Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-06-2014

 Châu Á đua nhau liên minh chiến lược

Carte composée Chine Pakis

Trong mục điểm báo hôm nay 14/06, nổi bật là bài viết khá sâu sắc trên trang mạng Quartz của New York được tờ Le Courrier International trích dịch đề tựa: « Châu Á đua nhau thiết lập liên minh chiến lược».

Trang Quartz ra đời vào năm 2012, quy tụ một nhóm phóng viên làm việc cho các tờ báo và truyền thông uy tín.
Ban biên tập trang thông tin Quartz từng làm việc với The New York Times, The Wall Street Journal, Bloomberg hay The Economist.
Quartz còn có nhiều thông tín viên làm việc ngoài Hoa Kỳ và hợp tác với nhiều trang thông tin ngoại quốc.

Theo bài viết, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và các quốc gia Đông Nam Á đang siết chặt hợp tác chính trị. Các khối liên minh mới sắp được hình thành do nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên phải kể đến nhu cầu về nguyên vật liệu khổng lồ của Trung Quốc, các yêu sách chủ quyền và thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên biển Đông. Kế đến là việc Nga ngày càng phô trương sức mạnh quân sự, chủ nghĩa dân tộc dâng cao tại Nhật Bản và chính sách « xoay trục » sang Châu Á của Mỹ.

Bài báo nhận xét, có lẽ chúng ta đang chứng kiến buổi đầu của một kỷ nguyên mới, được đánh dấu bằng sự hình thành các đối tác mới, dựa trên nhu cầu và khả năng của mỗi bên về nguyên vật liệu, nhằm cân bằng lực lượng để giảm lệ thuộc vào các nền kinh tế phương Tây. Bài báo phác họa ra ba khối liên minh đang hình thành ngày nay.

Liên minh Nga-Trung-Iran

Thứ nhất là khối liên minh « Chiran » bao gồm Trung Quốc, Nga, Iran (còn có thể kết nạp thêm các quốc gia Trung Á có tên kết thúc bằng –stan). Đặc điểm chung là các nước này đều kiểm duyệt gắt gao internet.

Trung Quốc và Nga vừa ký kết một hợp đồng cung ứng khí đốt trị giá 400 tỷ đô la. Số lượng các lò phản ứng hạt nhân mà Nga xây dựng cho Iran lên đến 8 lò.

Trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu đang áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nước Nga do cuộc khủng hoảng tại Ukraina, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang xung khắc quanh vụ gián điệp mạng, phương Tây vẫn duy trì lệnh trừng phạt lên Iran, các quốc gia Đông Nam Á ghê tởm thái độ bành trướng của Trung Quốc, thì ba quốc gia : Nga, Trung và Iran vốn đã gần gũi lại có điều kiện xích lại gần nhau hơn.

Michal Meidan, giám đốc văn phòng tư vấn China Matters giải thích, Trung Quốc quay sang làm bạn với Nga và Trung Á để tận dụng nguồn nguyên vật liệu phong phú của các quốc gia này.

Nga và Trung Quốc vốn đồng thuận trên hầu hết các hồ sơ lớn hiện nay, như Syria và Ukraina, theo nhận xét của Andreï Kokochine, trưởng khoa của trường đại học Mátxcơva. Nga thừa hưởng một lượng khoáng sản dồi dào, không chỉ có khí đốt, mà còn có đất canh tác mà Trung Quốc vốn ao ước.

Liên minh Ấn-Nhật

Thứ hai, phải kể đến liên minh của hai nền kinh tế lớn trong khu vực Châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ « Japinde ». Hai nước này đều thích phục hồi lại niềm kiêu hãnh dân tộc. Cả hai nước này cực kỳ ghét sự phô trương thế lực của Trung Quốc.

Việc tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa đắc cử sẽ tạo điều kiện cho Nhật và Ấn hòa hợp hơn, vì cả hai lãnh đạo đều cùng thuộc cánh hữu và theo chủ nghĩa dân tộc. Bang Gujarat, nơi ông Modi từng lãnh đạo, cũng đã sớm thu hút giới đầu tư Nhật Bản.

Chuyến công du cấp nhà nước của ông Modi tại Nhật Bản, đang trong vòng thương lượng, có thể sẽ cho phép Ấn Độ ký kết một hiệp ước đầu tư với Nhật, mà Ấn Độ đang rất cần để thúc đẩy kinh tế.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có tham gia vào tài khoản Twitter của Thủ tướng Narendra Modi. Để giải thích cho sự thắt chặt liên minh này, tờ The New York Times cho rằng : dân số Nhật già đi có thể được bù đắp bằng một dân số trẻ năng động của Ấn Độ, những tài năng trong ngành công nghiệp Nhật sẽ có dịp phát triển nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú vẫn chưa được khai thác ở Ấn Độ.

Liên minh Philippines-Việt Nam

Cuối cùng phải kể đến liên minh giữa các quốc gia Đông Nam Á là Philippines và Việt Nam (có thể thêm các nước Indonesia, Malaisia và Thái Lan).

Các nước này đều muốn có áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Họ đều không chấp nhận “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đơn phương thiết lập để giành quyền kiểm soát trên biển Đông. Các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng của các quốc gia Đông Nam Á này hiếm khi quy tụ trong cùng một nhóm chính trị.

Thế nhưng, thái độ hung hăng, bành trướng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông buộc các nước này phải hợp tác với nhau. Ngày 21/05/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Philippine Benigno S.Aquino để bàn về “tình hình nguy kịch trên biển Đông” do Trung Quốc đã vi phạm Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Cuối cùng, Michal Meidan, giám đốc văn phòng tư vấn China Matters nhận định, “những thay đổi trong liên minh rất quan trọng về phương diện địa chính trị nhưng những hệ quả của nó trên thị trường vẫn còn hạn chế”.

Thái Lan: Phe quân sự kéo dài thêm thời gian

Vẫn liên quan đến Châu Á, Libération có bài viết : « Tập đoàn quân sự tự cho mình thêm thời gian ». Theo đó, tập đoàn quân sự Thái đã bỏ lệnh giới nghiêm và tuyên bố sẽ không tổ chức bầu cử trước một năm.

Từ sau cuộc đảo chính ngày 22/05/2014, mọi quyền lực tập trung vào tay Tướng Prayuth Chan-ocha. Quân đội đã đình chỉ Hiến pháp, bãi bỏ chính phủ, cấm biểu tình, bắt giữ đối lập, kiểm duyệt truyền thông, “tạm thời” giam giữ hàng trăm chính khách, nhà báo và nhà giáo.

Lãnh đạo quân đội Thái cũng tuyên bố sẽ thành lập chính phủ lâm thời từ nay đến tháng 9, nhưng sẽ không tổ chức bầu cử trước một năm, để cho phép bộ máy hành chính mới tiến hành cải cách chính trị, trong đó có việc soạn thảo Hiến pháp.

Tướng Prayuth Chan-ocha cũng không cho biết tân chính phủ sẽ tập hợp các thành phần dân sự hay quân sự. Ông cũng không loại trừ khả năng trở thành Thủ tướng Thái Lan.

Iran gia nhập cuộc chiến tại Irak

Các nhật báo ra hôm nay đều đặc biệt quan tâm đến tình hình chiến sự tại Irak, khi mà phần lớn lãnh thổ miền bắc Irak rơi vào tay lực lượng Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông.

Le Figaro cho biết, Iran không thể đứng nhìn Irak rơi vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan sunnit, bị xem là kẻ thù của cả vùng Trung Đông, nên đã gửi quân đến trận tuyến.

Theo tin từ tờ The Wall Street Journal, được nhật báo Le Figaro trích lại, có ít nhất ba đơn vị Iran được trang bị vũ khí, tràn sang lãnh thổ để giúp quân đội Irak, đang không đủ sức cản bước tiến của quân phiến loạn theo hệ phái Sunnit. Trong số đó, một đơn vị được lệnh sẽ chiếm lại một phần thành phố Tikrit, đã bị nhà nước Hồi giáo và các nhóm phiến loạn chiếm đóng vào thứ 4 (11/06/2014) vừa qua. Còn hai đơn vị khác nhận nhiệm vụ bảo vệ các thánh địa của hệ phái Si-ai, trước mối đe dọa của những chiến binh Hồi giáo cực đoan hệ phái Sunnit.

Irak : Một Ben Laden mới ?

Nhật báo Libération quan tâm đến nhân vật lãnh đạo cuộc chiến này, một người đầy bí ẩn. Khuôn mặt ông ta được in ngay trên trang nhất kèm dòng tựa: “Ben Laden mới”. Đó chính là ông Abou Bakr al-Baghdadi. Tham vọng của ông là lập nên một quốc gia Hồi giáo bao gồm Irak và Syria.

Libération không tránh một ngôn từ nào để lột tả chân dung của vị thủ lãnh tổ chức cực đoan này. Đó là các cụm từ “một người vô hình, một quý tộc thuộc nhóm jihad quốc tế”, “người gieo rắc nỗi sợ hãi” hay “người không tồn tại”.

Quân đội của ông ta là một tổ chức “cuồng ám”. Trên mặt trận Irak, đội quân của ông ta có từ 5000 đến 6000 chiến binh, tại Syria, có 12 000 quân.

Trước một đối thủ như thế, Hoa Kỳ hiện vẫn còn chần chừ. Bài xã luận trên Libération dự đoán, nếu đội quân của thủ lãnh Nhà nước Hồi giáo Irak và Trung Đông vẫn tiếp tục lấn lướt, thì chúng ta có thể mường tượng ra giai đoạn kế tiếp là Mỹ sẽ bắt tay với chế độ Al-Assad ở Syria để tiêu diệt mối hiểm họa al-Baghdadi.

Brazil : Lễ hội và phẫn nộ

Trong không khí sôi nổi của Cúp bóng đá thế giới 2014, các tạp chí và nhật báo Pháp đều dành nhiều trang cho sự kiện này. Tạp chí Le Courrier international trích nhiều tờ báo của Brazil với nhận định, bên cạnh ngày hội bóng đá là thái độ phẫn nộ trong dân chúng.

Tạp chí Le Nouvel Observateur cũng có cùng nhận định qua bài: “Khi quả bóng tròn xé nát Brazil”.

Tạp chí cho biết chưa bao giờ, Brazil lại đối mặt với khủng hoảng xã hội nghiêm trọng như vậy. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp Brazil để phản đối việc tổ chức Cúp bóng đá thế giới. Người dân bất bình vì cho rằng, sự kiện này chỉ dành cho du khách, trong khi chính người dân chi trả cho sự kiện này thì họ lại không được vào xem bóng đá.

Những điều chưa biết về Platini

Tờ Le Nouvel Observateur đăng ngay trên trang bìa dòng tựa: “Những điều chưa biết về Platini”. Sinh trưởng trong một gia đình nhập cư Ý, là một biểu tượng của nước Pháp, ngôi sao trên thế giới và sau đó ông trở thành lãnh đạo bóng đá Châu Âu (UEFA). Nay ông hoạt động trong một môi trường mà đồng tiền và những vây cánh chìếm vị trí quan trọng không kém lòng say mê bóng đá.

Từ lâu, Michel Platini chưa bị đụng đến, nhưng từ vài tuần nay, ông đang bị vướng vào vụ “Qatargate” và đang gây ầm ĩ trong thế giới bóng đá.

Hai tờ báo Anh là “Sunday Times” và “Daily Telegraph” đã cáo buộc lãnh đạo UEFA là đã bị Qatar mua chuộc để trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho nước này.

Cho đến lúc này vẫn chưa có chứng cứ xác đáng, nhưng Michel Platini đã thừa nhận khoảng chục ngày trước khi bỏ phiếu bầu Qatar đăng cai World Cup 2022, ông đã được Tổng thống Sarkozy mời đến điện Elysée ăn tối và có cả Thái tử Qatar Tamin Al-Thani, tân chủ nhân đội bóng PSG.

Tạp chí cũng nhận định, cựu Tổng thống Sarkozy và Michel Platini là đôi bạn lâu năm, liệu chủ tịch UEFA có thể khước từ mong muốn của Tổng thống Sarkozy hay không?

Roma : Thành phố nghệ thuật muôn thuở

Tạp chí L’Express số ra tuần này dành một hồ sơ lớn dài 30 trang cho thành phố Roma cổ kính nhưng cũng đầy vẻ lãng mạn. Mặc dù trải qua khủng hoảng kinh tế, Roma vẫn tiếp tục đổi mới và làm giàu các di sản văn hóa vô giá.

Tạp chí L’Express mệnh danh Roma là “thành phố nghệ thuật vĩnh cữu”.
Tạp chí giới thiệu cho độc giả những địa điểm tham quan du lịch lý thú, những kho báu văn hóa vô giá, những cuộc du ngoạn khó quên và những nhà hàng ẩm thực Ý đã thu hút không biết bao thế hệ. Mariana Valensise, giám đốc trung tâm văn hóa Ý tại Paris nhận xét: “Mỗi thế hệ khám phá lại Roma một cách khác nhau”.

Phải nói được rằng, Roma là nữ hoàng của thế giới Thiên Chúa Giáo. Roma chính là người kế vị của Đế chế La Mã, là di sản lịch sử luôn sống động, trái với Athène. Cựu đệ nhất phu nhân Pháp, Carla Bruni-Sarkozy đã từng làm việc lâu năm tại thủ đô nước Ý, cũng dành cho Roma một tình cảm đặc biệt.

Thi tú tài Pháp : Cho phép học sinh đi trễ

Cuộc đình công diễn ra từ vài ngày qua của nhân viên ngành đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) trong bối cảnh học sinh trung học Pháp đang bước vào kỳ thi tú tài. Do đó, Bộ trưởng Giáo dục Pháp cho phép thí sinh đi thi trễ một giờ do trễ tàu xe. Quá một giờ thì trưởng hội đồng thi sẽ giải quyết tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, tờ Le Figaro cũng quan ngại đến nguy cơ lộ đề thi và các trường hợp gian lận.


Switch mode views: