Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ai Cập : Tiếp tục cuộc chơi dân chủ

EGYPT-PROTESTS


Phe ủng hộ tổng thống Ai Cập bị lật đổ, Mohamed Morsi. Ảnh chụp ngày 12/07/2013
REUTERS/Suhaib Salem


Khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Ai Cập, với các cuộc biểu tình lớn ủng hộ tổng thống bị lật đổ Morsi, với hậu thuẫn của các lực lượng chính trị Hồi giáo, nhiều đụng độ đẫm máu xảy ra liên tục trong những ngày gần đây. Nhiều cảnh báo Ai Cập đang trên bờ vực nội chiến.

 Để cung cấp một cái nhìn đa chiều về những biến động dữ dội tại Ai Cập, tạp chí « Thảo luận Địa chính trị » của RFI có cuộc đàm thoại với ba chuyên gia về khu vực Bắc Phi, đặc biệt là Ai Cập.

Chủ đề chính trong cuộc trò chuyện kể trên là các đánh giá về ý nghĩa của cuộc đảo chính, vai trò chính trị của lực lượng Huynh đệ Hồi giáo trong hiện tại và tương lai, và đặc biệt là câu hỏi :

 Con đường nào sẽ đưa Ai Cập thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ?

Khách mời của tạp chí mà giáo sư Jean-Paul Chagnollaud, lãnh đạo tạp chí Confluences Méditerranée và giám đốc IREMMO, Viện nghiên cứu và đào tạo về Địa Trung Hải và Trung Đông, nhà chính trị học người Ai Cập Hisham Mourad, tổng biên tập tuần báo Al Ahram Hebdo, giáo sư đại học Cairo và giáo sư Jean Marcou, giám đốc quan hệ quốc tế Học viện chính trị Grenoble.

Huynh đệ Hồi giáo vẫn còn tính chính đáng chính trị

Theo Giáo sư Jean-Paul Chagnollaud, điều trước tiên cần chú ý là cần phải đánh giá đúng về « tính chính đáng chính trị » của phong trào Huynh đệ Hồi giáo sau khi chính phủ Morsi bị quân đội lật đổ, bất chấp những thất bại của chính quyền này trong thời gian một năm qua trên một loạt lĩnh vực :

« Trong chuyện này, có nhiều bình diện. Thứ nhất là các kết quả hành động của phong trào Huynh đệ Hồi giáo trong thời gian nắm quyền. Ở đây chúng ta có thể tranh luận nhiều.

Nhìn chung kết quả của một năm cầm quyền của tổ chức này là khá tai hại, trên nhiều phương diện như kinh tế, nhân quyền… Đây là chủ đề để tranh luận.  

Nhưng trên lĩnh vực chính trị, và như vậy cũng liên quan đến nền dân chủ, thì tôi không dám chắc chúng ta có thể nói là Huynh đệ Hồi giáo đã thất bại.

Không ! Đúng là các lực lượng chính trị Hồi giáo đã thất bại ở Algeri, ở Palestine trong những bối cảnh hết sức khác nhau. Tôi muốn nhấn mạnh đến điều này.

Người ta đã để cho họ trở lại chính trường, nhưng thay vì đánh bại họ, từ quan điểm dân chủ, tức là qua các cuộc bầu cử, người ta đã loại họ ra, bằng việc bác bỏ các kết quả như ở Palestine, ở Algeri, chúng ta nhớ đến những tấn kịch đã diễn ra, và cuộc đảo chính, nếu quân đội lật đổ chính phủ thì đấy rõ ràng là đảo chính, xét về mặt pháp lý.  

Theo tôi, tính chính đáng về chính trị hiện nay vẫn thuộc về Huynh đệ Hồi giáo. Ta có thể đưa ra nhiều phân tích về chuyện này.

 Tuy nhiên, tôi tin rằng chỉ có thể nói đến một thất bại chính trị của Huynh đệ Hồi giáo, nếu như họ bị thua trong một cuộc bầu cử. Tôi nói họ ở đây là để chỉ Huynh đệ Hồi giáo và đảng Al-Nour. Hiện tại, chúng ta đang ở trong một tình trạng hết sức mất cân bằng, và điều này mang trong lòng nó nhiều thứ, trong đó có nguồn gốc sản sinh ra bạo lực ».  

Đồng ý với nhận định này của giám đốc viện nghiên cứu về Địa Trung Hải và Trung Đông, giáo sư Jean Marcou, giải thích thêm :

« Rõ ràng là hơi đi quá xa khi nói rằng phong trào chính trị Hồi giáo đã thất bại, với những lý do mà ông Chagnollaud đã trình bày. Tuy nhiên, cần phải nói là, cùng lúc đó, chúng ta đang ở trong một giai đoạn bản lề, đối với Huynh đệ Hồi giáo, và phong trào chính trị Hồi giáo nói chung.  

Bởi vì đảng này, sau một năm cầm quyền, cũng như nhiều lực lượng chính trị Hồi giáo khác trong khu vực Địa Trung Hải, vừa nếm trải nhiều thất bại, những bất lực. Uy tín của các lực lượng này bị nghi ngờ. Cho dù, vấn đề chính theo tôi là, họ vẫn sở hữu được những nguồn lực hết sức to lớn.

 Đây là các đảng phái chính trị đã trải qua những thời kỳ hoạt động bí mật, hoặc nửa bí mật trong nhiều năm. Cho nên việc bị thất thế một lần nữa, đối với họ không phải là điều đáng sợ, chừng nào mà họ vẫn còn được sự ủng hộ của quần chúng rộng rãi tại Ai Cập, hay nơi khác.

Từ chỗ này mà nói về sự thất bại của phong trào chính trị Hồi giáo là thái quá, trong bối cảnh mà chúng ta không có được một cái nhìn đủ rõ ràng về những lực lượng hiện tại đang ủng hộ họ, cụ thể là sự ủng hộ của cử tri qua bầu cử, nếu không tính đến các cuộc phản kháng ngoài đường phố. »

Phong trào chính trị Hồi giáo phải thay đổi để thích ứng với dân chủ

Đưa ra một cái nhìn có phần khác với hai nhà nghiên cứu Pháp, giáo sư chính trị học người Ai Cập Hisham Mourad nhấn mạnh đến việc để có thể tiếp tục cầm quyền Huynh đệ Hồi giáo cần phải có những thay đổi rất căn bản :

 « Đây là một thất bại đối với phong trào chính trị Hồi giáo, cụ thể là tại Ai Cập, thời gian cầm quyền của họ đã để lại những kết quả thê thảm.
Tôi tin rằng trong cuộc tranh cử sắp tới, lực lượng chính trị Hồi giáo phải thay đổi, căn cứ trên các bài học, mà họ rút ra từ một năm vừa qua, để có thể lấy lại được uy tín trong thời gian trước bầu cử. Họ sẽ phải học cách trở nên ôn hòa hơn, đối xử tốt hơn với đối lập, sửa đổi các phát ngôn, học được các bài học thất bại, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị kinh tế trong thời gian vừa qua. »

Ông Mourad cũng nhắc đến bài học của đảng Ennahda ở Tunisia, chấp nhận nguyên tắc thế tục, và khẳng định tính trung lập về tôn giáo của nhà nước không hề đối lập với đạo Hồi.

Giáo sư Jean-Paul Chagnollaud đưa ra một góc nhìn lùi lại, để có thể so sánh được những xung đột và những khủng hoảng bạo liệt, những căng thẳng khó hóa giải trước mắt, với những diễn biến mang tính thời đại, cần được đo bằng thời gian của cả một thế hệ :

« Không thể nói đến thất bại của phong trào Mùa xuân Ả Rập. Không thể đánh đồng nhịp độ chuyển động của thời gian mang tính truyền thông với các diễn biến mang tính lịch sử.

Tôi tin rằng chúng ta đang ở trong bước ngoặt trong lịch sử các nước Ả Rập, tại khu vực Bắc Phi. Những biến đổi ở đây là hết sức lớn lao. Các xã hội dân sự đang đối diện với chính mình, ớ một mức độ nào đó. Một lịch sử mới đang được viết ra, và điều này không thể diễn ra trong ba tháng, trong một năm. Theo ý kiến của tôi, đây là công việc của cả một thế hệ, có thể là như vậy.

Nói chung là, những đảo lộn sẽ diễn ra trong nhiều năm. Thế giới Ả Rập đang thay đổi sâu sắc, và bản thân nó đã bắt đầu thay đổi, chỉ có điều người ta đã không muốn nhìn nhận. Hiện tại, thì ta thấy. Những biến động dữ dội sẽ còn kéo dài. Tôi cho rằng không hợp lý khi đưa ra một khẳng định mang tính kết luận, đấy là một thất bại hay một thành công. »

Mấu chốt là sự cân bằng quyền lực

Đưa ra một tóm lược để kết lại cuộc trao đổi là nhận xét của nhà chính trị học Jean Marcou.

 Điều mà giáo sư Marcou đặc biệt nhấn mạnh là : Bên cạnh tính hợp pháp và chính đáng chính trị thông qua các lá phiếu cử tri, một điều then chốt trong quá trình chuyển đổi dân chủ hiện nay ở Ai Cập là xác lập được « thế cân bằng quyền lực », với sự tham gia chủ động của xã hội dân sự, đã được giải tỏa khỏi nỗi sợ khi còn phải sống dưới chế độ độc tài :

 « Dù sao thì, những sức mạnh năng động tại khu vực này chưa bao giờ ngừng nghỉ. Chúng ta đã thấy thời kỳ khởi đầu của phong trào Mùa xuân Ả Rập, đặc biệt là ở Ai Cập, mặc dù tiến trình này là hết sức khó khăn. Tôi tin rằng, trước khi nói đến các vấn đề chính trị, hiện nay chúng ta đã có một xã hội năng động hơn nhiều.  

Tại sao mọi người lại phản ứng như vậy đối với chính phủ Morsi và các vấn đề được đặt ra trong xã hội ? Về cơ bản là do dân chúng không còn sợ hãi nữa. Bởi vì, hiện tại, đã có các định chế, xã hội dân sự được huy động.  

Thực sự là những kết quả đầu tiên của phong trào Mùa xuân Ả Rập mang đầy tính tương phản, vì những lý do không chỉ mang tính chính trị, mà còn cả về mặt kinh tế và xã hội.

Nhưng điều quan trọng là những biến chuyển này đã làm thay đổi các xã hội Ả Rập.  

Hiển nhiên là để ổn định được quá trình thay đổi này, để đạt được các kết quả kinh tế, làm xã hội được bình an, thì sẽ cần phải rất nhiều thời gian, rất nhiều năm nữa.

Nhưng tôi tin rằng, qua những biến cố tại Ai Cập, chúng ta thấy một hiện tượng là : Nhiều lực lượng xã hội khác nhau đã và đang thiết lập nên những thế cân bằng mới. Điều này đang diễn ra, và không thể chỉ một vài ngày là xong.

Tôi cho rằng, nuối tiếc về cuộc cách mạng đã xảy ra là điều không có ý nghĩa. Các chế độ trước đó đã đưa xã hội vào ngõ cụt.

Hiện nay, chúng ta nên hiểu rằng, chính phong trào này đã tạo nên một sự đứt gẫy với quá khứ.

 Sự đứt đoạn này đã mở ra một giai đoạn mới : Đây là giai đoạn xác định các trạng thái cân bằng quyền lực mới. Quá trình tái xác định thế cân bằng rất có thể sẽ kéo dài. »


Switch mode views: