Một số Chùa Việt ở Thái lan hiện nay
- Chúa Nhật, 13 tháng Chín năm 2015 09:53
- Tác Giả: Anh Vũ, thông tín viên RFA
Lễ Vu lan Báo hiếu tại chùa Cảnh Phước (Wat Samananam-korihan), Bangkok. Chùa Cảnh Phước ở Thái Lan theo tên sư trụ trì là một người Việt. Chùa cũng có tên Thái là Somananam Bhorihan PGVN
Cách đây khoảng 200 năm, cùng với sự xuất hiện của cộng đồng người Việt ở Thái lan thì một số ngôi Chùa người Việt cũng được xây cất lên. Tuy nhiên cho đến hôm, các ngôi Chùa Việt đó còn tồn tại và hoạt động như thế nào?
Phật giáo Việt nam du nhập vào Thái lan vào khoảng thế kỷ thứ 18 và những ngôi Chùa Việt đầu tiên được xây dựng bởi những Phật tử thuộc Hoàng tộc triều Nguyễn, chạy sang lánh nạn tại nước Thái trong bối cảnh giao tranh giữa Chúa Nguyễn và nhà Tây sơn, giai đoạn (1768-1782 ).
Phái Việt tông ở Thái Lan
Khi đó Phật giáo VN được coi là tôn giáo của tầng lớp quý tộc VN, nên được các Vua Thái hết sức ủng hộ và giúp đỡ. GS. Đỗ Thúy Hà, một nhà nghiên cứu tại Viện Đại học Chulalongkorn, Thái lan nói với chúng tôi:
“Đó là cái may mắn của tông phái Việt tông. Theo biên niên sử của Thái có ghi lại, Vua Thái Rama VI trước khi làm Vua thì gần như suốt đời đi tu và có quen biết với Hòa thượng Thích Chân Hưng, người đứng đầu Phật giáo của người Việt ở Xiêm lúc đó, nên đã giúp đỡ rất nhiều. Từ thời Vua Rama VI thì lễ nghi của Việt tông được giới thiệu vào trong Hoàng cung, đầu tiên là lễ công đức.”
Đến thời Vua Rama V, Phật giáo Việt Nam được công nhận chính thức và có tên là Annamnikaya. Kể từ đó nhiều ngôi Chùa thuộc dòng Annamnikaya được xây dựng, để đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người Việt tại Xiêm lúc đó. GS. Đỗ Thúy Hà cho biết:
“Đến thời Vua Rama V thì chính thức công nhận 2 tông phái của Phật giáo Đại thừa trong Phật giáo ở Thái lan. Đó là cái may mắn của tông phái Việt tông, bởi vì kể từ khi đó không có tông phái nào được đăng ký thêm. Đáng chú ý, mặc dù cộng đồng người Trung quốc đến Thái trước người Việt từ rất lâu, song đến thời Vua Rama V cũng chưa có một ngôi chùa Trung quốc được ghi nhận ở Thái cả. Cho đến bây giờ các Chùa Việt ở Thái còn rất có uy tín trong cộng đồng người Thái gốc Hoa.”
Theo biên niên sử của Thái có ghi lại, Vua Thái Rama VI trước khi làm Vua thì gần như suốt đời đi tu và có quen biết với Hòa thượng Thích Chân Hưng, người đứng đầu Phật giáo của người Việt ở Xiêm lúc đó, nên đã giúp đỡ rất nhiều. Từ thời Vua Rama VI thì lễ nghi của Việt tông được giới thiệu vào trong Hoàng cung
GS. Đỗ Thúy Hà
Đến nay, Chùa Việt nam thuộc Annamnikaya đã có 16 ngôi chùa nằm rải rác ở một số tỉnh trên đất Thái, như Chanthaburi, Chachoengsao, Udol, Songkhla... song chủ yếu là tập trung ở khu vực trung tâm cũ của thủ đô Băng cốc. Tuy vậy đến nay, các ngôi Chùa Việt lâu nay đã vắng bóng các Phật tử và tu sĩ gốc Việt. Và những người Thái lan gốc Hoa đã có vai trò rất mạnh để lên thay thế người VN.
Ông Nguyễn Văn Chính, chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Udol, đồng thời là một Phật tử khẳng định:
Chùa Khánh Vân – Wat Upairadbamrung (thuộc tông Annam tại Thái Lan)
“Chùa Việt ở Thái lan tôi nghe có 20 chùa, nhưng bây giờ không có người Việt nào vào tu ở đây hết. Còn ở tỉnh Udol của chúng tôi cũng có một ngôi chùa Việt, nghe nói tụng kinh Phật bằng tiếng Việt nam, tôi chỉ nghe nói vậy. Bình thường 1 năm có 4 ngày lễ lớn thì nhà Chùa mời tất cả các phật tử người Hoa, người Việt, người Thái đến dự lễ.”
Vẫn hoạt động theo truyền thống Phật giáo Việt nam
Chúng tôi đã đến Chùa Kusolsamakorn, có tên Việt là Chùa Phổ Phước, nằm tại Yaovarath - khu vực buôn bán sầm uất nhất của người Hoa thường được biết đến dưới tên China Town. Đồng thời cũng là trụ sở Văn phòng của tông phái Việt tông. Tại đây, kiến trúc và cách bài trí tượng Phật và đồ thờ cúng trong Chùa vẫn mang đậm bản sắc của Chùa Việt nam, tuy nhiên bên ngoài thì trang trí những họa tiết của Phật giáo Trung hoa. Trao đổi với chúng tôi, Sư thầy Mahaknanay Thamapanyathiwatr cho biết:
Đại ý Sư thầy cho biết rằng đây là một ngôi Chùa Việt, do người Việt xây dựng cách đây khoảng 200 năm, nhưng đến nay thì không có tăng ni, phật tử người Việt. Hiện nay nhà Chùa vẫn gìn giữ và hoạt động theo truyền thống Phật giáo Việt nam, tuy vậy cũng đã có sự thay đổi một ít sinh hoạt để phù hợp với truyền thống Phật giáo Thái lan và văn hóa của người Thái gốc Hoa.
Trong âm thanh mà quý thính giả vừa nghe ở trên, có xen lẫn tiếng tụng kinh trong một buổi lễ của Chùa và được biết bản sắc văn hóa VN vẫn được cố gắng gìn giữ tại các Chùa Việt cho đến nay đó là các bài kinh kệ được tụng theo lối An nam tông – xen lẫn tiếng Phạn và tiếng Việt.
Chúng tôi cũng đến Chùa Uphairath Bamrung, tên Việt là Chùa Khánh Vân, là ngôi chùa của Hòa thượng Thích Chân Hưng được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX bằng tiền của 2 đời Vua Thái Rama IV và Rama V ban tặng. Qua quan sát chúng tôi thấy ngôi chùa này theo kiến trúc Việt nam và trong chùa có một khu vực dành để nói về Chúa Nguyễn Ánh. Trao đổi với chúng tôi, một vị sư trong Chùa không muốn nêu danh tính cho biết:
Đến đời Vua Rama V thì các lễ nghi quan trọng trong Hoàng cung bắt buộc phải mời các Hòa thượng Việt tông vào làm lễ và kể từ đó cho đến bây giờ thì tât cả các lễ tang trong Hoàng cung, nếu chưa có các Hòa thượng Việt tông đến làm lễ thì coi như là lễ tang chưa xong
GS. Đỗ Thúy Hà
Đại ý ông cho biết rằng, đến nay các Sư và Tiểu vào tu trong dòng Việt tông đều là người Thái và người Thái gốc Hoa, những người này không biết tiếng Việt nam mà chỉ tập tụng kinh và học thuộc lòng đủ để thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Phật tử đến chùa cũng chỉ có người Thái gốc Hoa. Trừ các vị Cao tăng còn ăn chay, còn lại các vị sư khác cũng phải đi khất thực và ăn mặn như Phật giáo truyền thống. Ông còn cho biết thêm, ở chùa này thỉnh thoảng cũng có các vị sư ở Việt nam sang với mục đích tìm hiểu và học tập.
Chúng tôi cũng có đến thăm một số ngôi Chùa Việt khác ở Băng cốc và có cảm giác chung là trống vắng.
Tuy vậy, Phật giáo Việt tông vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo ở Thái lan. GS. Đỗ Thúy Hà nhận định:
“Đến đời Vua Rama V thì các lễ nghi quan trọng trong Hoàng cung bắt buộc phải mời các Hòa thượng Việt tông vào làm lễ và kể từ đó cho đến bây giờ thì tât cả các lễ tang trong Hoàng cung, nếu chưa có các Hòa thượng Việt tông đến làm lễ thì coi như là lễ tang chưa xong. Có nghĩa là bắt buộc phải cóthì mới đúng lễ nghi. Cho đến bây giờ, các bộ quần áo hay mũ của các Hòa thượng dùng làm lễ trong Hoàng cung vẫn được đặt từ Huế sang.”
Đến nay, hiện tượng bản sắc văn hóa Phật giáo Việt nam ở các Chùa Việt cũng đã và đang bị mai một một cách đáng kể. Thay vào đó là các tập tục của Phật giáo Thái lan, và các hình thức nghi lễ đã có nhiều thay đổi để phù hợp với sắc tộc và nền văn hóa của người Hoa để tồn tại. Đó là chưa kể đến một ngôi Chùa Việt đến nay đã bị bỏ hoang. GS. Đỗ Thúy Hà nói:
“Thực ra vấn đề này tôi cũng đưa về VN để trao đổi với Giáo hội nhiều lần, trong các đại lễ vô sắc tôi cũng có nói và đưa các Hòa thượng từ VN qua và các vị đó cũng biết vấn đề đó. Song đó là một vấn đề hết sức nhạy cảm, vì cái đó hiện trực thuộc của Phật giáo Thái lan rồi.”
Phật giáo Việt tông, hay tông phái Annamnykaya đến Thái lan cùng thời Chúa Nguyễn Ánh sang lánh nạn ở Xiêm và trở thành một bộ phận quan trọng của Phật giáo Thái lan. Việt tông, một trong 3 tông phái chính thức được công nhận của Phật giáo ở Thái lan.
Related news items:
Tin mới
- Có được phép mang thai hộ người khác không? - 18/01/2016 20:14
- Gương cầu nguyện: Các Nữ Tu Hồng đã liên lỉ cầu nguyện 100 năm và đang tiến hành thêm 100 năm nữa. - 30/12/2015 00:20
- Câu chuyện Mục Vụ 'có thực mới vực được đạo' hay chuyện một bà Sơ vô địch nấu nướng. - 14/11/2015 17:47
- Có linh hồn nào ''mồ côi'' và ''khốn nạn'' không? - 04/11/2015 00:18
- Nhà cầm quyền ngưng đập phá tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm - 25/10/2015 10:38
- Giáo dân tập trung phản đối phá trường học thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm - 22/10/2015 19:33
- Ra mắt tuyển tập 'Công Giáo Việt Nam 2005-2015' - 07/10/2015 17:16
- Tông du của ĐGH Francis 'rất thành công về mặt chính trị và tôn giáo' - 28/09/2015 09:52
- Giáo dân Việt Nam đón Đức Giáo Hoàng: 'Mong gặp vị cha chung' - 26/09/2015 16:50
- 'Ðức thánh cha muốn mọi người cảm nhận tình yêu Thiên Chúa' - 11/09/2015 17:06
Các tin khác
- Vu Lan - Ngày Lễ Cha Mẹ của Người Việt - 28/08/2015 02:22
- Đại lễ Cúng Cô Hồn Trận Vong ở Huế - 20/07/2015 18:47
- Ðại Hội Giới Trẻ kỳ 5 - sức sống và niềm tin - 04/07/2015 14:33
- Từ Hiếu, ngôi chùa đặc biệt triều Vua Nguyễn - 04/06/2015 12:41
- Đức Giáo hoàng: Hãy mang chính trị vào các giáo xứ - 10/05/2015 14:02
- Linh mục Phan Văn Lợi và TT Thích Không Tánh bị côn đồ sách nhiễu,hăm dọa - 22/03/2015 22:25
- Đông đảo giáo dân Việt dự Đại Hội Giáo Lý Công Giáo Los Angeles - 16/03/2015 19:50
- Nhu cầu tâm linh và lời hứa suông của chính quyền - 16/01/2015 00:52
- Lễ Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ bị ngăn cản - 16/01/2015 00:47
- Lệnh dỡ nhà thờ giáo xứ Dak Jak - 16/01/2015 00:42