, cùng ký một thông cáo chung nhằm giảm bớt căng thẳng :
« Với Pháp, cũng như Anh, mọi việc rất rõ ràng : chấm dứt tình trạng hiện nay là ưu tiên tuyệt đối. Cả hai chính phủ đã quyết tâm đạt được kết quả này và sẽ làm mọi cách để cùng nhau đạt được ».

Thế nhưng, tuyên bố chung trên có nguy cơ bị chìm trong những phát biểu ngày càng kịch liệt từ giới chính trị gia của cả hai nước.
Công đảng Anh yêu cầu Thủ tướng Cameron phải « sử dụng mọi sức ép ngoại giao cần thiết ».

Trong khi đó, các nhật báo của Anh không ngần ngại đổ thêm dầu vào lửa để thu hút độc giả trong mùa « khan hiếm tin » này.
Căn cứ vào những hình ảnh người nhập cư leo lên các hàng rào thép gai, Daily Mail và Sunday Express cáo buộc cảnh sát Pháp không thật sự muốn đối mặt với những người này.

Các nhật báo này cho rằng « Pháp phải chịu trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn hiện nay tại Calais » và « phản ứng của chính quyền Pháp là yếu kém, lờ đờ và không hiệu quả ».
Phía Pháp cũng nhanh chóng đáp trả những chỉ trích từ bên kia biển Manche.

 Trợ lý thị trưởng thành phố Calais tức giận : « Nếu những lời khiêu khích như vậy vẫn tiếp tục, tôi nghĩ tới một lúc nào đó, chúng tôi cũng phải công kích lại bằng cách cứ để cho người nhập cư đi và kệ cho ông Cameron tự xoay sở khi người nhập cư tới cảng Douvres trên lãnh thổ nước ông ta ».

Le Monde nhận định, nguyên nhân dẫn tới những lời phát biểu thiếu thiện chí trên là thực tế bị bóp méo.
Người dân Anh tối nào cũng nhìn thấy hình ảnh những con người vô vọng trèo qua hàng rào và lao vào đường hầm.

Vì vậy, họ có cảm giác như người nhập cư đang đổ xô vào nước Anh và quay sang chỉ trích chế độ trợ cấp xã hội của nước này quá hào phóng để trở thành « miền đất hứa » cho người nhập cư.

Thế nhưng, trên thực tế, từ đầu năm tới nay, có 230.000 người nhập cư vào khối Schenge, trong đó, chỉ một phần rất nhỏ, khoảng 3.000 người, đang tập trung ở Calais.
Anh nhận số lượng người nhập cư thấp hơn hai lần so với Pháp và thấp hơn 6 lần so với Đức. Đây là điều chứng tỏ Anh không phải là điểm đến lý tưởng.

Thời gian gần đây, số người nhập cư thử vận may khi cố vượt đường hầm Eurotunnel tăng tỉ lệ thuận với số lượng người nhập cư ồ ạt tới Châu Âu do chiến tranh tại Syria, hay tại Libya.

Để đối phó với tình trạng này, Pháp và Anh đã thống nhất tăng cường các biện pháp an ninh với ngân sách lên tới 10 triệu euro nhằm đảm bảo an ninh dọc đường hầm dưới biển Manche. 120 cảnh sát sẽ được bổ sung vào số lượng cảnh sát thường trực, nâng tổng số lên 550 người.

Về phía Anh, Thủ tướng Cameron muốn thắt chặt điều kiện đón tiếp người xin tị nạn bằng cách giảm trợ cấp xã hội và có thể phạt tới 5 năm tù giam đối với người cho người nhập cư trái phép thuê nhà.

Còn nhật báo Libération đưa ra một loạt giải pháp và chia ra làm ba loại : Các giải pháp có thể, gồm phản đối các hiệp định Pháp-Anh, theo đó Pháp trở thành cánh tay đắc lực của chính sách nhập cư của Anh ; mở một hành lang nhân đạo tới Anh ; cải thiện điều kiện sống tại Calais ; đơn giản thủ tục xin tị nạn.

 Các giải pháp có quy mô cao hơn gồm : tổ chức công việc tiếp nhận người nhập cư trên toàn lãnh thổ Châu Âu ; tạo điều kiện nhập cư hợp pháp bằng việc bán thị thực.
Ngoài ra, tờ báo còn đưa một số giải pháp của những người chống nạn nhập cư gồm, cử quân đội tới bảo vệ đường hầm Eurotunnel, và trục xuất người nhập cư về nước.

Pháp vẫn đối mặt với nguy cơ khủng bố cao

Le Monde tiết lộ những điều tra mới về âm mưu khủng bố hụt tại Villejuif mà nước Pháp may mắn thoát được vì một hành động bất cẩn của kẻ chủ mưu khi vô ý tự bắn vào chân mình và phải gọi cấp cứu.
Le Monde khẳng định : chống khủng bố thánh chiến là một trận đấu phức tạp, bấp bênh mà trong đó, « không có rủi ro » là cụm từ không hề tồn tại.

Sau khi tình báo Pháp phát giác, nhờ may mắn, âm mưu khủng bố không thành của sinh viên 24 tuổi người Algeri nhắm vào một nhà thờ tại thành phố Villejuif, nhiều lời chỉ trích sai sót của các lực lượng an ninh Pháp, đồng thời, kêu gọi cần phải thắt chặt hơn nữa cuộc chiến chống khủng bố thánh chiến trong nước.
Le Monde nhận định, chỉ trích thì dễ nhưng để thực hiện thì không hề dễ dàng, vì hai lý do.

Thứ nhất, vài ngàn người đã nằm trong danh sách « S », những cá nhân có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, hơn 4.000 người được thêm vào danh sách này vì có liên hệ với Syria. Trong số đó, có 1.030 người chiến đấu tại Syria và 300 người đã trở về Pháp.

Như vậy, rất nhiều khả năng họ đều là những mối đe dọa. Để nghe lén họ, về mặt kỹ thuật, điều này rất khó thực hiện được đối với lực lượng nhân viên khoảng 2.000 người của Tổng cục An ninh trong nước.
Hơn nữa, nghe lén còn có thể dẫn tới vi phạm các quyền tự do cơ bản.

Lý do thứ hai có ý nghĩa quyết định hơn. Sau hàng loạt đạo luật chống khủng bố mới được ban hành nhằm củng cố hay tăng cường các biện pháp kỹ thuật hay nhân sự, việc đánh giá mục tiêu rất khó khăn.

Ngoài những tên khủng bố thánh chiến gây ra các vụ khủng bố hồi đầu năm nay, có rất nhiều tên khác có hồ sơ trắng và chưa hề tới các vùng xung đột (như Syria, Irak hay Afghanistan) và cũng hề có liên hệ với các phần tử cực đoan.

Bài báo kết luận, đối mặt với những mối đe dọa vô hình và bệnh hoạn, câu hỏi đặt ra không phải là : « Liệu có khủng bố tại Pháp hay không ? » , mà là « Khi nào sẽ xảy ra vụ khủng bố tiếp theo ? ».

Mọi nỗ lực tăng cường thắt chặt an ninh hiện đang được tiến hành và hiệu quả của của những biện pháp này cho phép hạn chế mối đe dọa chứ không hề làm nó biến mất.

Tổng thống Obama và ước mơ trở thành nhà vô địch chống biến đổi khí hậu

Hôm qua, tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố kế hoạch chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính, với mục tiêu giảm 32% lượng khí thải CO2.
 Hai nhật báo Pháp, Le Figaro và Les Echos, đều nhận định « Clean Power » là kế hoạch đầy tham vọng của tổng thống Hoa Kỳ.

Còn nhật báo La Croix cho rằng « Ông Obama muốn trở thành một điển hình trên mặt trận chống biến đổi khí hậu ».
Dưới tựa đề : « Obama thắt chặt kế hoạch vì khí hậu », Le Figaro cho rằng kế hoạch của ông Obama gây nhiều tranh cãi.

Tham vọng của tổng thống Mỹ là giảm tới 32% lượng khí thải CO2 so với năm 2005, được thực hiện từ giờ tới năm 2030. Chỉ tiêu mới này còn cao hơn cả những tiêu chuẩn mà ông đã thông báo trước đó.

Trọng trách thực hiện được giao cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency).
Kế hoạch đề ra các mục tiêu, nhưng các bang được tự do đưa ra những biện pháp để đạt mục đích.

Các bang sẽ phải trình kế hoạch của mình từ nay tới năm 2018, đồng thời tuân thủ những kế hoạch đó ngay từ nay tới năm 2022.
Những bang hoàn thành mục tiêu sớm sẽ nhận được trợ giúp tài chính.

Thế nhưng, tại Hoa Kỳ, hơn 170.000 người sinh sống nhờ khai thác than đá, nguồn nhiên liệu dồi dào cung cấp tới 39% lượng điện tiêu thụ tại đây.
Đối với các nhà sản xuất nhiệt điện, hầu hết là các công ty tư nhân, thì viễn cảnh phải đóng cửa nhà máy nhiệt điện còn chưa hết khấu hao, sẽ trở thành một vấn đề đau đầu cho họ.

Một khó khăn khác để thực hiện được tham vọng trên là cần phải hiện đại hóa các mạng lưới điện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển điện được sản xuất từ các tấm pin mặt trời tại các gia đình.

Một bất cập khác, là các nhà công nghiệp lấy làm tiếc là bản kế hoạch của tổng thống Mỹ chỉ đề cao các loại hình năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, các nhà máy điện bằng khí gaz, gây ít ô nhiễm hơn một nửa, lại không được chú trọng.

 Les Echos nhận xét, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của tổng thống Obama còn chưa tới hồi kết ngay trong nội bộ đất nước, vì vẫn còn nhiều bất cập mà chính phủ sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

California khô hạn, làm mồi cho hỏa hoạn

Hơn 1940 lính cứu hỏa, 180 xe chứa nước, 4 máy bay thả nước và 19 trực thăng cũng chỉ giúp dập tắt được 5% khu vực bị hỏa hoạn « Rocky Fire » tại California cuối tuần vừa qua. « California khô hạn, làm mồi cho lửa » được báo Le Monde đề cập trong số ra hôm nay.

Đây là mùa hè thứ 4 liên tiếp bang California phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng và trở thành mồi cho các vụ hỏa hoạn.

Bang này đang phải đối mặt với ba vụ hỏa hoạn nghiêm trọng : « Rocky Fire », đang diễn ra tại vùng Lower Lac, cách San Francisco 170 km về phía Bắc, đã phá hủy 19 ha rừng trên khoảng diện tích 200 km2, cùng với 24 ngôi nhà bị thiêu trụi, phá hủy 26 tòa nhà và đang đe dọa 6301 ngôi nhà khác.

« Lower Fire », một trận hỏa hoạn khác cách Lower Lack 160 km về phía đông, đã thiêu rụi 900 ha rừng trong vòng 9 ngày.
 Vụ thứ ba « Willow Fire » đã thiêu trụi 2.000 ha rừng.

Từ đầu năm tới nay, California đã phải chịu hơn 3.400 vụ cháy, hơn năm ngoái tới 900 vụ vào cùng thời điểm.
Nguyên nhân chính dẫn tới hỏa hoạn tại phía Bắc của bang là hiện tượng sét đánh, song chuyên nhân của mỗi vụ hỏa hoạn vẫn chưa được xác định.

Tình trạng khô hạn khiến các vụ cháy lan rộng hơn và nghiêm trọng hơn. Theo các nhà chức trách, nếu không có mưa tại khu vực này thì cuộc chạy đua “marathon” với lửa sẽ còn kéo dài.

Bơi lội của Pháp lại gặt hái huy chương

Tại Giải vô địch bơi lội thế giới đang diễn ra tại Kazan (Nga), hôm qua, vận động viên người Pháp Florent Manadou đã mang về cho đội tuyển Pháp thêm một huy chương vàng vô địch bơi bướm 50 m.

Trước đó, vận động viên trẻ tuổi này đã giành huy chương vàng bơi tiếp sức đồng đội 400 m.
Như vậy, Florent Manadou đã đi vào lịch sử bơi lội của Pháp, cùng với người chị gái Laure Manadou, với bộ sưu tập huy chương vàng tại các giải thế vận hội, vô địch thế giới, vô địch châu Âu.

Hiện giờ, vận động viên 24 tuổi chỉ còn một mục tiêu phấn đấu cuối cùng : giành chức vô địch bơi tự do 50 m.


Switch mode views: