Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nước Mỹ 50 năm sau "giấc mơ" của Martin Luther King

1963 March on Washington



Cuộc tập hợp trước đài tưởng niệm Lincoln 28/08/1963 © National Archives and Records Administration


Cách đây 50 năm tại Washington, ngày 28/08/1963, trước 250 nghìn người, mục sư Martin Luther King đã có bài diễn văn với câu nói nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ”, được coi như một khẩu hiệu ghi dấu ấn trong cuộc đấu tranh vì dân quyền của người Mỹ da đen.

50 năm sau, giấc mơ bình quyền chưa hẳn đã thành hiện thực trọn vẹn với tất cả người dân Mỹ.

Vào thời điểm mục sư Martin Luther King lên diễn đàn phát biểu trước khoảng 250 nghìn người tại Washington năm 1963, nước Mỹ đã trải qua gần 100 năm xóa bỏ chế độ nô lệ nhưng người Mỹ da đen vẫn bị phân biệt đối xử trong nhiều mặt của đời sống xã hội đặc biệt là họ vẫn chưa được quyền bầu cử.

Với giọng nói hùng hồn Martin Luther King nói : “Một trăm năm sau, người da đen vẫn chưa được tự do” và cuộc sống của họ vẫn còn bị tê liệt bởi “những chiếc còng của phân biệt đối xử và những dây xích của kỳ thị”.

Mục sư da màu ví von rằng những người Mỹ da đen vẫn đang sống “trong một hoang đảo nghèo khổ giữa một đại dương mênh mông của sự phồn thịnh…. Họ đang phải sống mòn mỏi trong những xó xỉnh của xã hội Mỹ….Họ đang sống lưu vong trên chính đất nước mình”.

Martin Luther King khẳng định, đã đến lúc thực hiện “giấc mơ Mỹ”. Mục sư Luther King mơ ước tự do công bằng cho người da đen trên khắp các tiểu bang của hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Cuộc tập hợp ngày 28/8/1963 khi đó tại Washington DC chỉ là một trong những giai đoạn trong cuộc đấu tranh kể từ 8 năm trước đó của vị mục sư Tin lành người da đen.
Cũng cần phải nói thêm là vào năm 1963, ông John Fitzgeral Kennedy đã lên làm tổng thống Mỹ được 3 năm, nhưng lời hứa xóa bỏ hoàn toàn tệ phân biệt chủng tộc của ông đã không được thực hiện.

Theo nhà sử học Taylor Branch, chính quyền Mỹ khi đó thực sự lo sợ bạo loạn lớn sẽ xảy ra từ cuộc tập hợp hôm 28/08/1963 đã huy động 4000 quân trong lực lượng chống bạo loan đến hiện trường.

Ngoài ra 15 000 binh sĩ quân đội được đặt trong tình trạng báo động . Các bệnh viện được lệnh hoãn các ca phẫu thuật không cần thiết và tích trữ máu. Các trận đấu bóng chày trong ngày hôm đó và những ngày sau đã bị hoãn.

Martin Luther King cổ vũ cho phương pháp đấu tranh bất bạo động, chính vì thế ông đã bị không ít những chỉ trích từ phía những nhà đấu tranh chống phân biệt chủng tộc chủ trương chống đối kịch liệt chính quyền.
 Martin Luther King vẫn chưa phải là một gương mặt tiêu biểu trong cuộc đấu tranh vì dân quyền của người da đen vào thời điểm đó.

Cuộc biểu thị tại Washington khi đó do nhiều phong trào đấu tranh ôn hòa tại Hoa Kỳ kêu gọi. Mỗi phong trào đều có một diễn giả của mình và Luther King là người phát biểu thứ 18 hay 19 vào cuối buổi chiều.

Những người trong ê-kíp của mục sư King nay vẫn còn sống kể lại rằng việc tổ chức cuộc tuần hành hôm đó cực kỳ phức tạp và mối quan tâm chính của mục sư lúc đó không phải là bài phát biểu.

Martin Luther King dự tính gửi một thông điệp chủ chốt đến Lincoln rằng 100 năm sau khi xóa bỏ chế độ nô lệ, người da đen vẫn là những nô lệ.

Vậy là phần diễn văn đã lưu vào lịch sử không được chuẩn bị trước. Đó chính là cảm hứng trước đám đông trong một thời khắc lịch sử, khi mục sư Luther Kinh nói:
 “ Tôi mơ ước trên những vùng đất đỏ của bang Georgia, những người con của các nô lệ xưa và những người con của các chủ trại ủng hộ chế độ nô lệ cùng ngồi chung một bàn như những người anh em. Tôi đã mơ giấc mơ này…”

Hình ảnh và uy tín của Martin Luther King nổi bật từ khi đó và rất được cơ quan an ninh chú ý tới.
Ngay sau đó, ngày 30/08/1963, Cục điều tra liên bang FBI đã ghi nhận Martin Luther King là một “lãnh tụ da đen phải được xem là nguy hiểm cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ, nhất là tầm ảnh hưởng của ông ta rất lớn trong cộng đồng”.

Vấn đề chủng tộc vẫn còn nhạy cảm

Ngày nay, khi nước Mỹ đã có một tổng thống da đen, người ta có thể nói đó là một thay đổi lớn cho dù nhiều phong trào của người da màu vẫn chưa hẳn đã thỏa mãn với đánh giá đó.
Thế nhưng trên thực tế, chủng tộc vẫn còn là vấn đề “kiêng kỵ” , thường hạy bị né tránh trong chính trị.

Theo một số nhà quan sát như nhà sử học Taylor Branch nhấn mạnh : “ Khi Obama nhắc đến vụ việc của thiếu niên da đen Trayvon Martin bị sát hại, có người đã nói như vậy là phản bội lại lời hứa ở Hoa Kỳ rằng người ta không nói đến chuyện chủng tộc”.

Nhưng có thể nói toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ được ghi dấu ấn bởi vấn đề chủng tộc.

Tổng thống Obama cũng bày tỏ rất ít về chủ đề này. Tuy nhiên trong những ngày gần đây, tạp chí Time kể lại rằng tổng thống Obama có lần nói đùa rằng nếu ông ra khỏi Nhà trắng kín đáo không để ai biết và nếu vẫy taxi thì chưa chắc đã có chiếc nào dừng lại.

Vấn đề tranh luận hiện nay đang rộ lên ở nước Mỹ xung quanh việc cho phép kiểm tra giấy tờ theo kiểu “trông mặt mà bắt hình dong”.

Ở Mỹ người ta vẫn thường bắt giữ, bị tình nghi, bị gây phiền toái nhiều hơn nếu họ la nhưng người da đen. Đó là nhận định của một linh mục Tin lành da đen Josseph Lowery ở Chicago. Vị mục sư này nói :
 “ Chúng tôi đã có số dân biểu (da đen) nhiều chưa từng có từ trước tới nay. Chúng tôi thậm chí còn có cả đại diện nắm giữ Nhà trắng. Thế nhưng, có một số người Mỹ vẫn đang cố gắng đòi lại chúng tôi quyền bỏ phiếu, vì cái quyền đó mà nhiều người trong chúng tôi đã phải bỏ cả mạng sống. Tất cả đã thay đổi, nhưng không có gì đổi thay”.

Vị mục sư này muốn ám chỉ đến việc ở Hoa Kỳ người ta đang muốn luật hóa chỉ cho phép những công dân Mỹ có thẻ căn cước dán ảnh được quyền bỏ phiếu.
Trong khi đó với nhiều người Mỹ, thì thẻ bảo hiểm là thứ giấy tờ chính thức duy nhất của họ.



Switch mode views: