Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-06-2014

 Brazil : Áp lực trước Cúp bóng đá thế giới

BRAZIL-WORLDCUP
Reuters

Còn hai ngày nữa là khai mạc lễ hội túc cầu lớn nhất hành tinh. Hàng triệu con tim đều hướng về Brazil, quốc gia đăng cai cho lễ hội 2014. Không nằm ngoại lệ, sự kiện này hôm nay đã bắt đầu hâm nóng làng báo Pháp.

Đương nhiên, đội bóng Pháp hôm qua lên đường đi Brazil để tham gia hội túc cầu là sự kiện chính cần được quan tâm như hàng tựa trên báo La Croix: “Đội bóng Pháp lên đường đến Brazil”.

Sau chiến thắng “lẫy lừng” trong trận giao hữu với đội Jamaica, đội bóng Pháp đã đến Brazil với tràn đầy tự tin. Huấn luyện viên trưởng của đội tuyển dường như cũng đã tìm ra cho mình chiếc chìa khóa còn thiếu trên hàng công khi phát hiện cặp đôi Olivier Giroud – Karim Benzema.

Những kẻ bên lề Cúp bóng đá Thế giới 2014

Tuy nhiên điều mà giới báo chí Pháp quan tâm nhiều nhất là những biến động xã hội gần đây tại nước chủ nhà Brazil.

Trận cầu khai mạc sắp diễn ra mà Brazil, một đất nước xem bóng đá là môn thể thao vua, đang bị giày vò bởi những căng thẳng xã hội theo như nhận định của tờ Libération. Tờ báo dành hẳn 4 trang báo lớn mở hẳn một hồ sơ đặc biệt về sự kiện này và đưa tít lớn trên trang nhất: “Những kẻ bên ở lề của Cúp Thế giới”.

Trong bài viết đề tựa “Tại Brazil, Cúp Thế giới làm tràn ly”. Những đòi hỏi của FIFA và chi phí cho giải túc cầu lớn nhất hành tinh năm nay đã nuôi dưỡng cơn phẫn nộ của xã hội. Libération lấy thành phố São Paulo làm ví dụ điển hình.

Bảy triệu hộ gia đình không có chỗ định cư. Tại một miếng đất rộng bao la diện tích 150 000 m², nằm cách sân vận động Itaquerão, nơi sẽ diễn ra trận khai mạc chỉ có 4 km… hiện đang là trại tạm trú cho hơn 4800 hộ gia đình. Một sự tương phản quá ấn tượng.

Tiếp đến là cuộc đình công của các nhân viên tàu điện ngầm, khiến cho lưu thông tại thành phố São Paulo, với gần 20 triệu dân rơi vào tình trạng hỗn độn chưa từng có, kẹt xe kéo dài đến gần 170 km hôm thứ hai vừa qua.

Libération trích dẫn lại các kết quả thăm dò gần đây cho thấy “51% số người Brazil được hỏi vẫn còn muốn tổ chức Cúp bóng đá Thế giới trên đất nước họ, so với tỷ lệ 79% cách đây 6 năm. Cuộc tranh tài bóc trần những gì mà tờ O Estado de São Paulo mô tả như là một mảng tối của xã hội”.

Bài xã luận trên Libération còn đi xa hơn « bất bình đẳng dai dẳng, cứ như là một hành động cực kỳ bạo động.

Brazil có thể là một vương quốc bóng đá, nhưng người dân xứ này cũng có lý khi đòi hỏi chính phủ về những khoản chi tài chính công cho trận cầu quốc tế này cũng như những nghi ngờ về tham nhũng. Phong trào xã hội do cựu tổng thống Lula khởi xướng đã nuôi dưỡng sự phẫn nộ và những lo âu của những ai vừa mới thoát nghèo”.

Brazil: thịnh vượng song hành cùng bạo lực

Cũng liên quan đến mặt xã hội tại Brazil, tờ Le Monde có bài viết nhận định “ Brazil, càng giàu càng bạo hành”. Bất chấp các nỗ lực cải thiện an ninh, nước chủ nhà World Cup 2014 ghi nhận 56000 vụ giết người riêng trong năm 2012.

Kể từ khi thoát khỏi chế độ độc tài vào năm 1985, mức sống của người dân đã được cải thiện. Tính đến năm 2013, khoảng từ 35 – 40 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo khổ, làm phồng to tầng lớp trung lưu của đất nước.

Trình độ học vấn được nâng cao nhanh chóng. Số người vào đại học tăng gấp đôi trong vòng 10 năm đạt con số gần 7 triệu sinh viên. Và tỷ lệ người mù chữ cũng xuống dưới mức 9% ở những người trên 15 tuổi.

Điều lạ lẫm là càng giàu có và càng có học, người Brazil lại càng trở nên bạo hành. Theo con số thống kê do Viện Sangari công bố hôm 27/05 vừa qua tại Sao Paulo, trong một báo cáo thường niên mang tên “Bản đồ nạn bạo hành”, Brazil ghi nhận chỉ tính riêng trong năm 2012, hơn 56000 vụ giết người đã xảy ra.

Thống kê cho thấy cứ 10 vụ án giết người xảy ra trên thế giới có một vụ tại Brazil. 16 trong tổng số 50 thành phố bạo hành nhất trên hành tinh đều tập trung tại đất nước vua bóng đá.

Bàn về nguyên nhân, khác với ý tưởng nhận được, phần đông các vụ giết người không liên quan đến các tệ nạn buôn bán chất kích thích hay tội ác có tổ chức, mà chủ yếu là do cãi vã trong gia đình hay láng giềng, ẩu đả do say rượu, gian lận, trộm cắp, xâm phạm tình dục hay đối xử phân biệt.

Bạo hành gia tăng đến mức, theo một thăm dò gần đây, niềm ao ước “chấm dứt bạo hành” đã trở thành ước nguyện hàng đầu cho lễ Noel.

World Cup 2014 không mang lại lợi nhuận cho Brazil

Nhật báo Les Echos cùng chia sẻ mối bận tâm với Libération và Le Monde nhưng trên bình diện kinh tế.

Theo đánh giá của tờ báo, “Cúp bóng đá Thế giới sẽ khó giúp nền kinh tế Brazil thoát khỏi cơn mê”. Tăng trưởng èo uột, lạm phát dai dẳng, năng suất thấp, “Tác động kinh tế lâu dài sẽ rất mù mờ”.

Les Echos trích dự đoán của các chuyên gia kinh tế cho là tăng trưởng sẽ chỉ đạt trong khoảng từ 1 – 1,5%. Tờ báo lấy Nam Phi làm ví dụ.

Bốn năm sau lễ hội túc cầu lớn lần trước (2010), kinh tế nước chủ nhà Nam Phi vẫn trong tình trạng trì trệ. “Nếu tăng trưởng trong năm 2010 đạt 0,5%, nền kinh tế bị các cuộc đình công gậm nhấm vẫn phát triển ì ạch. Đồng rand mất giá đến 55% so với đồng euro từ bốn năm nay và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở như mức của năm 2010 (25%).

Les Echos trích bình luận của nhà xã hội học Nam Phi Chris Bolsmann cho rằng: “Một Cúp bóng đá Thế giới chưa hẳn có thể giải quyết được các vấn đề cơ cấu của một quốc gia. Nhưng một điều hiển nhiên là mô hình tài chính của giải tranh tài này mang lại nhiều lợi nhuận cho FIFA chứ không phải cho quốc gia đăng cai”.

Tham nhũng: FIFA sẽ mất tài trợ?

Không chỉ có nước chủ nhà Brazil chịu nhiều áp lực mà ngay cả FIFA cũng vậy. Le Figaro cho biết “Hội nghị Liên đoàn bóng đá Quốc tế dưới áp lực rất lớn”.

Đại gia đình bóng đá sẽ có phiên họp tại Sao Paulo vào ngày hôm nay 10/06/2014 vì những cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc giao quyền đăng cai Cúp Thế giới 2022.

Các tiết lộ của báo chí Anh quốc đã nhấn FIFA vào vòng xoáy chưa từng có, tờ báo nhận xét. Đây cũng là lúc để cho tổ chức thể thao lớn nhất hành tinh này tiến hành cải cách sâu rộng nếu không muốn thấy các đối tác thương mại từ bỏ tổ chức.

Sự việc giờ đã trên nên nghiêm trọng đến mức các nhà tài trợ cũng phải lao vào cuộc theo như hàng tựa nhận định của Le Figaro “Cúp Thế giới 2022: các nhà tài trợ đòi hỏi lời giải thích”.

Căng thẳng Nhật Bản và Bắc Triều Tiên hạ nhiệt

Về Châu Á, báo Le Monde số ra hôm nay 10/06/2014 có một bài phân tích khá hay về quan hệ Nhật Bản – Bắc Triều Tiên đột nhiên được hâm nóng lại.

Theo Philippe Pons, thông tín viên thường trú tại Tokyo « Sự hạ nhiệt căng thẳng giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên » rất có thể tạo ra một bầu không khí có lợi cho việc nối lại các đàm phán đa phương trên hồ sơ hạt nhân.

Le Monde nhắc lại vào ngày 29/05/2014 vừa qua, Tokyo và Bình Nhưỡng đã bất ngờ đạt được một đồng thuận tại Stockholm, Thụy Điển. Theo đó Bắc Triều Tiên mở lại các cuộc điều tra về những người Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong những thập niên 1970-1980.

Trên thực tế, không ai biết được nguyên do sâu xa của thỏa thuận giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên, nhưng việc trao đổi các công tác điều tra, bao gồm các nhà ngoại giao và nhân viên an ninh của cả hai phía, khiến người ta nghĩ rằng Bình Nhưỡng đang tỏ ra mềm dẻo hơn so với lức trước.

Theo nhận định của tác giả, Bắc Triều Tiên muốn vực dậy nền kinh tế nên phải phải cải thiện các mối quan hệ với các nhà tài trợ. Nhưng điểm đáng chú ý là thời điểm ký kết.

Vào lúc này, quan hệ giữa Bắc Triều Tiên với quốc gia anh em láng giềng Hàn Quốc cũng như với cựu thù là Mỹ đang trải qua một giai đoạn căng thẳng. Trong khi đó, chính quyền Nhật Bản do ông Shinzo Abe lãnh đạo lại đang chọc giận Trung Quốc và Hàn Quốc vì đường lối phủ nhận quá khứ của ông.

Do đó, Bình Nhưỡng nghĩ rằng đây cũng là lúc tốt nhất để hạ nhiệt căng thẳng với Tokyo và cố gắng hạn chế bớt sự lệ thuộc vào Bắc Kinh cũng như ngăn chặn mặt trận liên minh Seoul-Tokyo-Washington.

Tokyo lại đóng vai « kỵ sĩ đơn độc »

Về phần mình, Nhật Bản cũng đang tìm cách trở lại ván cờ địa chính trị trong khu vực, mà sự ổn định của bán đảo là một yếu tố trọng yếu. Trong mọi cuộc thương lượng đa phương về hồ sơ hạt nhân, Tokyo như bị ám ảnh bởi hồ sơ những người bị bắt cóc, và điều này làm tê liệt các chính sách đối ngoại của họ đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Hơn nữa vào lúc này hiệu quả « thần kỳ » từ các chính sách kinh tế « Abenomics » dường như không mấy phát huy và đang có dấu hiệu hụt hơi, nên việc thành công trên mặt trận đối ngoại có thể giúp ông khẳng định vị trí như là một tác nhân dám đối mặt với Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

Tác giả cho là ông Abe đang lao vào một nước cờ ngoại giao tế nhị : đồng thuận đạt được với Bình Nhưỡng đã gây bất ngờ cho Washington và nhất là Seoul.

Trong khi mà giữa hai quốc gia anh em này đang gờm nhau và Hoa Kỳ tăng cường các lệnh trừng phạt chống lại quốc gia cộng sản khép kín nhất hành tinh, Nhật Bản đã thông qua một thỏa thuận dự tính dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Tokyo áp đặt mà không hề đếm xỉa gì đến hồ sơ hạt nhân.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản chơi trò « kỵ sĩ đơn độc » về vấn đề Bắc Triều Tiên.

Vào tháng 09/2002, Thủ tướng Junichiro Koizumi đã đến thăm Bình Nhưỡng nhưng chỉ thông báo cho Washington biết vào giờ chót.

Trước mắt Tokyo vẫn tỏ ra thận trọng. Tuy nhiên Le Monde tỏ ra lạc quan là nếu Bình Nhưỡng có thể làm hài lòng phía Tokyo về số phận của những người Nhật bị bắt cóc, một cuộc họp thượng đỉnh giữa Shinzo Abe và Kim Jong-un, cũng rất có thể tạo cơ hội cho việc nối lại đàm phán đa phương về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Hòa bình Đông Ukraina, thách thức cho tân tổng thống Porochenko

Toàn vẹn lãnh thổ, bình ổn phía đông, gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và bảo đảm khí đốt cho đất nước là những cam kết do tân Tổng thống Ukraina đưa ra trong lễ tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Bảy 07/6 vừa qua.

Chủ đề này vẫn được một số tờ báo lớn của Pháp tiếp tục theo dõi. Báo Le Monde và Les Echos lần lượt chạy tựa: « Tân tổng thống Ukraina muốn một thỏa thuận ngưng bắn trong tuần » và « Tân tổng thống Ukraina muốn đối thoại với Matxcơva ».

Riêng nhật báo Công giáo La Croix, nhằm muốn độc giả hiểu rõ hơn về tình hình tại Ukraina, có bài giải thích rất rõ đề tựa « Tân tổng thống Ukraina đề xuất một kế hoạch hòa bình ».

Bài viết của phóng viên Alain Guillemoles xoáy quanh ba câu hỏi chính : Tình hình hiện nay ở phía đông Ukraina như thế nào ? Những đề xuất nào cho hòa bình của tân tổng thống Ukraina ? Liệu có khả năng đi đến một lệnh ngưng bắn trong tuần này hay không ?

Về phần câu hỏi thứ nhất, theo tác giả bài viết, chiến sự vẫn tiếp diễn tại phía đông. Các lực lượng ly khai dường như được trang bị đầy đủ vũ khí và có thể dựa vào các đội quân tình nguyện mới.

Theo Kiev, hiện có khoảng 5000 quân tình nguyện đến từ Nga, Chechnya hay Ossetia đang chiến đấu cho quân nổi dậy tại Donbass. Tình hình cho thấy hiện lực lượng quân đội Ukraina đã mất quyền kiểm soát khoảng 200 km đường biên giới.

Vì vậy, trong buổi tuyên thệ nhậm chức, ông Petro Porochenko đã có những đề xuất cho hòa bình. Một mặt ông khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ kể cả vùng Crimée đã bị sáp nhập vào Nga và thiện chí gia nhập ngôi nhà chung Liên Hiệp Châu Âu, cũng như duy trì Hiến pháp hiện nay quy định tiếng Ukraina là ngôn ngữ chính thức.

Nhưng mặt khác đối với người dân phía đông, ông Porochenko đề nghị lệnh ân xá cho phe nổi dậy, xây dựng một « hành lang an toàn » tạo điều kiện cho quân tình nguyện nước ngoài được hồi hương. Ông cũng cam kết tiến hành cải cách phân quyền cho vùng và đảm bảo quyền tự do sử dụng ngôn ngữ Nga trong toàn bộ khu vực phía Đông.

Cuối cùng, liệu tân tổng thống Ukraina có đi đến được lệnh ngưng bắn hay không, tác giả cho rằng dù đang có những bước tiến nhưng điều này khó có thể thực thi. Một nhóm đàm phán đang được tiến hành tại Kiev với sự tham gia của đại sứ Nga tại Kiev, đại sứ Ukraina tại Đức và đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).

Vấn đề là dù ông Porochenko muốn nhanh chóng chấm dứt chiến sự trong tuần, các thủ lãnh phe nổi dậy có vẻ như không muốn buông súng.

Điều kiện tiên quyết của họ là đề nghị Porochenko cho rút hết toàn bộ quân Ukraina ra khỏi các vùng phía Đông.

Trong khi đó, Kiev cũng không có ý định nối các cuộc thương lượng với các lãnh tụ của phe ly khai mà họ xem là « những kẻ cướp ». Đây quả là một bài toán khó cho tân Tổng thống Petro Porochenko.


Switch mode views: