Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-07-2014

 Trừng phạt Nga : Châu Âu thức tỉnh hơi muộn

RUSSIA-POLITICS



Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chính phủ ở ngoại ô Matxcơva, 30/07/2014
REUTERS


Phương Tây gia tăng trừng phạt Nga là đề tài được các nhật báo ra hôm nay (30/07/2014) bình luận sôi nổi.

Libération nhận định, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraina, Châu Âu mạnh tay đưa ra các biện pháp trừng phạt Tổng thống Putin và đánh vào thị trường tài chính, buôn bán vũ khí và chuyển giao công nghệ, như dòng tựa một bài viết : « Trừng phạt Nga : Châu Âu thức tỉnh hơi muộn ».

Trang nhất nhật báo Libération đặt câu hỏi : « Phải làm gì để chống Putin ? », với hình ảnh Tổng thống Putin rất tự đắc bởi vì cho đến nay, các hoạt động trừng phạt phương Tây vẫn chưa phát huy tác dụng.

Xã luận trên Libération nhận định, từ lâu là một đối tác, là thành viên quan trọng của nhóm G8, Tổng thống Putin giờ đây trở thành mục tiêu trừng phạt của nhiều nước do chính sách kích động bạo lực, gây bất ổn, chia rẽ tại Ukraina.

Tờ báo đặt câu hỏi, liệu những biện pháp trừng phạt vừa qua có hiệu quả chăng ? Ông Putin vẫn không bị ngăn cản khi sát nhập vùng Crimée vào Nga như một số người Âu Châu từng hy vọng.

Ông Putin tiếp tục gây bất ổn cho Ukraina. Ông trang bị vũ khí, tài trợ và kiểm soát phe ly khai thân Nga. Máy bay của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraina bằng một loại tên lửa khá giống với loại hỏa tiễn của Nga. Điều này càng minh chứng cho sự thắng thế của ông Putin trong chính sách của mình.

Trước tình hình này, Hoa Kỳ và Châu Âu phải xét lại chính sách của mình đối với Matxcơva. Đó không phải là đáp trả bạo lực bằng bạo lực, chiến tranh bằng chiến tranh, mà sử dụng đến các chính sách ngoại giao, thương mại và kinh tế.

Phương Tây phải cho Matxcơva và giới lãnh đạo Nga thấy cái giá của việc bị cô lập và sự lấn lướt của Nga. Pháp đang rơi vào một tình huống khó xử vì Pháp đang muốn bán tàu chiến cho Nga. Tổng thống Pháp François Hollande sẽ phải thể hiện rõ thái độ của mình với Tổng thống Putin.

Theo Libération, các cường quốc Châu Âu từ lâu chần chừ chưa trừng phạt Nga, như Đức, do e ngại các hậu quả kinh tế khi đối đầu với Matxcơva. Thế nhưng, vụ rơi chuyến bay MH17 làm cho các quốc gia Châu Âu bừng tỉnh và thừa nhận những gì đang xảy ra tại Ukraina là một cuộc chiến tranh, theo nhận định của François Heisbourg, tư vấn gia đặc biệt cho Chủ tịch Cơ quan nghiên cứu chiến lược.

Theo một kết quả thăm dò công luận tại Đức, 52% dân Đức tán thành các biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với Nga, « thậm chí họ có thể bị mất việc do các biện pháp này ».

Nga bị cả thế giới lên án

Nhật báo Le Monde trích dẫn kết quả xếp hạng của tạp chí Mỹ Forbes vào tháng 10/2013, xếp « ông Putin là nhân vật chính trị quyền lực nhất hành tinh ».

Chiến lược ngoại giao của ông Putin trong hồ sơ Syria cũng được ca ngợi. Giới bình luận nhận thấy, ông là một « lãnh đạo hiệu quả », một vận động viên chơi cờ vua xuất sắc, một nguyên thủ quốc gia uy tín luôn mong muốn khôi phục lại sức mạnh cho nước mình.

Tuy nhiên, màn kịch sát nhập Crimée và vụ rơi chuyến bay MH17 đã làm lộ rõ bộ mặt thật của Putin, theo phân tích của tờ Le Monde.

Không chỉ có Hoa Kỳ bị xem là kẻ thù truyền kiếp của Nga đòi gia tăng trừng phạt, mà hiện tại, nhiều quốc gia khác cũng tẩy chay Nga.

Tờ Le Monde trong hai trang dài phân tích đăng ảnh, người biểu tình tại Úc đòi loại Putin ra khỏi Thuợng đỉnh G20 ở Sydney hôm 19/07/2014.

Nhật Bản cũng thông báo một số hành động trừng phạt mới nhắm vào Nga. Hôm qua, Nga vừa lên án hành động này là « không chút thân thiện và không nghĩ đến hậu quả ».

Nga còn chỉ trích « giới chính trị Nhật Bản không có khả năng thi hành chính sách độc lập », tức là luôn theo đuôi Hoa Kỳ. Là đồng minh của Hoa Kỳ, Nhật Bản tiến hành những trừng phạt đầu tiên vào cuối tháng Tư, đặc biệt là cấm visa nhập cảnh của 23 công dân khác.

Tuy bị cả thế giới quay lưng lại, nhưng hiện Nga vẫn rất tự tin. Các biện pháp trừng phạt cũng không làm thay đổi thái độ của Matxcơva, theo nhận định của Le Monde. Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov phát biểu : « Chúng tôi sẽ vượt qua những khó khăn kinh tế và độc lập hơn ».

Qua bộ máy tuyên truyền của chính quyền Matxcơva trên truyền thông, dân chúng Nga ủng hộ chính sách của Tổng thống Putin. Người Nga cho rằng phương Tây cố dồn Nga vào đường cùng để làm cho Nga sụp đổ.

Thanh trừng hàng loạt tại đài truyền hình trung ương Trung Quốc

Liên quan đến thời sự tại Châu Á, nhật báo Le Monde quan tâm đến Trung Quốc qua bài viết : « Thanh trừng hàng loạt tại đài truyền hình trung ương Trung Quốc ».

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi lên cầm quyền đã tung ra chiến dịch quét tham nhũng trên diện rộng và bây giờ đến lượt đài truyền hình trung ương (CCTV) rơi vào tầm ngắm.

Theo Giang Triển Chiêu (Zhan Jiang), giáo sư ngành báo chí trường đại học ngoại ngữ Bắc Kinh, có ít nhất 8 hay 9 nhân viên CCTV bị bắt giữ những tháng gần đây.

Theo Le Monde, trong số đó, trường hợp của một nhà báo nổi tiếng Nhuế Thành Cương (Rui Chenggang) là gây ầm ĩ nhất. Nhân vật này đã bị bắt giữ để điều tra ví dính líu đến các vụ tham nhũng.

Năm nay 36 tuổi, hướng dẫn viên chương trình này nổi tiếng là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Chính ông đã huy động dư luận Trung Quốc trên các trang blog và kênh truyền hình vào năm 2007 nhằm đánh bật cửa hiệu cà phê Starbucks ra khỏi Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn cản ông chạy xe hơi thể thao Juagar, diện Âu phục của Ý.

Trong số các quan chức của CCTV bị bắt giữ có Giám đốc điều hành chương trình quảng cáo của CCTV-2, trên kênh thông tin kinh tế. Nhân vật này trước đây thăng tiến được nhờ ông Lý Đông Sinh, cựu Giám đốc CCTV đỡ đầu.

Ông Lý vốn nằm trong guồng máy của Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt giữ. Hàng loạt các nhân vật tên tuổi này đều bị hạ bệ, trong chiến dịch bài trừ tham nhũng lớn nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc.

Một giáo sư báo chí thuộc trường đại học Quảng Đông nhận định : « Làm việc cho CCTV mở ra nhiều cơ hội thành công, nhưng khi tiến gần đến quyền lực thì rủi ro cũng tăng ».

Theo Le Monde, trong các cuộc điều tra hiện nay, thật không thể phân biệt nguyên nhân bắt giữ các nhân vật này là di vi phạm đạo đức nghề nghiệp hay chỉ để thanh trừng đối thủ chính trị.

Đối với giáo sư Giang Triển Chiêu thuộc đại học Bắc Kinh, cũng không nên vơ đũa cả nắm. Một bộ phận nhân viên CCTV thu nhập thấp, lại phải chịu kiểm duyệt nên họ rất bức xúc.

Cũng theo ông Giang, tại CCTV, hiện tượng « thông đồng hối lộ » nở rộ. Để một nhãn hiệu hay một nhân vật được giới thiệu trên truyền hình quốc gia, các đối tượng phải chi tiền mua chuộc trực tiếp giới lãnh đạo CCTV, giúp các quan chức này một điều gì đó hoặc mua quảng cáo trên đài.

Kết thúc khủng hoảng tại Cam Bốt

Nhìn sang Cam Bốt, sau 10 tháng tẩy chay, phe đối lập đã chấp nhận tham gia Quốc hội.

Cách đây một năm, cuộc bầu cử Quốc hội đã gây ra nhiều tranh cãi khiến Cam Bốt rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Hiện nay, Thủ tướng Hun Sen và lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy vừa đạt được đồng thuận nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị tại đất nước này. Đó là nội dung một bài viết trên nhật báo La Croix.

La Croix nhận định, thoả thuận này cho phép trả tự do cho 8 nhà đối lập bị bắt giữ hôm 15/07/2014, dự trù một cuộc cải cách bầu cử quan trọng.

Đổi lại, 55 dân biểu thuộc đảng đối lập Cứu nguy dân tộc (CNRP) chịu vào làm việc tại Quốc hội. Họ nắm 5 trong số 10 ủy ban, đặc biệt là các ủy ban đặc trách nhân quyền và chống tham nhũng. Mu Sochua, một dân biểu thuộc đảng CNRP, phấn khởi nói : « Mỗi thứ Năm, chúng tôi sẽ triệu tập chính phủ hay một Bộ trưởng để chất vấn ».

Tuy nhiên, La Croix nhận định, những bước tiến dân chủ tại nước này vẫn còn rất mong manh. Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy lo ngại đảng Nhân dân Cam Bốt (PPC) không giữ cam kết.

Ou Virak, Chủ tịch một hiệp hội nhân quyền, nhận định : « Đây là một giải pháp tạm thời cho khủng hoảng bởi vì thoả thuận không nêu chi tiết ».

Ông dự đoán sẽ nổ ra những cuộc biểu tình mới « trong sáu tháng tới ». Đảng của Thủ tướng Hun Sen vẫn chiến thắng sau cuộc khủng hoảng này. Ông Ou Virak giải thích : « Đảng Nhân dân Cam Bốt (PPC) muốn đối lập vào ngồi ghế Quốc hội để hợp pháp hóa thể chế mà không phải cải cách một số định chế chính trị quan trọng ».

Indonesia : Bài học dân chủ trên đất Hồi giáo

Nhật báo Le Monde quan tâm đến quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới qua xã luận đề tựa : « Tại Indonesia, bài học dân chủ trên đất Hồi giáo ».

Theo nhận định của tác giả, đất nước Đông Nam Á này vừa dạy cho chúng ta một bài học quan trọng. Đó là Hồi giáo và dân chủ vẫn có thể hài hòa được với nhau.

Trong phong trào « Mùa xuân Ả rập », nhiều quốc gia Hồi giáo lật đổ chính quyền nhưng sau đó vẫn rơi vào vòng xoáy khủng hoảng và không có lối thoát. Bùng nổ bạo động tại Libya là một ví dụ minh họa cho sự thất bại của phong trào « Mùa xuân Ả rập ».

Sau cuộc bầu cử Tổng thống hôm 22/07 vừa qua, Indonesia đã chọn ra được vị lãnh đạo đất nước là ông Joko Widodo, cựu Thị trưởng Djakarta.

Ông Widodo xuất phát từ tầng lớp bình dân. Ông là hình ảnh của một nhà cải cách và ông đã biết biến nó thành thế mạnh để hạ gục đối thủ Prabowo Subianto, cựu tướng lãnh và từng là con rể của nhà độc tài Suharto.

Le Monde nhắc lại, Indonesia là một nền kinh tế đang trỗi dậy. Từ nhiều năm, Indonesia có tỷ lệ tăng trưởng khá ổn định (+5,8% vào năm 2013). Đất nước này không thiếu tài nguyên thiên nhiên lẫn nhân công lành nghề.

Tuy nhiên, Indonesia vẫn còn tỷ lệ người nghèo cao. 100 triệu người sống dưới ngưỡng 2 đô la/ngày. Tham nhũng là một trong những vấn nạn mà Tổng thống Widodo sẽ phải bài trừ.

Ngoài ra, Indonesia còn thiếu cơ sở hạ tầng, trong đó có ngành giao thông, giáo dục quốc gia hay y tế. Bối cảnh đó làm cho các nhà đầu tư chùn bước, mặc dù đa số vẫn đặt cược vào tương lai của nước này.
Xã luận kết luận, không thật sự chiếm đa số tại Quốc hội, nhưng ông Widodo sẽ dựa vào sức thuyết phục của ông.

Nhật : Giết người để xem sao.

Nhật báo Libération hôm nay quan tâm đến vụ án một nữ sinh Nhật Bản giết bạn (15 tuổi) để xem thế nào. Cả xứ sở phù tang đang chấn động về vụ giết người dã man này.

Theo Libération, nạn nhân được tìm thấy trên giường đẫm máu. Tay trái và đầu bị chặt đứt. Bên cạnh là cưa và búa, phương tiện gây án của thủ phạm.

Những người quen biết thủ phạm đều ngạc nhiên khi hay tin vụ án động trời này vì bền ngoài, cô ta là một người có năng khiếu, được giáo dục tốt như những nhận xét sau : « Cô ta rất thông minh, ham học », « mẹ cô ta rất chú ý giáo dục con » và « cô ta xuất thân từ một gia đình khá giả ».

Tuy nhiên, một số cho biết một vài thông tin. Cách đây 4 năm, thủ phạm không phải đã từng có ý đồ đầu độc bạn học bằng cách đổ nước javel vào thức ăn của bạn ? Không phải cô ta cũng từng thú nhận là đã giết và chặt nát thi thể một con mèo hay sao ?

Liệu cô ta có bị quá sốc sau khi mẹ cô qua đời vào năm ngoái và cha cô lại sớm lấy vợ khác ?

Mặc dù tên thủ phạm không được công bố rộng rãi trong công chúng vì cô dưới 20 tuổi, nhưng trên mạng và truyền thông, có rất nhiều người lên án cô.

Thông tin về gia đình thủ phạm chưa được xác thực cũng được tung trên mạng.

Chạy bộ kéo dài tuổi thọ

Mục điểm báo kết thúc bằng bài viết trên tờ Le Figaro đề tựa : « Chạy bộ 5 phút/ngày tăng 3 năm tuổi thọ ».

Theo kết quả của một nghiên cứu được tờ báo này đăng tải, người chạy bộ thường xuyên có ít rủi ro chết vì lý do sức khỏe hơn người không chạy bộ. Đồng thời, không chạy bộ có ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ và bệnh tăng huyết áp.

Một chuyên gia nhận định, người chạy bộ thường quan tâm đến những thứ họ ăn. Thường họ gầy hơn và thở dễ dàng hơn.

Qua kết quả này, chuyên gia khuyên nên tập thể dục hàng ngày và đặc biệt là không được dừng. Cần nhớ rằng, khi chạy phải hít thở đều đặn, không nên nói chuyện với người xung quanh. Thậm chí, khi chạy chỉ có 5-10 phút cũng phải khởi động 5 phút trước khi chạy và co giãn sau khi tập luyện. Trước khi bắt đầu chạy, cũng có thể luyện tập bằng cách đi bộ.

 

Switch mode views: