Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ khởi tố 6 gián điệp kinh tế Trung Quốc

Avago-giandiep

Trang web của Avago Technologies



Sáu người Trung Quốc trong đó có ba giáo sư đại học, hôm qua đã bị tư pháp Mỹ khởi tố vì làm gián điệp kinh tế và trộm cắp bí mật kinh doanh trong ngành điện thoại di động tại Hoa Kỳ để trao cho Bắc Kinh.

 Trung Quốc hôm nay 20/05/2015 bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về vụ này.
Sáu nghi can bị cáo buộc đã đánh cắp các công nghệ quan trọng của Avago Technologies và Skyworks Solutions, hai công ty chuyên về chất bán dẫn.

Một trong số ba bị can là giáo sư đại học Trung Quốc, Trương Hạo (Hao Zhang), bị bắt khi vừa đến sân bay Los Angeles và bị giam hôm thứ Hai 18/5 sau khi trình diện một thẩm phán ở California.

Năm người còn lại đã có lệnh truy nã quốc tế, vẫn đang ở Trung Quốc.
Đây là vụ gián điệp kinh tế thứ 11 bị truy tố, từ khi một đạo luật về loại tội phạm này được thông qua vào năm 1996.

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Hoa Kỳ Jeffrey Rathke tuyên bố : « Vụ này chứng tỏ Hoa Kỳ nhất quyết bảo vệ các bí mật thương mại của các công ty Mỹ và các thông tin liên quan đến bằng sáng chế khỏi bị đánh cắp.
Gián điệp kinh tế là vấn đề mà chúng tôi hết sức chú trọng ngăn ngừa ».

Mục tiêu của âm mưu được tiến hành từ năm 2006 là đánh cắp các bí mật thương mại của công ty Avago ở California và Skyworks ở Massachusetts, đặc biệt là công nghệ FBAR được sử dụng trong điện thoại di động để lọc các tín hiệu và tăng cường hiệu năng.

Vụ đánh cắp đặt dưới sự giám sát của trường đại học Thiên Tân (Tianjin) – một trong những trường đại học quan trọng của Trung Quốc – thông qua một công ty bình phong đặt tại quần đảo Caiman, để phục vụ cho ROFS Microsystems, công ty Trung Quốc phải cung ứng công nghệ này.
Mục đích là « chuyển dịch Avago về Trung Quốc » - theo như lời của một trong số các bị can ghi trong cáo trạng.

Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết : « Trung Quốc quan ngại sâu sắc về vụ này, chúng tôi sẽ kiểm tra lại các chi tiết.
Chính quyền Trung Quốc bảo đảm quyền và lợi ích của công dân mình trong các trao đổi song phương ».

Các công nghệ nhạy cảm luôn bị rình rập

Trương Hạo, 36 tuổi, từng là kỹ sư của Skyworks và là giáo sư đại học Thiên Tân.
Ông ta đã gặp gỡ một trong số các nghi can đồng lõa là Bàng Ủy (Wei Pang), 35 tuổi lúc chuẩn bị đồ án tiến sĩ ngành điện năm 2006 tại Southern California University.

Hai người cùng tiến hành một công trình do Darpa, cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ.
Bàng Ủy, nay cũng là giáo sư đại học Thiên Tân, thì từng làm việc cho Avago ở Colorado. Từ 2006 đến 2009, hai người này làm cho công ty Mỹ.

Trong số bốn bị can còn lại, có một cựu sinh viên đại học Southern California, gặp gỡ Trương Hạo và Bàng Ủy tại đây, và sinh viên này cũng làm cho một công ty bán dẫn ở California.

Hiệu phó đại học Thiên Tân, một sinh viên trường này cùng với Giám đốc công ty Trung Quốc ROFS thành lập năm 2011, đều bị cáo buộc đã rất tích cực trong hoạt động lấy cắp.

Cả sáu bị can bị truy tố 32 tội danh liên quan đến gián điệp kinh tế, đánh cắp bí mật kinh doanh có tổ chức, có nguy cơ lãnh án tối thiểu 15 năm tù cộng thêm tiền phạt nặng nề.

Theo David Johnson, nhân viên FBI phụ trách điều tra, cáo trạng tiết lộ « các nỗ lực có phương pháp và quyết tâm của nước ngoài để chiếm đoạt và khai thác các công nghệ quý báu và nhạy cảm của Mỹ », thông qua các cá nhân thâm nhập vào Hoa Kỳ.

Chưởng lý liên bang Melinda Haag nhấn mạnh : « Các công nghệ nhạy cảm của các công ty Mỹ ở Silicon Valley và California luôn bị rình rập đánh cắp ».

Thứ trưởng Tư pháp John Carlin nói thêm : « Gián điệp kinh tế khiến các doanh nghiệp Mỹ thiệt hại nặng nề, làm yếu đi hoạt động thương mại thế giới và gây tổn hại cho lợi ích của Hoa Kỳ ».

Các bí mật công nghiệp bị lấy cắp đều được đánh dấu « mật ».

Hai bị cáo chính khi được tuyển dụng đều đã ký hợp đồng cam đoan không tiết lộ các công nghệ và sáng chế của Avago và Skyworks.
Theo cáo trạng dài 32 trang, như vậy Trương Hạo và Bàng Ủy đã « toa rập » và « đánh cắp một cách có ý thức », « sao chép, truy cập, chuyển giao và thông tin các bí mật kinh doanh » của hai công ty trên.

Hai bị cáo này đã đăng ký bằng sáng chế ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, tự cho là người phát minh ra công nghệ, với hy vọng đưa ra sản xuất tại Trung Quốc và bán lại cho các tập đoàn điện thoại di động Samsung, Nokia, Motorola và LG.
Một thị trường lên đến trên một tỉ đô la vào năm 2006, theo ước lượng của hai bị can qua các thư điện tử nêu ra trong cáo trạng.

Switch mode views: