Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hiệp định sông Mekong 'đang tan vỡ'?

mekong river



Sông Mekong là nguồn sống của 60 triệu người ở hạ lưu

 

Trong khi lãnh đạo các nước Ủy hội sông Mekong họp tại Việt Nam, đang có ý kiến chỉ trích cơ chế hiện hành, nhất là Hiệp định sông Mekong ký năm 1995.

Hội nghị thượng đỉnh Ủy hội sông Mekong lần thứ hai đang họp từ ngày 2/4-5/4 tại TP HCM, với sự tham gia của Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Phó thủ tướng Thái Lan; các đoàn Trung Quốc, Miến Điện, các nhà tài trợ và các chuyên gia về sông Mekong.

Hội nghị thượng đỉnh do Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission - MRC) tổ chức bốn năm một lần, năm nay tập trung vào chủ đề "An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu".

Vào thứ Bảy 5/4, hội nghị được trông đợi sẽ cho ra Tuyên bố chung.

Trong khi hội nghị diễn ra, đang có tiếng nói chỉ trích cơ chế hoạt động của Ủy hội sông Mekong cũng như tính hiệu quả của Hiệp định sông Mekong mà bốn nước Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan ký ngày 5/4/1995, được xem như cơ sở hoạt động của MRC.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất và cũng làm lộ ra nhiều bất cập nhất trong quá trình gần 20 năm của MRC là sự thiết lập các đập thủy điện dọc dòng sông này.

Theo thỏa thuận ký năm 1995, bốn nước thành viên MRC nhất trí tham vấn lẫn nhau khi mỗi nước lên kế hoạch xây đập.
Tuy nhiên thỏa thuận này lại không có tính ràng buộc, có nghĩa rằng không nước nào có thể phủ quyết các kế hoạch của những nước khác.

Kết quả là có những dự án gây tranh cãi quyết liệt, như dự án đập Xayabury của Lào, cho dù bị các quốc gia láng giềng cùng hàng trăm tổ chức quốc tế phản đối, vẫn được tiến hành.
Tin cho hay công trình này nay đã xây dựng được khoảng 1/3.

Đập Don Sahong

Một dự án khác của Lào, đập Don Sahong ở Siphandone, tỉnh Champassak miền nam nước này, gần biên giới với Campuchia, cũng đang bị phản đối.

Nhiều tổ chức quốc tế và đại diện của chính phủ hai nước hạ nguồn là Việt Nam và Campuchia đã khuyến nghị với chính phủ Lào, yêu cầu phải được tham vấn để tìm giải pháp.

Kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch tổ chức môi trường Quỹ Sinh thái Việt Nam (Vietnam Ecology Foundation) đặt tại bang California của Hoa Kỳ, nói ông và các đồng sự đã gửi đơn lên Thủ tướng Lào Thongsin Thammavong từ tháng 11/2013 yêu cầu dừng xây đập nhưng tới nay vẫn chưa có hồi đáp.

Theo phân tích của giới khoa học, nếu đập Don Sahong được xây dựng, nó sẽ mang lại các tác động môi trường vô cùng "nghiêm trọng và tiêu cực".

Từ năm 2007, hàng chục khoa học gia đã gửi thư ngỏ nhận định: “Tác động môi trường nghiêm trọng và tiêu cực nhất của con đập giáng xuống – điều cần quan tâm nhất cho dân cư sống hai bên Mekong và khắp phụ lưu trung và nam Lào, kể cả sông Sekong và các phụ lưu trong hai tỉnh Sekong và Attapeu, cũng như Campuchia, Việt Nam ở phía nam và Thái Lan ở phía bắc - là vào ngư sinh và ngư nghiệp".

"Đập Don Sahong sẽ ngăn dòng chảy chính trong vùng thác Khone mà đại đa số di ngư cần có sử dụng đặc biệt vào mùa khô để đi lên thượng nguồn từ Campuchia.”

Kỹ sư Long nhấn mạnh rằng trong mùa khô, dòng chảy Hou Sahong nơi Lào định xây đập là sinh lộ duy nhất của loài cá, và đập này sẽ làm rối loạn kho tàng thiên nhiên không chỉ của hai nước Campuchia và Việt Nam, mà còn của chính nước Lào.

Ông bày tỏ thất vọng về cơ chế hoạt động của MRC, mà đáng ra phải đóng vai trò lớn trong việc điều phối giữa các quốc gia để giải quyết các quan ngại về sông Mekong.

dams mekong
Các đập thủy điện trên sông Mekong (nguồn: Tổ chức sông ngòi Quốc tế)

 

"MRC có một quy tắc hoạt động hết sức lạ lùng, là họ không trả lời trực tiếp các kiến nghị của công chúng mà chỉ trả lời giữa các chính phủ với nhau, nên công chúng không được biết."

'Đang đà tan vỡ'?

Ông Phạm Phan Long nói với BBC: "Theo nhận định của chúng tôi, cũng như nhiều tổ chức ngay cả ở trong Việt Nam như Vietnam River Network, thì Hiệp định sông Mekong đang trên đà tan vỡ".

"Các lãnh đạo tỏ ra không vững vàng, không cổ súy cho tinh thần hợp tác phát triển một cách bền vững, mà để cho các quốc gia tìm cách khai thác tận cùng tài nguyên của dòng sông, đua nhau làm cho dòng sông chết nhanh hơn."

Trước lập luận cho rằng các quốc gia luôn đặt quyền lợi của mình lên trước, ông Long nói lịch sử khai thác nhiều dòng sông khác trên thế giới cho thấy các quốc gia hoàn toàn có thể hợp tác, cùng nhau khai thác trong sự thỏa hiệp để duy trì sự sống của các dòng sông.

Ngoài hiểm họa về môi trường và môi sinh, hiện cũng đang có ý kiến lo ngại về sự có mặt của các công ty Trung Quốc trong các dự án hạ tầng và thủy điện ở trung và nam Lào.

Luồng ý kiến này cho rằng với hiện diện mạnh ở đây, người Trung Quốc có thể vươn ra tới các quốc lộ mạch máu của cả phía bắc Campuchia và miền trung Việt Nam trong một địa bàn trọng yếu nhất về an ninh-quốc phòng.

Về vấn đề này, kỹ sư Long nói ông chỉ có một suy nghĩ sơ khởi là Trung Quốc đang có một đại chiến lược về khai thác khoáng sản tại toàn vùng và đang theo đuổi kế hoạch này để thỏa mãn nhu cầu về nhiên, nguyên liệu ở trong nước.

"Khi Trung Quốc đang tìm cách khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên và lập những con đường sang Lào và Campuchia, thì chúng ta thấy rằng thủy điện ở đây sẽ là nguồn năng lượng để họ khai thác khoáng sản để đưa thẳng [thí dụ qua Vũng Áng] sang Vân Nam hoặc Hải Nam."

Switch mode views: