Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-06-2015

Bắc Triều Tiên : Xuất khẩu lao động để nuôi chính quyền

Kaesong nhancong



Công nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại khu chế xuất liên Triều Kaseong, 16/10/2015.
Reuters/Lee Jin-man


Bình Nhưỡng xuất khẩu lao động, con cái lao động nhập cư Trung Quốc bị bỏ bê, vấn nạn thuyền nhân đè nặng ngân sách Châu Âu, hồi ức trại cải tạo Nga và 200 năm trận đánh Waterloo là các chủ đề thời sự nổi bật của các nhật báo Pháp số ra hôm nay 18/05/2015.

Bắc Triều Tiên là quốc gia khép kín nhất hành tinh, nhưng có không ít hơn một chục ngàn người sinh sống ở nước ngoài.
Họ không đơn giản chỉ là các nhà ngoại giao, đặc sứ của chế độ, sinh viên, người tỵ nạn hay là những người di dân bất hợp pháp, mà đó là những người được nhà nước cho phép ra khỏi nước, đi xuất khẩu lao động.

Hiện tượng này, bắt đầu vào cuối thập niên 1960, nay có dấu hiệu tăng tốc kể từ khi Kim Jong-un lên cầm quyền vào năm 2011.
« Bắc Triều Tiên xuất khẩu lao động ồ ạt » là hàng tựa nhận định của nhật báo Le Monde.

Theo quan sát của Philippe Pons, đặc phái viên của Le Monde tại Seoul, sự hiện diện của người Bắc Triều Tiên ở nước ngoài dễ thấy nhất là ở các nhà hàng do chế độ mở ra tại các tỉnh ở vùng đông bắc Trung Quốc, tại Mông Cổ và ở các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là tại Cam Bốt.

Nhưng những gì người khác ít thấy nhất là các công nhân làm việc trong các nhà máy của Trung Quốc, làm nghề đốn củi trong những cánh đồng sâu thẳm ở Siberia, hay những người được gởi đến lao động trên các công trường xây dựng ở Trung Đông : Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Koweit, Libya và nhất là Qatar, nơi làm việc của hơn 2000 nhân công Bắc Triều Tiên tại các công trình phục vụ cho Cúp bóng đá Thế giới 2022.

Lương bổng bị tịch thu ?

Điều tra của Trung tâm chiến lược về Bắc Triều Tiên tại Seoul cho biết, trong năm 2012, ước tính có khoảng 60.000 lao động Bắc Triều Tiên, phân bổ tại hơn 40 quốc gia.

Xuất khẩu lao động mang về cho chính phủ Bình Nhưỡng mỗi năm từ 150 đến 230 triệu đô-la. Theo nhận định của ông Ahn Myong-chul, giám đốc tổ chức NK Watch – một tổ chức chuyên thu thập các thông tin về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, số lao động xuất khẩu có lẽ đã tăng lên gấp ba trong những năm gần đây.

Từ các lời kể của khoảng 15 nhân chứng Bắc Triều Tiên, những lao động xuất khẩu đào thoát được sang Hàn Quốc, NK Watch cho biết là Đảng Lao động Triều Tiên và một số quan chức chính phủ tại Bình Nhưỡng đã tuyển dụng các lao động theo nhu cầu cần nhân công giá rẻ của nhiều quốc gia.

Tiêu chí tuyển chọn được dựa vào lòng trung thành không lay chuyển đối với chế độ, ưu tiên cho các ứng viên đã có gia đình (cho phép chế độ dễ kiểm soát dễ dàng hơn do vẫn còn gia đình ở trong nước).
 Các ứng viên sau đó sẽ được đi đào tạo nghề ba tháng trước khi xuất cảnh.

Ở nước ngoài, tất cả các lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên sống trong các cư xá. Liên lạc với người dân bản địa hay với các công nhân nước khác rất hiếm hoi và bị giám sát chặt chẽ.
Tại đây, họ bị giam hãm trong một thế giới Bắc Triều Tiên thu nhỏ cũng có các khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền, các buổi họp bồi dưỡng chính trị hàng tuần.

Đặc biệt là lương bổng bị tịch thu. “Gia đình của họ ở trong nước chỉ nhận được 1/3 của số lương từ 150-250 đô-la được trả. Phần còn lại bị nộp vào công quỹ nhà nước”, ông Ahn cho biết.

Tuy điều kiện lao động khắc nghiệt, nhưng lao động ở nước ngoài được xem như là một đặc quyền tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Do đó, để được chọn, các ứng viên không ngần ngại hối lộ các quan chức phụ trách tuyển dụng.
Nếu so với chuẩn quốc tế về lao động, rõ ràng số phận của những người này làm nổi rõ hiện tượng bóc lột lao động.

Thế nhưng, trong con mắt chuyên gia Andrei Lankov, trường Đại học Kookmin, tại Seoul, đi xuất khẩu lao động còn là cách để người dân cải thiện điều kiện sống hiện nay.

Theo ông, số phận của những người này “vẫn còn sướng hơn so với đại đa số ở lại trong nước. Chí ít là họ còn kiếm được chút đỉnh tiền.

Những ai có thể làm việc ở nước ngoài chẳng hề tự xem mình như là nô lệ cả. Họ ước tính với mức thu nhập hàng tháng từ 30-50 đô-la cho gia đình trong nước, cộng thêm với khoản thu nhập tại chỗ, một lao động có thể chắt bóp được chút ít tiền tiết kiệm, dù rằng một phần lớn tiền lương đã bị nhà nước trưng thu”.

Vào tháng Hai năm nay, NK Watch đã đệ trình một hồ sơ lên Liên Hiệp Quốc, bổ sung vào bản báo cáo của Ủy ban điều tra về Nhân quyền, yêu cầu mở điều tra về những gì mà tổ chức này cáo buộc là nạn “nô lệ nhà nước”.
Một cáo buộc mà Bình Nhưỡng đã phản bác lại, cho đó là một “cáo buộc gian dối nhằm lật đổ chính phủ”.

Trung Quốc: tăng trưởng kinh tế và trẻ em tự tử cùng song hành

Le Monde tiếp tục dẫn độc giả đến với Trung Quốc. Để có thể trở cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, với mức tăng trưởng trên 7%, nhiều bậc cha mẹ buộc phải để lại con thơ nhỏ dại ở quê nhà, lao vào cuộc mưu sinh.

Thế nhưng, gần đây, nhiều em nhỏ đã không chịu được cảnh “có cha có mẹ mà cũng như mồ côi” nên đã tự quyên sinh.
 Vụ tự sát của bốn em nhỏ trong một làng nhỏ thuộc thị trấn Tất Tiết, huyện Thất Tinh Quan, tỉnh Quý Châu đang gây xôn xao cư dân mạng.

Bài viết chạy tựa: “Tại Trung Quốc, thảm kịch những đứa trẻ bị cha mẹ di dân bỏ lại ở nhà”.
Tờ báo nhắc lại sự việc vào ngày 09/06 vừa qua, người anh cả đã đầu độc ba em gái và tự kết liễu đời mình bằng thuốc trừ sâu.

Trong thư tuyệt mệnh, người anh viết rằng: “Cảm ơn mọi người đã tốt bụng với con. Từ lâu rồi con muốn làm điều này và hôm nay, ngày đó đã đến. Con đã từng thề rằng con sẽ không quá 15 tuổi và được chết là ước mơ của con”.

Thảm kịch đã làm dấy lên nhiều tranh luận về thân phận của khoảng 61 triệu trẻ em bị cha mẹ là những người lao động di cư để lại nhà, theo như ước tính của Hội phụ nữ Trung Quốc hồi năm 2013.

Phần đông các em này đều được cha mẹ gởi lai cho ông bà chăm nuôi. Theo Le Monde, lương bổng thấp và điều kiện ăn ở trong cư xá, cộng thêm với vấn đề hộ khẩu, khiến các bậc cha mẹ di cư không thể mang theo con cái.

Hơn nữa, chuyện cho con đi học cũng là cả một vấn đề, do các trường học tại các thành phố lớn lại không muốn nhận con cái của những lao động này.

Ông Chloé Froissart, một chuyên gia Trung Quốc học, nhận xét về chính sách “tối thiểu” của chính quyền Bắc Kinh về việc phổ cập học vấn cho con em di dân như sau:
 “Tại Trung Quốc, không hề có chính sách hỗ trợ đoàn tụ gia đình: lao động di cư bị đối xử như là một lực lượng làm thuê, họ bỏ qua khái niệm nhân đạo của vấn đề.
Mặc dù có những thông báo gần đây về cải cách hộ khẩu, quyền công dân của những người này vẫn không được công nhận đầy đủ.
 Các chính sách chỉ ưu tiên cho các thành phố nhỏ và trung bình, nhưng theo nguyên tắc: trả tiền để được hội nhập.
Trung Quốc áp dụng một chính sách đi ngược với Nhà nước Xã hội mà người ta biết đến hiện này, cố gắng giúp đỡ người nghèo và những người trong cảnh khốn quẫn để hội nhập”.

Le Monde còn cho biết, trong một thông cáo của chính quyền huyện Thất Tinh Quan, nơi xảy ra vụ thảm kịch, bốn đứa trẻ đó sống đơn độc từ bốn năm nay. Chúng cũng đã bỏ học từ lâu.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra thảm kịch ở huyện này. Cách đây ba năm, 2012, trong một làng khác, năm bé trai đã bị chết ngạt sau khi nhóm lửa sưởi trong một thùng contener chứa rác thải.

Chống thánh chiến: Mỹ không có chiến lược dài hạn

Tiếp tục dẫn độc giả đến Trung Đông, Le Monde có bài nhận định “Cái chết của Nasser al-Washihi, vố đau cho al-Qaida trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo”.
Thế nhưng, sự việc cũng cho thấy “Hoa Kỳ bế tắc chiến lược trước quân thánh chiến”. Đây cũng là tựa đề bài xã luận.

Thời gian gần đây Hoa Kỳ đã khá thành công trong các vụ ám sát thủ lĩnh thánh chiến bằng máy bay không người lái.
Nhưng tờ báo cho rằng thành công đó lại che khuất một sự thất bại chung. Không có một chính sách rõ ràng lẫn đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố.

Vụ ám sát thành công Ossama Ben Laden, được xem như là một thắng lợi quan trọng của chính quyền ông Obama, nhưng cũng không cản được các hoạt động của Al-Qaida, tiếp tục dấn sang các vùng lãnh địa mới như Yemen và Syria.

Do đó, ai có thể biết được rằng cái chết của Abou Bakr-Baghdadi sẽ đặt dấu chấm hết cho Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS, hiện đang kiểm soát đến phân nửa lãnh thổ Syria và 1/3 lãnh thổ Irak.

Một điều quan trọng nữa, các thủ lĩnh và viên chức của quân thánh chiến lần lượt được thay thế mỗi khi có một người bị hạ sát.
Rõ ràng các tổ chức này đã cắm rễ rất sâu tại các khu vực này. Do đó, việc sử dụng máy bay không người lái để hạ sát họ cũng chưa đủ để tiêu diệt tận gốc vấn đề.

Học thuyết quân sự của ông Obama hiện nay là “dấu ấn nhẹ” nghĩa là can thiệp quân sự nhưng không triển khai quân đội ồ ạt như từng làm tại Afghanistan hay Irak trước đây, cho thấy Hoa Kỳ từ chối nhúng tay vào những vấn đề không đe dọa đến lợi ích của Hoa Kỳ.

 Thế nhưng, chính sự từ chối đó cũng đẩy Washington gia tăng một cách vô ích các vụ trừ khử có mục tiêu, bài viết kết luận.

Châu Âu và Thuyền nhân: Bên nào cũng thiệt

Cũng liên quan đến vấn đề di dân, nhưng tại Châu Âu, Libération quan tâm đến chi phí con người và tài chính cho việc nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu, cả về phía người đi lẫn các quốc gia đến.

 Tờ báo giật tít lớn trên trang nhất: “Cái giá của một Châu Âu khép kín”.

Tờ báo dành tổng cộng 6 trang để bàn về chủ đề này. Từ việc “Phải băng qua Địa Trung Hải bằng mọi giá” cho đến “Các phương tiện để kiềm hãm di dân” hay như “Châu Âu: những nỗ lực phân bổ tồi” lần lượt là những tựa đề các bài viết.

Trong bài xã luận “Những kẻ khốn khổ của chiến tranh”, Libération tóm lược tình hình như sau: “Theo thời gian, tổng cộng các thuyền nhân đã chi ra khoảng 15 tỷ euro để vượt qua hàng rào do Châu Âu giăng ra. Những chiếc rào mà Châu Âu cũng phải tốn kém ngần ấy tiền để ngăn chặn họ.
Từ đó suy ra rằng những khoản tiền này lẽ ra phải được sử dụng tốt hơn ở đâu đó”.

Câu hỏi đặt ra: Phải chăng đó là do mở cửa một cách mập mờ biên giới ?
Đương nhiên câu trả lời là không. Vấn đề là phải triển khai một giải pháp nhân đạo và thực tiễn hơn cho cuộc khủng hoảng về thuyền nhân lớn chưa từng có trong lịch sử Châu lục già cỗi này và đang có nguy cơ trở nên trầm trọng.

 Libération nhắc rằng: “Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đã thận trọng đưa ra một hướng đi: thiết lập một trình tự đón nhận với một sự dặt, cho phép người tỵ nạn được đòi quyền công nhận theo như luật định của quốc tế, với một nỗ lực phân bổ công bằng giữa các quốc gia trong Liên Hiệp”. Một nỗ lực mà nhật báo đánh giá là vẫn còn khá khiêm tốn.

Nga không muốn nhắc đến các tội ác thời Stalin

“Tại Nga, hồi ức mong manh về trại cải tạo” là ghi nhận của nhật báo Công giáo La Croix.
Chính phủ Nga và một bộ phận đông dân chúng không thích đề cập đến những tội ác xảy ra dưới thời Stalin.

Bài phóng sự của La Croix viết về trại cải tạo Perm-36, cách thủ đô Matxcơva đến tận 2000km về phía đông. Trại này được hình thành vào năm 1946, dưới chế độ Stalin.

Sau khi nhà độc tài qua đời năm 1953, chính phủ Nga đã cho chuyển trại cải tạo thành nhà tù giam giữ các quan chức cảnh sát, tiếp đến thành trại tù chính trị: các nhà đấu tranh dân tộc chủ nghĩa xứ Balte và Ukraina, các nhà văn và giáo sĩ…

Nhưng đến năm 1987, khi người tù cuối cùng được thả ra, trại bị bỏ phế, cho đến khi Viktor Chmyrov, cựu tù nhân tại đây hồi phục trại từ đống đổ nát và biến nó thành bảo tàng từ những năm 1990.

Hàng ngàn lượt học sinh sinh viên đã đến tham quan trong suốt những năm 2000. Đây cũng là nơi diễn ra các thảo luận về Nhân quyền và Dân chủ, cho đến khi có thống đốc mới vào năm 2012. Và mọi sự phiền phức cũng bắt đầu từ đây.

Ông Viktor Chmyrov cho rằng các cuộc tranh luận về chủ nghĩa dân tộc tại Ukraina, các nhà ly khai và vai trò của nhà nước đã làm cho thống đốc bang và các lãnh đạo vùng này không hài lòng.

 Dưới áp lực, hiệp hội của ông Viktor Chmyrov buộc phải rời bỏ bảo tàng. Dưới sự điều hành của ban lãnh đạo mới do chính quyền bang áp đặt, không còn các cuộc thảo lụân về nỗi Khiếp sợ, về trại cải tạo, các vụ thanh trừng lớn khác. Perm-36 kể từ giờ dành cho kỹ thuật giám sát tù nhân và hệ thống hình sự.

Châu Âu rầm rộ kỷ niệm 200 năm Waterloo, Pháp im hơi lặng tiếng

18/06/1815, một ngày đen tối nhất trong lịch sử nước Pháp. Cách đây 200 năm, nước Pháp bại trận trước liên quân Anh, Phổ, Áo và Nga tại Waterloo, bây giờ là tỉnh Brabant Wallon, tại Bỉ, đánh dấu sự kết thúc của đế chế Napoleon đệ nhất, mở đầu chuyến đi đày của vị hoàng đế bại trận tại đảo Saint-Helene thuộc quyền cai quản của Anh.

Hai trăm năm đã trôi qua, nhưng nước Pháp vẫn chưa nguôi nỗi nhục bại trận.

Le Monde có hẳn một phụ san về sự kiện “Waterloo: 200 năm”. Nhật báo cho hay hàng trăm ngàn khán giả đến từ mọi nơi ở Châu Âu sẽ tụ về Bỉ, tại Waterloo, trong vòng 4 ngày từ 18-21/06/2015, để kỷ niệm 200 trận thư hùng này.

5000 người đã được huy động đến từ các quốc gia như Bỉ, Anh, Hà Lan, Đức hay Nga để tái hiện lại trận chiến này.
Nhưng Le Monde lấy làm tiếc rằng nước Pháp, nhân vật chính trong sự kiện, lại không tham gia. “Nước Pháp: một kẻ chơi tồi”, tờ báo nhận định.

“Giả như Napoléon thắng trận thì sao?” là câu hỏi lớn trên trang nhất Le Figaro.
Tờ báo dành nguyên trang 14 để cho sử gia Jean Tulard, một chuyên gia kỳ cựu về Napoleon, bay bổng với những giả định của ông về trận chiến này.

Ông cho rằng: “Giả như ngày 17-18/06 năm ấy, trời nắng thay vì là mưa tầm tã, một nền đất cứng sẽ tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển pháo, cho những viên pháo nảy lên và các cuộc tấn công của kỵ binh sẽ không phải lội bì bõm trong bùn.

Giả như Murat không bị gạt ra ngoài một cách bất công, chính ông phải là người dẫn đầu đoàn kỵ binh thay vì là tướng Ney, một tên lính bộ. Napoleon có lẽ đã tấn công trước bằng pháo binh và lẽ ra sẽ được hỗ trợ bằng bộ binh để bẻ gãy thế trận hình vuông của Anh.

Napoleon có lẽ đã làm tê liệt được các khẩu đại pháo của Anh bằng cách bắt chúng đứng im tại chỗ. Chiến tuyến của Anh có sẽ bị nhấn chìm”.

Và còn nhiều giả định khác nữa… Như thế, Napoleon có lẽ sẽ thắng trận Waterloo.
 Mọi thứ sau đó sẽ tiếp nối như sau: Anh rút quân, Nga đối thoại, và Napoleon nghiễm nhiên được người dân và các cường quốc Châu Âu công nhận là Hoàng đế nước Pháp.
Và triều đại của ông có thể trường tồn đến tận ngày nay.


Switch mode views: